Nghĩ về cuộc đời của Chí Tài tôi thấy anh ấy có một cái tánh rất đáng học: không phán xét ai. Trên sân khấu, anh đóng những vai có tính phán xét, nhưng ngoài đời thì tất cả những ai quen anh đều nói anh rất hoà nhã, dễ mến, không chê bai ai. Càng đọc, học và suy nghĩ về vấn đề này (phán xét) tôi thấy có nhiều cái hay và xin chia sẻ cùng các bạn vài điều tôi hiểu được.
“Chê bai mà không biết gì về nguời mình chê bai là một cái tội lớn nhứt”
Phân biệt phán xét (judgment) và đánh giá (assessment)
Đọc bất cứ cuốn sách nào về tâm lí học và Phật giáo, các bạn sẽ thấy người ta xem phán xét là một hành vi xấu. Thoạt đầu, tôi rất ngạc nhiên và hoang mang, bởi vì công việc của tôi rất thường xuyên đòi hỏi phải đánh giá. Đánh giá công trình nghiên cứu của đồng nghiệp cho các tập san khoa học, đánh giá đề cương nghiên cứu cho các hội đồng cấp tài trợ nghiên cứu, đánh giá đồng nghiệp cho các chương trình fellowship, v.v. Không làm không được, vì đó là một phần của công việc. Chẳng hạn như sáng nay tôi phải đánh giá một đề cương nghiên cứu bên Tiệp Khắc, và tôi nghĩ chắc người ta sẽ không tài trợ. Vậy hoá ra tôi đã phạm phải sai lầm trong đời?
Nhưng không phải như vậy. Chúng ta cần phải phân biệt giữa assessment (đánh giá) và judgment (phán xét). Đánh giá là một phát biểu mang tính mô tả về sự kiện hay sự vật trong tâm thế trung dung và khách quan; còn phán xét là một phát biểu về ý kiến cá nhân và trong tâm thế chủ quan. Đánh giá có thể xem là một cách tiếp cận khoa học, còn phán xét là dựa trên cảm tính và tự thị.
Ví dụ cụ thể để dễ hiểu: như nếu ông Smith nói “Dr. Nguyen có thời gian lái xe đò ở Việt Nam và nay là chuyên gia của NASA” thì đó là một đánh giá. Nhưng nếu ông ấy nói “Thằng đó là một kẻ dốt và bất tài”, thì đó là một phán xét.
Như thấy trên, đánh giá chỉ đơn thuần mô tả những gì chúng ta thấy, nghe, và cảm được, với giả định rằng những gì anh làm tôi không thể theo đuổi được. Đánh giá mang tính quan sát và khám phá. Phán xét dựa trên giả định rằng “ta đúng, người sai”. Mỗi một phát biểu về phán xét / chê bai người phát biểu giả định rằng mình biết một chút gì đó về đối tượng. Nhưng dĩ nhiên người phát biểu không thể nào biết hết về đối tượng. Khi đưa ra lời phán xét, người phát biểu đặt mình ở vị trí cao hơn, và do đó là một thái độ trịch thượng. Phán xét không có sự thông cảm, mà chỉ là một sự chỉ trích và chê bai. Người phán xét tự cho rằng mình có tài, còn đối tượng là bất tài, hay nói chung là “mình đúng và đối tượng sai”.
Tóm lại, đánh giá có hàm ý tích cực, còn phán xét có hàm ý tiêu cực. Do đó, trong các hội đồng khoa học ở Úc người ta dùng chữ ‘Assessor’ (người đánh giá), chớ không phải ‘judgment’. Thành ra, chữ “judgment” trong văn cảnh của bài này phải dịch là ‘chê bai’.
Thói chê bai
Ở Viện tôi làm việc có một vị tôi vừa ngạc nhiên vừa nể phục trong lòng. Nhìn bề ngoài ông là một ‘ông cụ’ như mọi ông cụ khác ngoài đường, tức là đầu tóc và trang phục y như người thuộc giai cấp lao động (tiếng Úc gọi là ‘struggle people’). Sáng nào ông cũng đi bộ từ ga xe lửa đến nơi làm việc, và trên tay dường như lúc nào cũng có một trái chuối hay một trái táo, nhưng không có cặp táp cũng chẳng có gì giống như ông đi làm việc. Ông đi chậm chạp (có lẽ vì cao tuổi) và ít khi nào nói chuyện với ai. Nhưng khi tôi tìm hiểu thì mới biết ông là một trong những ‘đại thụ’ của ngành miễn dịch học, một nhà khoa học lừng danh trên thế giới, có nhiều đóng góp mang tên ông, đào tạo ra nhiều học trò cũng lừng danh. Ông được trao nhiều giải thưởng và là fellow của Viện hàn lâm. Năm nào cũng được các hiệp hội miễn dịch học mời đi nói chuyện, dù ông đã nghỉ hưu lâu rồi.
Ấy vậy mà trong các buổi họp, ông là người ít có ý kiến nhứt, thật ra đa phần là không có ý kiến. Có lần tôi ngồi kế ông trong buổi seminar về chủ đề của ông, nhưng thấy ông không có bình luận, tôi mới hỏi ‘sao thầy không có ý kiến gì trong khi mọi người rất ồn ào’. Ông vỗ vai tôi rồi nói ‘Oh young man! I am an old man who has learned not to judge people.’ (tạm dịch: Ôi, anh bạn trẻ! Tôi là một ông già đã ngộ ra rằng không phán xét người khác). Khi ra ngoài cầu thang, ông nói thêm “Nếu không có gì tích cực để nói, thì tốt nhứt là im lặng”. Câu nói đó làm tôi suy nghĩ hoài.
Ngoài đời, có những người có thói quen phán xét người khác. Tôi từng gặp vài người Việt hầu như không biết khen ai; họ chỉ chê bai, chỉ trích, phê phán một cách [nói theo tiếng Anh là] ‘summary’ (tức là chưa gặp, chưa nói chuyện và không biết gì người đó mà cũng chê bai)! Và, họ có vẻ rất tự hào về thói quen chê bai đó. Chẳng hạn như ông Trump, rất nhiều người chỉ căn cứ vào những tờ như New York Times, CNN hay cuốn sách của cháu ông mà phán xét ông ấy một cách rất summary: bất tài, lừa dối dư luận, sống vô luân, thậm chí … sát nhân.
Diễn viên Kelsey Grammer từng nói một câu rất hay đại ý rằng “Chê bai mà không biết gì về nguời mình chê bai là một cái tội lớn nhứt” (the greatest sin is judgment without knowledge).
Tôi rất ngạc nhiên với hành vi của những người như thế, và tìm sách đọc. Đọc sách tâm lí mới biết hoá ra đây là vấn đề được giới tâm lí học và tôn giáo (đặc biệt là Phật giáo) rất quan tâm, và họ tiêu ra rất nhiều thì giờ để bàn luận và nghiên cứu. Theo giới nghiên cứu, người ta có thói quen chê bai là vì 4 lí do: thiếu an toàn, sợ hãi, cô đơn, và muốn đổi thay:
Thứ nhứt, chúng ta cảm thấy không an toàn, thiếu tự tin. Đây chính là lí do chánh dẫn đến hành vi phán xét người khác. Khi chúng ta cảm thấy không tự tin hay không hài lòng với chính mình, chúng ta thường có thói quen đặt gánh nặng lên người khác. Thấy người khác làm được việc, còn mình thì không, và điều này dễ dẫn đến chê bai người khác là kém cỏi. Chúng ta cảm thấy hài lòng khi làm cho người khác xấu xa, kém cỏi.
Thứ hai, chúng ta sợ hãi. Thường, chúng ta sợ bị người khác bắt nạt hay đe doạ, nên chúng ta phải ra tay trước. Nhân viên hay tụ tập nhau để nói xấu sếp. Khi một người phụ nữ thấy người phụ nữ kia xinh đẹp và duyên dáng hơn, thì thường người xinh đẹp hơn sẽ bị nói xấu.
Thứ ba, chúng ta cô đơn. Khi chúng ta cô đơn hay bị cô lập, chúng ta hay dùng phán xét người khác để tìm cách kết bè bạn với những người hay phán xét. Nhưng đó là kiểu kết bạn tiêu cực (tức cả đám chỉ tụ tập nói xấu và chỉ trích mà không làm gì tích cực).
Thứ tư, chúng ta muốn thay đổi. Khi chúng ta ta chán với cuộc sống hiện tại và muốn có thay đổi. Trong tình huống đó, chúng ta hay phán xét cuộc sống của người khác. Chẳng hạn như nếu một đồng nghiệp được đề bạt, thì xác suất cao là sẽ có người thầm thì ‘tay đó có biết gì mà cũng được đề bạt.’ Chúng ta đang ganh tị.
Thói quen chê bai có một tác động xấu là tích luỹ tạo ra một thế giới tiêu cực. Trong xã hội, có những người hình như không khen ai, mà chỉ biết chê bai. Đối với họ ai cũng xấu, ai cũng dở, ai cũng có vấn đề. Dường như họ chỉ sống nhờ chỉ trích người khác mà không nhìn lại mình. Họ là những người tích cực tạo ra một thế giới xấu, hay ít ra trong cái nhìn của họ, thế giới này chỉ toàn những người xấu. Có lẽ thế giới facebook là một thế giới tiêu cực nhiều hơn tích cực, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt, vì ‘văn hoá’ chê bai và chỉ trích quá nặng nề.
Sống tích cực: không chê bai!
Trong thực tế, tất cả sự việc, dù lớn hay nhỏ, đều mời gọi phán xét và đánh giá của chúng ta. Chuyện thời tiết, chuyện chánh trị, chuyện món ăn, một chương trình tivi — ở mỗi thời điểm trong ngày — đều có cái gì đó mời gọi bạn phán xét hay đánh giá. Và, thường thì chúng ta sẵn lòng đưa ra lời phán xét mà không nhận ra hậu quả của phán xét, không nhận thức hay quan tâm đến trách nhiệm của mình.
Phán xét hay chê bai người khác là một hành động tự phụ lớn lao. Có thể là tự phụ trong sự bực tức, nhưng cũng có thể là loại tự phụ không tưởng. Khi chúng ta đưa ra một lời phán xét hay chê bai người khác, chúng ta mang trên người một gánh nặng trách nhiệm để phán xét đúng. Nhưng như nói trên, phán xét nào cũng sai, bởi vì chúng ta không biết về đối tượng, chúng ta dựa giả định sai và và chúng ta chủ quan.
Thành ra, không ngạc nhiên khi các chuyên gia tâm lí và nhà đạo đức học khuyên chúng ta không nên phán xét / chê bai người khác. Họ khuyên sống tích cực. Sống tích cực ở đây có nghĩa là tìm cái hay của người khác. Mỗi chúng ta đều có những nét hay và điều tốt. Nhưng phán xét thì thường chỉ muốn và nhìn vào cái điểm xấu của người khác. Cho dù tâm trí chúng ta mặc định tìm cái xấu, chúng ta vẫn có thể thay đổi cái mặc định đó để tìm điều tích cực của người khác. Nếu không tìm thấy cái hay của người khác thì tốt nhứt là im lặng (như ông cụ tôi đề cập trên).
Một cách khác sống tích cực là tập trung vào cuộc sống của chúng ta. Đừng quá bận tâm với suy nghĩ và việc làm của người khác. Hãy suy nghĩ về cuộc sống của chính chúng ta và hỏi chúng ta muốn hoàn thành điều gì trong đời và hãy theo đuổi mục tiêu đó. Hãy suy nghĩ tích cực. Hãy tự theo dõi suy nghĩ của chúng ta. Thay vì chê bai người khác, chúng ta nên chú ý đến tư tưởng và hành trình suy nghĩ của chính mình, và cố gắng chuyển sang chiều hướng tích cực hơn là tiêu cực.
Thay vì phán xét, chúng ta nên học cách đánh giá. Ngôn ngữ và cách nói trong đánh giá có khi đóng vai trò quan trọng. Tôi mới đọc bài trên Nature [1] có tựa đề “If you can’t be kind in peer review, be neutral” (Nếu bạn không có lòng tử tế trong bình duyệt thì ít ra cũng nên trung dung). Bài viết có một ví dụ như sau: thay vì phê bình người ta là
“This project proposal didn’t bother to fulfil the requirements stated in the call.” (Đề cương này không thèm đáp ứng yêu cầu mô tả trong thông cáo).
thì nên viết cho trung dung (assessment) hơn:
“This project proposal didn’t fulfil the requirements stated in the call.” (Đề cương này không đáp ứng yêu cầu trong thông báo).
Đọc được câu này tôi thấy hay quá, và hiểu tại sao trước đây thầy tôi hay chỉ cách viết tích cực này. Chúng ta có thể biến mỗi tình huống thành một trải nghiệm tích cực. Khi chúng ta thực hành sống tử tế (kindness toward life), chúng ta sẽ thấy thế giới rất khác.
• Thay vì nói “tôi đã phí thời giờ”, thì nên nói “tôi cám ơn cho thời gian mà tôi có được”
• Thay vì nói “tôi đã thất bại, nên nói “tôi sẽ tìm hiểu tại sao có vấn đề”
• Thay vì nói “tôi đã trải qua một thời kì khó khăn “, nên nói “ngày mai sẽ tốt hơn”
• Thay vì nói “ông ấy là người keo kiệt”, nên nói “ông ấy cần tình thương”.
Phán xét người khác là một hành động tự phụ. Đó là một sự tìm tòi trong kho tàng kiến thức cá nhân, rồi xâu chuỗi lại vài dữ kiện để đi đến một câu trả lời cho một vấn đề hay một tình huống. Thường thì câu trả lời sai, vì chúng ta không bao giờ biết hết hay hiểu hết người mình phán xét. Từ cái sai đó, người phán xét có thể làm tổn thương đến người khác [2]. Nếu chúng ta chê bai người khác và nếu người đó không biết thì có lẽ chẳng có gì xảy ra? Không hẳn vậy đâu. Sự việc lúc nào cũng quay tròn và phán xét của chúng ta sẽ gây tổn hại đến họ một cách bất ngờ. Hãy suy nghĩ cẩn thận và hỏi: chúng ta có muốn bị chê bai như chúng ta chê bai người khác.
Tôi chắc chắn rằng trong quá khứ tôi đã lẫn lộn giữa đánh giá và phán xét, bởi vì lằn ranh giữa 2 hành vi này quá gần nhau, và bởi vì tôi kém hiểu biết. Nhưng từ ngày nghe vị tiền bối ở Garvan nói câu “Nếu không có gì tốt để nói thì nên im lặng” và từ ngày biết được phán xét khác với đánh giá thế nào, thì tôi tránh phán xét tối đa. Không dễ đâu, nhưng cố gắng dùng ngôn ngữ và cách viết/nói cũng có thể gieo mầm mống tích cực cho đời.
Carl Jung từng nói rằng “Mọi thứ làm cho chúng ta tức tối về người khác có thể giúp chúng ta hiểu chính mình hơn” (“Everything that irritates us about others can lead us to an understanding of ourselves.”) Nghĩ về câu này tôi thấy có thể hiểu là khi chúng ta phán xét ai đó, nó ảnh hưởng đến chúng ta nhiều hơn là ảnh hưởng người đó. Nó cũng nói về chúng ta nhiều hơn là nói về người đó. Chúng ta chuyển đi một cảm nhận của chúng ta về thế giới, và do đó, nó nói lên cái thiên vị trong đầu óc mình. Thay vì phán xét, chúng ta nên quan sát và tò mò, tìm thêm thông tin và mở rộng cái khoảng cách giữa quan sát và kết luận.
Có lẽ chúng ta đặt lòng trắc ẩn đầu tiên, tình thương mãi mãi, và không bao giờ chê bai.
____
[2] Mới đây, trong chuyên ngành xương chúng tôi có một sự việc gây ồn ào vì liên quan đến một nhà khoa học nổi tiếng. Ông là người thuộc vào nhóm ‘elite’ trong y khoa, có những khám phá cơ bản và quan trọng, toàn công bố trên những tập san hàng đầu (như Nature, Science, Cell, và mới đây là eLife). Nhưng chỉ có một vấn đề là nhiều kết quả nghiên cứu của ông rất khó lặp lại. Thật ra, hầu hết những khám phá nổi tiếng của nhóm ông đều không được tái lập (reproducible). Mới đây, ông được mời viết một bài tổng quan, và dĩ nhiên là ông nói về nghiên cứu của ông nhiều, rồi đề ra một lí thuyết về sự tương tác giữa năng lượng và quá trình chuyển hoá xương. Một đồng nghiệp khác trẻ hơn nhưng cũng nổi tiếng viết một bài tổng quan dài gấp 2 lần bài của ông kia, và phê bình lí thuyết năng lượng kia khá nặng nề, kể cả vấn đề tái lập. Thế là hai bên cãi qua cãi lại (chỉ qua phone), nhưng đùng một cái ông cụ kia đệ đơn kiện đồng nghiệp trẻ. Tôi không biết kiện về gì (và cũng không có ý tìm hiểu), mà chỉ nghe bạn bè bàn tán với nhau và lấy sự việc làm bài học ở đời: nên tử tế với nhau và bớt phán xét.