[COVID-19] Tại sao có con số 70% miễn dịch cộng đồng?

Rate this post
Cần phải tiêm chủng cho bao nhiêu người trong cộng đồng để đạt ‘miễn dịch cộng đồng’? Có vẻ như TPHCM nghĩ rằng con số là 70%. Nhưng tôi nghĩ đáp số không đơn giản như vậy (có thể cao hơn 10%), bởi vì con số phụ thuộc vào biện pháp y tế công cộng nữa, chớ không phải chỉ vaccine.
TPHCM nghĩ đến tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70%, nhưng trong thực tế thì có thể phải 80% trở lên vì hệ số lây lan hiện nay
là khá cao (R0 = 2.87). Chỉ khi nào chúng ta giảm R0 xuống còn 2.0, thì tỉ lệ người cần tiêm vaccine mới là 71%.
Khi số người được tiêm chủng trong cộng đồng càng nhiều thì nguy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp, và theo thời gian dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lí chánh của khái niệm miễn dịch cộng đồng (MDCĐ).
Theo đó, vấn đề quan trọng là xác định tỉ lệ tiêm chủng phải cao bao nhiêu để đủ ‘nội lực’ cộng đồng chống trả lại dịch bệnh. Vấn đề này trở thành vấn đề của thống kê học, kể cả mô hình thống kê. Mô hình thống kê học rất đơn giản, và có thể tóm tắt bằng phương trình như sau:
T = 1 – 1/R0
Trong đó, T là tỉ lệ MDCĐ và R0 là hệ số lây nhiễm. Như vậy, hệ số lây nhiễm R0 càng cao thì T cũng càng lớn; ngược lại, R0 càng thấp thì T càng nhỏ. Đó chính là lí do tại sao hệ số lây nhiễm R0 rất quan trọng trong dịch tễ học bệnh truyền nhiễm.
Nhưng công thức trên dựa vào một giả định rất quan trọng là tiêm vaccine có thể bảo vệ tuyệt đối (100%). Tuy nhiên, trong thực tế thì mức độ hiệu quả của đa số vaccine không có cao như 100%, mà thường là 50-95% (như chúng ta thấy qua các nghiên cứu vaccine), và khi triển khai trong cộng đồng thì hiệu quả thấp hơn trong quần thể nghiên cứu. Do đó, T phải được điều chỉnh cho hiệu quả của vaccine. Gọi E là hiệu quả của vaccine, tỉ lệ MDCĐ bây giờ là:
Te = (1 – 1/R0) / E
Như vậy Te phụ thuộc vào 2 tham số là hệ số lây lan và hiệu quả vaccine. Kiểm soát hệ số lây lan là phải qua biện pháp y tế công cộng. Kiểm soát E là qua vaccine. Phương trình này có ý nghĩa thực tế là: để kiểm soát dịch, chỉ vaccine vẫn chưa đủ, mà phải kèm theo biện pháp y tế công cộng.
Theo một nghiên cứu tổng quan thì hệ số R0 = 2.87 (khá cao) [1]. Và, nếu chúng ta giả định rằng hiệu quả vaccine trung bình là 70%, thì tỉ lệ cần phải tiêm vaccine là 93%:
Advertisement
Te = (1 – 1/2.87) / 0.7 = 0.93
Biểu đồ này thể hiện tỉ lệ cần tiêm chủng trong cộng đồng (trục tung) phụ thuộc vào
hiệu quả của vaccine (trục hoành) và hệ số lây lan R0 = 1.5, 2.0, 2.5 và 3.0.
Nhưng giả dụ rằng biện pháp y tế công cộng sẽ giúp giảm R0 xuống còn 2.5, thì tỉ lệ cần tiêm vaccine vẫn khá cao: 86%. Xem biểu đồ [2]. Nếu ở tình huống tối ưu (R0 = 1.5 và hiệu quả vaccine là 90%) thì chỉ cần tiêm chủng cho chừng 37% là đạt miễn dịch cộng đồng [2].
Chỉ khi nào chúng ta giảm R0 xuống còn 2.0, thì tỉ lệ người cần tiêm vaccine mới là 71%. Điều này có nghĩa là vaccine chỉ là một vế của vấn đề (chớ không phải là ‘viên đạn bạc’), vì các biện pháp y tế công cộng (như hạn chế tụ tập đông người) rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch và đạt miễn dịch cộng đồng.
GS. Nguyễn Văn Tuấn
_____

Giới thiệu Huỳnh Tâm Nguyện

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …