[Chia sẻ] TOÀN BỘ DIỄN BIẾN 1 CA MỔ

Rate this post
Mới đây, netizen lan truyền bức ảnh và đoạn video ghi lại cảnh một bác sĩ bị tụt quần khi đang mổ. Đây là câu chuyện có thật. Sự việc xảy ra vào ngày 1 tháng 7 năm 2021, tại huyện Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), bác sĩ Á Ước Tư Nhĩ trong lúc phẫu thuật cho bệnh nhân, vì quá tập trung nên không biết quần của mình đã bị đứt dây chun và tụt xuống.
Phòng mổ luôn như vậy.
Đó là căn phòng bí ẩn, luôn đóng chặt cửa, trên màn hình hiển thị hai kí to màu đỏ “phòng mổ” để cấm người không có nhiệm vụ. Bên trong là không khí vô trùng căng thẳng. Ai cũng khiếp sợ khi đến gần nơi này. Người nhà đứng bên ngoài thấp thỏm lo lắng, không biết diễn biến ca mổ như thế nào, có suôn sẻ không, liệu bác sĩ có bỏ quên gạc và dụng cụ trong ổ bụng hay không, ca mổ đến khi nào mới xong… Bệnh nhân là người cảm thấy bất an nhất. Còn bác sĩ, mỗi ca mổ là một trận chiến, họ tập trung hết sức để không được phép để xảy ra sai sót.
Nếu bạn biết nhiều chuyện xảy ra bên trong phòng mổ, thì sự lo lắng sẽ giảm đi, nên hãy dành 10 phút đọc hết bài viết này để hiểu toàn bộ ca mổ diễn ra như thế nào.
▶ TRƯỚC KHI PHẪUTHUẬT
1⃣ Nhập viện
Trước khi mổ bệnh nhân phải nhập viện, hàng ngày bác sĩ đến giường bệnh thăm khám hỏi han, thường là một lần vào đầu giờ sáng. Số ít bệnh viện khám hai lần sáng và chiều. Trong quá trình này, hồ sơ bệnh án được hoàn thiện, người bệnh cũng được áp dụng các biện pháp điều trị nâng cao thể trạng nếu sức khoẻ không tốt.
2⃣ Khám tiền phẫu
Đây là hoạt động khám cơ bản về thể trạng của bệnh nhân để xác định xem bệnh nhân có đủ điều kiện để phẫu thuật hay không.
Các hạng mục thăm khám cụ thể bao gồm: X quang phổi, điện tâm đồ, xét nghiệm công thức máu, chức năng đông máu, nhóm máu, sinh hoá máu, xét nghiệm nước tiểu.
Các thăm khám chuyên sâu phục vụ chẩn đoán và tiên lượng bao gồm: Siêu âm, CT. Scanner, MRI, xét nghiệm phân, xét nghiệm chất chỉ điểm khối u…
Các thăm khám chuyên biệt bao gồm: Xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan C. Nếu bệnh nhân đang mắc những virus này, họ phải được đối xử khác với những bệnh nhân bình thường khi chuẩn bị phòng mổ, chẳng hạn như sử dụng tất cả các dụng cụ dùng một lần, các nhân viên tham gia ê kíp phẫu thuật được thông báo để áp các biện pháp phòng vệ cá nhân.
Ngoài phẫu thuật viên thăm khám bệnh nhân, thì bác sĩ gây mê cũng tham gia khám, thông thường bác sĩ gây mê khám trước khi mổ một ngày.
3⃣ Thông qua mổ
Chiều thứ Năm sẽ thông qua mổ ở khoa. Phẫu thuật viên sẽ trình bày bệnh án chẩn đoán, cách thức tiến hành phẫu thuật. Hội đồng chuyên môn thường là bác sĩ trưởng khoa, hoặc phó khoa xem xét, khi thấy bệnh nhân thoả mãn điều kiện phẫu thuật sẽ kí duyệt thông qua mổ, trường hợp ngược lại sẽ phải làm thêm các biện pháp chẩn đoán.
Sáng thứ Sáu sẽ thông qua mổ toàn viện. Ê kíp phẫu thuật trình bày bệnh án và cách thức mổ, cùng với lãnh đạo khoa phải có trách nhiệm trả lời mọi câu hỏi của chủ toạ, kể cả câu hỏi của các đồng nghiệp khác. Chủ toạ là giám đốc, phó giám đốc, hoặc người có chuyên môn cao được giám đốc uỷ quyền duyệt mổ; biên bản thông qua mổ có chữ kí của phẫu thuật viên chính, lãnh đạo khoa, bác sĩ gây mê, chủ toạ thông qua mổ bệnh viện.
4⃣ Giải thích cho bệnh nhân trước mổ
Một ngày trước khi mổ, phẫu thuật viên chính sẽ giải thích cho bệnh nhân và người nhà, sau đó yêu cầu kí vào giấy cam kết đồng ý mổ.
Nội dung giải thích bao gồm: chẩn đoán xác định, sự cần thiết phải thực hiện phẫu thuật, cách thức phẫu thuật, kết quả mong đợi từ ca mổ, những rủi ro tai biến có thể xảy ra.
Kí giấy cam kết đồng ý mổ là thủ tục pháp lí bắt buộc.
Bất kì hoạt động phẫu thuật nào thì bệnh nhân hoặc người đại diện cũng phải kí giấy cam kết, nếu ca mổ không có giấy cam kết thì bác sĩ phải chịu trách nhiệm pháp lí, kể cả khi ca mổ đã thành công. Tờ giấy cam kết chỉ để bảo vệ quyền được biết của bệnh nhân và gia đình. Nó không phải lá bùa giúp bác sĩ từ chối trách nhiệm pháp lí, nếu xảy ra sai sót gây nguy hại cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ vẫn phải chịu trách nhiệm.
5⃣ Chuẩn bị trước phẫu thuật
Chiều và tối trước ngày mổ, y tá sẽ thực hiện các thao tác chuẩn bị cần thiết cho bệnh nhân. Ví dụ đánh giá lại mạch, nhiệt độ, huyết áp. Cạo sạch lông mu. Y tá có thể cạo cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân tự cạo, y tá phải kiểm tra lại xem đã cạo sạch chưa. Ngoài ra yêu cầu cạo râu. Phẫu thuật sọ não bắt buộc phải cạo tóc. Hướng dẫn bệnh nhân tắm rửa sạch sẽ. Thay quần áo, hướng dẫn chế độ ăn, ngủ. Những trường hợp phẫu thuật ống tiêu hoá quan trọng, cần chuẩn bị chuyên sâu hơn, ví dụ thụt tháo hay uống thuốc để làm sạch đại tràng.
Buổi sáng ngày bệnh nhân phẫu thuật, y tá đặt đường truyền tĩnh mạch, có thể đặt trước sonde dạ dày, chuẩn bị sẵn sàng đưa bệnh nhân lên phòng mổ khi có lệnh của bác sĩ.
▶ TRONG QUÁ TRÌNH PHẪUTHUẬT
1⃣ Ê kíp phẫu thuật
Ê kíp phẫu thuật cơ bản gồm 6 người: Phẫu thuật viên chính, phụ mổ một, phụ mổ hai, bác sĩ gây mê, y tá đưa dụng cụ, y tá lưu động.
Với những ca phẫu thuật phức tạp, số lượng nhân sự sẽ nhiều hơn, thậm chí chia làm nhiều ê kíp nhỏ. Ví dụ một ca ghép thận, sẽ có ê kíp lấy thận, ê kíp rửa thận, ê kíp mạch máu, ê kíp tiết niệu, ê kíp gây mê.
2⃣ Lên bàn mổ
Y tá buồng bệnh chỉ được phép đưa bệnh nhân đến cửa phòng mổ. Đón bệnh nhân là nhiệm vụ của y tá phòng mổ. Nhiệm vụ đầu tiên là y tá phòng mổ phải kiểm tra tên, tuổi, địa chỉ đối chiếu với bệnh án để tránh nhầm lẫn. Bệnh nhân được hướng dẫn nằm lên chiếc bàn hẹp. Đó là bàn mổ. Bàn mổ rất hẹp, mục đích là để ê kíp phẫu thuật đứng thẳng người vẫn quan sát được rõ trường phẫu tích.
Sau đó y tá yêu cầu bệnh nhân cởi hết cúc áo, rồi tụt thấp quần, thậm chí phải cởi bỏ hoàn toàn. Đừng xấu hổ. Vì khi mọi bệnh nhân nằm trên chiếc bàn đặc biệt này, thì trong mắt bác sĩ và y tá chỉ quan tâm đến chuyên môn, không ai chú ý đến các thuộc tính xã hội.
3⃣ Gây mê
Có ba biện pháp vô cảm trong phẫu thuật: gây tê tại chỗ, gây tê vùng (gây tê đám rối thần kinh cánh tay, gây tê tuỷ sống), gây mê toàn thân.
Các phẫu thuật lớn đều sử dụng gây mê toàn thân.
Đầu tiên bác sĩ gây mê sẽ nói “tôi đặt cho anh/chị một đường truyền”, đây vừa là thông báo, vừa là kiểm tra sự tỉnh táo và tập trung của người bệnh. Một mặt nạ dưỡng khí được úp vào mũi miệng, thuốc mê được dẫn vào, đồng thời thuốc mê cũng được đưa vào tĩnh mạch. Bác sĩ gây mê tiếp tục hỏi tên, tuổi, bệnh nhân nói méo tiếng dần, chỉ trong vòng 6 đến 10 giây thì mê hẳn.
Ngay lặp tức bác sĩ gây mê đặt nội khí quản.
Đặt nội khí quản diễn ra rất nhanh, tính bằng giây, vì thuốc mê có thể gây ngừng hô hấp, nên đặt nội khí quản để cung cấp ôxy bằng thở máy.
Sau đó, bác sĩ gây mê thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm, hoặc đường truyền động mạch, ở cổ của bệnh nhân; mục đích chính để theo dõi tuần hoàn trong quá trình phẫu thuật.
Cuối cùng, y tá đặt thông tiểu cho bệnh nhân, thông báo với phẫu thuật viên tiến hành ca mổ.
4⃣. Phẫu thuật
Khi bệnh nhân nằm lên bàn mổ, thì ê kíp phẫu thuật thực hiện rửa tay, thời gian rửa thay 15 phút theo quy trình chuẩn, có đánh bàn chải bằng xà phòng, vô khuẩn tay bằng cồn và các dung dịch sát khuẩn.
Mặc áo mổ và đi găng vô khuẩn.
Thủ tục gây mê xong, bác sĩ phụ hai sát trùng vết mổ, trải xăng. Bác sĩ phụ một cùng với phụ hai rạch da, cầm máu, bọc vết mổ, tạo trường phẫu tích. Tiếp theo phẫu thuật viên chính kiểm tra tất cả các tạng, đối chiếu với chẩn đoán trước đó, ghi nhận chẩn đoán đúng và chưa đúng, xác định lại cách thức phẫu thuật phù hợp. Phẫu thuật viên chính bắt tay vào thực hiện phẫu tích, khâu nối, làm các bước quan trọng. Phụ mổ một thấm máu, buộc chỉ, thực hiện các công việc đơn giản, có thể tham gia các kĩ thuật phức tạp hơn nếu phẫu thuật viên chính thấy an toàn. Phụ mổ hai có nhiệm vụ bộc lộ trường mổ thuận tiện nhất, hỗ trợ cho phụ mổ một.
Phụ mổ luôn phải đoán được ý đồ của phẫu thuật viên chính.
Khi ca mổ thành công, phẫu thuật viên chính phải kiểm tra lại toàn bộ trường mổ, yêu cầu và trực tiếp chứng kiến y tá dụng cụ phải đếm đủ số gạc thấm máu, đếm đủ dụng cụ phẫu thích, đảm bảo không thiếu cái nào.
Cuối cùng phụ mổ thực hiện khâu da.
▶ HẬU PHẪU
Nếu đó là ca đại phẫu, tức là phẫu thuật lớn, thì bệnh nhân sẽ đưa về buồng hồi sức tích cực (ICU) để theo dõi vài ngày, các thiết bị ICU giám sát bệnh nhân 24/24, nếu có sự cố gì sẽ xử trí ngay.
Nếu đó là ca trung phẫu, bác sĩ rút ống nội khí quản, y tá gây mê sẽ đánh thức bệnh nhân ngay khi ra rút ống, quan sát và theo dõi hô hấp, nếu có vấn đề gì xử trí ngay. Khi chuyển bệnh nhân sang phòng hậu phẫu, có bác sĩ đi theo, thường là bác sĩ phụ hai, cần thiết sẽ là bác sĩ gây mê. Khi bệnh nhân tỉnh, cảm giác đầu tiên là chóng mặt và buồn ngủ, nhưng y tá luôn đánh thức không cho ngủ tiếp, bằng cách nói chuyện với bệnh nhân và yêu cầu trả lời các câu hỏi.
Ngày đầu tiên sau phẫu thuật sẽ là ngày đau đớn nhất.
Nếu là phẫu thuật ổ bụng, dù là gan, mật, tuỵ, hay ống tiêu hoá; thì y tá chăm sóc sau mổ suốt ngày hỏi xem bệnh nhân đã “đánh hơi” được chưa. Ngày thứ ba mà bệnh nhân chưa xì hơi thì phẫu thuật viên chính ăn không ngon ngủ không yên. Bệnh nhân không được ăn khi chưa xì hơi, thậm chí phẫu thuật ống tiêu hoá còn không được uống nước, mọi nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Sau ba ngày, tuỳ theo diễn biến, bệnh nhân hồi phục dần sẽ được rút ống thông dạ dày, rút ống thông tiểu, rút dẫn lưu ổ bụng nếu có. Bệnh nhân an toàn, đường truyền tĩnh mạch được loại bỏ, sáu ngày sau cắt chỉ, ổn định sẽ kiểm tra lại và ra viện.
Advertisement

Giới thiệu Dương Hải Anh

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …