[Cập nhật] Chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Rate this post
TS.BS Phạm Thị Việt Hương
Chuyên khoa Ung bướu.
Người Việt Nam hay có câu “Còn nước còn tát”. Đôi khi chúng ta biết rõ người bệnh không còn “nước” cho chúng ta “tát” nhưng chúng ta lại cố đánh lừa cảm giác của chính mình, cho rằng không nỡ mang người bệnh về nhà, rằng chẳng lẽ không làm gì, mang con về nhà chờ chết sao? rằng biết thừa bệnh viện không làm gì được nữa nhưng cứ để ở bệnh viện kẻo lại mang tiếng với họ hàng, làng xóm…
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng là phương pháp chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân và gia đình họ trước sự đe dọa của bệnh tật thông qua các biện pháp phòng, giảm nhẹ, điều trị đau và các vấn đề khác về thể chất và tinh thần người bệnh.
Chăm sóc giảm nhẹ có thể triển khai ở tuyến huyện, tuyến xã hoặc tại nhà. Vai trò của bác sĩ, của máy móc hiện đại tối tân không còn nhiều nữa. Thậm chí nếu để người bệnh nằm bệnh viện trung ương, đông đúc, xa gia đình không phải là tốt vì người bệnh không được ngủ trên một cái giường êm ấm, không được nằm ở căn phòng ấm áp, đủ rộng, không được ăn những món ăn ninh nấu chế biến giàu dinh dưỡng như ở nhà, không có nhiều người thân an ủi.
Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, vai trò của gia đình cực kỳ quan trọng. Đôi khi tiêm truyền nhiều, làm thủ thuật y khoa lại không hẳn tốt cho người bệnh, chưa kể những hệ lụy kéo theo cho người thân trong gia đình như hệ lụy về tiền bạc, về căng thẳng trong cuộc sống…
Chăm sóc giảm nhẹ dành cho bệnh nhân ung thư tại nhà là một mô hình chăm sóc khá phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam lại là một lĩnh vực khá mới mẻ. Hiện nay, xu hướng này cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam, được người bệnh đón nhận.
Nhiều người bệnh ung thư đã qua giai đoạn điều trị đặc hiệu, mong muốn được chăm sóc tại nhà hơn là trong môi trường bệnh viện chật chội, đông đúc. Mặt khác, có những người bệnh, nhà ở quá xa nên họ gặp nhiều khó khăn, cần sự giúp đỡ của người nhà mới có thể di chuyển đến viện.
Chăm sóc bệnh nhân tại nhà mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh.
Vì vậy, đa phần người bệnh ung thư sau khi điều trị đều được người thân chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc không phải lúc nào cũng được duy trì liên tục vì người thân của họ bận rộn với công việc. Nhiều gia đình khắc phục bằng cách thuê người giúp việc đến chăm sóc người nhà. Nhưng đây cũng không phải là giải pháp tối ưu bởi người chăm sóc chỉ đơn thuần là “người giúp việc”, không có tình cảm, không có kỹ năng, không được đào tạo về chăm sóc y khoa. Điều này ảnh hưởng nhiều tới tâm lý, sức khỏe, quá trình phục hồi của người bệnh. Ngoài ra, việc thực hiện các thủ thuật y tế như tiêm, truyền dịch, truyền kháng sinh, …tại nhà cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thể chất của những bệnh nhân ung thư rất yếu dễ xảy ra hiện tượng sốc phản vệ, nhiễm trùng vết thương, hoặc dị ứng thuốc. Để đáp ứng được nhu cầu chăm sóc người bệnh tại nhà đúng chuyên môn và có kỹ năng toàn diện từ việc thực hiện các thủ thuật y tế như tiêm, truyền, chăm sóc vết thương, hướng dẫn người bệnh giữ vết thương không bị nhiễm trùng, lở loét, đặt xông tiểu, đặt xông dạ dày, v.v… cho đến hỗ trợ bệnh nhân ăn uống, đi lại, vệ sinh cá nhân, đặc biệt là kĩ năng trò chuyện, tâm sự với người bệnh bắt buộc đòi hỏi phải là những điều dưỡng được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề và tận tâm với người bệnh.
Tuy nhiên, gia đình người bệnh không dễ tìm được dịch vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà do các bệnh viện công lập cung cấp vì hiện nay nhân lực y tế chăm sóc tại nhà còn rất thiếu. Vì thế, lựa chọn tìm đến các cơ sở y tế tư nhân uy tín, được cấp phép là giải pháp tối ưu, vừa giải quyết được vấn đề có người chăm sóc bệnh nhân ngay tại nhà, lại khiến gia đình tin tưởng bởi người chăm sóc có kiến thức chuyên môn về y học.
Một số gia đình thường lo lắng không đủ điều kiện kinh tế để chi trả cho dịch vụ chăm sóc giai đoạn cuối tại nhà. Không sao. Có thể bạn sẽ được hướng dẫn để tự chăm sóc cho người thân của mình khi họ không may lâm bệnh, chỉ cần bạn hiểu được CHĂM SÓC UNG THƯ GIAI ĐOẠN CUỐI Ở NHÀ, CÙNG VỚI HƯỚNG DẪN CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ, TỐT HƠN Ở BỆNH VIỆN.
Advertisement

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …