[COVID-19] Tự Do và đại dịch

Rate this post
Chưa bao giờ hai chữ ‘Tự Do’ có ý nghĩa như ngày hôm nay ở một đất nước Úc được mệnh danh là “one and free”.
Trong nỗ lực kiểm soát dịch (hay nhân danh kiểm soát dịch), chánh phủ liên bang và tiểu bang ở Úc áp đặt nhiều qui định chỉ có thể mô tả là hà khắc. Phong toả; hạn chế đi lại; khuyến khích giám sát láng giềng; hạn chế các quyền tự do căn bản. Người Úc từ nước ngoài không được về nước. Ngay cả người Úc trong cùng nước cũng có khi không được đi lại các tiểu bang. Giới quan sát quốc tế nhận xét rằng Úc đang biến thành một ‘hermit country’ (ý nói như Bắc Hàn).
Mới đây, câu chuyện ông cựu thủ tướng Tony Abbott mới đây bị phạt nói lên một căn bệnh ung thư xã hội trong mùa dịch. Trong một lần đi dạo ở bãi biển Manly nhưng ông không đeo khẩu trang vì nghĩ là ngoài trời (nhưng theo qui định là bất cứ ai ra ngoài phải đeo khẩu trang). Ai đó đã thấy ông và chụp hình rồi gởi cho cảnh sát. Sở cảnh sát Sydney phạt ông 500 AUD. Khi được hỏi về sự việc, ông Abbott nhứt định không nhận lỗi nhưng ông không muốn đem sự việc ra toà vì chỉ mất thì giờ (tức ông đồng ý trả tiền phạt). Ông nói thêm đại khái rằng hành vi méc cảnh sát không phải là đặc điểm của người Úc. (Ông dùng chữ dobbing theo nghĩa miệt thị)
Câu chuyện của ông Abbott chỉ là 1 trong số hàng trăm hay có thể hàng ngàn câu chuyện về láng giềng dọ thám láng giềng trong mùa đại dịch. Một quan sát viên người Úc nhận xét rằng khó có thể tưởng tượng chỉ trong vòng 12 tháng mà Úc đã tự nhân bản thành một nước Tàu nhỏ.
Những kiểu “coronavirus shaming” đã xảy ra trong xã hội. Người ta chia sẻ những tấm hình tố cáo người khác vi phạm các qui định về giãn cách xã hội, mà trong thực tế thì không phải vậy. Tình trạng nghiêm trọng đến nỗi ông thủ hiến tiểu bang Nam Úc phải lên tiếng rằng hành vi làm nhục công cộng như thế không thể chấp nhận được trong xã hội Úc. Thủ tướng Scott Morrison nói: “Đây không phải là cách sống lâu dài của đất nước này.”
Trong thực tế người dân Úc đang kinh qua một lối sống có lẽ giống giống xã hội toàn trị: bị theo dõi, nghi ngờ lẫn nhau, chánh phủ thọc sâu vào đời sống của người dân. Mới đây, một viên chức trong chánh phủ tiểu bang New South Wales cảnh cáo dân chúng rằng ngay cả sau khi tiểu bang thoát khỏi tình trạng phong toả, thì người không tiêm vaccine sẽ mất tự do. Ý ông này nói rằng, họ (người không tiêm vaccine) có thể sẽ không được bay, không được vào những nhà hàng nào chỉ tiếp thực khách đã vaccine, thậm chí bị sa thải.
Ông ấy nói đến hai chữ “Tự Do”!
Hội đồng Luật Úc (Law Council of Australia) tuyên bố rằng “Chúng ta không muốn thấy những quyền tự do của chúng ta bị sứt mẽ từng mảnh và dần dần cho đến khi quá trễ — vùng nước chúng ta đang sống thoải mái đột nhiên bị đun nóng và đến lúc nào đó chúng ta sẽ khó thoát khỏi”. Nói cách khác, nếu không lên tiếng hôm nay thì coi chừng quá muộn. Nhưng trớ trêu thay nhiều người biết rõ như thế nhưng không muốn nói ra. Họ sợ nói ra thì bị tố cáo là xem nhẹ hậu quả của đại dịch, hay ‘không phải đạo’.
Không ít đồng hương người Việt có vẻ đồng ý với chánh sách khắc nghiệt của chánh phủ Úc. Họ mỉa mai hàng vạn người Úc xuống đường kêu gọi khôi phục quyền tự do. Họ hay nói rằng vì dịch bệnh, nên chánh phủ phải trở nên hà khắc thôi. Nhưng tôi e rằng nhận định này là quá đơn giản.
Advertisement
Tôi thật ngạc nhiên, vì có vẻ họ đã quên tại sao chúng ta có mặt ở đây. Những bạn Việt Nam sang đây sau này (không phải ‘boat people’) thì có lẽ không biết tự do nó có ý nghĩa như thế nào. Nhưng những người sang đây vì tự do thì phải hiểu ý nghĩa của nó.
Vì tìm tự do mà hàng trăm ngàn người chết trên biển Đông và chết trong rừng sâu. Vào thập niên 1980, có một ca khúc rất phổ biến trong cộng đồng người Việt tị nạn ở nước ngoài, mà tôi vẫn còn nhớ những câu điệp khúc:
Tự do ơi tự do tôi trả bằng nước mắt
Tự do hỡi tự do anh trao bằng máu xương
Tự do ôi tự do em đổi bằng thân xác
Vì hai chữ tự do ta mang đời lưu vong
Nhiều bài học troong lịch sử cho thấy những qui định được áp đặt trong tình trạng khẩn cấp sẽ làm cho người ta quen với quị luỵ và nuôi dưỡng tinh thần nô lệ tự nguyện. Đó cũng là mẹ đẻ của chuyên chế. Người ta có lí do quan tâm đến quyền tự do sau mùa dịch là vậy.
GS. Nguyễn Văn Tuấn

Giới thiệu Huỳnh Lê Duy

Check Also

Tại sao chúng ta phải “sợ” Ma Túy?

Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc …