[COVID-19] BỆNH NHÂN COVID NẰM SẤP

Rate this post
Một bệnh nhân nữ, khó thở và bác sĩ cho thở oxy qua mask với áp lực cao, nhưng độ bão hoà oxy máu SpO2 chỉ lên được 42%.
Với bệnh nhân thở oxy nếu SpO2 dưới 95% là suy hô hấp nặng.
Bác sĩ cho bệnh nhân nằm sấp, chỉ số SpO2 nhanh chóng lên tới 83% nên bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, vắng mặt bác sĩ người bệnh tự động chuyển sang nằm ngửa. Hậu quả, SpO2 tụt xuống 21% và bệnh nhân mất ý thức.
Ngay lập tức bác sĩ lật sấp bệnh nhân xuống, bóp bóng qua mask, bóp nửa bỏng với tần số nhanh để không tăng áp lực phổi. Thật kì diệu, sau 10 phút cấp cứu SpO2 lên 73% và bệnh nhân tỉnh trở lại, làm theo lệnh cử động chân và tự bấm được điện thoại.
Thật ngoạn mục!
Đó là chia sẻ của một bác sĩ trẻ ở ĐHY Hà Nội, anh ở trong đội chi viện chống dịch cho tỉnh Bình Dương, bệnh nhân trong khoa hồi sức cấp cứu của anh có cùng tư thế nằm sấp hàng ngày.
Vậy tại sao bệnh nhân COVID-19 lại nằm sấp như thế?
Để giải thích điều này, đầu tiên tôi muốn mọi người nhìn vào ảnh minh hoạ lá phổi của người ở tư thế nghiêng, chúng ta sẽ thấy phần lớn nhu mô phổi nằm ở phía sau lưng, phần phía trước thể tích ít hơn nhiều.
Khi bị viêm, nếu chúng ta nằm ngửa, các chất dịch tổn thương sẽ tập trung hết ra phía sau, toàn bộ nhu mô phổi ở vùng này bị đông đặc lại gây mất chức năng hô hấp, hệ quả là oxy máu bị tụt xuống rất thấp. Ngược lại, nếu chúng ta nằm sấp xuống, chất dịch từ phía sau sẽ thoát vào lòng phế quản, chảy ra ngoài để giải phóng nhu mô phổi, chức năng hô hấp bệnh nhân được cải thiện.
Tiếp theo, các bạn để ý rằng ngăn cách giữa lồng ngực và ổ bụng là cơ hoành, mà cơ hoành là cơ hô hấp chính. Ở dưới cơ hoành có dạ dày bên trái, có gan bên phải, cùng với các tạng khác trong ổ bụng. Khi nằm ngửa, các tạng này có xu hướng dồn lên trên, làm cho cơ hoành khó khăn di động xuống dưới, tức là dung tích sống của phổi sẽ giảm đi rất nhiều. Nếu nằm sấp, các tạng sẽ đè xuống thành bụng trước nhiều hơn, áp lực lên cơ hoành giảm, khi bệnh nhân hít vào thì cơ hoành đẩy xuống dưới nên dung tích phổi tăng, vì thế mà chỉ cần vài phút SpO2 đã tăng từ 21% lên tới 73% như ca bệnh chia sẻ.
Còn nữa, dạ dày của bệnh nhân có xu hướng ở phía trước so với thực quản, bệnh nhân suy hô hấp khi hít vào bằng miệng sẽ có một lượng không khí tới dạ dày, nó càng đẩy cơ hoành lên cao. Nếu nằm sấp, dạ dày sẽ thấp hơn so với thực quản, không khí khó lọt vào dạ dày, các chất dịch cũng không bị trào ngược từ dạ dày lên thực quản để vào đường hô hấp.
Trên thế giới, đa số các chuyên gia cho rằng bệnh nhân COVID-19 ở giai đoạn độ bão hoà Oxy thấp, hoặc lâm sàng có biểu hiện suy hô hấp cấp thì nên cho bệnh nhân nằm sấp. Nhưng cũng có một số chuyên gia không đồng tình với quan điểm này.
Là một bác sĩ Xquang, dựa trên cả hình ảnh chụp Xquang và CT phổi, quan điểm của tôi là bệnh nhân nên nằm sấp từ giai đoạn sớm hơn khi chưa có tổn thương nhu mô phổi, đương nhiên ở giai đoạn phổi đã tổn thương thì nằm sấp như một hình thức dẫn lưu tư thế rất quan trọng góp phần giảm tình trạng suy hô hấp.
Giai đoạn sớm thường trong 7 ngày đầu kể từ khi có triệu chứng, đây là thời gian virus đang nhân lên dữ dội, nhưng phổi vẫn chưa bị tổn thương. Các báo cáo cho thấy ở giai đoạn này, bệnh nhân nằm sấp hay ngửa thì SpO2 chẳng thay đổi gì, nên các chuyên gia cho rằng không cần thiết phải nằm sấp. Quan điểm của tôi cho rằng, bệnh nhân nên tăng cường nằm sấp khi cảm thấy thoải mái, giúp thông khí phổi tốt, cơ thể tăng sức đề kháng chống chọi với virus.
Giai đoạn toàn phát thường từ 7-11 ngày, tổn thương tổ chức kẽ nhu mô 1/3 ngoại vi phổi, chủ yếu là hình kính mờ hoặc nặng hơn là hình lát đá hoa cương trên Xquang và CT, trên lâm sàng gọi là tổn thương phổi mềm. Bắt đầu từ giai đoạn này có thể xuất hiện thiếu oxy thầm lặng mà người bệnh không biết, tức là SpO2 giảm; việc nằm sấp sẽ giúp cải thiện rất nhiều.
Giai đoạn muộn thường là sau 11 ngày, sẽ có bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, trên Xquang và CT thấy hình đông đặc nhu mô phổi, lâm sàng gọi là tổn thương phổi cứng; khi đó nằm sấp mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Nhưng nằm sấp rất khó chịu.
Đặc biệt là khi ngủ, có những người không thể nằm sấp được, nếu nằm kéo dài sẽ là trở ngại lớn. Với bệnh nhân COVID-19, nên nằm sấp từ 12 – 16 tiếng mỗi ngày, vậy khi nằm sấp một thời gian thấy khó chịu, người bệnh có thể chuyển tư thế, thấy hết khó chịu lại chuyển nằm sấp để đảm bảo phổi không bị ứ đọng đông đặc phần lớn phía sau lưng.
Không phải ai cũng có thể nằm sấp được.
Tôi lấy ví dụ người quá béo, bụng to, nếu nằm sấp vô hình trung bụng bị ép chặt, nó đẩy cơ hoành lên không thể di chuyển được, như thế lại tăng nguy cơ suy hô hấp.
Các tư thế bổ sung, như nằm nghiêng bên phải, nghiêng bên trái, thậm chí nửa nằm nửa ngồi; đều là những tư thế tốt hơn nằm ngửa. Nằm nghiêng trái sẽ tốt hơn nghiêng phải, bởi khi đó dạ dày xuống thấp hơn so với thực quản, không khi sẽ không vào trong dạ dày, cũng tránh bị trào ngược dịch và thức ăn từ dạ dày lên thực quản.
Như vậy, người bệnh nên thay đổi các tư thế, ưu tiên nằm sấp nhiều hơn, sau đó nghiêng trái, tiếp theo nghiêng phải, cuối cùng là nửa nằm nửa ngồi thay vì tư thế nằm ngửa.
Bệnh nhân vẫn nằm ngửa nhưng hạn chế thời gian.
Đây chỉ là bài viết của bác sĩ Xquang hạng 3, chỉ có giá trị đọc tham khảo, không phải bài viết khuyến cáo chính thức. Mọi khuyến cáo, người bệnh nên nghe từ bác sĩ lâm sàng, các chuyên gia, cùng với phác đồ hướng dẫn điều trị được các cơ quan có chức năng ban hành.
Nguồn: BS. Trần Văn Phúc
Có thể là hình ảnh về ảnh chụp X-quang và văn bản cho biết 'L Upper Lobe R Upper Lobe Lower Lobe Minor Fissure Major Fissure Middle Lobe Lower L” Lobe MajorFissu LEFT LUNG RIGHT RIGHTLUNG'
Advertisement

Giới thiệu Dương Hải Anh

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …