Tôi có cảm tưởng ở Việt Nam ngày nay ngành nghề nào cũng muốn được … mang ơn. Từ quân đội, công an, đến y tá bác sĩ và chiêu đãi viên hàng không, ai cũng ca thán khổ cực và như ngầm muốn được công chúng ghi ơn. Dường như họ thấy ngành nghề họ là quan trọng hơn ngành nghề khác. Nhưng trong thực tế chẳng ai trong chúng ta là quan trọng cả. Chúng ta làm việc trước hết là vì lợi ích của chúng ta.
Nỗi khổ nghề nghiệp
Sáng nay ngồi uống cà phê tán gẫu với một người mà tiếng Anh gọi là ‘Ranger’ và nghiệm ra nhiều điều hay. Ranger không phải là cảnh sát, nhưng là người đi tuần tra để bảo đảm trật tự đô thị, kể cả xe đậu đúng chỗ và đúng qui định. Họ có một việc là mỗi ngày họ đi tuần tra những khu phố, xem có xe nào đậu quá giờ hay đậu sai chỗ, và họ … ra giấy phạt. Họ bị đa số công chúng ghét lắm . Tôi tưởng công việc đó khá nhàn hạ, được đi đây đó, được hàng quán cho cà phê uống, mà còn giữ gìn trật tự cho phố xá.
Nhưng tôi sai, công việc ranger đó cũng khổ cực lắm. Họ có ‘quota’, tức cấp trên ra chỉ thị mỗi tuần phải phạt được bao nhiêu tiền về cho hội đồng thành phố. Do đó, họ phải làm việc chăm chỉ, mà cái việc đó thì lại bị công chúng ghét. Mà, cũng không dễ phạt người ta, vì tài xế có nhiều cách né tránh họ. Ngay cả khi phạt, tài xế có thể ra toà để kiếu nại, mà toà thì thường nghiêng về người bị phạt hơn là người đi phạt. Thành ra, cho dù trong tuần làm đủ quota, nhưng thu nhập thì chưa chắc đủ, và nếu chưa đủ thì bị giáng chức như chơi. Hoá ra, cái công việc đơn giản đó cũng không hề đơn giản, và người trong cuộc có nhiều nỗi khổ. Nhưng họ không than vãn, vì họ nói đó là lựa chọn của họ.
Cũng sáng nay, tôi nhận email của một anh bạn ở Nam Úc nói rằng chắc lab của anh sẽ đóng cửa năm tới. Lí do là năm nay dự án nghiên cứu của anh ấy không được NHMRC cấp tiền (NHMRC là cơ quan tài trợ khoa học cấp quốc gia của Úc). Đó là một tin sốc. Một nguồn tin không chánh thức cho biết rằng năm nay, cứ 100 dự án nghiên cứu thì chỉ có 9-10 dự án được tài trợ (mấy năm trước tỉ lệ tài trợ là 12-15%). Do đó, anh ấy không phải là nạn nhân duy nhứt. Tuy nhiên, nói vậy thì quá dễ. Vấn đề ở đây là khi lab bị đóng cửa thì nhân viên sẽ bị nghỉ việc, và anh ấy sẽ làm gì đây. Tương lai rất bấp bênh.
Tôi nghiệm ra rằng chức vụ hay nhiệm vụ càng cao thì nỗi khổ càng lớn.
Nhưng có cần phải ca thán không? Tôi nghĩ không. Ngày xưa, tôi từng làm trong nhà bếp, làm phụ tá trong lab, làm đủ thứ nghề, và có đủ thứ tủi nhục. Nhưng tôi không trách ai và nhứt định không ca thán. Cụ Nguyễn Du đã nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân / cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Ai cũng khổ. Nỗi khổ của mình chắc gì bằng nỗi khổ của người khác.
Chúng ta không quan trọng
Vài năm trước tôi mắc bệnh, và người phát hiện bệnh chẳng ai khác hơn là sếp tôi. Sau này tôi hay nói rằng nhờ ông mà tôi còn sống đến nay. Nhưng sếp tôi khoát tay nói (dịch sang tiếng Việt nôm na) là “Mày thật sự nghĩ vậy à? Không. Không có tao thì có người khác giúp mày. Tao chẳng có gì quan trọng đâu.” Câu đó làm tôi suy nghĩ hoài.
Càng trải nghiệm cuộc đời trong và ngoài khoa học tôi càng thấm câu đó: chúng ta và đóng góp của chúng ta không có gì quan trọng đâu.
Tất cả chúng ta được sanh ra và tồn tại trong thế giới này chỉ để phụng sự. Những gì chúng ta phụng sự cho thế giới này rất ư là nhỏ nhoi. Nó không quan trọng như chúng ta nghĩ hay tưởng. Những thi đua, giải thưởng, những “highly cited researchers” hay “most-cited researchers”, hay tương tự nó chỉ có nghĩa nhỏ nhoi trong một lãnh vực nhỏ nhoi. Nhưng những thứ đó dễ làm cho người ta ảo tưởng rằng mình là người quan trọng, hay đóng góp của mình quan trọng. Tôi nghĩ đó đúng là ảo tưởng.
Thế giới này quá rộng lớn (và càng ngày càng lớn hơn), tuyệt đại đa số chúng ta không có vai trò gì quá quan trọng đối với người khác.
Nếu một mai chúng ta mất đi thì người khác vẫn sống thôi. Không có chúng ta, thì có người khác (y như sếp tôi nói). Nếu không có chiêu đãi viên hàng không thì chúng ta vẫn có thể bay. Nếu không có bác sĩ hay y tá thì chúng ta vẫn sống, có khi sống lâu hơn. Nếu không có giới khoa học thì chúng ta vẫn tồn tại, dù có thể khó khăn một chút (nhưng sự có mặt của họ có khi đem lại phiền phức cho chúng ta). Nếu không có chánh trị gia và chánh phủ thì đất nước và dân tộc vẫn tồn tại (mà có họ lại có khi đem lại nhiều phiền toái). Thành ra, không nên tự xem mình quá quan trọng, càng không nên xem mình quan trọng hơn người khác.
Nhưng vì tâm lí xem mình là quan trọng nên có nhiều người ở VN thích/muốn được công chúng mang ơn họ. Suy nghĩ này bắt đầu từ câu nói cửa miệng “ơn đảng và nhà nước”. Thành ra, chiêu đãi viên thì cho nghĩ rằng họ phải hi sinh việc gia đình để phục vụ hành khách trong những chuyến bay dài. Y tá thì nghĩ rằng họ là người cứu giúp chúng ta sống sót. Thậm chí cảnh sáy công an cũng nghĩ rằng chúng ta phải mang ơn họ. Nếu tôi là họ tôi sẽ hỏi đây là bổn phận và công việc mà xã hội giao phó hay là ban ơn.
Theo lí thuyết “Invisible Hand” của Adam Smith thì tất cả chúng ta làm việc là vì lợi ích của … chúng ta. Chúng ta lao động trước hết là có thu nhập nhằm bảo đảm cuộc sống và tồn tại, và qua đó mà đóng góp cho xã hội. (“Every individual necessarily labors to render the annual revenue of the society as great as he can … He intends only his own security, and he is in this, as in many other cases, led by an invisible hand to promote an end which was no part of his intention … By pursuing his own interests, he frequently promotes that of the society more effectually than when he really intends to promote it.”).
Mấy tuần nay tôi đọc cuốn sách về Richard Feynman và thích lắm, nên hay trích những câu nói mang tính ‘wisdom’ của ông. Một trong những câu đó là “The first principle is that you must not fool yourself — and you are the easiest person to fool.” Có lẽ dịch sang tiếng Việt là “Nguyên tắc đầu tiên là bạn không được tự huyễn hoặc mình — và bạn là người dễ huyễn hoặc nhứt.” Câu này rất đúng.
Ai cũng có nỗi khổ riêng. Đừng hỏi “có biết chúng tôi là ai” mà hãy hỏi “mình đã phụng sự gì cho chính chúng ta và cho đời”. Và, cũng đừng tự huyễn hoặc rằng phụng sự của mình là quan trọng, vì trong thế giới rộng lớn này chúng ta không quan trọng.
Thi sĩ người Ấn Độ Chinmoy Kumar Ghose có một câu rất hay như sau: “Judge nothing, you will be happy. Forgive everything, you will be happier. Love everything, you will be happiest”. (Không phán xét bất cứ điều gì, bạn sẽ hạnh phúc. Tha thứ mọi thứ, bạn sẽ hạnh phúc hơn. Yêu mọi thứ, bạn sẽ hạnh phúc nhứt). Điều quan trọng nhứt là yêu cái việc mình đang làm trong hiện tại.