[Cập nhật] Không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Rate this post

KHÔNG CÓ BẰNG CHỨNG CHO THẤY VACCINE COVID-19 ẢNH HƯỞNG ĐẾN KHẢ NĂNG SINH SẢN

Đầu tháng 12 năm 2020, trên mạng lan truyền thông tin sai lệch cho rằng vắc xin COVID-19, cụ thể là vắc xin do Pfizer/BioNTech sản xuất, có khả năng gây vô sinh ở những phụ nữ được tiêm. Quan điểm này cho rằng protein syncytin-1 ở người có cấu trúc tương đồng với protein gai (spike protein) của virus SARS-CoV-2. Syncytin-1 là một loại protein rất quan trọng trong việc hình thành nhau thai người – cơ quan giúp đổi chất dinh dưỡng từ mẹ sang phôi. Tiêm vắc xin giúp tạo ra kháng thể chống lại các protein gai của vi rút SARS-CoV-2, nhưng những kháng thể này cũng có thể chống lại protein của cơ thể. Do đó, phụ nữ được tiêm chủng vắc xin này có thể bị vô sinh trong thời gian không xác định.
Một số nhà khoa học đã cho thấy thông tin trên là vô căn cứ qua việc chứng minh trình tự sắp xếp axit amin trong protein gai của vi rút SARS-CoV-2 và protein syncytin-1 là quá nhỏ để hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể nhầm lẫn [1,2].
Pfizer đã công bố thông tin cho biết protein gai do vắc xin của họ mã hoá chỉ tương đồng với 4 axit amin với protein syncytin-1 – vốn chứa đến 538 axit amin [3-5]. Đồng thời, kết quả từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin Pfizer/BioNTech trên số lượng nhỏ phụ nữ vô tình mang thai trong quá trình thử nghiệm cho thấy không có đối tượng nào bị sảy thai sau tiêm vắc xin. Nghiên cứu chỉ báo cáo 1 trường hợp sảy thai ở nhóm dùng giả dược [6].
Sau đó, rất nhiều kết quả từ các nghiên cứu khác cũng được công bố để bác bỏ sự thiếu chính xác của thông tin này.
Vào tháng 1 năm 2021, một nhóm chuyên gia sức khỏe sinh sản đã xuất bản một bài báo trên tạp chí của Hội Y khoa Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM’s Fertility and Sterility), nói rằng vắc xin ngừa COVID-19 “không chứa syncytin-1 hay bất kỳ trình tự mRNA nào mã hoá cho protein syncytin-1” [7].
Hai nhà nghiên cứu Udo Markert (chủ tịch Hiệp hội Miễn dịch Sinh sản Châu u ESRI) và Ekkehard Schleußner (Trưởng khoa Sản- Bệnh viện Đại học ở Jena, Đức) nhấn mạnh đây là tin đồn không có cơ sở. Họ còn khuyên phụ nữ nên tiêm ngừa vắc xin để bảo vệ mình trước COVID-19 [8,9].
Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) cũng khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 không chứa vi rút sống nên không gây tăng nguy cơ vô sinh, thai chết lưu ở ba tháng đầu, ba tháng giữa hay các dị tật bẩm sinh khác” [10].
Bộ Y tế Úc nhấn mạnh: “Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy kháng thể hình thành từ tiêm chủng COVID-19 gây ra bất kỳ vấn đề nào đối với thai kỳ, bao gồm cả sự phát triển của nhau thai. Ngoài ra, không có bằng chứng nào cho thấy các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng sinh sản là tác dụng phụ của BẤT KỲ vắc xin nào.” [11].
Hiện nay, hàng triệu liều vắc xin đang được sử dụng để tiêm ngừa trên toàn thế giới. Hiệu quả bảo vệ mà chúng mang lại ở các thử nghiệm lâm sàng và thực tế rất đáng mong đợi [13,14]. Nỗi lo về các tác dụng không mong muốn của vắc xin ngừa COVID-19 lên khả năng sinh sản vẫn là một cản trở lớn đối với người trẻ đang trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên dựa trên nhiều báo cáo, đến hiện tại chưa tìm thấy bằng chứng về ảnh hưởng xấu của vắc xin COVID-19 đến khả năng sinh sản của phụ nữ hoặc nam giới [12-17].
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Sinh sản Anh (BFS), hoàn toàn không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ, nam giới và những bệnh nhân đang áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản [18]. Tuy nhiên, hiệp hội cũng khuyến cáo nên tách ngày tiêm chủng khỏi quy trình điều trị hỗ trợ sinh sản vài ngày để xác định chính xác các triệu chứng như sốt là do vắc xin hay do quy trình điều trị gây ra.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) và Hiệp hội Y học Bà mẹ – Thai nhi (SMFM) cũng đã có những công bố tương tự, khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản [19,20]. Các tổ chức này cũng khuyến nghị tất cả những người đủ điều kiện, bao gồm cả những phụ nữ đang mang thai và cho con bú nên tiêm phòng vắc xin [21,22]. Điều này đã củng cố thêm niềm tin vào tác dụng của việc tiêm phòng vắc xin COVID-19 cũng như mở ra nhiều điều hứa hẹn trong vấn đề kiểm soát sự lây lan của đại dịch toàn cầu trong tình hình hiện tại.
Advertisement
Phạm Thiên Trang, Nguyễn Khởi Quân – Tổ chức Phi lợi nhuận Y học Cộng đồng (https://yhoccongdong.com)
___

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://theconversation.com/covid-19-vaccines-do-not-make…
  2. https://www.nytimes.com/…/opi…/covid-vaccine-rumors.html
  3. https://www.reuters.com/…/fact-check-available-mrna…
  4. https://www.thejournal.ie/pfizer-covid-19-vaccine…/
  5. https://academic.oup.com/biolre…/article/71/6/1956/3028937
  6. https://www.mdpi.com/2036-7449/13/3/64
  7. https://www.fertstertdialog.com/…/covid-19-vaccine-and…
  8. https://www.dw.com/…/covid-vaccine-the…/a-58753946
  9. https://www.uniklinikum-jena.de/…/Impfung…
  10. https://www.asrm.org/…/covid-19/covidtaskforceupdate11.pdf.
  11. https://www.health.gov.au/…/covid-19-vaccines/is-it-true
  12. https://www.cdc.gov/…/vaccines/reporting-vaccinations.html
  13. https://www.gavi.org/…/how-effective-are-covid-19…
  14. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16684842
  15. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/33985514
  16. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20674894
  17. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19164480
  18. https://www.britishfertilitysociety.org.uk/…/bfs-arcs…
  19. https://www.asrm.org/…/asrm-smfm-acog-issue-joint…
  20. https://www.cdc.gov/coronav…/2019-ncov/vaccines/facts.html
  21. https://www.acog.org/…/covid-19-vaccination…
  22. https://www.cdc.gov/…/need-extra…/pregnant-people.html
Link bài viết: https://www.facebook.com/groups/ylamsang/permalink/1222712214841401/

Cảm ơn tác giả Nguyễn Khởi Quân đã chia sẻ bài viết cho Diễn đàn Y Khoa!

Giới thiệu Quỳnh Mai

Check Also

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 𝚃𝙷𝙴𝙾 𝟻 𝙲𝙷Ữ 𝙲Á𝙸

𝚃Ó𝙼 𝚃Ắ𝚃 𝙿𝙷Â𝙽 𝙱𝙸Ệ𝚃 𝙴𝙲𝙶 𝚁𝚄𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ 𝚅À 𝙲𝚄Ồ𝙽𝙶 𝙽𝙷Ĩ, 𝙷ƯỚ𝙽𝙶 Đ𝙸Ề𝚄 𝚃𝚁Ị 𝙲Ả 𝟸 …