[COVID-19] Biến thể virus ở Việt Nam

Rate this post
(Ngay sau khi BYT công bố biến chủng mới, nhiều bạn gọi điện hỏi tôi, do công việc bận rộn nên xin phép được trả lời tổng hợp những gì tôi nghĩ và tôi biết, bài viết chỉ tham khảo chứ không có giá trị khuyến cáo).
🤔 🤔 🤔
🤷‍♀️ HỎI: Thưa bác sĩ, một chủ đề hiện nay được rất nhiều người quan tâm là câu hỏi về sự đột biến của virus – “Việt Nam xuất hiện biến chủng mới có sự lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh”. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các biến chủng đột biến nói chung? Biến chủng ở Việt Nam có phải là sự lai giống giữa hai chủng virus; và nó ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống cũng như công tác phòng chống dịch?
👉 TRẢ LỜI
Hiện nay trên toàn thế giới, SARS-CoV-2 có khoảng hơn 6000 biến thể, nhưng các nhà khoa học quan tâm nhất tới biến thể B.1.1.7 của Vương quốc Anh, biến thể B.1.617 của Ấn Độ, biến thể B.1.351 của Nam Phi và biến thể P.1 của Brazil.
Các biến thể, về cơ bản là virus đột biến hoặc tiến hoá, nghĩa là chúng có những thay đổi trong bộ gen. Điều này hết sức bình thường. SARS-CoV-2 là virus RNA, mỗi khi virus nhân lên, bộ gen của nó sẽ có sự thay đổi nhỏ; về bản chất đó là lỗi sao chép di truyền, hầu hết các lỗi đó không quan trọng. Nhưng có một số biến đổi làm cho virus dễ lây lan hơn, đó là những đột biến ở các khu vực protein giúp virus dễ gắn vào tế bào cơ thể người, hay giúp virus lẩn tránh được một số loại kháng thể miễn dịch, thậm chí đột biến tạo ra tải lượng virus cao hơn trong cơ thể.
Bởi vậy, sau khi các nhà di truyền học phân tử giải mã bộ gen virus, thì các nhà dịch tễ học sẽ phải quan sát và nghiên cứu, để đưa ra những dữ liệu đủ lớn, từ đó mới quyết định virus đột biến có phải là biến thể đáng quan tâm hay không.
Chúng ta có thể hình dung, SARS-CoV-2 có 30.000 chữ cái trong phân tử RNA, mỗi sự thay đổi một hoặc một số chữ cái sẽ tạo nên biến thể mới, nếu thay đổi hết sẽ có 30.000 luỹ thừa 30.000 biến thể, trong khi tổng số nguyên tử trong hệ mặt trời của chúng ta cũng chỉ đến 50 luỹ thừa 50.
Mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương giải trình tự gen 32 mẫu biến thể B.1.617 (lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ), kết quả cho thấy có 4 mẫu xuất hiện đột biến mất Y144 trên protein S (giống với đột biến xuất hiện tại biến thể B.1.1.7 lần đầu phát hiện ở Anh).
Nói theo cách dễ hiểu, thì đó là “biến chủng mới có sự lai tạo giữa chủng Ấn Độ và chủng Anh”, nhưng bản thân virus không phải là thực thể sống nên không có sự lai giống giữa hai chủng. Theo tôi, đột biến mất Y144 cũng không có gì đáng ngạc nhiên, nó có thể gặp ở bất cứ biến thể nào, đây mới chỉ là ghi nhận ban đầu. Về lí thuyết, đột biến Y144 được cho là có thể giúp virus lẩn tránh một số siêu kháng thể, nhưng sự thực virus có lẩn tránh được hay không và ảnh hưởng đến vaccine như thế nào, thì còn phải chờ đợi những dữ liệu quan sát dịch tễ trong thời gian tới.
Đánh giá một biến thể, cần phải dựa vào một số đặc tính nhất định, như virus có dễ lây lan so với chủng gốc ở Vũ Hán hay không, mức độ lâm sàng có nặng hơn không, khả năng kháng lại kháng thể như thế nào ở nhóm bệnh nhân đã nhiễm virus trước đó hoặc những người đã tiêm vaccine. Nếu đáp ứng ít nhất một trong số những tiêu chí đó, thì biến thể virus được xếp loại đáng quan tâm, ngược lại chúng ta có thể tạm bỏ qua.
Với người dân, tôi cho rằng điều quan trọng là vấn đề không đến nỗi quá nghiêm trọng, bởi các biến thể virus vẫn là SARS-CoV-2, nghĩa là đặc tính sinh học tương đồng nhau, tác động lên cơ thể con người theo cùng một cách. Việt Nam đang nhiễm hai biến thể Ấn Độ và Anh với tốc độ lây nhiễm được các nhà khoa học ước tính tăng hơn 40 đến 90% so với chủng virus ban đầu, nhưng bằng quan sát cá nhân tại các ổ dịch trong nước, tôi ước tính khả năng lây nhiễm gấp ba đến bốn lần. Điều đó chỉ xảy ra với điều kiện chúng ta để cho virus có cơ hội lây lan. Nếu mỗi cá nhân thực hiện các biện pháp phòng vệ cá nhân, như đeo khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách 2 mét, không tụ tập đông người ở những không gian kín kém thông gió như trong nhà, khai báo y tế; thì tôi tin những biến thể virus khó có cơ hội lan truyền trong cộng đồng với tốc độ cao.
🤷‍♀️ HỎI: Biến thể virus Ấn Độ và Anh đang lây nhiễm rất nhanh ở Việt Nam, có vẻ độc lực cao hơn, bằng chứng là một nữ công nhân 38 tuổi không mắc bệnh nền nhưng tử vong rất nhanh. Còn điều nữa dư luận quan tâm, đó là khả năng kháng kháng thể, đặc biệt là vaccine. Xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
👉 TRẢ LỜI
Vâng, tôi đồng ý rằng biến thể Anh và Ấn Độ chắc chắn là dễ lây truyền hơn, cá nhân tôi đánh giá nó lây nhanh gấp nhiều lần so với chủng cũ ở Vũ Hán. Hai biến thể này đã gây bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài việc quan sát, tôi còn đọc những công trình nghiên cứu khoa học, đến nay vẫn chưa thấy bất kì dữ liệu nào nói rằng hai biến thể Ấn Độ và Anh gây bệnh nặng hơn, mà ngược lại thậm chí còn khá nhẹ so với chủng cũ.
Tôi cho rằng, một ca bệnh là nữ công nhân 38 tuổi tử vong không mắc các bệnh nền nào, thậm chí nếu có thêm vài ca bệnh tương tự như thế, cũng chưa đủ thông tin để kết luận.
Chúng ta cần có cỡ mẫu đủ lớn, với dữ liệu hồ sơ lâm sàng của bệnh nhân, hồ sơ dịch tễ học và lây truyền, dữ liệu về tiêm chủng vaccine đã được theo dõi đủ thời gian, tỉ lệ và mô hình tái nhiễm; chừng đó mới đủ đưa ra kết luận về độc lực và khả năng vô hiệu hoá vaccine của biến thể virus.
Về nguyên lí học của virus, trong quá trình tiến hoá, virus sẽ giảm độc lực để tăng khả năng lây nhiễm và tồn tại. Lẩn tránh miễn dịch là phổ biến với các loại virus. Kháng thể được tạo ra thông qua lây nhiễm tự nhiên hoặc tiêm chủng, có thể ít hiệu quả, thậm chí bị vô hiệu hoá, nhưng virus gây bệnh ở mức độ nhẹ thì cũng không phải là vấn đề quá lo ngại.
🤷‍♀️ HỎI: Vậy chúng ta vẫn nên tiêm vaccine?
👉 TRẢ LỜI
Tất nhiên! Theo hiểu biết hiện tại của tôi, các vaccine lưu hành trên thế giới vẫn đang có tác dụng với biến thể virus. Vaccine không thể bảo vệ chúng ta 100% không bị nhiễm. Ở những quốc gia tiêm chủng trên 40% dân số, tôi thấy bắt đầu vaccine bắt đầu phát huy tác dụng có lợi đối với dân số, tỉ lệ nhiễm virus giảm rất nhiều ở cả số nhập viện và tử vong, những người đã tiêm đủ hai mũi khi mắc bệnh sẽ được bảo vệ để không bị nặng.
Ngược lại, ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng rất thấp, trong đó có Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, hiện tại đang phải vật lộn với dịch bệnh, tương lai sẽ còn những làn sóng tàn phá cả về sức khoẻ và tính mạng, ảnh hưởng nghiêm trong đến kinh tế; chưa loại trừ xuất hiện khủng hoảng kép.
Việt Nam đang trong hoàn cảnh rất eo hẹp về vaccine, nguồn cung có hạn trong khi vaccine nội địa vẫn đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, ở gian đoạn này, tôi cho rằng việc tiêm chủng phải nhắm đến những đối tượng ưu tiên với sự tính toán rất kĩ, cả về tính mạng lẫn bảo vệ hệ thống y tế, kể cả bảo vệ nền kinh tế không bị đổ vỡ.
🤷‍♀️ HỎI: Ông đánh giá như thế nào về đại dịch toàn cầu, cả về hiện tại, những làn sóng trong tương lai?
👉 TRẢ LỜI
Bước sang năm 2021, thế giới không ngừng lo lắng về các chủng virus đột biến, đặc biệt khi quả bom nhiệt hạch Ấn Độ bắt đầu phát nổ.Tính đến cuối tháng Hai, số ca COVID-19 được xác nhận trên toàn thế giới được xác nhận là 115 triệu người, trong đó 2,5 triệu tử vong, số khỏi bệnh mới chỉ 64 triệu.
Đó là những con số đáng sợ.
Nhưng tôi quan sát thấy, ở các nước châu Âu và Mỹ có sự tụt giảm đột ngột số ca nhiễm trong ngày, giảm theo cách đáng ngạc nhiên. Tại Mỹ, có 304 ngàn ca nhiễm vào ngày 8 Giêng và dao động trong khoảng 250 ngàn ca mỗi ngày, nhưng đến ngày 1 tháng Ba con số giảm đi một nửa chỉ còn 128 ngàn, rồi tụt giảm nhanh và đều đặn.
Ngày 29 tháng 5 Mỹ chỉ có 12 ngàn ca nhiễm mới.
Mỹ đã tiêm chủng đủ hai mũi cho 41% công dân, châu Âu đang chạy đua tiêm chủng với tỉ lệ rất cao, cùng với tỉ lệ nhiễm bệnh tự nhiên; theo tôi Mỹ và châu Âu đã sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Tôi đặc biệt quan tâm đến Ấn Độ, trong 47 ngày kể từ khi làn sóng dịch thứ hai trở nên dữ dội nhất, với hơn 400 ngàn ca mắc mỗi ngày, nhưng sau đó đã tụt giảm kinh ngạc, hôm qua Ấn Độ chỉ ghi nhân 174 ngàn ca nhiễm. New Delhi và một loạt các thành phố khác đang chuẩn bị trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch.
Tôi dự đoán Mỹ và châu Âu sẽ đủ tiêu chuẩn đạt miễn dịch cộng đồng kể từ tháng 7 này, Ấn Độ còn phải mất 6 tháng đến một năm nữa, khi đó sẽ là cơ hội cho toàn thế giới.
Kịch bản tươi đẹp nhất: COVID-19 bị loại bỏ hoàn toàn!
Lịch sử cho thấy, quá khứ đã từng có những đại dịch khủng khiếp, sau đó tỉ lệ lây nhiễm giảm nhanh chóng, virus bị xoá bỏ hoàn toàn. Ví dụ, hai trận dịch cúm kinh hoàng, gồm dịch cúm châu Á năm 1957 và dịch cúm Hồng Kông năm 1968, đã cướp đi sinh mạng của 4 triệu người; nhưng virus giống như chúng xuất hiện, sau đó biến mất đột ngột. Sự biến mất của virus, một số nhà khoa học trước đây cho rằng, có thể do virus đột biến xuất hiện chủng tiêu diệt chính nó. Kịch bản này, theo tôi xác suất xảy ra rất thấp, nhưng không gì là không thể xảy ra, nên chúng ta có quyền hi vọng.
Kịch bản thứ hai: COVID-19 trở thành cảm cúm lẻ tẻ không nguy hại.
Nó giống như dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, làn sóng dịch thứ hai dữ dội nhất, cướp đi sinh mạng của hơn 50 triệu người. Nhưng sau đó dịch đột ngột giảm, virus đột biến trở thành cúm H1N1, thỉnh thoảng vấn xuất hiện nhưng gây hại không đáng kể.
Dự báo của tôi là, đại dịch chính thức suy giảm trên toàn cầu kể từ tháng 7 năm 2021, kéo dài đến mùa hè năm 2022 sẽ chấm dứt.
🤷‍♀️ HỎI: Vậy còn Việt Nam?
👉 TRẢ LỜI
Việt Nam, theo tôi sẽ có sự ngược lại so với thế giới, trong một năm rưỡi qua chúng ta sử dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt, có thể nói là thành công khi số ca nhiễm và tử vong không đáng kể so với phần còn lại của thế giới.
Nhưng hiện tại, dân số Việt Nam đang thuộc quần thể nhạy cảm, vì số ca mắc ít trong khi tỉ lệ tiêm chủng mới đạt khoảng 1% dân số, đa số với một mũi tiêm. Theo tôi, Việt Nam bây giời mới bắt đầu chính thức bước vào đại dịch, đây là giai đoạn rất cấp tính và khó khăn. Trong 12 tháng tới sẽ là khó khăn nhất, phải làm sao khống chế số ca nhiễm để không quá sức chịu đựng của hệ thống y tế, giảm số ca tử vong; muốn vậy, theo tôi nên cá thể hoá việc phòng chống dịch, chúng ta đã có nhiều bài học của thế giới đó là sự thuận lợi. Thời gian có rút ngắn được hay không, phụ thuộc vào vaccine, chủ động tấn công COVID-19 thì bắt buộc phải có vũ khí là vaccine.
Bình tĩnh, tự tin, chống dịch bằng trí tuệ; Việt Nam sẽ chiến thắng!
Advertisement

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …