[Ứng dụng Lâm sàng] THUYẾT KIỂM SOÁT VẬN ĐỘNG – SỐ 2

Rate this post

THUYẾT KIỂM SOÁT VẬN ĐỘNG – SỐ 2

THUYẾT MÔ HÌNH PHÂN CẤP (HIERARCHICAL THEORY)

Nhiều nhà nghiên cứu đã đóng góp vào quan điểm rằng hệ thần kinh được sắp xếp theo thứ bậc. Trong số đó, Hughlings Jackson, một bác sĩ người Anh, đã tranh luận rằng não có mức kiểm soát cao, giữa và thấp, tương đương với các vùng liên hệ cấp cao, võ não vận động và mức cột sống của chức năng vận động.
Nhìn chung, kiểm soát theo mô hình phân cấp được định nghĩa là kiểm soát có tổ chức từ trên xuống dưới. Nghĩa là, mỗi mức kiểm soát cao kiểm soát lên mức thấp hơn nó. Theo sự phân cấp chặt chẽ từ trên xuống dưới, dòng kiểm soát không bắt ngang và không bao giờ có sự kiểm soát từ dưới lên (xem hình 1).
Hình 1: Mô hình kiểm soát phân cấp được đặc trưng bởi cấu trúc từ trên xuống dưới, trong đó trung tâm cấp cao luôn kiểm soát trung tâm cấp thấp.
Vào những năm 1920, Rudolf Magnus bắt đầu nghiên cứu chức năng của các phản xạ khác nhau trong các phần khác nhau của hệ thần kinh. Ông nhận thấy rằng các phản xạ mà được kiểm soát bởi các mức thấp trong hệ phân cấp thần kinh chỉ hiện diện khi các trung tâm võ não bị tổn thương. Các kết quả này sau đó được diễn giải để nhấn mạnh rằng các phản xạ là một phần của hệ thống phân cấp kiểm soát vận động, trong đó các trung tâm cấp cao thường ức chế các trung tâm phản xạ cấp thấp.
Sau đó, Georg Schltenbrand (1928) đã sử dụng các khái niệm của Magnus để giải thích sự phát triển vận động ở trẻ em và người trưởng thành. Ông mô tả sự phát triển vận động của con người theo khía cạnh sự xuất hiện và sự biến mất của tiến triển các phản xạ được sắp xếp theo cấp bậc. Ông tiếp tục cho rằng bệnh học của não bộ có thể dẫn đến sự tồn tại dai dẳng của các phản xạ cấp thấp nguyên thủy. Ông nói rằng sự hiểu biết hoàn chỉnh về tất cả phản xạ cho phép xác định tuổi thần kinh của một đứa trẻ hoặc một bệnh nhân bị rối loạn kiểm soát vận động.
Vào cuối những năm 1930, Stephan Weisz đã báo cáo về các phản ứng phản xạ được sắp xếp theo cấp bậc mà ông nghĩ là nền tảng cho sự thăng bằng ở người. Ông mô tả sự phát triển cá thể của các phản xạ thăng bằng ở trẻ phát triển bình thường và đưa ra mối liên hệ giữa sự thuần thục của các phản xạ này và khả năng ngồi, đứng và đi của trẻ.
Kết quả của các thí nghiệm và quan sát này được kết nối với nhau và thường được xem là một thuyết phân cấp/phản xạ của kiểm soát vận động trong tài liệu lâm sàng. Thuyết này cho rằng kiểm soát vận động bắt nguồn từ các phản xạ được lồng ghép bên trong các mức tổ chức phân cấp của hệ TKTU.
Vào những năm 1940, Arnold Gesell và Myrtle McGraw, hai nhà nghiên cứu nổi tiếng, đã đưa ra các mô tả chi tiết về sự thuần thục của trẻ sơ sinh. Họ đã ứng dụng cách nghĩ khoa học hiện hành về phân cấp phản xạ của kiểm soát vận động để giải thích các hành vi mà họ thấy ở trẻ sơ sinh. Sự phát triển vận động bình thường được cho là do sự phát triển gia tăng của võ não, dẫn đến sự hình thành của các mức kiểm soát cao lên các phản xạ ở mức thấp. Điều này được xem là thuyết thuần thục thần kinh trong phát triển (xem hình minh họa 2).
Hình 2: thuyết thuần thục thần kinh được dựa trên thuyết phản xạ/phân cấp của kiểm soát vận động và đóng góp sự phát triển vận động vào sự thuần thục của thần kinh, bao gồm sự xuất hiện và biến mất tiến triển của các phản xạ

Thuyết này giả định rằng sự thuần thục của hệ thần kinh trung ương là tác nhân chính cho sự thay đổi trong quá trình phát triển. Nó làm giảm tầm quan trọng của các yếu tố khác trong quá trình phát triển như là sự thay đổi về cơ xương.

CÁC KHÁI NIỆM HIỆN THỜI LIÊN QUAN ĐẾN KIỂM SOÁT PHÂN CẤP

Từ công trình gốc của Hughlings Jackson, một khái niệm mới về kiểm soát phân cấp đã được tạo ra. Các nhà khoa học thần kinh hiện đại đã xác nhận tầm quan trọng của các thành phần thuộc tổ chức phân cấp trong kiểm soát vận động. Khái niệm về sự phân cấp chặt chẽ mà trong đó các trung tâm cấp cao luôn nắm kiểm soát đã được chỉnh sửa. Các khái niệm hiện tại đã nhận ra sự thật rằng mỗi cấp của hệ thần kinh có thể kiểm soát các cấp khác (cấp cao và cấp thấp), tùy thuộc vào nhiệm vụ. Thêm vào đó, vai trò của các phản xạ trong vận động đã được chỉnh sửa. Các phản xạ không được xem là yếu tố quyết định đơn thuần của kiểm soát vận động mà chỉ được xem là một trong nhiều quá trình quan trọng để kích hoạt và kiểm soát vận động.

HẠN CHẾ

Thuyết mô hình phân cấp không thể giải thích sự lấn át của hành vi phản xạ trong các tình huống nhất định ở người trưởng thành phát triển bình thường. Ví dụ, dẫm lên một cây kim dẫn đến sự rụt lại ngay lập tức của chân. Đây là một ví dụ của một phản xạ nằm trong mức thấp nhất của phân cấp lấn át chức năng vận động và là một ví dụ của kiểm soát từ dưới lên. Hơn nữa, ta phải cẩn thận khi nhận định rằng tất cả các hành vi cấp thấp đều nguyên thủy, chưa thuần thục và không có khả năng thích nghi còn các hành vi vỏ não cấp cao là thuần thục, có khả năng thích nghi và phù hợp.

ỨNG DỤNG LÂM SÀNG

Thuyết mô hình phân cấp đã được sử dụng bởi nhiều bác sĩ lâm sàng để giải thích các kiểm soát vận động bị rối loạn ở bệnh nhân bị rối loạn thần kinh. Signe Brunnstrom, trị liệu viên tiên phong phục hồi chức năng đột quỵ ở giai đoạn sớm, đã sử dụng thuyết phân cấp phản xạ để mô tả vận động bị rối loạn do tổn thương vỏ não vận động. Bà khẳng định rằng “Khi sự ảnh hưởng của các trung tâm cấp cao dừng tạm thời hoặc vĩnh viễn thì các phản xạ bình thường trở nên quá mức và những phản xạ bệnh học xuất hiện”
Berta Bobath, một trị liệu viên người Anh, trong bài thảo luận của bà về phản xạ tư thế bất thường ở trẻ bị bại não, đã nói rằng “sự giải phóng của các phản hồi vận động được tích hợp tại các cấp thấp khỏi sự ảnh hưởng của các trung tâm cấp cao, nhất là của vỏ não, dẫn đến hoạt động phản xạ tư thế bất thường”.
Advertisement
Các phương pháp tạo thuận thần kinh (neurofacilitation approaches) gồm phương pháp Bobath, phương pháp Rood, phương pháp Brunnstrom, phương pháp tạo thuận thần kinh cơ cảm thụ bản thể (PNF – Proprioceptive neuromuscular facilitation) và trị liệu tích hợp cảm giác (sensory integration therapy) đều được dựa trên các giả định từ thuyết phản xạ và thuyết phân cấp của kiểm soát vận động. Khi áp dụng vào lâm sàng, các giả định này cho rằng thăm khám kiểm soát thần kinh nên tập trung vào nhận diện sự hiện diện hoặc vắng mặt của các phản xạ bình thường và bất thường. Can thiệp nên hướng đến điều chỉnh các phản xạ kiểm soát vận động  tập trung vào điều chỉnh hệ TKTU qua kích thích cảm giác. Một mục tiêu của trị liệu là tái gây dựng kiểm soát vận động độc lập bằng các trung tâm cấp cao của hệ TKTU. Thêm nữa, can thiệp hướng đến giúp bệnh nhân tái gây dựng kiểu vận động bình thường như một cách thúc đẩy hồi phục chức năng.

Xin chân thành cảm ơn về những chia sẻ bổ ích từ tác giả đến Diễn đàn Khoa y!
[ https://www.facebook.com/groups/ylamsang/permalink/1194909067621716/ ]
Nguồn bài viết: Lương Minh Phương

Giới thiệu Nguyễn Thị Mai Thi

Check Also

Ca hình ảnh học 42: Gãy mỏm răng C2 (Odontoid fracture)

Ca hình ảnh học 42:Gãy mỏm răng C2 (Odontoid fracture) Một tình huống gãy mỏm …