Đám rối thần kinh cổ (plexus cergicalis) tạo bởi các nhánh trước (ramus centralis), của bốn thần kinh gai sống cổ đầu tiên, nằm ở giữa cơ nâng vai và cơ bậc thang giữa ở phía sau, tĩnh mạch cảnh trong và cơ ức đòn chũm ở phía trước. Các thần kinh này cho các nhánh trên và dưới nối nhau tạo thành ba quai nối, I, II và III (H.19.1).
2. PHÂN PHỐI
Đám rối thần kinh cổ cho ba loại nhánh : các nhánh vận động, các nhánh cảm giác, và các nhánh nối.
2.1. CÁC NHÁNH VẬN ĐỘNG (đám rối thần kinh cổ sâu) cho các cơ thẳng đầu bên, ba cơ liên mỏm ngang đầu tiên, cơ thẳng đầu trước, cơ dài đầu, cơ dài cổ, cơ bậc thang giữa và sau, cơ nâng vai, cơ trám và dây thần kinh hoành.
2.1.1. Thần kinh hoành (n.phrenicus) phát sinh từ một rễ chính là thần kinh gai sống cổ C4 và hai rễ phụ là thần kinh gai sống cổ C3 và C5 (H.19.2 và H.19.3).
Đường đi và liên quan : Thần kinh hoành được tạo thành ở bờ ngoài cơ bậc thang trước rồi đi xuống phía trước cơ này. Cắt thần kinh hoành để điều trị (thí dụ : làm xẹp phổi…) thường được thực hiện ở đoạn này. Tiếp theo thần kinh được che phủ bởi tĩnh mạch cảnh trong và cơ ức đòn chũm, bắt chéo động mạch ngang cổ và động mạch trên vai, liên hệ với bên ngoài động mạch cổ lên, rồi đi giữa tĩnh mạch và động mạch dưới đòn, bắt chéo động mạch ngực trong rồi đi kèm nhánh màng ngoài tim – hoành của động mạch này trong suốt đường đi trong ngực.
– Để tránh gián đoạn, chúng tôi trình bày luôn thần kinh hoành trong ngực. Thần kinh hoành phải đi xuống bên phải tĩnh mạch chủ trên và tâm nhĩ phải trước cuống phổi phải, giữa màng ngoài tim và màng phổi trung thất, rồi xuyên qua cơ hoành ở gần lỗ tĩnh mạch chủ dưới hoặc qua lỗ này (H.18.2). Thần kinh hoành trái đi xuống giữa động mạch dưới đòn trái và động mạch cảnh chung trái bên ngoài cung động mạch chủ, trước thần kinh lang thang (n. Vagus) qua trước cuống phổi trái, giữa màng phổi trung thất và màng ngoài tim (H.18.3). Trên đường đi, thần kinh hoành cho các nhánh vào màng phổi trung thất và màng ngoài tim tai pericardiacus). Khi vào cơ hoành, thần kinh hoành tỏa ra các nhánh cho các thớ cơ, màng phổi hoành và phúc mạc hoành.
Các thành phần chức năng (H.19.5) : Thần kinh hoành chứa các sợi vận động, cảm giác và giao cảm. Các sợi vận động cho cơ hoành. Một vài sợi cảm giác giữ cảm giác căng cơ hoành, còn hầu hết các sợi đều giữ cảm giác đau từ phúc mạc hoành, màng phổi hoành, màng phổi trung thất và màng tim. Cảm giác đau từ các vùng này thường đối chiếu ra da vùng cơ thang (dưới cổ đến đỉnh vai). Các sợi giao cảm giữ vai trò vận mạch.2.1.2. Các thần kinh hoành phụ (nn. phrenic accessorii). Rễ thần kinh gai sống cổ C5 cho thần kinh hoành đôi khi phát xuất từ thần kinh cơ dưới đòn (n. subclavius). Trong vài trường hợp, rễ này có thể theo một đường đi riêng biệt trong ngực trước khi nối với thần kinh hoành, và được gọi là thần kinh hoành phụ, thường đi phía trước tĩnh mạch dưới đòn. Nếu có thần kinh hoành phụ, cắt hoặc tổn thương thần kinh hoành ở cổ không gây liệt toàn phần cơ hoành tương ứng, vì thần kinh hoành phụ cho một vài nhánh vận động cơ này.2.2. CÁC NHÁNH CẢM GIÁC (Đám rối cổ nông). Có bốn nhánh (H.19.6):2.2.1. Thần kinh chẩm nhỏ (n. occipitalis minor) phát sinh từ quai nối II, hướng về phía ngoài, đến bờ sau cơ ức đòn chũm rồi quặt ra sau và lên trên, cho hai nhánh tận trước và sau, phân phối cho da vùng chẩm và chũm.
2.2.2. Thần kinh tai lớn (n. auricularis magnus) phát xuất từ quai nối II, đến bờ sau cơ ức đòn chũm, đi thẳng lên trên về phía dái tai, sau tĩnh mạch cảnh ngoài, đến góc hàm dưới, chia hai nhánh. Nhánh trước (rammus anterior) cho da mặt ngoài loa tai và vùng tuyến mang tai. Thần kinh cũng cho vài nhánh nối với thần kinh mặt trong tuyến mang tai. Nhánh sau (rammus posterior), cho da mặt trong vành tai và vùng chũm, nối với nhánh chẩm nhỏ.
2.2.3. Thần kinh ngang cổ (n. transversus colli) phát sinh từ quai nối 2, uốn quanh bờ sau cơ ức đòn chũm rồi hướng ra trước, bắt chéo tĩnh mạch cảnh ngoài; cho các nhánh tận xuyên qua cơ bám da cổ, phân phối cho vùng trên và dưới móng. Một trong các nhánh này nối với nhánh của thần kinh mặt cho cơ bám da cổ.
2.2.4. Các thần kinh trên đòn (nn. supraclavicular) tách ra từ nhánh trước của thần kinh gai sống cổ 4, chia thành nhiều nhánh hướng xuống dưới ra sau và ngoài, bên dưới cơ ức đòn chũm. Đến tam giác trên đòn, các nhánh chui ra nông, bao gồm : các thần kinh trên đòn trong (nn. supraclavicular mediales) cho da vùng ức đòn chũm và xương ức, các thần kinh trên đòn giữa (nn. sapraclaviculares intermedii) cho da vùng trên và dưới đòn, các thần kinh trên đòn ngoài (nn. supraclaviculares laterales) cho da vùng gai vai.
Hình 19.5 : Các thành phần chức năng của thần kinh hoành.
2.3. CÁC NHÁNH NỐI
Ngoài các nhánh nối với thần kinh mặt kể trên, đám rối thần kinh cổ còn nối với thần kinh giao cảm, thần kinh phụ và thần kinh hạ thiệt (H.19.1).
2.3.1. Nhánh nối với thần kinh giao cảm : Bốn thần kinh gai sống cổ nối với hạch giao cảm cổ trên (ganglion cervicale superius) bằng bốn nhánh nối xám.
2.3.2. Nhánh nối với thần kinh phụ : nối trong cơ ức đòn chũm và dưới cơ thang do các nhánh từ quai nối 2 và 3, giữ cảm giác sâu cho các cơ này.
2.3.3. Nhánh nối với thần kinh hạ thiệt : bởi một hay hai nhánh tách từ quai nối I, và nhánh xuống của đám rối thần kinh cổ, góp phần tạo thành quai cổ (ansa cervicalis) (H.19.7). Quai cổ thành lập bởi :
– Rễ trên (radix superior) : phát xuất từ quai nối I, đi vào bao của thần kinh hạ thiệt, rồi tách khỏi thần kinh này, đi thẳng xuống trước bó mạch cảnh, đến ngang gân trung gian cơ vai móng, nối với rễ dưới của đám rối thần kinh cổ. Đôi khi quai cổ ở ngang thân tĩnh mạch giáp lưỡi mặt, và trong trường hợp này, quai thường ở sau tĩnh mạch cảnh trong. Rễ trên đôi khi đi vào thần kinh lang thang, thay vì thần kinh hạ thiệt, nhất là khi quai cổ ở cao.
– Rễ dưới (radix inferior) : phát sinh từ quai nối II, đi xuống bên ngoài tĩnh mạch cảnh | trong, thường nối với rễ trên ở phía trước tĩnh mạch này, ngang gân trung gian cơ vai móng.
Quai cổ chi phối vận động cho các cơ vai móng, cơ ức giáp và cơ ức móng, còn đối với cơ giáp
móng thì nhánh giáp móng (ramus thyrohysideus) do thần kinh gai sống cổ đi mượn đường thần kinh hạ thiệt để vận động.
Xem tất cả các bài giải phẫu tại: https://ykhoa.org/category/chuyen-nganh-y-2/y-học-co-so/giai-phau