GIẢ BỘ THÔNG MINH
Tôi đang có một cô bs mới tinh từ VN đang thực tập với tôi 2 tháng. Ban đầu tôi chỉ muốn cô làm quen với cách thực hành y khoa và giao tiếp ở Mỹ. Khi tôi biết cô muốn làm bs nhi khoa, tôi có thêm tham vọng huấn luyện cho cô sẵn sàng cho việc học nội trú ở Mỹ.
Thật lòng 2 tháng để học một chuyên khoa thì không thể nào, nhưng tôi tham vọng chuẩn bị cho cô càng nhiều càng tốt.
Trong một lần tán gẫu lúc ăn trưa, tôi nói là nếu cô muốn làm nội trú nhẹ nhàng và ngon lành thì cô phải học cách giả bộ thông minh. Cô hỏi là theo kiểu “fake it until you make it” phải không anh? Tôi nói không phải là kiểu này, kiểu này là xạo thôi, mà kiến thức mà xạo là người ta biết liền. Cô lại nói thông minh làm sao mà giả bộ, tôi nói được chứ, không phải chỉ trong y khoa mà trong các công việc khác nữa. Nhìn nét mặt cô thì tôi biết cô không tin lời tôi cho lắm.
Để tập cho cô làm một bs thực thụ, tôi cho cô đi khám bệnh trước rồi vào trình lại cho tôi, bàn luận cách trình bày, chẩn đoán, điều trị.
Ngày hôm qua, cô vào khám một bé sơ sinh 4 ngày tuổi, xong ra trình với tôi, cô trình bày lưu loát và chi tiết như một sinh viên lành nghề nhưng tới khi tôi hỏi cô là trường hợp này cần làm gì thì cô trả lời trật lất, cô đòi làm xn tầm soát bệnh chuyển hoá ở trẻ sơ sinh (newborn screen) trong khi cái cần làm là bổ sung vit D vì bé này bú mẹ hoàn toàn.
Tôi dừng lại giải thích cho cô hiểu giả bộ thông minh là như thế nào, mỗi một chuyên khoa sẽ có những loại bệnh khác nhau, cách xử trí khác nhau, cách làm việc khác nhau, chính vì vậy mà bs thực tập phải đến nhiều chuyên khoa khác nhau để học. Tôi bảo cô khi đến một khoa mới, phải mở to hai mắt mà quan sát, dỏng hai tai lên mà nghe, đọc cho kỹ bệnh án khi đi trực. Cô phải luôn hỏi tại sao, tại sao và tại sao. Tại sao khi có triệu chứng như vầy thì bs cho y lệnh như vầy, họ nghĩ đến bệnh gì, họ làm xn này để tìm điều gì, làm sao để phân tích cái xn này, tại sao cho thuốc này, nói chung là tò mò đến mọi thứ xung quanh. Tò mò xong thì tự tìm câu trả lời, không biết thì tìm đọc, đọc không có thì hỏi bạn bè, hỏi y tá lâu năm, cuối cùng là hỏi ông thầy.
Tôi nói cô theo tôi 3 tuần nay, khám bệnh sơ sinh mỗi ngày, cô phải để ý tôi hỏi mẹ bỉm cái gì: bú cái gì, bú ra sao, ỉa đái thế nào, cân nặng lúc sinh, cân nặng bây giờ (giảm cân bao nhiêu %), vàng da không,… Cô trình bệnh cho tôi dài và chi tiết, nhưng những chi tiết tôi muốn biết thì không nghe cô nói.
Cô thấy không phải đứa nào tôi cũng bổ sung Vitamin D, thì cô nên tự hỏi tại sao, vì lý do nào tôi bổ sung vit D, liều ra sao, bao lâu.
Tôi đã nói cho cô nghe sơ qua newborn screen là cái gì, tại sao phải làm 2 cái, cái thứ 1 trong 24 giờ đầu, cái thứ 2 thì sau 7 ngày tuổi, nhưng cô không tìm hiểu thêm, nên cô không chú tâm lắm để áp dụng trên từng trường hợp.
Cô không thoả mãn yêu cầu của tôi trong trường hợp này, đúng ra là cô rớt cái khảo nghiệm của tôi, nhân đó tôi giải thích cho cô giả bộ thông minh là như thế nào.
Khi bắt đầu thì mọi người có độ ngu như nhau, nhưng nếu một người biết cách quan sát và tìm hiểu những điều cốt lõi của từng công việc thì sẽ thành người thông minh trong mắt mọi người xung quanh. Khi mình biết phải làm gì cho đúng ở một nơi mới trong một thời gian ngắn mà không cần phải đợi ai chỉ bảo thì thông minh rồi còn gì. Thành ra khởi đầu đều ngu như nhau, nhưng trong một thời gian ngắn bạn thành người thạo việc, không giả bộ thông minh thì là gì?
Cô là một sinh viên xuất sắc, nhưng chưa học được cách làm một bs. Mỗi bệnh nhân là một bài toán, phải đọc kỹ đề bài và tìm cách giải tối ưu.
Nếu một người phạm sai lầm lần thứ nhất, đó là chưa biết, lần thứ hai thì là vô tâm, phạm cùng sai lầm lần thứ 3 thì là dốt hay lười.
Nếu biết cách giả bộ thông minh, bạn sẽ rất nhẹ nhàng trong công việc và học tập. Bạn sẽ tự tin hơn ở nơi mới, bạn sẽ có vẻ thông minh hơn.
PS: tự hỏi mình có phải là thầy khó quá không ta?