[Healthline] 4 quan niệm sai lầm về chế độ dinh dưỡng và giảm cân được vạch trần để có một năm 2023 khỏe mạnh hơn.

Rate this post

Những xu hướng về chế độ ăn kiêng và dinh dưỡng thường được giật tít trên mạng xã hội để kích thích mọi người, nhưng chúng thường không mang tính bền vững cho sức khỏe lâu dài – Valentina Barreto/Stocksy.
Nếu bạn thấy bản thân mình đang lướt trên mạng xã hội để tìm ra cách bắt đầu các thói quen mới vì sức khỏe thì bạn không cô đơn đâu. Theo dữ liệu từ cộng đồng bệnh nhân trực tuyến PatientLikeMe, 11% người Mỹ được khảo sát cho biết họ có tham khảo qua mạng xã hội để nhận được thông tin về sức khỏe. 

Tuy nhiên, trong khi một số lời khuyên mà bạn bắt gặp trên mạng có vẻ hữu ích và đáng tin cậy – và một số thậm chí có thể đến từ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng chính quy, hoặc những người có đủ trình độ chuyên môn khác – nhưng thông thường không phải vậy.

Trong rất nhiều trường hợp, những gì chúng tôi thấy được là ai đó tự lên kế hoạch giảm cân hoặc thanh lọc cơ thể, hoặc tự chữa khỏi bất kể bệnh gì và họ cố gắng truyền đạt lại cho mọi người… Chỉ vì nó hiệu quả với họ không có nghĩa là nó cũng sẽ hiệu quả với tất cả mọi người và đó là lúc nó trở nên thực sự nguy hiểm” – Jen Scheinman, RDN, giám đốc quản lý vấn đề dinh dưỡng tại Timeline Nutrition, nói với Healthline. “[Họ] tìm ra những giải pháp nhanh chóng và hấp dẫn mà mọi người muốn tin nhưng chúng lại không có cơ sở khoa học ủng hộ và có thể gây hại.”

“Chế độ ăn kiêng thường được giật tít trên mạng xã hội để kích thích mọi người” – bác sĩ Rekha B. Kumar, phó giáo sư y khoa tại Cornell kiêm giám đốc y tế tại Found nói thêm.

“Nếu tất cả đều là những thông tin có cơ sở lập luận không hề thiên vị và mang tính công bằng thì nó sẽ được đăng tải trên một tạp chí khoa học chứ không phải trên mạng xã hội”, Kumar nói với Healthline.

Mặc dù mạng xã hội có thể được sử dụng như một công cụ để giáo dục và phổ cập thông tin, cô ấy nói thêm rằng Về các chế độ ăn uống và dinh dưỡng được đăng tải bởi những người có ảnh hưởng, họ có thể không phải lúc nào cũng đúng hoàn toàn, nhưng có thể đúng một vài điều.” 

Scheinman đồng tình. Cô ấy nói rằng nhiều quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống bắt đầu bằng một chút sự thật để thuyết phục họ phải thử.

“Chút sự thật đó có thể bị phóng đại hoặc hiểu sai để rồi trở nên đúng đắn trong cộng đồng”, cô ấy nói.

Việc giải mã cái nào là sự thật hay cái nào không có thể trở nên khó khăn. Để giúp giảm bớt sự nhầm lẫn, chúng tôi đã yêu cầu các chuyên gia về sức khỏe vạch trần một số quan niệm sai lầm về chế độ dinh dưỡng phổ biến nhất đang được chia sẻ trên mạng xã hội.

Quan niệm sai lầm: Mọi người nên theo chế độ ăn kiêng keto hoặc ăn kiêng low-carb

Kumar lưu ý rằng mặc dù chế độ ăn keto và ăn low-carb có thể giúp giảm cân nhưng những kiểu ăn uống này lại không phù hợp cho tất cả mọi người “vì các bệnh như đái tháo đường có thể khiến việc cắt giảm mạnh carbohydrate trở nên nguy hiểm hoặc [vì] những kế hoạch này không phù hợp với đặc điểm sinh học của cơ thể (tức là một chế độ ăn uống khác sẽ hiệu quả hơn).”

Scheinman cho biết các loại thực phẩm được tuân theo các chế độ ăn kiêng này – đặc biệt là chế độ ăn keto, tập trung vào chất béo – cũng gây lo ngại.

“[Điều] mà tôi bắt đầu thấy mọi người đang làm chính là ăn nhiều pho mát, bơ và rất nhiều bít tết hoặc thịt xông khói hoặc thịt nguội đã qua chế biến kỹ và hạn chế ăn rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, vì vậy chế độ ăn uống của họ trở nên mất cân bằng“, cô ấy nói.

Cô ấy cũng lưu ý các nghiên cứu tìm hiểu những người sống lâu và khỏe mạnh nhất đã phát hiện ra chế độ ăn uống của họ được duy trì bằng ngũ cốc nguyên hạt, hạt đậu và các loại đậu.

“Cụ thể là hạt đậu và các loại đậu có liên quan đến việc con người sống lâu hơn, vì thế khi bạn cắt bỏ những thực phẩm này, [bạn phải tự hỏi] điều gì đang xảy ra đối với sức khỏe”, Scheinman cho biết.

Ngoài ra, việc tuân thủ chế độ ăn keto hoặc ăn low-carb trong thời gian dài rất là khó, và khi mọi người bắt đầu đưa carbohydrate trở lại vào chế độ ăn của mình, Scheinman cho biết họ sẽ không làm như vậy một cách lành mạnh

“[Họ] không tập trung vào ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau củ có chứa tinh bột. Họ bắt đầu quay trở lại với những loại carbohydrate đơn giản như bánh mì trắng, đường và mì ống trắng, và rồi họ tăng cân trở lại từ từ, vì thế điều này lại trở thành kiểu trải nghiệm hiệu ứng yo-yo”, cô ấy nói..

Quan niệm sai lầm: Bạn cần nạp cafein để có năng lượng

Kumar cho rằng cafein là một chất kích thích khiến não bộ cảm thấy tỉnh táo hơn nhưng về cơ bản nó không cung cấp chất dinh dưỡng hay năng lượng cho cơ thể. Điều này là do cafein không làm cho các tế bào sản xuất ATP (adenosine triphosphate) – hợp chất hữu cơ cung cấp năng lượng cho cơ thể. 

“Chúng ta có những vùng não khiến buồn ngủ và cafein giúp ức chế các đường dẫn truyền thần kinh đó. Nó thật ra đang che đậy tình trạng năng lượng thấp của chúng ta bằng giải pháp tạm thời.”, Scheinman giải thích.

Cô ấy nói rằng việc tiêu thụ caffein cũng có thể dẫn đến sự phụ thuộc. Chẳng hạn, bạn có thể phụ thuộc vào nó lúc sáng và đến lúc muộn trong ngày. Tuy nhiên, khi bạn uống cafein vào lúc muộn trong ngày, nó có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, và khi bạn ngủ không ngon giấc, bạn lại thức dậy và quay lại dùng cafein một lần nữa. Từ đó, chu kỳ cứ tiếp diễn. 

Scheinman lưu ý rằng giải pháp để tăng năng lượng thì đã có sẵn trong cơ thể rồi.

“Chúng ta có những bào quan sản xuất năng lượng này bên trong mỗi tế bào được gọi là ti thể, và khi chúng ta nuôi dưỡng và chăm sóc chúng [bằng] các hành vi lối sống lành mạnh – như chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ ngon giấc, kiểm soát được căng thẳng – cơ thể chúng ta sẽ tạo ra năng lượng mà chúng ta cần”, cô ấy nói.

Quan niệm sai lầm: Thuốc tiêm giảm cân theo toa không hề rủi ro. 

Kumar cho biết rằng trong khi một số người nổi tiếng lên tiếng về việc giảm cân mà họ đạt được khi dùng thuốc chống béo phì theo toa thì những loại thuốc dạng tiêm này chỉ được nghiên cứu ở những bệnh nhân béo phì hoặc đái tháo đường.

“Có những tác dụng phụ đã biết, chủ yếu là tác dụng phụ về đường tiêu hóa, nhưng chúng ta thật sự không biết được tác dụng lâu dài của việc sử dụng mà không cần chuyên môn chỉ để giảm vài cân mà không mắc bệnh chuyển hóa”, cô ấy cho biết.

Ngoài ra, ngay sau khi ngừng tiêm, Scheinman cho biết việc tăng cân có thể xảy ra nếu thói quen ăn uống và lối sống không thay đổi.

“Có những loại thuốc có thể được sử dụng để giảm cân và vì vậy [những liều tiêm này] có thể được chỉ định trong tương lai, nhưng hiện tại nó chỉ dành cho những người béo phì và đái tháo đường”, cô ấy nói.

Quan niệm sai lầm: Bạn nên thử chế độ ăn uống bằng cách thanh lọc và thải độc.

Kumar cho biết hầu như không có chế độ ăn uống bằng cách thanh lọc hoặc thải độc nào ngày nay được chứng minh là có hiệu quả đối với quá trình trao đổi chất ngắn hạn hoặc dài hạn hoặc nguy cơ tim mạch.

“Việc thanh lọc có thể khiến một số người cảm thấy bớt đầy hơi trong thời gian ngắn, nhưng những kết quả này không kéo dài và thậm chí có thể dẫn đến tình trạng cơ thể giữ nước hoặc táo bón trở lại”, cô ấy nói.

Mặc dù có một số sự thật hướng đến quan điểm cho rằng có nhiều chất độc hơn trên thế giới và con người hít vào ô nhiễm hơn, ăn nhiều đường và đồ ăn nhanh hơn, và do đó cần phải loại bỏ những thứ này ra khỏi cơ thể,

Advertisement
tuy nhiên Scheinman cho biết cơ thể đã tự loại bỏ các chất độc hại một cách tự nhiên.

“Sự thật là cơ thể chúng ta có một quá trình rất phức tạp trong việc giải độc mỗi ngày – trong gan, thận, hệ tiêu hóa và ruột – tất cả những thứ này là cách mà cơ thể chúng ta loại bỏ chất độc”, cô ấy nói.

Để hỗ trợ cơ thể trong các quá trình này, Scheinman cho biết mọi người có thể chú trọng vào chế độ dinh dưỡng lành mạnh, có giấc ngủ chất lượng và hạn chế tiếp xúc với các chất độc từ môi trường hết sức có thể.

Về những rủi ro liên quan đến thanh lọc và giải độc, cô ấy lưu ý các chương trình thải độc dựa trên thực phẩm khuyến nghị rằng việc ăn sinh tố trái cây và rau xanh hoặc chế độ ăn thuần chay trong một thời gian giới hạn rất có thể vô thưởng vô phạt.

Tuy nhiên, nếu thực phẩm chức năng được bao gồm trong các chương trình này thì chúng có thể trở nên nguy hiểm vì thực phẩm chức năng “có thể được quản lý hoặc không và chúng tôi không rõ trong đó có gì”.

Theo Scheinman, tác hại tâm lý là một mối quan tâm khác. Việc thúc đẩy thanh lọc và giải độc thường diễn ra sau kỳ nghỉ lễ và có quan niệm rằng bạn có thể ăn những gì bạn muốn cho đến ngày 1 tháng 1 và sau đó giải độc.

“[Điều này] thúc đẩy mối quan hệ không lành mạnh với thực phẩm và bạn cần phải thanh lọc cơ thể hoặc trừng phạt cơ thể của mình vì những gì bạn đã làm với nó trong một cuộc ăn uống vô độ”, cô ấy nói.

Điểm mấu chốt

Mặc dù các xu hướng liên quan đến chế độ ăn kiêng, dinh dưỡng hay thanh lọc cơ thể có thể dẫn tới giảm cân hoặc cảm thấy tốt hơn trong thời gian ngắn, nhưng Kumar cho rằng chúng khó có thể tuân thủ lâu dài.

“Điều độ và kiên định là những chiến lược dài hạn tốt hơn. Nếu ai đó chọn bắt tay vào một chế độ ăn kiêng chạy theo xu hướng hoặc nhất thời, thì nên có một lộ trình để chuyển sang vài cách tiếp cận vừa phải hơn sau đó”, cô ấy nói. 

 

Nguồn: https://www.healthline.com/health-news/nutrition-and-weight-loss-myths-debunked

Người dịch: Nguyễn Bình Minh – Trần Gia Minh

Người hiệu đính: Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!

Giới thiệu Nguyễn Bình Minh

- Sinh viên K26YDK1 Y đa khoa Đại học Duy Tân - Thành viên của phòng ban G1, H1, H5, H11 của Mạng lưới tình nguyện Y khoa

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …