[Chia sẻ] HỌC Y THẬT CHÁN? LÀM SAO TÌM ĐƯỢC ĐAM MÊ? DÀNH CHO CÁC EM SINH VIÊN Y VÀ CÁC SĨ TỬ ĐANG CHỜ KẾT QUẢ!

Rate this post

HỌC Y THẬT CHÁN? LÀM SAO TÌM ĐƯỢC ĐAM MÊ? DÀNH CHO CÁC EM SINH VIÊN Y VÀ CÁC SĨ TỬ ĐANG CHỜ KẾT QUẢ!

“Note: Bài viết từ trái tim và sự trải nghiệm thực tế của anh, mong sẽ giúp các em được phần nào”.
Các em ạ. Đầu tiên anh xin giới thiệu bản thân một tí. Anh là Phan Danh. Là BS nội trú Nhi khoa – Trường ĐH Y Hà Nội.
Cách đây đã 12 năm, vào những năm 2009. Cái thời anh còn naive (ngây thơ). Một cậu học trò từ một vùng quê nông thôn nghèo khó, cũng trải qua kỳ thi đại học như một số em đang chờ kết quả bây giờ. Và nhờ nỗ lực của bản thân cũng như may mắn, anh-một người học lớp chọn khối A (Toán Lý Hóa) đỗ vào 2 trường đại học là Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Y Thái Bình với những số điểm cũng rất cao.
Đứng trước sự lựa chọn 1 trong 2 quả thực hơi quá sức với một cậu học trò nông thôn, hồi đó điện thoại chưa nhiều như bây giờ, mà có thì cũng là điện thoại nghe gọi thôi, internet, wifi thì phải ra quán mới truy cập được, nên cậu học trò ấy hoàn toàn không hiểu rõ về những trường hay những ngành nghề mà mà cậu ấy định chọn. Và cuối cùng, với sự tư vấn của người thân, bạn bè…cậu học trò ngây thơ đó đã quyết định chọn trường ĐH Bách khoa Hà Nội vì một số lí do được người khác tư vấn như học Bách khoa nhanh kiếm được tiền, học Y vất vả, thời gian học lâu….
Và vẫn với đức tính chăm chỉ, chịu khó của bản thân. Cậu sinh viên Bách Khoa đã đạt được kết quả học tập khá cao năm nhất đại học (Năm 1 BK sẽ học chủ yếu các môn cơ sở như Toán cao cấp, Tích phân, Đại số, Vật Lý, Hóa học…..) và đủ điều kiện để lựa chọn vào một trong các ngành học lấy điểm cao nhất của trường (hồi đó học xong năm nhất rồi dựa vào điểm để chọn ngành). Và vẫn với sự ngây thơ của cậu học trò, cậu ấy quyết định chọn ngành lấy điểm cao nhất – Công nghệ thông tin. Mà chưa tìm hiểu kỹ ngành đó học xong sẽ làm gì, cần các phẩm chất gì,….
Năm 2 Bách khoa, có vẻ vẫn ổn, điểm số cũng khá, không phải thi lại môn nào vì cũng mới học các môn cầu nối giữa cơ sở với chuyên ngành.
Kỳ 1, năm 3 Bách khoa. Cậu sinh viên bắt đầu cảm thấy chán (giống như một số em SV Y bây giờ, đã học hơn 1/2 thời gian rồi vẫn có cảm giác chán nghề mình đã chọn). Vì sao vậy? Bắt đầu đi vào chuyên ngành CNTT, và cậu học trò nông thôn đó đã tiếp xúc với máy tính nhiều đâu, tin học dạy ở trường huyện thì sao bằng trên Thành phố. Các bạn đã viết lập trình vèo vèo rồi mà cậu học trò bắt đầu làm quen với CODE. Và cậu học trò đã lung lay ý chí? Mình chọn nghề này có phù hợp không? Sao mỗi ngày học mình thấy chán quá vậy?
Kết quả là không được ai tư vấn, không được ai tạo động lực. Cậu học trò đó cũng tự mình quyết định, đã suy nghĩ nhiều đêm trắng và quyết định bảo lưu, ôn thi lại đại học. Để thi vào ngành Y – ngành mà cậu nghĩ mình đam mê!
Và với sự quyết tâm, nỗ lực, kiến thức vững chắc hồi cấp 3, cùng với sự may mắn. Cậu học trò đã đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội.
Nhưng học Y không như cậu ấy nghĩ. Cũng chưa phải đam mê hay sao đó. Nên cậu ấy chỉ học với một kết quả khá trong 6 năm học mà thôi. Vì thứ mà chúng ta cho là “đam mê” đôi khi chỉ là ý thích nhất thời mà thôi.
Tốt nghiệp 6 năm. Có 2 lựa chọn? Đi làm hay thi Nội trú. Và thật may mắn hồi đó cậu SV đã lựa chọn thi nội trú. Và với sự nỗ lực trong mấy tháng cuối và may mắn. Anh đã đỗ nội trú chuyên ngành Nhi khoa – chuyên ngành anh cho là mình đam mê.
Nhưng. Vào học năm nhất nội trú rồi cũng chỉ cảm thấy bình thường, không phải với tâm thế của người đam mê. Lý do chủ yếu vì năm nhất thì mình chưa làm được việc, hồi đó tiếng anh chuyên ngành cũng còn kém, tài liệu không biết đọc ở đâu….
Nhưng nhờ môi trường nội trú, dần dần anh bắt đầu làm được một số việc, đã bắt đầu có những thành công nho nhỏ, cảm thấy thích khi lần đầu tiên đặt được một cái nội khí quản, hay khi làm xong một thủ thuật nào đó như chọc dịch não tủy….hay có hiểu biết về máy thở, điều chỉnh được thông số máy, hay có thể chẩn đoán, điều trị được cho bệnh nhân. Và đã biết tìm đọc tài liệu khi có công cụ Tiếng anh chuyên ngành.
Và nhờ những thành công nho nhỏ đó, bắt đầu anh cảm thấy thích, và càng thích thì lại càng để tâm vào, càng cố gắng, và lại tạo được các thành công lớn hơn, thành công tạo đam mê, và đam mê lại thúc đẩy thành công. Và hiện tại dù anh thấy mình chưa phải có thành công gì quá lớn nhưng đã tìm thấy niềm vui trong công việc, trong ngành nghề mình đã chọn và anh nghĩ rằng mình đang đi đúng con đường và đã bắt đầu nhìn thấy đam mê của mình rồi!
Advertisement
Qua câu chuyện của mình và học hỏi một số người thành công, anh rút ra MỘT SỐ BÀI HỌC CHO SV Y VÀ CÁC SĨ TỬ NÓI CHUNG:
1. “Đam mê” là thứ không sẵn có. Thứ mà mình cho là mình đam mê đôi khi chỉ là ý thích nhất thời, hay đôi khi chỉ là ý định ngông cuồng của bản thân mà thôi.
2. THÀNH CÔNG sẽ tạo ĐAM MÊ. Vì vậy:
3. Hãy cố gắng làm tốt nhất công công việc hiện tại của bản thân. SV Y thì cố gắng học thật tốt các môn ở trường, và đừng quên TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH. Và cố gắng đi theo anh chị khóa trên, nội trú…để học thêm về lâm sàng, một số thủ thuật, kỹ năng…..Đôi khi không phải tính hữu dụng của thủ thuật đó mà chỉ là để nuôi dưỡng mầm mống đam mê mà thôi. Không nên đứng núi này trông núi nọ. Hãy ở nguyên ở núi này, tập trung toàn tâm toàn ý mà tu thân.
THÀNH CÔNG TẠO ĐAM MÊ – HÃY LÀM TỐT CÔNG VIỆC HIỆN TẠI – VÀ ĐAM MÊ SẼ CHẠY THEO BẠN!
Dr.Danh Phan.
HI VỌNG NHỮNG CHIA SẺ DÙ CHƯA HẾT Ý MUỐN NÓI NHƯNG SẼ TẠO THÊM ĐỘNG LỰC CHO CÁC EM SV, ĐẶC BIỆT SV Y VÀ CÁC SĨ TỬ NHÉ!
Trân trọng cảm ơn bài chia sẻ của tác giả Phan Danh trên Diễn đàn Y Khoa! 
Nguồn: BSNT.Phan Danh 

Giới thiệu khanhly

Check Also

ĐAU TRONG UNG THƯ TỤY

ĐAU TRONG UNG THƯ TỤY Đau là một triệu chứng thường gặp trong bệnh lý …