[COVID-19] COVID-19: Động vật hoang dã trả thù?

Rate this post
Những ngày cuối tháng 12 năm 2019, 27 trong số 41 người đầu tiên phải nhập viện sau khi đi qua một khu chợ đông lạnh nằm ở trung tâm thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Những người này sau đó được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện bởi Bệnh viện Vũ Hán lại cho thấy ca bệnh đầu tiên trong số 41 người chẳng hề đi xuyên qua khu chợ bán thịt đông lạnh. Các nhà khoa học khi giải mã bộ gen, ước tính tuổi của vi rút SARS-CoV-2 vào khoảng đầu tháng 11 năm 2019.
Đã tròn một năm sau đại dịch COVID-19 bùng phát, mặc dù chỉ mất vài tuần để các nhà khoa học giải mã hoàn chỉnh bộ gen SARS-CoV-2, từ đó đến nay số lượng các công trình nghiên cứu vẫn tăng lên chóng mặt mỗi ngày, vậy nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Vi rút có nguồn gốc từ loài động vật nào?
Một con dơi,
một con tê tê,
một con rắn,
hay một loài động vật hoang dã nào khác?
Vi rút đến từ đâu?
Từ một hang động
hay một khu rừng ở tỉnh Hồ Bắc
hay nơi nào khác trên trái đất này?
Bộ gen SARS-CoV-2 được các nhà nghiên cứu Trung Quốc giải mã trình tự nhanh chóng kỉ lục.
Theo đó, cấu trúc gen của SARS-CoV-2 là một phân tử ARN sợi đơn dương đối xứng xoắn, với khoảng 30.000 bazơ chứa 15 gen, bao gồm gen S mã hóa cho một protein nằm trên bề mặt của vỏ vi rút, đây là gen cực kì quan trọng giúp vi rút xâm nhập tế bào.
Vi rút vô cùng nhỏ bé, có thể hình dung bằng cách so sánh, bộ gen của con người chúng ta có dạng chuỗi xoắn kép ADN với khoảng 3 tỉ bazơ và chứa khoảng 30.000 gen.
SARS-CoV-2 thuộc nhóm Betacoronavirus và nó rất gần với SARS-CoV, một chủng vi rút ra một vụ dịch viêm phổi cấp tính xuất hiện vào tháng 11 năm 2002 ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc và sau đó lây lan ra 29 quốc gia vào năm 2003, trong đó có Việt Nam và trở thành nỗi kinh hoàng.
Dịch SARS năm 2003 có tổng số 8.098 ca, tất cả bệnh nhân sau khởi phát nhanh chóng suy hô hấp nặng, 774 trường hợp tử vong, tỉ lệ tử vong khoảng 10%. Dơi thuộc họ Rhinolophus được coi là vật chủ chứa vi rút. Cầy vòi hương (tên khoa học Paguma larvata) có nhiều khả năng là vật chủ trung gian giữa dơi và những ca bệnh đầu tiên ở người.
Kể từ sau dịch SARS-2003 đến nay, nhiều Betacoronavirus đã được phát hiện, chủ yếu ở dơi, ở một số động vật hoang dã, nhưng cũng có ở người. Một trong số đó là vi rút RaTG13, được phân lập từ dơi thuộc loài Rhinolophus Affinis ở tỉnh Vân Nam, có đặc điểm di truyền rất giống SARS-CoV-2, với trình tự bộ gen giống nhau đến 96%. Những kết quả này chỉ ra rằng dơi, đặc biệt là các loài dơi thuộc họ Rhinolophus, rất có thể là những vật chủ mang vi rút SARS-CoV nói chung và SARS-CoV-2 nói riêng.
Vật chủ là một hoặc một số động vật mang vi rút một cách tự nhiên. Sở dĩ vật chủ không xuất hiện các triệu chứng của bệnh, là do hệ thống miễn dịch, nó đủ mạnh để ức chết vi rút không thể sinh sôi nảy nở gây bệnh.
Giới khoa học đã tin dơi là vật chủ gây bệnh COVID-19.
Nhưng,…
Vào ngày 7 tháng 2 năm 2020, các nhà khoa học cũng phát hiện một chủng vi rút có 99% bộ gen giống với SARS-CoV-2, cư trú ở tê tê. Niềm tin dơi là vật chủ đã bị lung lay. Với bộ gen giống 99%, sự chú ý bắt đầu hướng đến tê tê, nhiều khả năng tê tê mới là vật chủ chính gây bệnh COVID-19.
Giả thuyết COVID-19 bắt nguồn từ tê tê càng được củng cố, khi các chủng coronavirus ở tê tê giống nhau ở mức 99% trong một vùng cụ thể của protein S, tương ứng với 74 axit amin liên quan đến vùng liên kết thụ thể ACE2 (Angiotensin Converting Enzyme 2), vùng này cho phép vi rút xâm nhập vào tế bào người để lây nhiễm. Ngược lại, vi rút RaTG13 được phân lập từ loài dơi Rhinolophus Affinis lại rất khác biệt ở vùng cụ thể này, chỉ có 77% mức độ giống nhau. Theo logic, coronavirus phân lập từ tê tê có khả năng cao xâm nhập vào tế bào người, trong khi vi rút phân lập từ dơi thì khả năng đó sẽ thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác lại phát hiện coronavirus ở tê tê Malaysia (Manis Javanica) có bộ gen chỉ giống 90% SARS-Cov-2, điều đó làm cho các nhà khoa học bối rối.
Chưa chắc tê tê đã phải là vật chủ chính gây đại dịch COVID-19.
Phân tích bộ gen của SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19, kết quả cho thấy có sự tái tổ hợp giữa hai loại vi rút khác nhau, một loại gần với RaTG13 của dơi và một loại gần với vi rút ở loài tê tê; vậy chẳng nhẽ nguyên nhân gây COVID-19 có sự trộn lẫn giữa dơi và tê tê.
Về nguyên tắc, nếu vi rút ở dơi không thể gây bệnh cho người, vi rút ở tê tê cũng không thể gây bệnh cho người, nhưng khi 2 chủng vi rút ấy tái tổ hợp để tạo ra vi rút mới, thì chủng mới ấy lại có thể gây bệnh cho người. Để xảy ra hiện tượng tái tổ hợp, thì 2 vi rút phân kì từ 2 loài vật phải lây nhiễm cho nhau hoặc cùng lây nhiễm cho một loài vật khác. Ví dụ dơi lây vi rút cho tê tê rồi tái tổ hợp thành vi rút SARS-CoV-2, từ đó lây cho 41 người đi xuyên qua chợ thịt đông lạnh ở Vũ Hán để tạo nên đại dịch COVID-19.
Advertisement
Nhưng đến giờ vẫn chưa biết con gì là vật chủ gây bệnh cho người!
Chỉ biết rằng, từ thịt dơi cho đến cầy, cáo, kì đà, tê tê… đều là những thứ có thể ăn được trở thành đặc sản, thì đại dịch COVID-19 lan ra toàn cầu dường như là sự trả thù của thế giới động vật hoang dã. Đã từ lâu, con người từ bỏ chuỗi thức ăn hoang dã, thay vào đó là thực phẩm nuôi trồng theo khoa học; bởi vậy, việc sử dụng thịt đặc sản từ động vật hoang dã sẽ là nguy cơ dẫn đến thảm họa dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19.
Điều chúng ta phải làm bây giờ là không xâm phạm ranh giới của tự nhiên.
Loài người đã trở nên quá lạc loài, vì sự độc ác khi xâm chiếm mọi không gian tự nhiên, để muôn loài run sợ. Con người đã chặt hết cây cối, phá rừng tự nhiên để xây các công trình, tàn phá bao nhiêu sinh cảnh tự nhiên. Một khi ranh giới của tự nhiên bị phá vỡ, chắc chắn sẽ có muôn loài vi sinh vật không còn nơi cư trú nên phải tìm cách xâm nhập vào con người, mà một số trong số đó chính là SARS-CoV-2.
COVID-19 không phải là thảm họa lần đầu tiên và càng không phải là cuối cùng.

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …