Cuộc xâm lược và di căn của các tế bào ung thư.
– Khối u lành tính thường không xâm lấn. Ngoại trừ là một u sợi bì, xâm lấn mô nhưng không di căn. Các khối u lành tính thường được bao bọc bởi một bao mô sợi, ngoại trừ là u cơ trơn tử cung (khối u lành tính của cơ trơn. không có bao mô sợi).
– Khối u ác tính
Xâm lấn mô: Xâm lấn là một tiêu chí quan trọng đối với bệnh ác tính.
Một số mô đề kháng lại sự xâm lấn. Ví dụ bao gồm sụn trưởng thành và mô đàn hồi của động mạch.
Tất cả các khối u ác tính cần oxy và chất dinh dưỡng để tồn tại bằng cách kích thích sự tăng sinh mạch tại khối u và các vị trí di căn của nó (Hình 1)
(1) Sự tăng sinh mạch máu, hoặc sự hình thành mạch máu mới, xảy ra bằng cách hình thành mầm mao mạch từ các mao mạch có từ trước (mao mạch cha mẹ) và / hoặc bằng cách kích thích tổng hợp các tế bào tiền thân nội mô (EPCs) từ tủy xương di chuyển đến vị trí khối u.
(2) Yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) và các yếu tố tăng trưởng khác được tạo ra bởi khối u tác động trực tiếp lên các tế bào nội mô mao mạch gốc để phát triển mầm mao mạch mới. Yếu tố hoại tử khối u (TNF: tumor necrosis factor) được phóng thích bởi đại thực bào là rất quan trọng trong việc kích thích các tế bào khối u để tạo ra các yếu tố sinh mạch này.
(3) Các yếu tố hóa ứng động được tạo ra bởi các tế bào khối u và tế bào viêm (đặc biệt là đại thực bào) hỗ trợ thu hút các tế bào nội mô từ mao mạch gốc để hình thành mầm mao mạch mới.
(4) Enzyme (ví dụ, protease) điều chỉnh sự cân bằng giữa sự sinh mạch và nhiều yếu tố có thể ức chế sự sinh mạch (ví dụ, angiostatin, endostatin).
(5) Enzyme cũng làm thoái hoá màng đáy trong các mạch gốc để cho phép các tế bào nội mô di chuyển và hình thành các mầm mao mạch mới.
(6) TB tiền thân nội mô (endothelial precursor cells:EPC) từ tủy xương cũng được sử dụng trong quá trình hình thành mạch máu mới.
(7) Kháng thể đơn dòng đã được phát triển để ức chế sự sinh mạch của khối u. Ví dụ bevacizumab là một kháng thể người tái tổ hợp, ức chế sự gắn kết của VEGF với các tế bào nội mô trong các mầm mao mạch mới. Kháng thể đơn dòng được chỉ định để điều trị ung thư đại tràng di căn và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Trình tự xâm lấn máu (mao mạch) bởi các khối u ác tính (được minh họa trong Hình 2).
(1) Trình tự xâm lấn tương tự cũng được áp dụng cho sự xâm lấn của mạch bạch huyết hoặc tĩnh mạch.
(2) Sơ đồ (Hình 2) cho thấy khối u nguyên phát nằm trên màng đáy của mao mạch. Lưu ý tầm quan trọng của sự sinh mạch trong việc duy trì khả năng tồn tại của khối u nguyên phát cũng như các ổ di căn
(3) Trong khối u nguyên phát, có sự tăng sinh phân bào, phát triển khả năng xâm lấn và di căn.
(4) Bước quan trọng đầu tiên trong sự xâm lấn của những tế bào ác tính là làm cho các tế bào ác tính mất đi các phân tử kết dính giữa tế bào với tế bào (cadherin).
(5) Bước quan trọng thứ hai là các thụ thể tế bào gắn vào laminin (một glycoprotein) trong màng đáy và giải phóng metallicoproteinase (ví dụ, collagenase, stromelysins, gelatinase) để làm thoái hoá màng đáy và các enzyme khác để làm thoái hoá mô liên kết ở khoảng kẽ.Các chất ức chế mô của metallicoproteinase trung hòa các enzyme được sản xuất bởi khối u và hạn chế mức độ xâm lấn.
(6) Bước quan trọng thứ ba là cho các thụ thể tế bào gắn vào fibronectin và các protein khác trong mạng lưới ngoại bào (Extracellular matrix:ECM) và phá vỡ nó.
(7) Bước quan trọng thứ tư là các tế bào ác tính sản xuất ra các cytokine kích thích sự vận động, để chúng có thể di chuyển qua màng đáy và các mạng lưới nội bào và ngoại bào.
(8) Khi các tế bào ác tính gặp phải mao mạch, chúng phải xâm nhập vào các mạch máu (được gọi là xuyên nội mạch) để vào vi tuần hoàn.
(9) Trong khi lưu hành trong tuần hoàn, một số tế bào ác tính gặp phải các tế bào bảo vệ vật chủ (ví dụ: tế bào T độc, tế bào giệt)và bị phá hủy, trong khi các tế bào khác thoát khỏi sự phá hủy này. Trong phẫu thuật ung thư, các tế bào ác tính xâm nhập vào tuần hoàn do thao tác mô có thể tạo ra sự di căn.
(10) Các tế bào khối u thoát khỏi sự phá hủy hình thành tế bào khối u có khả năng thuyên tắc được bao phủ bởi tiểu cầu và fbrin.
(11) Khối u thuyên tắc xâm nhập vào mao mạch của cơ quan đích, gắn vào thành mạch máu, và lặp lại quá trình xâm lấn gồm bốn bước (được gọi là xâm nhập ngoại mạch) để thiết lập một ổ di căn mà sẽ phát triển và tiếp tục lan rộng khắp cơ quan đích.
(12) Những khối u thuyên tắt này ổn định tại vị trí mới phụ thuộc vào một vài yếu tố. (a) Đôi khi vị trí di căn là giường mao mạch đầu tiên mà nó gặp phải. (b) Đôi khi, nó di chuyển qua đám rối tĩnh mạch Batson ở cạnh cột sống và kết thúc ở cột sống.(c) Đôi khi ung thư nguyên phát giải phóng các chemokine đặc biệt đến các vị trí có thụ thể chemokine tương tự như trong các khối u nguyên phát. (d) Đôi khi các cơ quan đích giải phóng các chất hóa ứng động gây ra tín hiệu cho các tế bào khối u lắng đọng tại vị trí đó.
Bài viết được dịch bởi BS Trương Ngọc Thắng
Hiệu chỉnh bởi BS Lương Thị Trang.
Cảm ơn sự tham gia của BS Thắng, Hy vọng sẽ có những bài viết cơ bản về lĩnh vực Ung thư, đặc biệt mảng xạ trị.