[Chuyện ngành y] Xe cứu thương công- xe cứu thương tư

Rate this post

XE CỨU THƯƠNG CÔNG – XE CỨU THƯƠNG TƯ
===================================

Bs Trần Văn Phúc

ối chao… ối chao… ối chao…!

Đó là tiếng còi hú của xe cứu thương, như tiếng của bệnh nhân rên rỉ, đau đớn.

Quy định chuẩn trên toàn thế giới, tần số “ối chao” của xe cứu thương phải bằng nhịp đập trái tim, ỐI = ½ giây, CHAO = 1/2 giây, tổng cộng mỗi phút có 60 lần “ối chao”.

ỐI tương đương với tiếng tim T1, đanh và mạnh.
CHAO tương đương với tiếng tim T2, trầm và nhẹ.

Âm thanh ỐI ở âm khu cao và CHAO ở âm khu thấp, “ối chao” tạo thành 1 ô nhịp 2/4, trong đó phách mạnh rơi vào ỐI và phách nhẹ rơi vào CHAO.

Các phương tiện khác không có tiếng còi đặc biệt này!

Liên quan đến chuyện ông Đoàn Ngọc Hải từ bỏ các chức vụ, về nhà mua xe cứu thương chở giúp bệnh nhân nghèo và người chết về quê, đó là một nghĩa cử cao đẹp làm tôi rất cảm kích; nhưng qua sự việc này tôi cũng muốn góp lời bàn thêm về 2 loại hình vận chuyển người bệnh, đó là “xe cứu thương – ambulance” và “xe cứu hộ y tế – ambulette”.

💜💜💜💜💜💜

Tôi đã từng ở trong xe cứu thương với vai trò là một bệnh nhân.

Đó là năm 1993, khi tôi đang học môn Lý sinh ở giảng đường số 48 Tăng Bạt Hổ, tôi đột nhiên bị ngất xỉu. Tỉnh dậy thấy người lạnh toát, mồ hôi vã ra, mắt hoa nổi đom đóm, da xanh niêm mạc nhợt, mạch quay không bắt được, huyết áp tụt rất thấp.

Cô giáo vội gọi điện về trường, tôi được chẩn đoán sốc có dấu hiệu mất máu rất nặng, phải đưa ngay về khoa Hồi sức Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai.

Xe cứu thương lập tức ập đến chở tôi về bệnh viện.

Tôi cảm giác chiếc xe thực sự bay trên đường. Tiếng còi rú lên thảm thiết. Nó báo hiệu trên xe đang có một bệnh nhân nguy kịch, thời gian là sinh mệnh, bất chấp đèn đỏ hay làn ngược chiều, xe cứu thương cứ thế lao đi, bởi mỗi giây đến bệnh viện sớm sẽ mang thêm cho tôi cơ hội sống.

Quãng đường rất ngắn nhưng với tôi hôm đó dài khủng khiếp.

Thời gian trôi qua được tính bằng giây, bất kì ai khi ở trên xe cứu thương trong tình trạng rất nặng cũng vậy, sẽ không tránh khỏi cảm giác sợ hãi, sợ hãi với suy nghĩ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.

Trên xe cứu thương, từ lái xe cho đến nhân viên y tế, đó là những người có quyền lực tuyệt đối, trở nên linh thiêng và khác thường.

Tôi cũng đã vài lần ở trên xe cứu thương với vai trò là bác sĩ.

Một trong những lần đó, vào khoảng gần 20 năm về trước, trong một chuyến cấp cứu ngoại viện. Nhiệm vụ của tôi là chi viện cho tuyến dưới xử trí bệnh nhân bị sốc chấn thương không đủ điều kiện vận chuyển cấp cứu. Sau khi phẫu thuật cầm máu tạm thời, chúng tôi tập trung hồi sức cố gắng nâng huyết áp, rồi chuyển bệnh nhân khẩn cấp về Hà Nội thực hiện những kĩ thuật mổ phức tạp.

Xe cứu thương tốt nhất cùng với lái xe giỏi nhất được điều động.

Ngoài tôi và 2 y tá áp tải thay nhau bóp bóng, trên xe còn có 2 người nhà đi cùng, tài xế trẻ tuổi nhưng có kinh nghiệm tốt. Thời điểm đó đường từ ngoại thành vào Hà Nội còn hẹp, nhiều ổ gà, lắm khúc cua rất gấp.

Lái xe bắt đầu bay ngay sau tiếng còi hú đầu tiên.

Chưa đầy 10 phút sau người nhà bệnh nhân nôn. Tôi phải bám tay trái vào thành ghế để không bị ngã, chỉ dùng một tay phải bóp bóng, hầu hết thời gian tôi không dám để cho y tá bóp vì phải đảm bảo đủ Oxy cho bệnh nhân. Một y tá giữ ống nội khí quản. Y tá còn lại giữ bóng để tôi bóp. Mạch và huyết áp phải liên tục kiểm tra để bổ sung thuốc. Khoảng 20 phút sau bản thân tôi cũng chóng mặt, cả 2 người nhà bệnh nhân đều nôn thốc tháo, họ nôn thẳng ra sàn xe vì không thể thò nổi tay lấy túi bóng. Được nửa đường, người nhà xin dừng xe, nhưng tài xế nói không được, tôi phải nói với người nhà cố gắng chịu đựng chứ không được cản bệnh nhân. Đến bệnh viện, tài xế vội mở cửa và đẩy bệnh nhân ra, chúng tôi nhanh chóng bàn giao bệnh nhân, y tá lao vội vào nhà vệ sinh, tai tôi cũng bị ù đi một lúc rất lâu.

Thật may, cuộc giải cứu của chúng tôi cũng thành công, bệnh nhân thoát chết trong khoảnh khắc rất mong manh.

💜💜💜💜💜💜

Xe cứu thương là phương tiện vận chuyển và hỗ trợ sự sống đặc biệt.

Trên toàn thế giới, xe cứu thương với tên gọi AMBULANCE đều có chung đặc điểm, chữ ambulance viết ngược ở đầu xe để các xe phía trước nhìn qua gương dễ dàng đọc được và nhanh chóng nhường đường. Về hình thức, xe được trang bị còi hú theo quy chuẩn, đèn nhấp nháy màu đỏ, thân xe màu trắng, 2 bên có chữ thập đỏ và tên bệnh viện hoặc tên tổ chức vận chuyển cấp cứu, có camera giám sát bên trong và bên ngoài xe.

Một xe cứu thương cơ bản sẽ được trang bị phương tiện và thuốc men cấp cứu cơ bản. Đó là cáng vận chuyển bệnh nhân, khăn trải giường, bình Oxy, thuốc chống sốc, thuốc giảm đau, các thiết bị cho tình huống khẩn cấp cứu sinh khác như kiểm soát cầm máu, nẹp gãy xương. Đội vận chuyển cấp cứu ngoài lái xe giỏi, còn phải có ít nhất 2 nhân viên y tế, trong đó 1 người có chuyên môn tốt và kinh nghiệm.

Với những xe cứu thương hiện đại, ngoài những trang bị cơ bản như trên, còn phải bổ sung thêm những phương tiện hồi sức cấp cứu và hỗ trợ tim mạch gần giống như một đơn nguyên ICU của bệnh viện, trang bị thêm bộ đàm hoặc điện thoại không dây, loa phát thanh. Nhân viên vận chuyển cấp cứu phải được đào tạo bài bản về hồi sức cấp cứu tim mạch, như thiết lập và duy trì đường thở, thành thạo đặt ống nội khí quản trong mọi tình huống, thực hiện các liệu pháp tiêm truyền tĩnh mạch ngoại vi và trung tâm, sử dụng quần áo chống sốc, khử rung tim, xử trí tràn khí màng phổi trong điều kiện tối thiểu, theo dõi điện tâm đồ, cũng như thực hiện hàng loạt những cấp cứu khác.

Xe cứu thương chỉ được hú còi, nhấp nháy đèn đỏ trong những trường hợp khẩn cấp, được quy định rõ trong luật ở mỗi quốc gia. Ví dụ ở Việt Nam, xe cứu thương chỉ được chở bệnh nhân cấp cứu, chở thầy thuốc, nhân viên y tế, thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ cấp cứu thảm họa, cấp cứu tai nạn giao thông và các nhu cầu cấp thiết khác của hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Trong những trường hợp đó, xe cứu thương được bật còi và đèn nhấp nháy màu đỏ, ngoài ra không được sử dụng vào mục đích khác và không được bật còi và đèn.

Khi thực hiện nhiệm vụ, xe cứu thương được phép vượt đèn đỏ, đi vào đường một chiều, không bị giới hạn tốc độ.

Không quốc gia nào cho phép xe cứu thương công chở người chết từ bệnh viện về!

💜💜💜💜💜💜

Cả đêm mùng 1 tháng 9 năm 2016, một người mẹ trẻ ngồi bên ngoài bệnh viện Meerut ở Ấn Độ, bên cạnh thi thể đứa con gái nhỏ. Cô không có cách nào để về được ngôi làng của mình, cách đó 50 cây số.

Cô liên hệ với xe cứu thương và được trả lời: “Xe cấp cứu chỉ dành cho người sống!”

Trước đó vài ngày, truyền thông Ấn Độ cũng bị rúng động với những hình ảnh về một người đàn ông ở Odisha phải đi bộ 10km cõng người vợ đã chết về nhà. Bệnh viện đã từ chối hỗ trợ xe cứu thương vận chuyển xác chết. Người đàn ông và đứa con gái nhỏ khóc nức nở cho đến khi các nhà báo phát hiện ra sự việc và tổ chức phương tiện vận chuyển.

Việt Nam cũng gặp phải câu chuyện tương tự, xảy ra vào ngày chiều ngày 12 tháng 9 năm 2016, mạng Facebook thời điểm đó rúng động với hình ảnh người đàn ông ở Sơn La chở thi thể vợ về quê bằng xe máy.

Nếu chỉ nhìn vào những hình ảnh như vậy, chúng ta dễ có cảm giác một xã hội thiếu văn minh và vô nhân đạo. Tôi đồng ý rằng, chúng ta cần phải xử lí vấn đề nhân văn minh hơn, tế nhị hơn, nhưng chắc chắn không phải là việc điều những chiếc xe cứu thương của bệnh viện đi chở người chết.

Tôi chưa tìm thấy quốc gia nào cho phép xe cứu thương công chở người chết về nhà!

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hãy thử tưởng tượng, một bệnh viện huyện có 1 hoặc 2 xe cứu thương, nếu điều xe chở thi thể người chết đi hàng trăm cây số đường rừng núi, điều gì sẽ xảy ra khi bệnh viện đó có những bệnh nhân nặng phải chuyển gấp đi tuyến trên.

Không khó để hình dung, một người chết nằm trong xe cứu thương khác hoàn toàn với một bệnh nhân nặng. Vận chuyển bệnh nhân cấp cứu là một hệ thống vô cùng rất phức tạp, trong đó có yếu tố quan trọng nhất là những người tham gia phải đủ kĩ năng đánh giá có hay không tình huống nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, phải xử trí cấp cứu chính xác suốt dọc đường đi. Chiếc xe chỉ là phương tiện, nhưng bất cứ cơ sở y tế nào cũng vậy,đây là phương tiện đặc biệt, luôn có hạn về số lượng vì chỉ để phục vụ những tình huống khẩn cấp. Xe cứu thương không phải để chở người chết ngoại trừ những tình huống đặc biệt. Người chết không cần đến dịch vụ y tế khẩn cấp, vì những phương tiện dịch vụ y tế như vậy mang một sứ mệnh khác, nó được chính phủ ưu tiên để giành giật lấy mạng sống.

Đó là lí do để các quốc gia quyết liệt ngăn cấm xe cứu thương chở người chết.

Tôi lấy ví dụ Đài Loan, nơi có các dịch vụ xe tang lễ phát triển, nhưng vẫn xảy ra hiện tượng xe cứu thương tư nhân vận chuyển người chết, vì thế mà ngày 2 tháng 12 năm 2013 Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan đã phải ban hành văn bản cấm tất cả xe cứu thương công và tư vận chuyển xác chết, nếu vi phạm sẽ bị phạt 500 ngàn Đài tệ, tương đương với 400 triệu tiền Việt.

Những hành động ngăn chặn đó không hề vô nhân đạo.

Tôi cho rằng, xe cứu thương không phải là chiếc thang máy vận chuyển họ đến bệnh viện, càng không phải là chiếc xe taxi. Cơ hội sống của nhiều bệnh nhân sẽ bị tước mất, nếu xe cứu thương trang bị kém, đội ngũ nhân viên không được đào tạo bài bản và thiếu kinh nghiệm; đặc biệt là khi chiếc xe sử dụng vào những mục đích không phải để vận chuyển cấp cứu bệnh nhân.

💜💜💜💜💜💜

Vậy xác chết được vận chuyển bằng cách nào?

Ở nhiều quốc gia, vận chuyển người chết ra khỏi bệnh viện có dịch vụ xe hòm (funeral coach) của nhà tang lễ, xe cứu thương công không tham gia.

Nhưng xe cứu thương tư nhân thường không bị cấm.

Ví dụ ở Anh, các nhà tang lễ có thể cử xe cứu thương tư nhân (private ambulance) đến bệnh viện nhận xác chết, không ít xe trong số đó giống như “xe tải bị thu hồi”.

Theo quan sát của tôi, xung quanh mỗi bệnh viện lớn ở Việt Nam luôn có nhiều xe cứu thương tư nhân “chờ đợi” với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo đó là người bệnh đã điều trị ổn định về quê, hay bệnh nhân nặng xin về nhà chờ chết, hoặc những trường hợp tử vong. Trong những trường hợp ấy, xe cứu thương chỉ để sử dụng làm taxi, cũng có thể cần sự hỗ trợ thêm về chuyên môn nhưng không đáng kể, bởi vậy mà dịch vụ xe cứu thương tư nhân tôi cho là hợp lí.

Vấn đề tôi quan tâm chính là sự an toàn của xe cứu thương tư nhân.

Điều tôi băn khoăn là về chuyên môn, nếu xe cứu thương tư nhân tham gia vận chuyển bệnh nhân cấp cứu đến bệnh viện, thì bắt buộc phải đạt chuẩn của xe cứu thương, chứ không thể đơn giản là chiếc taxi có sự hỗ trợ thêm của vài phương tiện cấp cứu. Trong trường hợp xe cứu thương tư nhân đạt tiêu chuẩn của xe cứu thương như vậy, theo tôi, mới được phép gắn CÒI và ĐÈN ĐỎ, nên chăng bổ sung thêm ĐÈN XANH để bật lên trong những trường hợp vận chuyển bệnh nhân không phải cấp cứu, vận chuyển người chết.

Với những xe không đạt chuẩn xe cứu thương, theo tôi, sẽ không được gắn còi và đèn đỏ, nhưng có thể được gắn đèn xanh. Những xe đó chỉ chở bệnh nhân không thuộc diện cấp cứu, chở bệnh nhân về quê, chở người chết.

Bản thân tôi đã có trải nghiệm xe cứu thương tư nhân chở người thân về quê chờ chết.

Advertisement

Năm 2015, tôi có người anh bị tai nạn giao thông đã chết não, gia đình muốn được từ biệt anh ở quê nhà.

Tôi thuê chiếc xe cứu thương tư nhân, xuất phát từ Hà Nội, đi trong đêm vắng. Ngồi trên xe, nhiều lúc tôi phải nhắm mắt buông xuôi cho số phận, khi tài xế tăng ga đến 140km/h. Rất nhiều lần tôi yêu cầu tài xế đi chậm lại nhưng bất thành. Cả quãng đường 280km, xe cứu thương bật đèn nhấp nháy đỏ và còi, vượt qua tất cả đèn đỏ, lấn làn và thậm chí đi ngược chiều trong Hà Nội, nên chỉ mất hai tiếng rưỡi đã về đến quê.

Tốc độ không phải lúc nào cũng gắn với cái chết.

Điều đó chỉ đúng với những xe ưu tiên đặc biệt, ví dụ xe cứu thương đang làm nhiệm vụ khẩn cấp, thì tốc độ còn cứu cả mạng người.

Nhưng trong trường hợp chở bệnh nhân nặng về quê chờ chết, thì tốc độ như vậy sẽ là quá nguy hiểm, xe cứu thương bỗng dưng biến thành xe tử thần.

Đã từng xảy ra những vụ tai nạn xe cứu thương thảm khốc.

Tôi lấy ví dụ về vụ việc diễn ra vào lúc 15 giờ 13 phút ngày 14 tháng 10 năm 2018, tại ngã tư đường tránh Nam Hải Vân và đường Hoàng Văn Thái (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một xe cứu thương chở thi thể về quê đã xảy tai nạn nghiêm trọng.

Thời điểm đó, trên xe cứu thương ngoài tài xế, còn có 1 điều dưỡng bệnh viện và 3 người nhà.

Theo camera giao thông ghi lại, xe cùng chiều và ngược chiều đang dừng trước vạch tín hiệu giao thông, xe cứu thương giữ nguyên vận tốc chuyển làn ngược chiều rồi vào giao lộ, một xe con lưu thông theo luồng đèn xanh, tài xế xe con cho biết không thấy tiếng còi xe cứu thương nên điều khiển xe vào giao lộ và đâm ngang hông xe cứu thương. Cú đâm rất mạnh, xe cứu thương xoay vòng, điều dưỡng ngồi trên xe bật ra ngoài bị thương.

Xe cứu thương được quyền ưu tiên nên rất dễ bị lạm dụng.

Có một số cách thức lạm dụng xe cứu thương, ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ, xe cứu thương tư nhân mọc lên như nấm, nhưng không phải để vận chuyển bệnh nhân, mà chở những người giàu có đến bất cứ nơi nào họ muốn, miễn là chi nhiều tiền.

Để chứng minh mô hình kinh doanh này, một phóng viên của tờ báo Milliyet ở Istanbul đã thuê một chiếc xe cứu thương trên quãng đường dài 40 km, mất khoảng 1 giờ 20 phút để di chuyển trên phương tiện giao thông cá nhân, nhưng xe cứu thương chỉ mất 38 phút trong giờ cao điểm ùn tắc.

Phóng viên kể lại, anh gọi điện thuê xe chở bệnh nhân mất 68 đô la, nhưng khi đặt vấn đề thuê chở đi hội nghị thì giá 110 đô la. Sau khi đồng ý, phóng viên ngồi vào ghế bệnh nhân và xe cấp cứu lao qua các cung đường, hú còi inh ỏi. Khi xe cộ quá đông đúc, người lái xe sẽ bật loa lớn và hét lên ra lệnh cho các phương tiện khác, “Nhường đường, chúng tôi có bệnh nhân cấp cứu khẩn cấp, di chuyển sang hai bên và nhường đường để xe vượt qua!”

💜💜💜💜💜💜

Tôi hoàn toàn ủng hộ xe cứu thương của ông Đoàn Ngọc Hải!

Nhân câu chuyện này, tôi mong muốn cơ quan chức năng cần thiết chuẩn hóa xe cứu thương công và tư nhân, quy định rõ đèn hiệu và còi ưu tiên được gắn lên xe trong những điều kiện nào, có những biện pháp quản lí như thông qua màu đèn chẳng hạn, để tránh những tình huống lạm dụng sự ưu tiên gây nguy hiểm như đã từng xảy ra.

Giới thiệu Donny

Check Also

[Cấp cứu] SỐC NHIỄM TRÙNG

SỐC NHIỄM TRÙNG Bài viết này khá tốt cho những bạn mới bắt đầu tiếp …