[VACCINE] DƯƠNG RỒI ÂM & VẮC XIN

Rate this post
Thứ 7 ngày 7 tháng 11, là một ngày không may mắn với PNM.
Mấy ngày cuối tuần, sinh viên M 21 tuổi bị sốt cao, đi khám ở Bệnh viện Giao thông Vận tải được kê đơn thuốc về điều trị với chẩn đoán sốt vi rút. Sau 1 tuần không đỡ, M đi khám lại và được lấy mẫu chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả xét nghiệm ngày 15 tháng 11 dương tính với COVID-19.
Trước đó M được chẩn đoán COVID-19 vào ngày 25 tháng 8.
Đến ngày 15 tháng 9, M xét nghiệm âm tính, được bác sĩ cho ra viện. Từ ngày 15 tháng 9 đến ngày 15 tháng 11 vừa tròn 2 tháng. Truyền thông gọi đây là ca bệnh lạ, cộng đồng Facebook và Zalo sốc, nhiều bạn bè hỏi tôi tại sao sau 2 tháng âm tính giờ lại dương.
Kết quả xét nghiệm hôm nay lại âm!
Trên thế giới, những trường hợp âm rồi lại dương, đến nay không còn xa lạ.
Theo truyền thông nước ngoài, một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những bệnh nhân COVID-19 có thể dương tính trở lại sau khi khỏi bệnh, thậm chí là vài tháng sau vẫn dương. Một trong số đó là trường hợp của bác sĩ tại Trung tâm Y tế Ramat Gan’s Sheba ở Israel, được phát hiện nhiễm vi rút vào tháng 4, âm tính vào tháng 5, đến cuối tháng 7 lại có kết quả dương tính.
Một nghiên cứu ở Ý trên 4500 bệnh nhân COVID-19, được công bố trên tạp chí BMJ, cho thấy phải mất trung bình 36 ngày để vi rút thải hết ra khỏi cơ thể. Nghiên cứu cũng khẳng định bệnh nhân cao tuổi, hay những ca nặng, thì thời gian đào thải vi rút có thể kéo dài hơn nữa.
Lí giải cho việc xét nghiệm dương tính, các chuyên gia đều cho rằng một số trường hợp tải lượng vi rút cao bám sâu vào các mô cơ thể nên vi rút bị đào thải chậm. Cũng có thể do người bệnh chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng các triệu chứng đã hết, một số ca bệnh Ebola cũng có hiện tượng này. Tuy nhiên, với những ca dương tính ở giai đoạn phục hồi, các chuyên gia đều khẳng định tải lượng vi rút không đủ để lây nhiễm cho người khác.
Tái dương tính không phải là điều đáng lo!
Nghiên cứu công bố trên BMJ còn khẳng định xét nghiệm trong giai đoạn phục hồi có tỉ lệ 1:5 dương tính giả, nghĩa là cứ 5 người dương tính thì sẽ có 1 trường hợp là dương tính giả. Lí do dương tính giả, theo các chuyên gia, là khi cơ thể vẫn đang tiếp tục thải ra các mảnh vi rút, làm cho xét nghiệm PCR bị nhầm lẫn.
Tôi quan tâm đến thời gian tồn tại của vi rút trong cơ thể, liệu SARS-CoV-2 có gây nhiễm bệnh dai dẳng hay không, rất tiếc khoa học đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Về nguyên lí, vi rút SARS-CoV-2 có thể tấn công vào các tế bào có thời gian tồn tại lâu dài, ví dụ như tế bào thần kinh; khi đó hệ miễn dịch cơ thể rất khó tiêu diệt vi rút.
Cuối cùng tôi xin nói thêm về vắc xin!
Vào ngày mùng 9 tháng 11, tập đoàn dược phẩm khổng lồ của Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech đã công bố phân tích tạm thời về các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối với vắc xin COVID-19. Đã có tổng số 43.535 người ở 6 quốc gia tình nguyện tiêm thử vắc xin. Công ti cho biết kết quả phân tích ban đầu, trong số 94 ca nhiễm COVID-19, có 86 ca tiêm giả dược, trong khi số ca nhiễm tiêm vắc xin chỉ là 8, như vậy vắc xin đạt tới hơn 90% hiệu quả.
Dữ liệu chưa được công bố trên các tạp chí đã bình duyệt.
Hiện tại, số người đăng kí thử nghiệm lâm sàng đã đạt tới con số 44.000 người, chia đều 2 nhóm tiêm vắc xin và giả dược, con số kì vọng là 164 ca nhiễm để đánh giá hiệu quả vắc xin. Pfizer đã kết thúc tiêm thử nghiệm, nhưng thời gian theo dõi khoảng 2 tháng, nên phải đến cuối tháng 11 mới kết thúc, sau đó Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) mới có thể cấp phép lưu hành.
Vắc xin sau phê duyệt liệu có đến được Việt Nam?
Câu trả lời của tôi là: KHÔNG THỂ!
Bởi vì, về giá cả vắc xin sẽ rất đắt, không biết Pfizer bán ra thị trường thế giới là bao nhiêu, nhưng các hãng dược phẩm khác đánh tiếng giá vắc xin COVID-19 chưa bao giờ là rẻ.
Giá cả chỉ là một phần, điều quan trọng là khâu bảo quản, vắc xin COVID-19 của Pfizer phải bảo quản ở điều kiện -80⁰C. Tôi được biết Việt Nam chưa có hệ thống bảo quản ở nhiệt độ quá thấp như thế này, nên dù có nhiều tiền đi chăng nữa, thì chúng ta cũng không thể nhập khẩu được vắc xin. Đến thời điểm hiện tại, Viện Y học Lâm sàng Nhiệt đới Trung ương mới có 28 tủ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương mới có 10 tủ âm 80 độ C, còn số ít tủ ở các viện khác, nên không thể nhập khẩu vắc xin với số lượng lớn để bảo quản.
Advertisement
Hiệu quả hơn 90% là một kết quả ngoạn mục, nhưng chúng ta nên nhớ rằng đây là một phân tích tạm thời, dựa trên 94 trường hợp nhiễm COVID-19, với 86 người tiêm giả dược và 8 người tiêm vắc xin. Nghiên cứu phải có ít nhất 164 trường hợp mắc bệnh, phải có thời gian theo dõi dài hơn với 44.000 người tình nguyện, thì lúc đó mới đánh giá được hết hiệu quả.
Thành công của vắc xin Pfizer là tuyệt vời!
Nhưng thế giới chưa thể kết thúc đại dịch trong mùa xuân tới, vào năm 2021, Việt Nam cũng sẽ phải đi thêm một chặng đường rất dài, phải tự lực tự cường, chứ rất khó để trông chờ vắc xin từ bên ngoài.
========
KẾT LUẬN
✅ Bệnh nhân COVID-19 có thể xét nghiệm dương tính sau vài tháng vì:
👉 Do tải lượng vi rút nhiều chưa thải hết.
👉 Do mảnh vi rút thải ra dương tính giả.
✅ Dù có dương tính nhưng số lượng vi rút không đủ để lây cho người khác.
✅ Vắc xin của Pfizer phải bảo quản ở nhiệt độ âm 80 độ C, Việt Nam chưa có hệ thống bảo quản này ngoài số tủ hạn chế ở một số viện, nên không thể nhập khẩu vắc xin với số lượng lớn để tiêm đại trà.
BS. TRẦN VĂN PHÚC

Giới thiệu Nguyễn Bảo Sơn

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …