[Sản phụ khoa] Phụ nữ mang thai có nên tiêm ngừa vắc xin COVID-19 hay không?

Rate this post

Phụ nữ mang thai có nên tiêm ngừa vắc xin COVID-19 hay không?

Nhiều bằng chứng cho thấy đối tượng phụ nữ có thai nếu mắc COVID-19 có nguy cơ tiến triển nặng và phải nhập viện cao hơn so với nhiều đối tượng khác trong cộng đồng. Vắc xin đã chứng minh có hiệu quả cao giúp giảm nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19. Tuy nhiên, việc dùng vắc xin COVID-19 ở đối tượng phụ nữ có thai liệu có hiệu quả và an toàn?

Vắc xin ngừa COVID-19 an toàn cho phụ nữ mang thai

Ngày càng có nhiều nghiên cứu quốc tế được công bố để xây dựng cơ sở bằng chứng về tính an toàn của vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai.
Dữ liệu thực tế từ Cơ quan Đăng ký vắc xin V-safe – được thành lập bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Hoa Kỳ – cho thấy đã có hơn 148.000 phụ nữ mang thai tại Hoa Kỳ tham gia tiêm chủng với các vắc xin mRNA như Pfizer- BioNTech và Moderna. Hiện tại chưa ghi nhận bất kỳ lo ngại nào về an toàn liên quan đến việc tiêm vắc xin cho cả mẹ và bé [1]. Đây là một số liệu rất đáng tin cậy, ủng hộ tính an toàn của vắc xin với phụ nữ mang thai.
Một nghiên cứu khác từ NEJM báo cáo kết quả trên 35.691 phụ nữ có thai từ 16 đến 54 tuổi tại Hoa Kỳ, sử dụng cơ sở dữ liệu của hệ thống V-safe và Hệ thống báo cáo tác dụng phụ của vắc xin (VAERS). Các kết quả phân tích cho thấy không có gì đáng lo ngại ở phụ nữ có thai được tiêm vắc xin COVID-19 mRNA. Không có khác biệt nào đối với bất lợi ở thai kỳ hay ở dự hậu trẻ sơ sinh khi so sánh hai nhóm (1) thai phụ tiêm vắc xin và (2) thai phụ không tiêm khi đối chiếu với y văn trước đây [1-3].
Đại học Y Washington, Hoa Kỳ cách đây một tuần cũng vừa công bố kết quả nghiên cứu trên JAMA cho thấy vắc xin ngừa COVID-19 được dung nạp tốt ở nhiều đối tượng khác nhau, từ phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú đến những người dự định có thai [4].
Tại Scotland, hơn 4.000 phụ nữ mang thai ở tất cả các giai đoạn khác nhau của thai kỳ cũng đã được tiêm vắc xin trong một nghiên cứu khác. Kết quả vẫn cho thấy sự thống nhất về tính an toàn với những bằng chứng trước đó [5, 6].

Khuyến cáo của tổ chức uy tín

Hiện nay nhiều tổ chức lớn và uy tín trên thế giới như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG),… đều khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 để bảo vệ bản thân và thai nhi trước nguy cơ lây nhiễm [7-9].
Hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG) khẳng định vắc xin COVID-19 không chứa thành phần nào có hại cho phụ nữ mang thai hay cho thai nhi đang phát triển. Các nghiên cứu trên mô hình động vật (nhằm xem xét tác động của vắc xin lên thai kỳ) cũng không gợi ý bất kỳ bằng chứng nào cho thấy vắc xin có thể gây hại cho thai kỳ [7].
Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) tại Anh đã khuyến cáo rằng “Phụ nữ mang thai nên được tiêm vắc xin COVID-19 cùng lúc với những người ở cùng độ tuổi hoặc nhóm nguy cơ.” [10].
Ấn phẩm quốc gia chính thức của Anh ngày công bố vào ngày 07/05/2021 có lời khuyên: “Vắc xin Pfizer và Moderna là những loại vắc xin ưu tiên cho phụ nữ có thai đủ điều kiện ở mọi lứa tuổi, vì đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng hai loại này trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu phụ nữ đang mang thai đã bắt đầu chủng ngừa với AstraZeneca, họ được khuyến cáo nên hoàn thành với cùng một loại vắc xin”. RCOG còn nhấn mạnh thêm: “Không có báo cáo lo ngại về vắc xin AstraZeneca trong thai kỳ, dù vậy chúng ta có ít kinh nghiệm trong việc sử dụng vắc xin này ở phụ nữ mang thai hơn so với vắc xin Pfizer và Moderna. Do đó, JCVI đề xuất ưu tiên sử dụng Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.” [7,10,11].
Theo CDC Hoa Kỳ: “Tiêm phòng COVID-19 được khuyến cáo cho tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên, bao gồm cả phụ nữ mang thai. Nếu bạn có thai sau khi tiêm mũi đầu tiên của vắc xin COVID-19 mà cần đến hai liều mới đủ hiệu lực (cụ thể là vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna), bạn nên tiêm mũi thứ hai để đạt hiệu quả cao nhất.” [8,12,13]. Các khuyến nghị này cũng phù hợp với ý kiến từ Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Hiệp hội Y học bà mẹ thai nhi Mỹ (SMFM) [9,14,15].

Khuyến cáo của bộ y tế

Nhận thấy sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thai phụ, ngày 10/08/2021, Bộ Y tế đã ban hành quyết định 3802/QĐ-BYT kèm hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin COVID-19. Theo quyết định này phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên hoặc đang đang cho con bú vẫn có thể tiêm các loại vắc xin phòng COVID-19 nếu đồng ý tiêm chủng, trừ vắc xin Sputnik V. Đây là rất tin mừng cho hàng triệu thai phụ trên cả nước và làm yên ổn tâm lý hoang mang trước đó [16, 17].
Tuy nhiên, quy trình tiêm vắc xin ở phụ nữ mang thai cũng có một số điểm đặc biệt hơn. Bên cạnh quy trình tiêm thông thường, các thai phụ bắt buộc phải khám thai trước khi được tư vấn tiêm ngừa. Khâu theo dõi sau tiêm chủng ở bà mẹ mang thai cũng khác thông thường vì phải theo dõi sức khỏe của cả bà mẹ và thai nhi. Việc tư vấn cách xử lý những phản ứng bất lợi sau tiêm cũng rất được đặc biệt chú trọng.
Advertisement
Để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai trên 13 tuần nên tiêm vắc xin COVID-19 ở các bệnh viện có Khoa Sản. Các cơ sở khác vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19 cho thai phụ nếu đảm bảo đủ điều kiện về thiết bị cấp cứu, có kỹ năng và được đào tạo bài bản trong các khâu, đặc biệt là khám sàng lọc trước tiêm, đảm bảo chỉ định tiêm chủng chính xác. Các đơn vị tiêm chủng cũng cần được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng những phương án xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Cảm ơn Bác sĩ Nguyễn Khởi Quân đã chia sẻ bài viết đến Diễn đàn Y khoa!
Nguồn: Bác sĩ Nguyễn Khởi Quân.
Tài liệu tham khảo:

Giới thiệu phuongthao0508

Check Also

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 𝚃𝙷𝙴𝙾 𝟻 𝙲𝙷Ữ 𝙲Á𝙸

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 …