Tôi sinh ra trong hoàn cảnh bị sứt môi và hở hàm ếch (khe hở môi & vòm hầu). Từ nhỏ mẹ đã dẫn tôi đi khám bệnh rất nhiều, bệnh tật liên miên không lớn được. Từ nhỏ đã phẩu thuật 2 lần vá môi và hàm ếch. Tôi vẫn còn nhớ rõ cảnh mình đi thay băng và tiêm sau phẫu thuật, lúc ấy tôi chỉ là đứa bé 9 tuổi. Sau khi tiêm cô y tá rút kim tiêm ra, máu chảy thành dòng, mẹ rơi nước mắt còn tôi thì không thể nào quên được ánh mắt của cô ấy.
Cũng trong đợt nằm viện ấy, một cảnh cũng kinh hoàng không kém đó là nhà vệ sinh bệnh viện. Những ai đã từng vào nơi dơ bẩn nhất cuộc đời mình, thì có thể tưởng tượng được cảnh đã gây vết hằn không thể xóa khỏi trong trí óc tôi, dưới góc nhìn của một bệnh nhi hậu phẫu.
Chắc lúc nhỏ ai cũng có ước mơ, tôi không ước mơ làm bác sĩ. Nhưng đôi khi tôi hay bệnh quá, mẹ trêu: thôi ráng lớn rồi học giỏi, sau này làm bác sĩ chích lại người khác! (hihi!)
Nếu như lớn lên ở các thành thị lớn, chắc cũng không thấy sự khác biệt giàu-nghèo giữa gia đình có ba mẹ làm bác sĩ và không làm bác sĩ. Tôi thì lớn lên trong hoàn cảnh nông dân ở quê xa, nên thành gia đình bác sĩ có phần khá giả hơn gia đình khác. Bác sĩ ở quê tôi giàu, vào bệnh viện ở quê tôi dân biết bao nhiêu khê và cực khổ, gặp được bác sĩ giống như gặp ông trời, chuyện bị la mắng, tiền nong, phong bì không phải là dân cố tình xạo.
Tôi không làm thống kê, nhưng chắc chắn nhiều bạn ở đây lớn lên chứng kiến những cảnh như vậy. Các bạn nếu đồng trang lứa với tôi chắc cũng chẳng có sự hướng nghiệp đầy đủ khi học theo ngành y. Chúng ta thật sự thiếu một cái thống kê về quá trình học, tình trạng việc làm sau tốt nghiệp, mức lương, các chế độ và phúc lợi. Chỉ biết rằng làm bác sĩ thì sẽ cao sang trịnh trọng, điều kiện sau này sáng sủa hơn.
Nhìn chung, phần đa giỏi thì mới dám thi ngành y, thi xong thì học, học xong ra làm, như một con thiêu thân, và trớ trêu thay khi đã chân ướt chân ráo vào ngành thì…vỡ mộng! Vỡ mộng vì ai cũng có ước mơ giỏi, phát triển, thu nhập khá. Không ai cười vào cái ước mơ chân chính ấy cả, ai mà chả cần phải ổn định cuộc sống, thay đổi hoàn cảnh gia đình, báo hiếu với cha mẹ. Không ai muốn ba mẹ oằn lưng 5-6 năm trời, tiếp tục “ăn nhín-nhịn thèm” nuôi con học 18 tháng, bán thêm miếng đất-thửa ruộng cho con học thêm sau đại học… Tôi xin dùng từ hơi mạnh “cái tát” thẳng vào ước mơ chân chính. Tôi xin lỗi nếu như mình dùng từ chưa chính xác.
Bà xã tôi, là bác sĩ chính quy, làm ở bệnh viện tuyến 1 thành phố lương cũng chưa vượt lên con số 7tr. Phải nói là gia đình tôi may mắn vì có ông bà ở bên cạnh lo cho hai đứa nhỏ, tôi và bà xã có nhiều công việc ngoài lương bác sĩ như dạy tiếng anh, viết sách và làm dự án nên lương chúng tôi đủ sống. Nhìn mấy đứa em làm việc ở bệnh viện lương bấp bênh, tôi không khỏi nủi lòng. Sài Gòn đất chật người đông, bao nhiêu thứ là tiền, lương không có gì thay đổi như các em thì không biết khi nào mới ổn định được cuộc sống.
Tuần trước, có một em nhắn tin nói rằng mình đã trầm cảm như thế nào sau một khoảng thời gian làm việc, sau khi có chứng chỉ hành nghề thì em đang tạm ngưng làm việc. Chưa biết tương lai thế nào, nhưng bất định lắm. Tôi hiểu rõ câu chuyện này của em vì năm ngoái tôi làm phó phòng quản lý chất lượng ở bệnh viện, tôi đến bất lực. Bao nhiêu quy định của BYT để cải thiện chất lượng y tế, nhưng thực chất các đợt kiểm tra 83 tiêu chí chủ yếu tập trung bệnh viện đã đầu tư gì cho việc khám bệnh, trải nghiệm sự hài lòng của người bệnh, phỏng vấn diễn tập…
Nhưng các tiêu chí với nhân viên y tế, thực ra rất là qua loa, và chẳng thấy một cán bộ đoàn kiểm tra nào nhận xét, góp ý, cỗ vũ cho ban giám đốc bệnh viện tập trung ủng hộ tinh thần làm việc của anh em, lo cho anh em có điều kiện làm việc tốt hơn để nâng cao thu nhập.
Quay về với bài viết của bác Nguyễn Lân Hiếu, trong bài viết phóng viên dẫn lời “tôi chưa thấy bác sĩ nào giỏi mà nghèo cả”, tôi sợ hiểu nhầm ý nên đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Trong bài viết, có thể hiện một số quan điểm như “Tất nhiên thu nhập bác sĩ ở Việt Nam không tương xứng với sự vất vả, đóng góp của họ. Đó cũng là trách nhiệm của tôi trong tư cách đại biểu Quốc hội, đấu tranh cho ngành y được bảo đảm thu nhập tốt hơn, được an tâm để chữa bệnh”. Có các góp ý “Trong tương lai, chúng ta nên nghĩ tới việc đó. Ta cần tạo gói hỗ trợ sinh viên nghèo, khó khăn. Song song đó, bệnh viên ngày nay cũng đã trân trọng người có chuyên môn cao. Chính vì vậy, bác sĩ giỏi, tài năng, khi ra trường có nhiều lựa chọn”. Nghĩa là về góc độ nào đó, bác Hiếu đang nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn đồng cảm. Nhưng rất tiếc, cái tít của nhà báo giật quá, và tinh thần trong bài viết (tôi nghĩ do nhà báo) không đứng về phía phần đông các bạn chủ yếu là các bạn trẻ, và cùng thế hệ với tôi.
Trong bài viết có dòng: Bởi vậy, ông thông cảm với suy nghĩ của bạn trẻ ngày nay, và khuyên “chúng ta đừng nhìn sang các bạn đồng trang lứa của mình, mà hãy nhìn lên phía trước; nhìn những người làm trong ngành y đã đi trước để phấn đấu”. Nên ít nhiều, tôi nghĩ mọi người nên nhìn theo hướng tích cực như thông điệp trên nhé.
Tôi biết rằng, việc giỏi rất khó khẳng định, tiến sĩ cũng giỏi, phó giáo sư càng giỏi. Nhưng đôi khi, chưa giỏi bằng người chỉ dừng lại ở CK1, Ths.
Và cũng một phép so sánh tương tự vậy, học cũng cao, hiểu cũng rộng nhưng đôi khi miếng cơm, hộp sữa lại lo không đủ cho con cái, chứ đừng nói gì tới trường quốc tế này nọ. Giàu có cũng là một khái niệm rất khó định nghĩa!
Tôi quen khá nhiều bậc đàn anh, các thầy cô và bạn bè có nhiều điều kiện vật chất. Tuy nhiên, họ không làm một nghề, họ làm nhiều hơn một nghề, họ làm không chỉ tuần 40 giờ mà họ làm quần quật từ sáng tới tối, cuối tuần cũng làm…
Ngoài ra, tôi cũng biết khá nhiều gia cảnh khó khăn, còn tuổi đời trẻ, chưa đủ bằng cấp và chứng chỉ, làm ở một nơi…
Như vậy, trước khi chờ có cơ chế mới thì các bạn của tôi hãy kiên cường và lạc quan nhé. Tôi không dám khẳng định bác sĩ giỏi là sẽ giàu, và bác sĩ giàu thì do giỏi. Mình chỉ biết là nếu như có một đam mê đích thực trong công việc, thì mọi khó khăn sẽ qua, và chúng ta sẽ sớm thấy được ý nghĩa của công việc mình đang làm.
Bài viết dài quá, cảm ơn các bạn đã đọc tới đây. Duy cũng rất vui vẻ đón nhận những đóng góp của các bạn trong chủ đề nóng và rộng này.
Nguồn: BS. Nguyễn Thái Duy + Biomedical Data Science Initiativies.