“CHIẾN LƯỢC” TIÊM VACCINE
♕ ♕ ♕
Hiện nay Việt Nam đã nhập được khoảng 9 triệu liều vaccine phòng COVID-19, nhưng mới chỉ tổ chức tiêm được 4,2 triệu liều. Số người tiêm đủ hai mũi chiếm 0,3% dân số. Trong khi đó, đại dịch đang lan rộng với khoảng 4371 ca nhiễm trung bình mỗi ngày. Liệu tốc độ tiêm chủng như vậy có quá chậm? Chiến lược tiêm chủng cần phải thay đổi như thế nào để đạt được hiệu quả phòng chống dịch? Để có câu trả lời, một phóng viên đã có cuộc phỏng vấn tôi nhưng bài dài quá nên không thể sử dụng, tôi xin đăng lên Fanpage như một góc nhìn riêng.
☸ PHÓNG VIÊN: Thưa bác sĩ, trong kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, Bộ Y tế đề ra mục tiêu trong năm 2021 sẽ tiêm đủ hai liều cho 50% dân số, đến hết quý I/2022 tiêm được trên 70%, vậy theo bác sĩ mục tiêu này có khả thi?
Vào thời điểm mà toàn thế giới cho rằng vaccine là vũ khí hiệu quả nhất đối phó với đại dịch, thì tốc độ têm chủng ở Việt Nam lại diễn ra khá chậm chạp. Kể từ khi mũi vaccine đầu tiên được tiêm vào ngày mùng 8 tháng 3, đến nay, đã qua bốn tháng rưỡi chúng ta mới tiêm đủ hai mũi cho 0,3% dân số.
Nguyên nhân của sự chậm chạp, đầu tiên phải kể đến là nguồn vaccine khan hiếm, chúng ta mới chỉ nhận được khoảng 2 triệu liều vaccine đặt mua, số còn lại khoảng 7 triệu liều là vaccine viện trợ từ chương trình COVAX, viện trợ từ chính phủ Nhật Bản và Mỹ.
Ngay cả khi nguồn cung cấp vaccine trở nên dồi dào, thì vẫn có những yếu tố làm chậm tốc độ tiêm chủng, đó là mức độ sẵn sàng của nhóm được tiêm, điều kiện bảo quản vaccine tại cơ sở, cách vận chuyển vaccine từ kho đến địa điểm tiêm chủng, an toàn khi tiêm, biến thể virus có khả năng lẩn tránh vaccine.
Đó là những vấn đề thực sự đáng quan tâm, theo tôi, Việt Nam rất khó để hoàn thành một nửa mục tiêu trong bản kế hoạch chiến dịch tiêm chủng mà chính phủ và Bộ Y tế đặt ra.
☸ PHÓNG VIÊN: Xin bác sĩ phân tích sâu hơn về các yếu tố làm chậm tốc độ tiêm chủng?
Trước hết, tôi muốn nói về mức độ sẵn sàng của người dân, hay nói cách khác, sẽ có một bộ phận không nhỏ công chúng do dự tiêm vaccine, thậm chí họ từ chối.
Sự hoài nghi đối với vaccine COVID-19 chủ yếu đến từ quy trình phê duyệt quá nhanh, làm cho người dân lo sợ xảy ra tai biến sau khi tiêm, đặc biệt là tai biến gây tử vong, lo sợ tác dụng phụ cũng như tổn hại sức khoẻ về lâu dài. Bên cạnh đó, những tin đồn thổi như vaccine bị các thế lực đen tối sử dụng cấy vi mạch vào cơ thể nhằm theo dõi, thậm chí lấy ADN phục vụ cho các mục đích mờ ám khác. Virus kích hoạt nỗi sợ hãi, hệ sinh thái xã hội trực tuyến là môi trường nuôi dưỡng nỗi sợ hãi, trí tuệ nhân tạo AI thúc đẩy những cú nhấp chuột kết nối hàng loạt thông tin độc hại, sợ hãi làm tê liệt khả năng phân tích và nhận biết đúng sai. Hàng ngày tôi vẫn nhận được những câu hỏi rất vô lí. Nhưng có nhiều câu hỏi thực sự đáng quan tâm, ví dụ những người có bệnh lí nền họ lo lắng liệu vaccine có gây nguy hại đến sức khoẻ hay không, hay sự băn khoăn về mức độ an toàn và hiệu quả của từng loại vaccine dẫn đến tâm lí chờ đợi vaccine tốt. Theo tôi, các chiến dịch thông tin và truyền thông về vaccine vẫn chưa phát triển để giải quyết những mối lo sợ của người dân. Để chiến dịch truyền thông đạt hiệu quả, chính phủ phải tận dụng các nhóm cộng đồng, tận dụng các nhà hoạt động, các bác sĩ, người nổi tiếng, người có uy tín; họ sẽ cùng với chính phủ phổ biến thông tin vaccine đúng cho người dân thông qua báo chí cũng như các nền tảng truyền thông xã hội.
Thứ hai, tôi muốn đề cập tới điều kiện bảo quản và cách vận chuyển vaccine từ kho tới nơi tiêm chủng. Hầu hết vaccine đều bảo quản dưới mức 0 độ C. Lưu trữ vaccine ở kho đã là một vấn đề rất khó, làm thế nào vận chuyển nó đến địa điểm cuối tức là nơi tiêm chủng càng khó hơn, đưa vaccine tới cm cuối cùng tức là người được tiêm thì lại càng khó nữa. Đây là một trở ngại lớn, ngay cả với các nước giàu có, nó tác động không nhỏ tới khả năng tiếp cận vaccine. Tôi lấy ví dụ vaccine công nghệ mRNA được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp. Rõ ràng không phải cơ sở tiêm chủng nào cũng đủ điều kiện tiếp nhận loại vaccine này, đặc biệt ở các trung tâm y tế quận huyện, hay các cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu không được trang bị tủ đông lạnh chuyên dụng – 80 độ C, thì việc tiêm chủng vaccine công nghệ mRNA là thực sự khó khăn.
An toàn khi tiêm chủng cũng là một yếu tố trở ngại. Để tránh những tai biến, đặc biệt là phản vệ và sốc phản vệ, bắt buộc cơ sở tiêm chủng phải đủ năng lực khám sàng lọc, đủ năng lực phòng chống các tai biến với ê kíp hồi sức theo dõi; vì thế mà tốc độ tiêm chủng giảm đi đáng kể. Trước đây, một địa điểm tiêm chủng mở rộng thuộc khối trung tâm y tế sẽ tiêm được khoảng 200 mũi mỗi ngày, nhưng đó là vaccine thông thường. Vaccine phòng COVID-19 chắc chắn sẽ có sự khác biệt. Những địa điểm không đủ năng lực hồi sức cấp cứu, khi tiêm sẽ phải khám sàng lọc, chọn ra những người ít có nguy cơ tai biến; ngoài việc tốn thời gian và nhân lực thì tốc độ tiêm cũng sẽ giảm đi rất nhiều. Như vậy, nhóm người có nguy cơ tai biến để an toàn phải chọn giải pháp tiêm ở khối bệnh viện, nơi có không gian khá hẹp nên công suất tiêm không được nhiều, rất khó đạt 100 mũi mỗi ngày. Theo tôi, nếu chạy theo áp lực về số lượng đồng nghĩa với việc tỉ lệ tai biến sẽ tăng lên, đến mức nào đó người dân lo sợ lảng tránh vaccine.
Nhưng điều tôi quan ngại nhất là các đột biến mới bùng phát, COVID-19 có dấu hiệu trở thành bệnh đặc hữu, nghĩa là virus trong tương lai sẽ liên tục xuất hiện các biến thể, mỗi biến thể mới tạo nên sự lây lan trên một mạng lưới rất phức tạp với nhiều lớp ghép nối, trong đó có yếu tố biến thể lẩn tránh vaccine cũ; nó đe doạ tới khả năng thanh toán dịch bệnh nhờ vào miễn dịch cộng đồng bằng biện pháp tiêm chủng. Một cuộc khảo sát trên tạp chí Nature cho thấy, hơn 70% các nhà khoa học khi được hỏi, họ đồng ý rằng COVID-19 có xu hướng trở thành bệnh đặc hữu. Virus đột biến không ngừng, để đối phó với biến thể mới phải hiệu chỉnh vaccine, với tốc độ “rượt đuổi” tiêm vaccine của Việt Nam theo tôi sẽ bị virus bỏ lại phía sau rất xa, chưa kể tiềm lực tài chính cũng là vấn đề quá khó.
☸ PHÓNG VIÊN: Vaccine là hi vọng để chấm dứt đại địch, nhưng tình hình theo bác sĩ thì không mấy lạc quan, vậy có cách nào phân phối nguồn vaccine đạt hiệu quả phòng chống dịch bệnh?
Để giảm thiểu tác hại do SARS-CoV-2 gây ra, theo tôi, trong hoàn cảnh hiện nay nhiệm vụ đầu tiên là tiêm phòng. Nhưng tốc độ tiêm chủng quá chậm chạp. Muốn kiểm soát được dịch bệnh bắt buộc phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Nhưng rất khó đạt mục tiêu hết quý I/2022 hơn 70% dân số tiêm đủ hai mũi. Theo tôi, thay vì chiến thuật tiêm chủng thần tốc với số lượng lớn đạt miễn dịch cộng đồng thì chuyển sang chiến thuật tiêm chủng ưu tiên để bảo vệ nhóm người có nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao nhất.
Tôi lấy ví dụ, thống kê ở Mỹ có tới 80% số trường hợp tử vong xảy ra ở người trên 65 tuổi. Việt Nam hiện có khoảng 7,4 triệu người trên 65 tuổi. Con số không quá lớn, việc nhanh chóng tiêm chủng cho 7,4 triệu người già hoàn toàn nằm trong tầm tay, giảm thiểu phần lớn số ca tử vong. Tiếp theo là nhóm mắc các bệnh nền. Cứ như vậy, nhóm ưu tiên nhất là tập hợp những người cần vaccine nhất, số lượng vaccine sẽ được phân phối hiệu quả cho 96 triệu dân, hạn chế tối đa sự lãng phí. Chỉ cần bao phủ các nhóm đối tượng nguy cơ cao, chúng ta sớm kiểm soát dịch bệnh, đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, chấp nhận tỉ lệ lây nhiễm nhất định đủ an toàn với cộng đồng.
Để tối ưu hoá đạt hiệu quả cao, tiêm chủng phải thực hiện đa tuyến song song, có như vậy mới đảm bảo tốc độ nhanh nhất. Bộ Y tế đã xác định 16 nhóm đối tượng ưu tiên. Thay vì tiêm cho từng nhóm đối tượng, chính quyền nên tiêm cho nhiều nhóm cùng một lúc, thậm chí tiêm cả cho 16 nhóm; tất nhiên, sẽ có nhóm được ưu tiên chạy với tốc độ nhanh hơn như nhóm người già, nhóm mắc bệnh nền, nhóm tiếp xúc trực tiếp nơi tuyến đầu.
Ngoài ra, tốc độ tiêm chủng ở những nhóm nguy cơ cao phải đạt cấp số nhân, nhanh chóng vượt qua tốc độ gia tăng số ca nhiễm. Hà Nội đang triển khai gần 1000 địa điểm tiêm chủng, dự kiến mỗi tuần tiêm 1,4 triệu mũi, sau bốn tuần đạt hơn 6 triệu mũi tiêm; đây là giải pháp tuyến tính. Giả sử tại thởi điểm tiêm dịch bắt đầu bùng phát dữ dội, sau mỗi tuần số ca nhiễm tăng 50%, muốn nhanh chóng vượt qua virus thì cách tiêm cũng phải tăng 50% sau mỗi tuần. Nghĩa là tuần đầu tiêm 1,4 triệu mũi, sang tuần thứ hai tiêm 2,1 triệu mũi, tuần thứ ba tiêm 3,15 triệu mũi. Để làm được như vậy bắt buộc phải nâng cao năng lực tiêm chủng. Ví dụ cơ sở tiêm chủng từ 8 giờ mỗi ngày nâng lên 12 giờ, rồi 16 giờ, 20 giờ và 24 giờ chia làm nhiều ca kíp. Nếu thiếu nhân viên, quá trình tiêm cần triển khai đào tạo thêm sinh viên y khoa, huy động nhân viên y tế từ các bệnh viện, huy động nha sĩ, thậm chí cả bác sĩ thú y. Thiếu địa điểm sẽ trưng dụng trường học, sân vận động, nhà thi đấu, hay bất cứ không gian nào có thể thành lập trạm tiêm chủng dã chiến.
☸ PHÓNG VIÊN: Tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng là cách chủ động tấn công virus để thoát khỏi đại dịch, nhưng theo quan điểm của bác sĩ là thay đổi chiến thuật, vậy có phải là chuyển từ tấn công sang rút lui?
Mọi người vẫn coi phòng chống đại dịch COVID-19 là cuộc chiến tranh, chủ động tấn công virus, mà vũ khí sắc bén nhất được sử dụng để tấn công là vaccine. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì vaccine không đủ và nếu có dư thừa cũng rất khó để tiêm chủng đạt tới miễn dịch cộng đồng. Thực tế trong chiến tranh, khi gặp đối thủ quá mạnh, mạnh đến nỗi sau nhiều lần thử tiến công đều thất bại, thì cách tốt nhất để giành chiến thắng là rút lui. Rút lui để xây dựng tuyến phòng thủ, bảo vệ những điểm xung yếu nhất, từ chiến thuật phòng ngự hợp lí sẽ giúp làm nên chiến thắng toàn cục.
Theo đuổi chiến thuật chủ động tấn công bằng tiêm chủng vaccine đạt miễn dịch cộng đồng, theo tôi, sẽ không phù hợp bởi COVID-19 đang trở thành căn bệnh đặc hữu. Giả sử chúng ta có hạ quyết tâm tiêm chủng đạt trên 70%, thì khi biến thể virus mới xuất hiện, sẽ phải tiếp tục bỏ ra hàng tỉ đô la cùng bao nhiêu sức lực để quay lại tiêm chủng từ đầu, vòng quay lặp đó sẽ tự làm suy yếu cả hệ thống y tế và xã hội. Chúng ta không thể đánh bại virus vào năm 2021, cũng chẳng thể tạo nên một xã hội vô nhiễm với biến thể virus mới sẽ lây lan nhanh hơn nữa vào năm 2022, nên vaccine cần được lựa chọn chính sách hợp lí giúp chúng ta sống chung với virus; đó là cách để chúng ta kết thúc trò chơi mang tên đại dịch COVID-19.
BS. Trần Văn Phúc.