VÒNG ĐỜI CỦA HỒNG CẦU
Hồng cầu sống được trong máu khoảng 100 – 120 ngày, sau nhiều lần lách qua các mao mạch nhỏ, màng của chúng dần trở nên cứng và dễ vỡ, nhất là khi chúng di chuyển qua các kênh hẹp ở lách. Các hồng cầu già và vỡ sẽ được các đại thực bào ở lách và gan tiêu hủy. Sau khi bị tiêu hủy, hồng cầu giải phóng ra nhiều sản phẩm, các sản phẩm này sẽ được tái chế và sử dụng trong nhiều quá trình chuyển hóa, bao gồm cả sự tạo nên các tế bào hồng cầu mới.
1. Đại thực bào ở lách, gan hoặc tủy đỏ của xương thực bào các hồng cầu già và hồng cầu vỡ.
2. Hồng cầu giải phóng ra các hemoglobin, tiếp tục phân hủy thành globin và hem.
3. Globin phân hủy thành các axit amin – được dùng làm nguyên liệu để tổng hợp nên các protein mới.
Hem giải phóng ra ion Fe2+ và phần không chứa sắt có tên là biliverdin. Sau đó, mỗi thành phần lại lại có một “số phận” riêng.
Số phận của sắt (từ 4 –
4. Hem giải phóng ra ion Fe2+, tuy nhiên sau khi ra ngoài đại thực bào, Fe2+ sẽ được chuyển thành Fe3+ để liên kết với một protein vận chuyển có tên là transferrin để đi đến gan. Lý do tại sao Fe2+ phải chuyển thành Fe3+, quý bạn đọc vui lòng đọc ở mục giải đáp thắc mắc.
5. Khi dòng máu đến gan, Fe3+ tách khỏi transferrin và gắn vào một protein dự trữ sắt có tên là ferritin ở bên trong tế bào gan.
6. Khi cơ thể cần tạo hồng cầu mới, Fe3+ được giải phóng khỏi tế bào gan và lại được gắn với transferrin.
7. Transferrin vận chuyển Fe3+ đến tủy đỏ của xương. Tại đây, các tế bào tiền thân hồng cầu sẽ sử dụng nó để tổng hợp nên các tế bào hồng cầu mới. Sắt được dùng để tổng hợp nên phần hem của hemoglobin, trong khi các axit amin cần cho việc tổng hợp globin. Ngoài ra vitamin B12 cũng cần cho việc tổng hợp hemoglobin.
8. Sau khi được tạo thành ở tủy đỏ xương, các tế bào hồng cầu mới sẽ đi vào hệ tuần hoàn.
Số phận của biliverdin
9. Biliverdin (có màu xanh lục) được chuyển thành bilirubin, một sắc tố màu vàng cam.
10. Bilirubin đi vào máu và được vận chuyển đến gan.
11. Tại gan, bilirubin được chuyển hóa rồi giải phóng vào mật, xuống ruột non rồi vào ruột già.
12. Tại ruột già, các vi khuẩn đường ruột chuyển bilirubin thành urobilinogen
13. Một số urobilinogen được hấp thu trở lại máu, rồi được chuyển thành urobilin (một sắc tố có màu vàng) để bài tiết ra ngoài nước tiểu.