[VYPO] Đo lường thể tích máu con trong máu mẹ (Fetal maternal hemorrhage-FMH).

Rate this post
Cảm ơn bài chia sẻ của BS. Nguyễn Thị Duyên
———————————————————-
Chảy máu từ thai nhi sang mẹ tự phát (FMH) được định nghĩa là các mất máu thai nhi không có tiền sử chấn thương trước đây và không có bằng chứng lâm sàng / mô bệnh học về nạo phá thai. Phần lớn các FMH tự phát là chảy máu khối lượng nhỏ không ảnh hưởng tới huyết động, nhưng có thể tạo nên các đáp ứng miễn dịch đồng loài. Tần suất và mức độ chảy máu tăng theo tuổi thai và cao nhất khi sinh.
FMH nặng tự phát (mất máu thai nhi khối lượng lớn) ít phổ biến hơn. Nếu cấp tính, nó có thể dẫn đến suy thai nhanh chóng và tử vong. Nếu mạn tính (nghĩa là FMH lặp đi lặp lại không liên tục), có thể dẫn đến thiếu máu ở thai nhi và phù thai, tùy thuộc vào khả năng tăng sản xuất hồng cầu của thai nhi có bù được tình trạng mất máu liên tục hay không.
Có 2 xét nghiệm để ước tính thể tích FMH: xét nghiệm Kleihauer-Betke và xét nghiệm tế bào dòng chảy Flowcytometry. Một cuộc khảo sát trên 2067 phòng xét nghiệm chỉ ra rằng 96% sử dụng xét nghiệm Kleihauer – Betke và chỉ 4% sử dụng phương pháp tế bào dòng chảy trong các trường hợp FMH.
Cả hai xét nghiệm đều dựa trên việc xác định hồng cầu chứa huyết sắc tố F, huyết sắc tố chiếm ưu thế ở thai nhi. Tuy nhiên, có tới 1% hemoglobin ở người trưởng thành là hemoglobin F. Hemoglobin F được sản xuất bởi một số lượng nhỏ các tế bào tiền thân dòng hồng cầu. Những HbF này có thể dẫn đến đánh giá quá mức thể tích máu của thai nhi trong máu mẹ. Phân biệt các hồng cầu chứa HbF trưởng thành với hồng cầu chứa HbF bào thai đặc biệt quan trọng trong thai kỳ của phụ nữ có các rối loạn về huyết học, chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm (một loại bệnh lý có số lượng lớn HbF). Vì lý do này và vì các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến ước tính khối lượng FMH, các bác sĩ lâm sàng có thể cần tham khảo ý kiến Ngân hàng máu khi nhận được báo cáo về FMH.
1/ Xét nghiệm Kleihauer-Betke
Xét nghiệm Kleihauer-Betke trong lịch sử là xét nghiệm chẩn đoán chính để phát hiện và định lượng FMH. Các tế bào hồng cầu từ mẹ được cố định vào một slide, sau đó được đặt trong dung dịch pH axit. Các tế bào hồng cầu trưởng thành sẽ trở thành các tế bào “ma” vì hemoglobin A hòa tan và biến mất do màng tế bào bị tổn thương ở độ pH thấp. Các tế bào hồng cầu của thai nhi vẫn có màu hồng vì hemoglobin F ổn định ở pH này.
Kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ quan sát trên kính hiển vi, đếm tối thiểu 2000 hồng cầu và báo cáo kết quả là tỷ lệ tế bào hồng cầu của thai nhi trong tổng số hồng cầu. Tỷ lệ phần trăm được biểu diễn dưới dạng phân số thập phân (nghĩa là 5% = 0,05). Thể tích máu toàn phần của thai nhi (mL) trong tuần hoàn của mẹ được tính = (phần thập phân của hồng cầu thai) X (HCT của mẹ [%] chia cho HCT của thai nhi [%]) X (thể tích máu của mẹ mL).
Trong thực hành lâm sàng thông thường, thể tích máu của mẹ và hematocrit của thai nhi thường không được biết, và hầu hết các phòng xét nghiệm không yêu cầu hematocrit của mẹ để tính toán. Thể tích máu của người mẹ thường được giả định là 5000 mL, do vậy công thức tính thể tích máu toàn phần của thai nhi (mL) trong tuần hoàn của mẹ = (phần thập phân của hồng cầu thai) X 5000 mL. Do đó, nếu kết quả Kleihauer-Betke là 0,1 phần trăm, lượng FMH = (0,001 X 5000) = 5 mL máu thai nhi.
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc ước tính thấp hơn thể tích FMH thực:
– Xét nghiệm thủ công, phụ thuộc vào kỹ năng của kỹ thuật viên.
– Các vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như lam phết quá dày, thời gian sấy không đủ hoặc thời gian tiếp xúc với buffer quá ngắn, có thể góp phần làm lam nhuộm xấu.
– Nồng độ hemoglobin của thai nhi giảm trong các tế bào hồng cầu thai nhi ở tuổi thai lớn cũng có thể góp phần làm các tế bào này nhuộm màu kém.
– Một yếu tố khác có thể làm sai lệch ước tính là tuổi thọ của các tế bào hồng cầu thai nhi trong tuần hoàn của mẹ bị rút ngắn nếu có các bất đồng miễn dịch như bất đồng ABO…
– Cuối cùng, việc sử dụng thể tích máu mẹ giả định là 5 lít trong tính toán sẽ đánh giá thấp thể tích thực của FMH ở bệnh nhân mang thai thừa cân.
Đánh giá quá mức khối lượng FMH cũng có thể xảy ra, do:
– Sự hiện diện của huyết sắc tố thai nhi trong các tế bào hồng cầu của mẹ tăng theo tuổi thai, đạt mức cao tới 7% sau 32 tuần thai ở 25% phụ nữ mang thai.
– Việc sử dụng thể tích máu mẹ giả định là 5 lít trong các tính toán sẽ đánh giá quá mức thể tích thực của FMH ở bệnh nhân mang thai thiếu cân.
nn

nnnnnnnnnnn
2/ Xét nghiệm tế bào dòng chảy (Flowcytometry)
Xét nghiệm tế bào dòng chảy (FCM) là một xét nghiệm khác để phát hiện và định lượng FMH. Một kháng thể đơn dòng có gắn huỳnh quang đặc hiệu với HbF được sử dụng để phát hiện các hồng cầu chứa hemoglobin của thai nhi khi chúng đi qua máy tế bào dòng chảy. Phân tích so sánh giữa phương pháp tế bào dòng chảy và xét nghiệm Kleihauer-Betke đã chỉ ra rằng FCM chính xác hơn, độ lặp lại tốt hơn và ít tốn công sức hơn. Vì lý do này, nhiều phòng xét nghiệm đã chuyển đổi sang sử dụng FCM để phát hiện FMH.
Việc tính toán FMH bằng phương pháp tế bào dòng chảy cũng có những hạn chế tương tự như xét nghiệm Kleihauer-Betke, đó là không biết chính xác thể tích máu của mẹ và có thể có tồn tại hemoglobin bào thai trong một số tế bào hồng cầu trưởng thành (tế bào F). Phương pháp tế bào dòng chảy tham số kép có thể giúp hạn chế ảnh hưởng của vấn đề tế bào F của mẹ trong các bệnh lý hemoglobinvà thalassemias. Một kháng thể thứ hai được sử dụng để phát hiện các kháng nguyên hồng cầu chỉ có ở các tế bào hồng cầu trưởng thành, chẳng hạn như carbonic anhydrase (CA). Các tế bào hồng cầu trưởng thành sẽ có CA dương tính, trong khi Hb F dương tính hoặc âm tính. Các tế bào của thai nhi có CA âm tính; do đó, các tế bào có CA âm tính / HbF dương tính là hồng cầu của thai nhi. Tuy nhiên, việc phân định này cũng có thể khó khăn trong trường hợp người trưởng thành còn tồn tại huyết sắc tố bào thai.
Công thức tính thể tích (mL) các tế bào hồng cầu thai nhi trong tuần hoàn của mẹ là: (% HbF thai nhi) X (1800 mL) chia cho 100 X (122/100), trong đó 1800 mL là thể tích khối hồng cầu trung bình của người mẹ (tương đương HCT khoảng 36%) và 122/100 là một cách hiệu chỉnh do các tế bào hồng cầu của thai nhi thường lớn tế bào hồng cầu trưởng thành khoảng 20%. Nhân giá trị này với hệ số 2 sẽ ra thể tích FMH (mL) do hematocrit của thai nhi bình thường xấp xỉ 50%.
Ví dụ, kết quả tế bào dòng chảy HbF dương tính là 0,1%, sẽ dẫn đến phép tính sau: (0,1 X 1800) / 100 x 122/100 = 1,8 X 122/100 = 2,16 mL. Lượng FMH (máu toàn phần của thai nhi trong tuần hoàn mẹ) = 2,16 x 2 = 4,32 ml.
Tỷ lệ phần trăm máu thai nhi bị mất = thể tích FMH / tổng thể tích máu thai nhi (trong đo thể tích máu thai nhi ước tính bằng cách nhân trọng lượng thai (kg) (ước tính trên siêu âm) nhân với 100 mL (thể tích máu của thai nhi trên mỗi kg trọng lượng thai nhi sau 32 tuần) hoặc 125 mL ( thể tích máu thai nhi trên mỗi kg trọng lượng thai nhi trước 32 tuần).
Nguồn: Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam.
Advertisement

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[Cập nhật] Xuất huyết tiêu hoá-nội soi càng sớm càng tốt?

XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA: NỘI SOI CÀNG SỚM CÀNG TỐT? (phần 1_nghiên cứu) Với suy …