HẬU COVID-19: XƠ PHỔI

Rate this post
Xơ phổi là một trong những biến chứng hậu Covid đáng lo ngại nhất, gặp ở những bệnh nhân Covid có viêm phổi, tôi nhấn mạnh hai chữ “viêm phổi”.
Với những bệnh nhân Covid chỉ viêm đường hô hấp trên, tức là không bị viêm phổi, thì không có biến chứng hậu Covid xơ phổi.
Có hơn 200 yếu tố góp phần gây tình trạng xơ phổi.
Hơn 200 yếu tố là con số cho thấy sự quá phức tạp, nhưng tựu trung lại xơ phổi là hậu quả của phản ứng viêm, tôi có thể tóm tắt thành hai con đường chính dẫn đến tình trạng nghiêm trọng này.
👉 Nhiễm virus gây tổn thương trực tiếp đến phổi: Do virus gây tổn thương nhu mô phổi, tình trạng này diễn ra dai dẳng kéo dài khiến cho phản ứng chữa lành vết thương diễn ra bất thường, phổi bị xơ hoá.
👉 Phản ứng của hệ miễn dịch: Virus xâm nhập, hệ miễn dịch được kích hoạt. Các đại thực bào, bạch cầu trung tính, bạch cầu ái toan, tế bào Th2 tập trung tại vị trí tổn thương, giải phóng một lượng lớn các chất trung gian hoá học như TGF-β, TNF-α, MMPs, IL (IL-1, IL-4, IL-5, IL-6, IL-13 và IL-17). Các thành phần đó vừa có tác dụng chống viêm, vừa đóng vai trò chất tiền xơ, ví dụ TGF-β làm tăng trưởng biến đổi tổ chức mô phổi, TNF-α tăng hoại tử tạo u hạt sau viêm.
Để dễ hiểu, bạn đọc hãy hình dung như ta bị cái nhọt ở trên người, có những trường hợp nhọt tiêu đi hết nên mô cơ thể trở lại bình thường, nhưng với trường hợp bị nặng hơn thì nó sẽ để lại vết sẹo tồn tại theo năm tháng.
Một nghiên cứu tổng hợp từ 24 nghiên cứu trên khắp thế giới đã chỉ ra rằng, bệnh nhân viêm phổi do Covid tính trạng xơ phổi không chỉ xảy ra trong thời kì mắc bệnh, mà còn tiếp tục tiến triển cho đến 3 tháng sau khi xuất viện. Có tới 59% trường hợp viêm phổi do Covid có tổn thương dai dẳng nhu mô phổi. Các hình thái tổn thương phổ biến nhất trên phim cắt lớp vi tính ngực bao gồm: 39% kính mờ loang lổ, 33% dày tổ chức kẽ hoặc dày vách ngăn tiểu thuỳ, 31% dải xơ trong nhu mô, 26% biến dạng bó mạch phế quản hoặc giãn phế quản trong tiểu thuỳ, 11% phản ứng dày màng phổi, 6% đông đặc nhu mô phổi.
Nghiên cứu khác ở Trung Quốc, thực hiện trên 120 bệnh nhân viêm phổi do Covid, kết quả chụp CT 6 tháng sau khi ra viện, tổn thương xơ hoá phổi đã giảm đi đáng kể.
⚠️ Nhưng xơ phổi không chỉ gặp ở bệnh nhân Covid.
Một nghiên cứu quan sát bệnh nhân viêm phổi trong dịch SARS năm 2003 do virus SARS-CoV-1 gây ra, cho thấy khoảng 80% bệnh nhân xơ phổi hồi phục trong vòng 1 năm, khoảng 20% tổn thương vẫn tồn tại sau 5-10 năm.
Các nghiên cứu viêm phổi do MERS-CoV cũng vậy, biến chứng xơ phổi tiến triển trong 4 tháng đầu sau khi xuất viện, nhưng hầu hết bệnh nhân phục hồi trong vòng một năm.
Xơ phổi do cúm gia cầm cũng rất đáng quan ngại.
Cúm H5N1 xơ phổi xuất hiện rất sớm, nhưng kết quả chụp CT ngực cho thấy sau một năm mức độ xơ tự hồi phục đáng kể, đa số chỉ còn tổn thương xơ hoá nhu mô dạng dải.
Nhưng cúm gia cầm H7N9 thì thời gian hồi phục kéo dài hơn.
Kết quả chụp CT những bệnh nhân viêm phổi do H7N9 cho thấy, tổn thương xơ hoá phổi 6 tháng sau khi ra viện cải thiện không đáng kể so với phim chụp 3 tháng. Thời điểm 12 tháng, có khoảng 15% bệnh nhân xơ phổi gần như hồi phục hoàn toàn. Những trường hợp xơ nặng, sau 2 năm chụp lại tổn thương vẫn tồn tại.
Hàng loạt các virus khác cũng gây tổn thương xơ hoá phổi, trong số đó phải kể đến HIV, Cytomegalovirus (CMV), Epstein – Barr (EBV), Murine γ-herpesvirus 68 ( MHV-68)…
Hình thái xơ phổi của tất cả các loại virus đều giống nhau, bao gồm kính mờ loang lổ, dày tổ chức kẽ hoặc dày vách ngăn tiểu thuỳ, dải xơ trong nhu mô, biến dạng bó mạch phế quản hoặc giãn phế quản trong tiểu thuỳ, phản ứng dày màng phổi, đông đặc nhu mô phổi.
Trong hơn 200 yếu tố gây xơ phổi, cơ chế chung đều giống nhau theo hai con đường mà tôi đề cập, từ SARS-CoV-2 cho đến các virus cơ chế gây xơ phổi có sự tương đồng hầu hết, mặc dù mỗi loại virus vẫn có một vài yếu tố nổi bật nổi bật hơn.
Đến đây bạn đọc có thể hiểu, viêm phổi do virus nào đi chăng nữa, thì di chứng xơ phổi đều xuất hiện ở một số trường hợp, thậm chí các virus khác xơ phổi còn nghiêm trọng hơn Covid, ví dụ như cúm gia cầm H7N9 chẳng hạn.
⚠️ Khi nào thì đi khám xơ phổi hậu Covid?
Là những bệnh nhân sau điều trị viêm phổi do Covid, nếu xuất hiện ít nhất một trong các dấu hiệu sau, thì nên đi khám tình trạng xơ phổi.
✓ Khó thở: Nếu có tình trạng khó thở, thở hổn hển, thì phải đi khám ngay. Những trường hợp kín đáo hơn, có thể phát hiện bằng cách đi bộ với đồng hồ đếm ngược 6 phút, nếu quá trình đi thấy mệt, khó thở, phải dừng lại để nghỉ, quãng đường đi không đạt 500 mét; là những dấu hiệu cảnh báo có tình trạng xơ phổi. Lưu ý những người có tiền sử đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim trong vòng một tháng, thì không thử đi bộ 6 phút. Những trường hợp nhịp tim trên trên 120 lần mỗi phút khi nghỉ ngơi, huyết áp tâm thu trên 180mmHg, huyết áp tâm trên 100mmHg cũng không thử đi bộ 6 phút.
✓ Sút cân không rõ nguyên nhân.
✓ Mệt mỏi kéo dài.
✓ Ho khan kéo dài.
✓ Đau nhức khắp cơ thể kéo dài.
✓ Đầu ngón tay ngón chân tròn như dùi trống.
Chú ý, có những trường hợp viêm phổi do Covid nhưng vẫn tự điều trị tại nhà, nên để phát hiện cần biết những dấu hiệu quan trọng. Nếu xét nghiệm Covid dương tính, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết viêm phổi như nhịp thở tăng (trên 60 lần/phút với trẻ dưới 2 tháng tuổi, trên 50 lần/phút với trẻ từ 2 – 11 tháng tuổi, trên 40 lần/phút với trẻ từ 12 – 60 tháng tuổi, trên 30 lần/phút với trẻ lớn và người lớn). Dấu hiệu tiếp theo là chỉ số SpO2 < 94%.
⚠️ Bác sĩ sẽ khám gì?
Tuỳ theo từng điều kiện của cơ sở y tế, bác sĩ có thể khám lâm sàng, sử dụng các thăm khám để phát hiện tình trạng xơ phổi, mức độ ảnh hưởng.
✓ Chụp Xquang phổi: Khi các biểu hiện lâm sàng không có tình trạng viêm phổi trong thời kì nhiễm virus, tại thời điểm khám bác sĩ không thấy những dấu hiệu của suy giảm chức năng hô hấp, thì chỉ cần chụp phim Xquang tim phổi là đủ.
✓ Chụp cắt lớp vi tính phổi: Nếu phim Xquang có tổn thương, hoặc tiền sử viêm phổi do Covid rõ ràng, hay tình trạng khó thở suy giảm chức năng hô hấp, thì bác sĩ chỉ định chụp CT để chẩn đoán chính xác; tốt nhất nên chụp CT độ phân giải cao.
✓ Thực hiện test đi bộ 6 phút: Đây là một tham khám dễ thực hiện, đánh giá hiệu quả chức năng hô hấp của bệnh nhân. Cách thực hiện là cho bệnh nhân đi bộ trong 6 phút, đánh giá tình trạng mệt và khó thở theo bảng điểm Borg, đánh giá quãng đường người bệnh đi được trong thời gian 6 phút, đánh giá không hoàn thành bài test như phải nghỉ giữa chừng hoặc phải dừng test khi chưa đủ 6 phút.
✓ Đo chức năng hô hấp: Thể tích thở ra tối đa trong 1 giây đầu tiên sau khi đã hít vào gắng sức (FEV1), dung tích sống gắng sức (FVC), tỉ lệ FEV1 / FVC, lưu lượng khí thở ra gắng sức (FEF) từ khoảng 25–75%, lưu lượng thở ra đỉnh (PEF).
✓ Các xét nghiệm máu thường quy, xét nghiệm chức năng gan và thận, xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm Lipid máu, xét nghiệm kháng thể Immunoglobulin G…
⚠️ Điều trị như thế nào?
Hầu hết bệnh nhân xơ phổi do các virus khác đều tự hồi phục sau 6 tháng đến 1 năm, số ít để lại di chứng nhiều năm, thậm chí tổn thương vĩnh viễn.
Đại dịch Covid mới diễn ra hơn 2 năm.
Advertisement
Nhưng viêm phổi do Covid cũng vậy, di chứng xơ phổi có một tỉ lệ nhất định, ước chừng 2-6% xơ phổi nếu dựa vào kinh nghiệm viêm phổi do các nhóm coronavirus, càng người già và mắc các bệnh nền càng dễ bị xơ phổi.
Tổn thương xơ phổi hậu Covid cũng hầu hết tự khỏi.
Cũng giống như xơ phổi do các virus khác gây nên, một số trường hợp bác sĩ sẽ cho dùng kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch corticosteroid, thuốc chống xơ hóa hoặc các loại thuốc khác.
⚠️ Làm gì để khắc phục tình trạng xơ phổi?
Nên phát hiện sớm xơ phổi để quản lí sức khoẻ ngay từ giai đoạn đầu. Tập thể dục thường xuyên, bổ sung dinh dưỡng, bỏ thuốc lá, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh; đó là cách để khắc phục xơ phổi trong một chặng đường dài.
✓ Tập thể dục hàng ngày với bài tập sức bền.
✓ Thực hành kĩ thuật thở.
✓ Tư vấn chế độ dinh dưỡng.
✓ Bổ sung vitamin đầy đủ.
✓ Thực hiện các biện pháp nâng cao miễn dịch.
✓ Không hút thuốc và tránh hút thuốc thụ động.
✓ Dùng thuốc theo lời khuyên của bác sĩ.
⚠️ KẾT LUẬN: Xơ phổi hậu Covid cũng tương tự như các tình trạng viêm phổi do các virus khác gây nên, đó là di chứng tất yếu sau viêm phổi, thông thường 80% hồi phục từ 6 tháng đến 1 năm. Hiểu về tình trạng này để không sợ hãi. Thực tế, hàng ngày tôi khám nhiều bệnh nhân sau Covid, hầu hết khoẻ mạnh bình thường, nhưng sự lo lắng thì có thật, đặc biệt không ít trường hợp bị xơ phổi mọi người dễ bị hoảng loạn, nghe theo nhiều lời đồn thổi tự điều trị. Đã đến lúc chúng ta coi Covid như bệnh lí chuyên khoa, rồi ai cũng sẽ bị, không thể tránh khỏi; vì thế mà chúng ta cần hiểu sâu sắc hơn về bệnh lí này để đối mặt với nó, thay vì còn nhiều người đang chui vào nhà lẩn trốn suốt hai năm qua.
P/s: Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27 tháng 2, tôi xin được cám ơn tất cả bệnh nhân đã tin tưởng tôi khi đến khám chữa bệnh, cám ơn các bạn đã quan tâm và đọc trang Fapage này, cám ơn Đài Truyền hình Việt Nam VTV2 đã dành thời lượng cho tôi và hai bác sĩ khác chia sẻ những tâm tư suy nghĩ trên số đặc biệt “Sống khoẻ mỗi ngày” phát sóng vào lúc 17g45 phút hôm nay!

Giới thiệu Thuha

Check Also

[Chia sẻ] Sỏi mật: Từ phòng ➠ Chữa bệnh

Sự hình thành sỏi mật liên quan mật thiết đến gan, túi mật, ống mật, …