[Vypo] Nội tiết học vè tình yêu

Rate this post

NỘI TIẾT HỌC VỀ TÌNH YÊU

Bs Lý Đại Lương
Trong phạm vi status này, tôi muốn trình bày với bác những hiểu biết của khoa học về cách làm thế nào mà các hormone chi phối cảm xúc khi yêu. Status này không nhằm mục đích đánh giá tình yêu một cách méo mó hay phiến diện. Nội dung có yếu tố người lớn nên bác cần cân nhắc trước khi đọc.
 
Tình yêu có ba đặc tính quan trọng: nỗi khao khát, sự thu hút và cảm giác muốn gắn kết.
Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng, ham muốn của họ sẽ tăng lên vào thời điểm rụng trứng, khi mà nồng độ estrogen tăng cao. Bên cạnh đó, serotonin cũng chi phối mạnh mẽ cảm giác khao khát người mà ta yêu. Khác với những giả thuyết ban đầu, nồng độ serotonin sẽ bị ức chế khi ta mong đợi một ai đó. Sự ức chế này càng gia tăng cảm xúc mãnh liệt trong ta, nó khiến ta gửi đi những tin nhắn hay lá thư mùi mẫn, tưởng như tình yêu dành cho nhau là vô bờ bến. Khi cả hai bên nhau và được thỏa mãn, não sẽ phóng thích một lượng lớn serotonin cùng với endorphin, prolactin mang lại cho ta cảm giác dễ chịu, buồn ngủ và một chút gì đó chán nhau. Khi nồng độ serotonin giảm xuống, một chu kỳ mong nhớ yêu thương lại bắt đầu. Sự ức chế serotonin khiến nhiều khi ta biểu lộ cảm xúc si mê quá lố so với tình cảm thực sự trong lòng ta, chứ chưa hẳn ta yêu cô ấy/anh ấy đến như vậy.
– Anh có tin Lejeune đang si tình không?
– Về dân thành Vienne ư?
– Ồ không, về cô gái này cơ.
– Tôi không rõ lắm, nhưng những triệu chứng đó thì không dối lừa, luôn bồn chồn, luôn lo lắng, đôi khi gần như ngất xỉu. Với anh cũng vậy, thực tế thì, cô ta đã tạo ra được những lo âu, phập phồng, hồi hộp.
(Tiểu thuyết Chiến trận – Patrick Rambaud, 1997)
Một đặc tính nổi trội khác trong tình yêu của con người là chúng ta bị hấp dẫn bởi một típ người nào đó, và bày tỏ yêu đương với một bạn tình, thề non hẹn biển. Người ta dùng funtional MRI để quan sát não bộ của những người đang yêu mãnh liệt và nhận thấy họ có chung một điểm: não họ tăng hoạt động ở những vùng giàu dopamine, là một chất dẫn truyền thần kinh. Sự gia tăng của dopamine cùng một hormone khác là norepinephrine giải thích cho mọi biểu hiện của anh chàng trong đoạn văn nói trên (bồn chồn, phập phồng, hồi hộp). Nắm tay người yêu hay một nụ hôn kích hoạt phóng thích dopamine khiến ta cảm thấy yêu đời, có động lực hăng say làm việc khi sống bên cạnh người yêu. Nhưng mặt khác, não ta cũng dần dần nghiện dopamine và vòng phản xạ tưởng thưởng nói trên. Thực tế là các nhà khoa học nhận thấy tình yêu gây nghiện thông qua cơ chế dopamine cũng tương tự như nghiện cocaine. Khi ta thất tình, não lâm vào tình trạng thiếu dopamine và chúng ta thấy ủ rủ, như mất hết năng lượng sống. Khi đó, những hoạt động lành mạnh nào làm tăng dopamine sẽ giúp chúng ta hồi phục nhanh. Những hoạt động đó khiến ta cũng bị xao nhãng và giúp não quên đi những trạng thái kích thích bài tiết dopamine, nhờ đó ta mau quên được người yêu cũ. Tôi dùng từ hoạt động lành mạnh là vì như vậy thì tâm ta mới bình an, đặt ta vào trạng thái cân bằng để một hormone khác có cơ hội tác dụng: oxytocin.
Vasopressin và oxytocin là hai hormone mang lại cảm giác kết đôi, cũng như nhiều mối gắn kết xã hội khác như giữa cha/mẹ và con, bạn bè. Mặc dù sinh lý học truyền thống dạy chúng ta rằng vasopressin là hormone chống lợi niệu và vận mạch, trong khi oxytocin chủ yếu làm co thắt tử cung, thì chúng cũng chi phối rất mạnh các hành vi xã hội của ta. Cả hai hormone này do hạ đồi tiết ra và được lưu trữ ở thùy sau tuyến yên. Khác với nam giới, ở nữ giới thì oxytocin sẽ còn được tiết ra một thời gian nữa sau khi lên đỉnh, do đó nam giới cần duy trì sự gắn kết với người phụ nữ để cảm giác hạnh phúc nơi phụ nữ được trọn vẹn. Vasopressin và oxytocin đều là những peptide có 9 acid amin và chỉ khác nhau ở hai amino acid mà thôi, do đó chúng có thể tác dụng chéo lên thụ thể của nhau. Tác dụng tương hỗ giữa vasopressin (VP) và oxytocin (OT) thể hiện qua một cơ chế phức tạp mà người ta gọi chung là OT-VP pathway. Khi ta ở trong môi trường đầy lo âu, bị thách thức, VP chiếm ưu thế và sẽ hạ ngưỡng kiểm soát từ vỏ não, khiến cho ta có những hành động mà bạn gái/bạn trai ta chưa từng thấy bao giờ, và chính ta cũng không hiểu nổi sao ta lại hành động như thế. Ngược lại, khi ta ở trong một môi trường an toàn, cảm thấy hạnh phúc, thì OT sẽ chiếm ưu thế. Khi đó, OT cùng với VP tăng cường cảm giác muốn kết nối với người mình yêu, phát triển các mối quan hệ xã hội. Bài học là ta phải đưa mình vào môi trường cảm thấy an toàn, được yêu thương thì OT mới có thể phát huy tác dụng của nó.
Advertisement
Để kết thúc status này, tôi muốn nhắc đến lời dạy của nhà Phật: cảm xúc là không có thật. Thực vậy, những hiểu biết của khoa học cho thấy cảm xúc được tạo nên bởi những thay đổi tăng và giảm của nhiều hormone và chất dẫn truyền thần kinh khác nhau. Khi kích thích qua đi và các hormone đó về bình thường, cảm xúc cũng theo đó mà tan…
P/S: Tình yêu của tôi thì cũng thường thôi, như bao người khác ))))
Link tham khảo:

Giới thiệu Diễn đàn Bác sĩ trẻ Việt Nam

Y khoa không phải là một nghệ thuật, Y khoa là một khoa học thật sự, một khoa học vô cùng phức tạp đòi hỏi người hành nghề y phải khéo léo vận dụng kiến thức để không bỏ qua cơ hội cứu chữa người bệnh. Nếu mỗi người y khoa Việt Nam góp lên một tiếng nói, liên kết lại, chúng ta có thể thay đổi căn bản giáo dục Y khoa nước nhà. Hãy tham gia với chúng tôi tại: https://www.facebook.com/groups/diendanbacsitrevietnam

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …