Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Vaccine được chứng minh là một biện pháp an toàn và hiệu quả nhất hiện nay để giúp phòng ngừa những bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng như bệnh COVID-19. Do vậy, chiến lược sử dụng vaccine để đối phó với đại dịch đang đóng vai trò rất quan trọng trên thế giới. Việc tự chủ được nguồn vaccine trong nước là một điều cần làm vì nó sẽ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế, không phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Tuy nhiên, các kết quả thực tế sử dụng vaccine trong thời gian ở các nước cho thấy việc “sử dụng vaccine tốt” (độ tin cậy khoa học cao và hiệu quả cao) còn mang ý nghĩa quan trọng để chiến lược vaccine trở nên hiệu quả, an toàn và đường dài. Do vậy, việc đưa vaccine Nanocovax vào danh sách các vaccine được Bộ Y Tế cho phép sử dụng khẩn cấp ở Việt Nam là cần thiết, cấp bách nhưng cũng cần phải đánh giá được độ an toàn và hiệu quả của vaccine này dựa trên các dữ liệu nghiên cứu khoa học để “tiên lượng” được khả năng sử dụng vaccine này có phù hợp với tình trạng đại dịch hay không.
Sau nhiều ý kiến đưa ra yêu cầu Nanogen phải minh bạch thông tin nghiên cứu vaccine Nanocovax thì gần đây họ đã đăng tải 2 bài báo khoa học trên trang BioRxiv (vào ngày 20 tháng 7, cho các kết quả tiền lâm sàng) và MedRxiv (vào ngày 22 tháng 7, cho các kết quả lâm sàng pha 1-2). Dựa trên các kết quả nghiên cứu được đăng tải minh bạch ở trên thì mình có những nhận định, đánh giá khoa học như sau:
Ưu điểm:
– Protein được tạo ra có độ tinh sạch cao.
– Thực hiện trên nhiều loại mô hình động vật (chuột, hamster, thỏ, khỉ).
– Các thí nghiệm chứng minh độ an toàn cho thấy sản phẩm vaccine này có thể thỏa mãn được tiêu chí an toàn.
– Thực hiện được thử nghiệm trung hòa virus với kháng thể trong huyết tương bằng cách sử dụng virus thật (đây là điều không phải phòng thí nghiệm nào cũng làm được).
Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học này còn một số khuyết điểm cần được xem xét, để chỉnh sửa đối với khuyết điểm nhỏ và cần thực hiện lại thực nghiệm đối với các khuyết điểm lớn. Đối với các khuyết điểm lớn mình sẽ có những góp ý khoa học kèm theo để nhóm có thể xem xét và cải thiện.
Các khuyết điểm nhỏ:
– Trong phần mô tả quá trình tinh sạch protein, tác giả có miêu tả bước làm “bất hoạt virus” (treated at low pH 3.2 – 3.5 for 60- 70 min to inactivate virus) và “loại bỏ virus” bằng màng lọc nano (Exotic viruses were removed by nano-filtration). Theo như quy trình sản xuất protein S thì nhóm nghiên cứu không sử dụng bất cứ vật liệu nào liên quan đến virus nên việc “bất hoạt” và “loại bỏ” virus trong bước này làm người đọc đặt vấn đề về vấn đề tạp nhiễm trong quá trình sản xuất của công ty. Việc xử lý tạp nhiễm virus phải được thực hiện ngay từ bước đầu tiên sản xuất chứ không phải đến khi ra sản phẩm rồi mới xử lý vì việc nhiễm virus có thể ảnh hưởng chất lượng, cũng như độ an toàn của sản phẩm. Việc kiểm tra “các virus có khả năng tạp nhiễm” trong sản phẩm cần được thực hiện bằng xét nghiệm qPCR với các mồi đặc hiệu và độ nhạy cao ở cả bước đầu và bước cuối.
– Đơn vị đo đạc không thống nhất giữa các thí nghiệm. Trong hình 3 kết quả đo kháng thể IgG trên chuột được tính bằng (U/ml) nhưng trong hình 4 của thí nghiệm tương tự thì tính bằng lượng thay đổi so với nhóm đối chứng (The IgG levels of experiments/control (folds)). Điều này làm người đọc khó so sánh, liên kết giữa các kết quả trong bài báo.
– Số liệu không đồng nhất trong phần mô tả thiết kế thí nghiệm lâm sàng pha 2 (480 volunteers would receive the vaccine (160 volunteers receiving 25 μg dose; 160 volunteers receiving 50 μg dose and 160 volunteers receiving dose of 75 μg dose) and 80 volunteers would receive the placebo) với bảng kết quả lâm sàng ở Hình 1 (161 volunteers receiving 25 μg dose; 160 volunteers receiving 50 μg dose and 159 volunteers receiving dose of 75 μg dose) and 80 volunteers would receive the placebo). Số lượng người ghi nhận khác nhau ở các phần có thể do sơ xuất “đánh máy” hoặc không thống nhất giữa các nhóm (mỗi nhóm viết 1 phần của bài báo mà không dò lại với nhau).
Các khuyết điểm lớn và góp ý:
– Lượng mẫu quá ít trong thí nghiệm hamster thử thách với virus thật để có thể có ý nghĩa xác suất thống kê (Hình số 6). Lượng hamster dùng trong nhóm đối chứng với liều cao virus là 2 con, với liều thấp là 1 con duy nhất! Hai con trong nhóm thử thách với liều cao phản ứng trái ngược nhau về cân nặng! cho thấy việc nhiễm bệnh có thể thất bại ở con hamster không bị ảnh hưởng hoặc nó có khả năng kháng virus tự nhiên tốt hơn mặc dù không được chích vaccine. Ngoài ra, con hamster duy nhất ở nhóm thử thách với liều thấp lại có cân nặng sụt giảm tương tự với con hamster ở liều cao! Điều này thể hiện sự không nhất quán (inconsistent) trong thí nghiệm dẫn đến giảm độ tin cậy của kết quả. Nhóm nghiên cứu nên thực hiện lại thí nghiệm này với lượng hamster ít nhất 5 con (tốt nhất là 10 con) trong mỗi nhóm và thực hiện lấy mẫu máu theo từng thời điểm trước và sau khi “thử thách” với virus thật để thấy sự thay đổi của phản ứng miễn dịch tương ứng với lượng virus trong cơ thể như thế nào.
– Không có sự thống nhất trong thời gian giữa 2 liều chích vaccine trong thử nghiệm trên người và động vật. Trong thử nghiệm lâm sàng trên người 2 liều chích cách nhau là “28 ngày” trong khi đó tất cả các thí nghiệm trên động vật là “7 ngày”, kể cả thí nghiệm trên khỉ là động vật gần người nhất. Điều này đã khiến việc “kết nối” các số liệu giữa thí nghiệm giữa người và động vật khó khăn, khó phân tích và ít có ý nghĩa thừa kế. Nhóm tác giả nên làm khảo sát trên động vật với thời gian giữa các liều chích với cả “7 ngày”, “21 ngày” và “28 ngày” để xem có sự khác nhau như thế nào, từ đó có thể tìm mối liên kết các dữ liệu giữa người và động vật.
– Các dữ liệu về trung hòa virus bằng huyết tương lấy từ người và động vật cho thấy kháng thể tạo ra từ việc chích ngừa có thể nhận biết virus và ngăn cản chúng nhiễm vào tế bào NHƯNG không cho thấy được hiệu quả đó là bao nhiêu vì thiếu nhóm “đối chứng”. Các nhóm đối chứng tối thiểu cần phải có trong các thí nghiệm này là huyết tương của người đã khỏi bệnh COVID-19 một cách tự nhiên để thấy được “độ mạnh của vaccine” đang ở đâu? Nếu được thì nhóm cũng có thể lấy huyết tương của một số người đã được chích các vaccine “tin cậy hiện nay” như Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca để có được số liệu so sánh. Các loại huyết tương lấy từ người chích vaccine nên lấy đúng theo từng thời điểm mà nhóm muốn so sánh (1,2,3,… tuần sau liều thứ 2).
– Trong thí nghiệm nhóm chỉ sử dụng chủng Wuhan và chủng UK là những chủng cho thấy không có lo ngại về việc phá vỡ hàng rào miễn dịch do vaccine hiện nay tạo ra. Do vậy, nhóm nghiên cứu nên bổ sung thêm chủng Beta (Nam Phi) hoặc Delta (Ấn Độ) vào thí nghiệm trung hòa virus để kiểm tra hiệu quả của vaccine có bị giảm hay không, nếu có thì bao nhiêu, còn đủ để bảo vệ hay không?
Ngoài ra, mình nghĩ rằng đại diện của đơn vị nghiên cứu bên công ty Nanogen cũng cần trả lời về sự “khác nhau” về số liệu thử nghiệm lâm sàng được công bố trong một đoạn phim được thực hiện bởi các phóng viên báo Thanh Niên trong tháng trước về việc nghiên cứu và sản xuất vaccine Nanocovax với số liệu mà nhóm mới đăng tải trên trang web MedRxiv.
Tóm lại, dựa trên các số liệu khoa học công bố từ phía công ty Nanogen cho tới hiện nay thì mình nhận xét công ty đã thành công trong mục tiêu tạo ra protein S để dùng cho vaccine, các thử nghiệm về độ an toàn của vaccine cũng cho thấy sản phẩm này khá an toàn. Tuy nhiên, như mình thảo luận phía trên thì còn nhiều điểm trong thiết kế thí nghiệm cần được xem xét lại để chứng minh được tính “hiệu quả” của vaccine trong việc ngăn ngừa lây nhiễm virus. Hy vọng, những kết quả tiếp theo của công ty Nanogen có thể thỏa mãn được những điểm này để Bộ Y Tế có thể đánh giá tốt và tìm ra được “lý do” đưa Nanocovax vào danh sách các vaccine được cho phép sử dụng khẩn cấp để phòng ngừa COVID-19.
Thân ái,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
Tài liệu tham khảo:
Pre-Clinical Immune Response And Safety Evaluation Of The Protein Subunit Vaccine Nanocovax For COVID-19.
Tran Thi Nhu Mai, Bruce May, Ung Trong Thuan, Nguyen Mai Khoi, Nguyen Thi Thuy Trang, Dinh Van Long, Doan Chinh Chung, Tran The Vinh, Khong Hiep, Nguyen Thi Thanh Truc, Hua Hoang Quoc Huy, Nguyen Viet Anh, Ha Tan Phat, Phan Dang Luu, Nguyen Truong An, Bui Thi Ngoc, Tu Tieu My, Nguyen Thi Theo, Le Thi Thuy Hang, Dong Thi Lan, Huynh Trong Hieu, Ho Phien Huong, Le Nguyen Thanh Thao, Truong Cong Thao, Pham Hoang Phi, Y Luong Cong, Nie Lim, Cao Minh Ngoc, Nguyen Duy Khanh, Trinh Thanh Hung, Do Minh Si
bioRxiv 2021.07.20.453162; doi: https://doi.org/10.1101/2021.07.20.453162
Safety and Immunogenicity of Nanocovax, a SARS-CoV-2 Recombinant Spike Protein Vaccine.
Thuy P. Nguyen, Quyet Do, Lan T. Phan, Duc V. Dinh, Hiep Khong, Luong V. Hoang, Thuong V. Nguyen, Hung N. Pham, Men V. Chu, Toan T. Nguyen, Tri M. Le, N.T. Tuyen, Thanh T. Dinh, Thuong V. Vo, Thao T. Vu, Quynh B.P. Nguyen, Vuong T. Phan, Luong V. Nguyen, Giang T. Nguyen, Phong M. Tran, Thuan D. Nghiem, Tien V. Tran, Tien G. Nguyen, Tuynh Q. Tran, Linh T. Nguyen, Anh T. Do, Dung D. Nguyen, Son A. Ho, Viet T. Nguyen, Dung T. Pham, Hieu B. Tran, Son T. Vu, Su X. Tran, Trung M. Do, Ton Tran, Thang M. Cao, Huy M. Dao, Thao TT. Nguyen, Uyen Y Doan, Vy TT. Le, Linh P. Tran, Ngoc M. Nguyen, Ngoc T. Nguyen, Hang TT. Pham, Quan H. Nguyen, Hieu T. Nguyen, Hung T. Trinh, Hang L.K. Nguyen, Vinh T. Tran, Mai T.N. Tran, Truc TT. Nguyen, Phat T. Ha, Hieu T. Huynh, Khanh D. Nguyen, Chung C. Doan, Si M. Do
medRxiv 2021.07.22.21260942; doi: https://doi.org/10.1101/2021.07.22.21260942
TS. Nguyễn Hồng Vũ