[Cập nhật] Bệnh hen suyễn (Asthma)

Rate this post
Là bệnh khiến cho khí quản (đường thở) của bệnh nhân bị nhỏ hẹp, sưng, và tiết ra nhiều đờm khiến bệnh nhân khó thở, ho, và tiếng thở nghe như tiếng khò khè.
Tùy vào từng người, bệnh suyễn có thể rất nhẹ, có thể không có triệu chứng cho đến rất nặng khiến bệnh nhân phải nhập viện thường xuyên. Bài viết này chỉ ra những lý do của bệnh suyễn, triệu chứng nguy hiểm, cách chữa trị, và cách ngăn ngừa tái phát cơn suyễn.
Điểm quan trọng bệnh nhân cần nhớ là bệnh suyễn hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa bằng cách dùng thuốc theo hướng dẫn của BS và tránh các yếu tố kích thích cơn hen suyễn.
# Triệu chứng của bệnh suyễn
– Khó thở từng cơn, lúc ban đêm hay sáng sớm
– Ho liên tục
– Đau thắt ngực hay bị đè ngực
– Âm thanh khò khè khi thở ra
– Khó thở khi làm việc nặng, chạy bộ, hay hồi hộp
– Khó thở kèm theo dị ứng da, nổi mẩn vào những thời điểm trong năm
– Khó ngủ do khó thở, mệt mỏi khi ngủ thức dậy
# Lên cơn suyễn khẩn cấp
– là trường hợp khẩn cấp khi đường thở của bệnh nhân bị viêm và nghẽn.
– Bệnh nhân sẽ cảm thấy rất khó thở, da tím tái, thở khò khè, tức ngực, tim đập nhanh
– Bệnh nhân và người thân cần nhận ra cơn suyễn và lập tức dùng trị liệu khẩn cấp để giảm triệu chứng. Cơn suyễn cấp tính nếu không chữa kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm như lên nhồi máu cơ tim, thậm chí dẫn đến tử vong
# Bệnh suyễn có nhiều loại, cách chữa trị và ngăn ngừa tùy vào loại suyễn.Hiệp hội suyễn, dị ứng, và miễn dịch Hoa Kỳ (ACAAI) phân loại suyễn thành nhiều loại khác nhau (1)
– Suyễn người lớn tuổi: suyễn xảy ra khi bệnh nhân đã lớn
– Suyễn ở trẻ em
– Suyễn do nghề nghiệp: Bệnh nhân làm việc trong môi trường bụi, có chất hóa chất, mùi, hay các chất gây dị ứng như nhân tiệm nail hay sơn có thể sẽ dễ bị suyễn hơn
– Suyễn dị ứng: do dị ứng phấn hoa, cỏ, hay các bệnh khác về da liễu
– Suyễn do tập thể dục, cơ thể cần nhiều oxygen hơn bình thường, càng khiến cho bệnh nhân khó thở hơn
– Suyễn và COPD (viêm phổi mãn tính) gộp chung: bệnh nhân hút thuốc lâu dài có thể dẫn đến COPD, và càng bị nặng hơn nếu có thêm suyễn kết hợp.
# Tại sao suyễn xảy ra?
– Các nhà khoa học vẫn chưa chắc vì sao cơn suyễn xảy ra mặc dù ngày có nhiều nghiên cứu chỉ ra suyễn là một bệnh lý hệ miễn dịch, liên quan đến kháng thể IgE, là kháng thể về dị ứng, kèm theo kích hoạt chuỗi phản ứng viêm sưng của cơ thể, thông qua các interleukin, tác động lên phổi (2).
– Suyễn có thể xảy ra hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, các kháng thể IgE phản ứng với các yếu tố kích thích như phấn hoa, bụi, kích hoạt các tế bào bạch cầu (mast cell), xuất ra các chất Histamin, Prostaglandin, và Leutrotrience. Những chất này làm co thắt các cơ vòng quanh khí quản, khiển đường thở hẹp lại. Đây cũng là lý do vì sao các thuốc trị suyễn tập trung vào kiểm soát các chất này.
– Ở giai đoạn sau, các tế bào miễn dịch khác như đại thực bào, các tế bào bạch cầu khác, đặc biệt là Lymphocytes Th2 tấn công vào các khí quản, khiến cho đường khí quản tiết ra dịch, và viêm. Sau một thời gian, thành các đường thở này trở nên càng dày và hẹp, khiến cho bệnh nhân có thể thiếu oxygen nếu các đường thở đã hẹp lại bị co thắt thêm (xem hình).
# Các yếu tố kích thích gây suyễn
– Khói Thuốc Lá
– Mạt Bụi
– Ô Nhiễm Không Khí
– Dị ứng với gián, phân gián, hay các côn trùng trong nhà có thể gây cơn suyễn
– Thú nuôi hay lông thú nuôi có thể gây ra cơn suyễn.
– Nấm mốc
– Khói do đốt gỗ hoặc cháy rừng
– Các nguyên nhân khác như cảm cúm (flu), cảm lạnh, viêm xoang,dị ứng, hít phải một số chất hóa học và bị trào ngược axit có thể gây ra cơn suyễn.
– Lưu ý là đốt nhang hoặc nến có thể là nguồn gây ra suyễn ở một số người.
– Stress và sốc tình cảm
# Làm sao biết mình bị suyễn?
– Bệnh suyễn không dễ chẩn đoán, đặc biệt là với trẻ em dưới 5 tuổi. Một nghiên cứu từ Canada chỉ ra có thể đến 1/3 bệnh nhân bị suyễn mà không hề có triệu chứng về phổi (3). Điều này cũng giải thích vì sao các triệu chứng của bệnh suyễn khác nhau ở nhiều người.
– Vì vậy, nếu bị ho liên tục một thời gian, tức ngực, hay khó thở, hãy đi khám BS để tìm ra bệnh suyễn nếu có. Lưu ý là một số loại suyễn chỉ xảy ra khi chúng ta làm tập thể dục nặng hay một thời điểm nhất định trong năm
– Suyễn có tính di truyền nên nếu cha mẹ quý vị mắc suyễn thì có khả năng quý vị mắc suyễn nên BS sẽ hỏi các thành viên trong gia đình có mắc bệnh suyễn hay không.
# Xét nghiệm tìm bệnh suyễn
– Với các bệnh nhân có triệu chứng rõ ràng (ho kéo dài, thở khò khè, khó thở..) thì chẩn đoán khá dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân sẽ không có triệu chứng rõ ràng, khiến cho BS của quý vị sẽ làm thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm thở, là đo phế dung.
– Trong xét nghiệm đo phế dung, quý vị sẽ hít thở và hơi rất sâu, BS sẽ tính toán quý vị hít lượng không khí vào, trước và sau khi cho quý vị dùng thuốc suyễn để xem quý vị có bị suyễn hay không.
– BS cũng có thể cho quý vị chụp hình CXR hay chụp CT phổi để tìm các bệnh lý phổi khác, có thể xảy ra chung với suyễn như viêm phổi hay COPD.
– Các xét nghiệm khác như xét nghiệm dị ứng da để tìm ra các yếu tố kích thích dị ứng vì hen suyễn thường đi chung với dị ứng và viêm da cơ địa, gọi là atopic triad (3 loại bệnh dị ứng thường đi chung với nhau) (4)
– Xét nghiệm tìm tế bào Eosinophil trong đàm (Sputum Eosinophils) cũng có thể gợi ý bệnh suyễn vì tế bào bạch cầu Eosinophil là tế bào thường tăng cao trong các dị ứng
# Mức độ suyễn nặng nhẹ
– Ngoài phân ra các loại, bệnh hen suyễn còn được phân vào mức độ năng nhẹ, từ loại nhẹ nhất đến nặng nhất. Thường bệnh nhân sẽ biết suyễn mình mức độ nào để cố gắng kiểm soát bệnh suyễn trong mức độ đó. Tăng độ từ nhẹ lên năng có thể sẽ cần thêm thuốc, và ngược lại, bệnh nhân có thể giảm thuốc
– Có 4 mức độ suyễn: tùy theo triệu chứng từng cơn, triệu chứng về đêm
+ Nhẹ thỉnh thoảng: triệu chứng 2 lần/tuần hoặc 2 đêm mỗi tháng
+ Nhẹ liên tục: triệu chứng nhiều hơn 2 lần mỗi tuần nhưng không xảy ra mỗi ngày
+ Trung bình liên tục; triệu chứng 1 lần/ngày hoặc hơn 1 đêm mỗi tuần
+ Nặng liên tục: triệu chứng nhiều lần trong ngày và thường xảy ra mỗi đêm
# Chữa trị bệnh suyễn
– Tùy vào loại suyễn và tùy vào mức độ năng mà cách điều trị khác nhau. Ngoài trị suyễn, bệnh nhân cũng cần chữa dứt hay kiểm soát các bệnh mãn tính khác như béo phì, hút thuốc, tiểu đường, hay cao huyết áp vì các bệnh này có thể làm bệnh hen suyễn khó chữa hơn.
– Mục tiêu của chữa hen suyễn là ngăn ngừa bệnh nhân bị lên cơn suyễn. Vì vậy, bệnh nhân cần phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của BS, không nên tự ỳ giảm thuốc hay tăng thuốc.
– Bệnh nhân nên tránh các yếu tố kích thích suyễn như trên
– Bỏ thuốc lá hay khuyên người ở chung bỏ thuốc lá là một cách hữu hiệu để kiểm soát và chữa trị bệnh suyễn.
– Thuốc chữa suyễn thường có 2 dạng. Một để dùng trong trường hợp khẩn cấp, khi bệnh nhân bị lên cơn suyễn và thuốc dùng hàng ngày để kiểm soát cơn suyễn
# Thuốc kiểm soát suyễn khẩn cấp dùng để giảm triệu chứng. Bệnh nhân có thể dùng thuốc này trước khi tập thể dục để giảm rủi ro cơn suyễn xảy ra khi cơ thể cần nhiều oxygen.
– Thuốc loại xịt hít vào phổi dùng khẩn cấp họ short-acting beta agonists là những thuốc thả lỏng và thư giãn phế quản như Albuterol (ProAir HFA, Ventolin HFA, others) hay levalbuterol (Xopenex, Xopenex HFA). Các thuốc này có thể xịt trực tiếp hay dùng bằng máy thở.
– Các thuốc họ anticholinergic agents cũng làm thư giãn thả lỏng phế quản như ipratropium (Atrovent HFA) và tiotropium (Spiriva, Spiriva Respimat). Những loại này thường dùng cho viêm phổi và COPD nhưng cũng có thể dùng trong bệnh suyễn.
– Thuốc uống và truyền dịch họ steroid như prednisone (Prednisone Intensol, Rayos) và methylprednisolone (Medrol, Depo-Medrol, Solu-Medrol) dùng để giảm viêm sưng trong thời gian ngắn. Lưu ý là dùng steroid lâu dài sẽ có những tác dụng phụ nguy hiểm như ức chế hệ miễn dịch, da mỏng, cao huyết áp, và hội chứng Cushing.
# Thuốc kiểm soát suyễn lâu dài
– Thuốc hít họ steroid như Fluticasone propionate (Flovent), budesonide (Pulmicort), ciclesonide (Alvesco), beclomethasone (Qvar), mometasone (Asmanex HFA, Asmanex Twisthaler) và fluticasone furoate (Arnuity Ellipta)- thuốc hiệu chỉnh Leukotriene như montelukast (Singulair), zafirlukast (Accolate) và zileuton (Zyflo)
– Thuốc hít kết hợp Steroid và long-acting beta agonist như fluticasone-salmeterol (Airduo Digihaler), budesonide-formoterol (Symbicort), formoterol-mometasone (Dulera) và fluticasone furoate-vilanterol (Breo Ellipta)
– Thuốc Theophylline (Theo-24, Elixophyllin, Theochron) là thuốc làm thả lỏng cơ vòng xung quanh khí quản, làm đường thở thoáng hơn. Lưu ý là thuốc này có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm như tim đập loạn nhịp, động kinh, kèm theo các triệu chứng khác như ói mửa. Vì vậy, bệnh nhân cần phải được theo dõi kỹ kiểm tra máu thường xuyên.
# Tóm lại
– Chữa bệnh hen suyễn tốt nhất là ngăn ngừa không cho cơn hen xảy ra như dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ
– Chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục có thể làm giảm triệu chứng bệnh suyễn, nhất là các bài tập vận động tăng chức năng của phổi như bài tập thở.
– Bỏ thuốc lá, giảm cân, chữa dứt các bệnh mãn tính khác sẽ giúp kiểm soát bệnh hen suyễn tốt hơn
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ
Advertisement

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …