[COVID-19] Ngưỡng an toàn trong đại dịch?

Rate this post
Đồng chí NTNhân (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM) mới có một bài viết tương đối dài trên Vietnamnet về đại dịch Vũ Hán ở Việt Nam [1]. Rất khó rút ra gì từ bài viết này, vì ông ấy không có câu trả lời mà ổng đặt ra, và khái niệm về ‘ngưỡng an toàn’ ông bàn đến có thể nói là … nguy hiểm.
Trong bài viết, ông đặt câu hỏi là trong lúc VN đang trải qua làn sóng dịch thứ 3, bao giờ thì kết thúc, rồi ông trả lời ở phần cuối bài là “Vì vậy làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 3 ở Việt Nam hiện nay khi nào kết thúc chủ yếu phụ thuộc vào dịch Covid-19 ở Hải Dương bao giờ kết thúc.” Nói cách khác, ông NTN cũng không biết câu trả lời.
Ông NTN bàn đến cái mà ông gọi là ‘ngưỡng an toàn dịch của thế giới’. Ông cho rằng WHO tuyên bố đại dịch (pandemic) ở thời điểm có 10 người [được điều trị] trên 1 triệu dân, và do đó, tỉ lệ dưới con số này được xem là ‘ngưỡng an toàn’. Tôi sợ là ổng hiểu lầm đâu đây chăng, bởi vì khái niệm đại dịch hay pandemic dựa trên 2 điều kiện: (a) điều kiện thứ nhứt là dòng virus (strain) chưa bao giờ gây nhiễm trước đây; và (b) điều kiện thứ hai là sự lây nhiễm diễn ra ở cấp độ toàn cầu. Không có ngưỡng nào về tỉ lệ bị nhiễm được xem là an toàn cả.
Ngưỡng của epidemic (thấp hơn pandemic) không phải dựa vào tỉ lệ kiểu như ông NTN nói, mà dựa vào số ca xảy ra so với số ca quan sát trước đó (gọi là ‘baseline). Ví dụ như số ca sốt rét hay số ca viêm màng não cao hơn 1.5 lần so với 3 tuần trước đó cũng có thể là báo động rồi. Xin nhắc lại rằng chỉ cần 1 ca sởi hay 1 ca bệnh tả là được xem là ‘outbreak’ (bộc phát) rồi. Do đó, không nên nói đến cái gọi là ‘ngưỡng an toàn’ trong đại dịch.
Tại sao không có ngưỡng tỉ lệ nhiễm an toàn? Tại vì dịch bệnh truyền nhiễm rất khác với dịch bệnh không lây (như tiểu đường, loãng xương, tim mạch). Vì trong dịch bệnh truyền nhiễm, một người lây cho nhiều người, và nhiều người lại lây cho nhiều người khác, nên cái tỉ lệ đơn giản như ông NTN tính toán gần như vô nghĩa. Trong dịch bệnh truyền nhiễm, cái thông số có ý nghĩa nhứt là hệ số lây lan (R0 hay reproduction ratio) [2].
Chỉ số R0 rất quan trọng để đánh giá qui mô dịch bệnh và dự báo diễn biến của dịch bệnh. Dự báo dịch bệnh truyền nhiễm không đơn giản như mấy biểu đồ hay kiểu mô hình hồi qui tuyến tính đâu, mà phải sử dụng các mô hình dịch tễ học rất đặc biệt (không phải ai học dịch tễ học cũng biết). Các mô hình này dựa vào R0, và khi nào R0 < 1 thì dịch được xem là khống chế và sẽ chấm dứt.
Còn cách dự báo kiểu ông NTN như “Một cách rất sơ bộ và rất lạc quan thì có thể ước đoán: Thời gian dịch bùng phát từ 11/3/2020 đến lúc đạt đỉnh lần 1 vào 30/11/2021 là 325 ngày, thì thời gian dịch giảm dần đến mức còn lây nhiễm song không còn dịch cũng khoảng 325 ngày” thì thú thiệt là võ đoán thôi. Dự báo một cách khoa học thì không ai làm vậy, không ai suy luận đơn giản như vậy cả.
Advertisement
Dự báo về diễn biến của làn sóng dịch mới nhứt ở VN rất khó nếu không có thông số R0. Tôi nghĩ với dữ liệu ở Hải Dương, việc ước tính tham số này không khó. Tuy nhiên, ngay cả khi có R0 rồi, thì mô hình dịch tễ học vẫn có thể sai, nếu không xem xét đến mức độ tác động của biện pháp can thiệp của nhà chức trách và người dân.
Điều tôi muốn nói là ý tưởng về ‘ngưỡng an toàn dịch’ mà ông NTN bàn đến là không hiện hữu trong dịch tễ học và không thể áp dụng cho dịch lây nhiễm được. Xin nhắc lại là không nên nói đến cái ‘ngưỡng an toàn’ trong đại dịch vì nó dễ gây hiểu lầm rằng dưới ngưỡng đó là ‘an toàn’. Không có ngưỡng an toàn trong đại dịch.
____
[2] Ví dụ về giải thích và ứng dụng hệ số lây lan R0:
GS. Nguyễn Văn Tuấn

Giới thiệu Lê Hồng Thắm

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …