[COVID-19] Một cách phân nhóm người bị nhiễm nCov

Rate this post
Trước tình huống hệ thống y tế HCM sắp ‘quá tải’, cái note này đề nghị một biện pháp cụ thể về phân nhóm và đánh giá nguy cơ những ca có diễn biến xấu, và qua đó quyết định ai cần nhập viện và ai nên cách li tại nhà.
Theo tin này (ngày 18/7) thì TPHCM đã có hơn 28,000 ‘bệnh nhân Covid-19’ [1], và đó là một con số rất lớn. Tại sao? Tại vì, vẫn theo thông tin trên báo, “số ca mắc tại TP.HCM luôn vượt 2.000 ca/ngày, số F0 triệu chứng trở nặng phải thở oxy, thở máy cũng tăng lên.”
Mấu chốt của vấn đề có vẻ là những ca ‘F0 triệu chứng trở nặng’. Có cần nhập viện tất cả những ca này? Tôi nghĩ không.
Vấn đề là các giới chức y tế không cho biết bao nhiêu người bị nhiễm nhẹ hay không có triệu chứng sau này diễn biến nặng. Họ chỉ nói chung chung là có những ca như thế.
Thật ra, rất nhiều nghiên cứu từ bên Tàu cho thấy số khoảng 15-20% ca nhẹ chuyển sang nặng. Các nghiên cứu này còn chỉ ra những yếu tố nguy cơ giúp bác sĩ có thể nhận dạng những ca nhiễm như thế (tức diễn biến từ nhẹ sang nặng) và tôi đã điểm qua trước đây. Tôi nghĩ nếu Việt Nam chưa có những nghiên cứu như thế thì chúng ta nên sử dụng các nghiên cứu trong y văn.
Phân nhóm, đánh giá, quyết định
Điểm qua y văn, tôi đề nghị một phương án đơn giản (trước mắt) phân nhóm người bị nhiễm, đánh giá nguy cơ diễn biến, và quyết định ai cần nhập viện và ai cần cách li tại nhà. Biểu đồ dưới đây minh hoạ cho đề nghị này:
Bước 1, khi phát hiện một người bị nhiễm (qua PCR) thì cần phân nhóm: nhẹ, trung, hay nặng. “Nhẹ” là sốt, ho, hoặc không triệu chứng. “Trung” là sốt, ho, viêm phổi, không khó thở. “Nặng” là khó thở hoặc/và tỉ số SpO2<93% hay P/F<300 mmHg. Nhóm nhẹ cho cách li tại nhà. Nhóm nặng cho nhập viện đề điều trị.
Bước 2, đánh giá nguy cơ trong nhóm trung bình bằng thang điểm dựa vào tuổi > 65, có bệnh nền (tiểu đường, huyết áp, COPD, bệnh thận, v.v.), thân nhiệt > 38.5, tỉ số neutrophil trên lymphocyte > 3.7, platelet > 155, total bilirubin > 11, albumin > 38, creatinine > 85, và nếu cần creatinine kinase > 104. Nếu tổng số điểm là 15 trở lên, nhập viện. Nếu thấp hơn 15, có thể cách li tại nhà và theo dõi.
Cần nhấn mạnh rằng đây là cách đánh giá nhanh cho bác sĩ không có phương tiện tính toán. Đánh giá chính xác nên dùng biến liên tục và ước tính xác suất diễn biến xấu cụ thể cho mỗi người (còn gọi là personalized assessment), nhưng đây là đề tài khác.
Cách li tại nhà
Cách li ở nhà nhưng vẫn cần theo dõi qua mạng. Y tế địa phương có thể tổ chức một bác sĩ tư vấn online cho mỗi nhóm chừng 20 gia đình có người cách ly. Khi có bệnh nhân trở nặng, bác sĩ này sẽ hỗ trợ họ nhập viện. Mô hình này rất dễ thực hiện và tôi thấy có thể làm ngay tại TP HCM. Khi áp dụng cách này, người dân sẽ không còn lo lắng về việc gọi điện đến đường dây nóng khi cảm thấy cần giúp đỡ mà không gặp được ai hay muốn vào viện mà không gọi được xe cứu thương.
Các giới chức y tế cần công bố cẩm nang hướng dẫn cụ thể người cách li tại nhà và người chăm sóc phát hiện sớm diễn biến xấu. Ở Úc, người ta có cẩm nang hướng dẫn cụ thể cho người chăm sóc người bị nhiễm như không được ra khỏi phòng; cả nhà phải đeo khẩu trang; khử trùng bề mặt bàn ghế và cửa thường xuyên; hướng dẫn người chăm sóc phát hiện dấu hiệu diễn biến xấu.
Tôi hiểu là môi trường nhà ở các nước phương Tây khác với Việt Nam. Nhưng tôi biết ở Úc người ta vẫn có thể cách li trong các căn hộ mà không phải ‘nhà cao cửa rộng.’
Nếu vẫn tiếp tục đưa tất cả F0 vào bệnh viện thì như báo LĐ viết “sớm muộn sẽ gây áp lực lên hệ thống bệnh viện, khi các bác sĩ phải dàn tải lực lượng để chăm sóc, theo dõi hằng ngày.” [2].
Phải thay đổi chủ trương nhập viện. Nên dùng khoa học để phân nhóm và đánh giá người bị nhiễm hợp lí hơn nhằm bảo toàn hệ thống y tế. Chúng ta không ai muốn thấy hệ thống y tế VN lâm vào tình huống như Nam Dương trong mấy ngày qua.
Advertisement
_____
[3] Cách dùng chữ/thuật ngữ hiện nay có thể gây lẫn lộn và hiểu lầm. Chẳng hạn như người ta định nghĩa “F0 là bệnh nhân được xác định dương tính với Covid-19.” Có 2 điều không đúng với định nghĩa này.
Thứ nhứt, dương tính với SARS-Cov-2, chớ không phải dương tính với Covid-19. Covid-19 là hậu quả (outcome) của SARS-Cov-2, và có thể tạm xem Covid-19 là ‘bệnh’.
Thứ hai, kết quả xét nghiệm PCR dương tính không có nghĩa là người đó thật sự bị nhiễm, bởi vì phương pháp PCR có thể nhận ra những ca dương tính giả (dương tính nhưng không bị nhiễm). Ngay cả kết quả dương tính thật cũng chưa chắc là Covid-19, bởi vì bác sĩ còn phải đánh giá qua triệu chứng nữa.
Do đó, nên dừng gọi hay đề cập F0 là ‘bệnh nhân’. Họ chỉ là những ca nghi bị nhiễm.
[4] Ngoài ra, cũng nên dừng cách nói thậm xưng trong việc kiểm soát dịch. Những chữ mang tính ví von như ‘kịch bản’, ‘toang’, ‘pháo đài’, ‘chỉ huy’, v.v. không giúp gì cho những suy nghĩ cụ thể. Ở đây không có ‘kịch bản’ trên sân khấu, chỉ có ‘tình huống’ dịch mà thôi.
GS. Nguyễn Văn Tuấn

Giới thiệu Huỳnh Lê Duy

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …