Estrogen
🥀Thay đổi trong thai kỳ: cũng giống như progesterone, estrogen được tổng hợp từ những tiền chất (là những hợp chất của androgen) từ cơ thể mẹ, thông qua hoạt động của men thơm hóa tại bánh nhau.
🥀Có 3 loại estrogen chính trong thai kỳ bao gồm estrone, estradiol và estriol. Estrone và estriol được tổng hợp từ dehydroepiandrosterone sulfate (DHEAS) có nguồn gốc từ cơ thể mẹ và thai nhi. Estriol chủ yếu được tổng hợp từ 164aOH DHEA sulfate, có nguồn gốc chủ yếu từ gan và tuyến thượng thận thai nhi.
🥀Estrone bắt đầu tăng khi thai được 6-10 tuần, đến khi sinh đạt nồng độ dao động trong khoảng rất lớn, từ 2-30 ng/mL.
🥀Estradiol tăng từ tuần thứ 6 đến thứ 8 của thai kỳ. Khi thai được 36 tuần, nồng độ estradiol dao động trong khoảng 6-40 ng/mL.
🥀Estriol có thể xuất hiện vào khoảng tuần thứ 9 của thai kỳ, khi hoạt động của tuyến thượng thận thai nhi bắt đầu và nồng độ tăng dần. Đến khoảng tuần 31-35, nồng độ ổn định và tăng trở lại vào khoảng thai 35-36 tuần tuổi.
🥀Trong thời gian mang thai, nồng độ estrone và estradiol tăng khoảng 100 lần so với mức bình thường trong khi estriol tăng khoảng 1000 lần. Quan điểm trước đây cho rằng estriol là một nội tiết yếu hơn estradiol, do đó cần nồng độ cao để gây tác động. Tuy nhiên, hoạt động chế tiết nhiều estriol để đạt nồng độ trong máu cao cho thấy rất có thể estriol có vai trò quan trọng trong bảo vệ thai và sự phát triển của thai.
🥀Chức năng: estradiol có tác dụng điều hòa sự sản xuất progesterone tại nhau thai bằng cách làm gia tăng hấp thu LDL-cholesterol. Ngoài ra estrogen còn kích thích gan thai nhi sản xuất cholesterol tạo tiền chất cho sinh tổng hợp corticoid. Estrogen còn có tác dụng làm tăng men P450scc chuyển hóa cholesterol thành pregnenolone, một tiền chất của progesterone.
🥀Estrogen còn có tác dụng rất quan trọng khác, đó là ảnh hưởng đến hệ tim mạch của mẹ. Khi mang thai, lưu lượng tuần hoàn trong cơ thể mẹ tăng, thể tích máu tăng (khoảng 30%), máu loãng hơn và do đó, tim cũng hoạt động nhiều hơn so với bình thường. Những thay đổi này có sự đóng góp đáng kể của estrogen. Estrogen tác động lên hệ thống renin-angiotensin giúp gia tăng thể tích tuần hoàn, dòng máu qua tử cung-nhau và làm giãn nở mạch máu.
🥀Ngoài tác động đến điều hòa sản xuất progesterone, điều hòa lưu lượng máu tử cung-nhau, estrogen còn có tác động lên sự phát triển tuyến vú, các ống dẫn sữa và chức năng tuyến thượng thận của thai nhi.
Vỏ thượng thận thai nhi
🪹Vỏ thượng thận thai nhi bắt đầu biệt hóa từ khoảng tuần 8-9 thai kỳ, là nguồn tổng hợp cortisol và phát triển thành vỏ thượng thận khi trường thành.
🪹Tuyến thượng thận có kích thước bằng hoặc lớn hơn thận thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Sau tuần 20 trở đi, kích thước tuyến này phát triển chậm lại đến khoảng 34-35 tuần.
🪹Chu trình nhau thai-tuyến thượng thận thai nhi là một chu trình quan trọng. Tuyến thượng thận tiết cortisol làm tăng sản xuất corticotropin-releasing hormone (CRH). CRH tăng dẫn đến tăng thụ thể ACTH của tuyến thượng thận thai. Dưới tác động trực tiếp của CRH và ACTH sẽ làm tăng tổng hợp DHEA và DHEAS tại vỏ thượng thận, đây là những tiền chất quan trọng trong tổng hợp estrogen.
🪹Đáp ứng với gia tăng ACTH từ tuyến thượng thận còn có sự gia tăng các yếu tố tăng trưởng, trong số đó có yếu tố quan trọng là insulin-like growth factors (IGF I và IGF II) trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ. IGF II được xem là yếu tố có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Sự thiếu hụt các yếu tố này có thể liên quan đến chậm tăng trưởng, thậm chí là một số các rối loạn di truyền ở thai.
Theo bạn, trong 3 loại estrogen, loại nào có vai trò quan trọng nhất trong thai kỳ?
Tài liệu tham khảo: Lê Tiểu My, Nội tiết thai kỳ, Sinh lý nội tiết sinh sản, Nội tiết sinh sản, Nhà xuất bản Y Học, 64-66