Chẩn đoán
Để điều trị bỏng, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của bỏng bằng cách khám da. Bác sĩ có thể đề nghị chuyển bạn đến khoa bỏng nếu vết bỏng của bạn chiếm hơn 10% tổng diện tích bề mặt cơ thể, ở rất sâu, ở mặt, bàn chân hoặc háng hoặc đáp ứng các tiêu chí khác được thiết lập bởi Hiệp hội Bỏng Hoa Kỳ.
Bác sĩ sẽ kiểm tra các vết thương khác và có thể chỉ định xét nghiệm, chụp X quang hoặc các phương tiện chẩn đoán khác.
Điều trị
Hầu hết các vết bỏng nhẹ đều có thể được điều trị tại nhà. Chúng thường lành trong vòng vài tuần.
Đối với những vết bỏng nghiêm trọng, sau khi sơ cứu đúng cách và đánh giá vết thương, việc điều trị của bạn có thể bao gồm dùng thuốc, băng vết thương, trị liệu và phẫu thuật. Mục tiêu điều trị là kiểm soát cơn đau, loại bỏ mô chết, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm nguy cơ để lại sẹo và phục hồi chức năng.
Những người bị bỏng nặng có thể cần được điều trị tại các trung tâm chuyên khoa bỏng. Họ có thể cần ghép da để che vết thương lớn. Và họ có thể cần hỗ trợ tinh thần và chăm sóc theo dõi hàng tháng, chẳng hạn như vật lý trị liệu.
Điều trị y tế
Sau khi sơ cứu vết bỏng nặng, bạn sẽ được kê đơn các loại thuốc có tác dụng đẩy nhanh quá trình lành thương.
- Điều trị bằng nước. Nhóm chăm sóc có thể sử dụng các kỹ thuật như liệu pháp phun sương siêu âm để làm sạch và kích thích mô vết thương.
- Dịch truyền để ngừa mất nước. Bạn có thể cần truyền dịch qua tĩnh mạch (IV) để tránh mất nước và suy tạng.
- Thuốc giảm đau và an thần. Quá trình điều trị vết bỏng có thể vô cùng đau đớn. Bạn có thể cần dùng morphin và thuốc an thần – đặc biệt là khi thay băng.
- Kem bôi điều trị bỏng và thuốc mỡ. Nếu bạn không được chuyển đến trung tâm bỏng, các bác sĩ điều trị có thể chọn nhiều sản phẩm bôi ngoài da để chữa lành vết thương, chẳng hạn như bacitracin và bạc sulfadiazine (Silvadene). Những thuốc này ngăn ngừa nhiễm trùng và giúp vết thương đóng lại.
- Băng bó.Các bác sĩ điều trị cũng có thể sử dụng các loại băng vết thương chuyên dụng để giúp vết thương mau lành. Nếu bạn đang được chuyển đến một trung tâm bỏng, vết thương của bạn có thể sẽ chỉ được băng bằng gạc khô.
- Thuốc chống nhiễm trùng. Nếu bạn bị nhiễm trùng, bạn có thể cần truyền kháng sinh đường tĩnh mạch.
- Tiêm phòng uốn ván. Bác sĩ có thể đề nghị tiêm phòng uốn ván sau khi bị bỏng.
Vật lý trị liệu và lao động trị liệu
Nếu diện tích bị bỏng lớn, đặc biệt nếu nó liên quan tới bất kỳ khớp nào, bạn có thể cần các bài tập vật lý trị liệu. Những thứ này có thể giúp kéo căng da để các khớp có thể duy trì sự linh hoạt. Các loại bài tập khác có thể cải thiện sức mạnh và sự phối hợp của cơ bắp. Và trị liệu nghề nghiệp có thể hữu ích nếu bạn gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày.
Phẫu thuật và các thủ thuật khác
Bạn có thể cần một hoặc nhiều thủ thuật sau:
- Hỗ trợ thở. Nếu bạn bị bỏng ở mặt hoặc cổ, cổ họng của bạn có thể bị sưng tấy. Nếu điều đó xảy ra, bác sĩ có thể đặt nội khí quản để giữ oxy cung cấp cho phổi của bạn
- Cho ăn bằng ống. Những người bị bỏng rộng hoặc suy dinh dưỡng có thể cần hỗ trợ dinh dưỡng. Bác sĩ có thể luồn một ống dẫn thức ăn qua mũi đến dạ dày của bạn.
- Điều hòa lưu lượng máu xung quanh vết thương. Nếu lớp vảy bỏng bao quanh hoàn toàn một chi, nó có thể co lại và cắt đứt quá trình lưu thông máu. Một lớp vảy bao quanh toàn bộ ngực có thể gây khó thở. Bác sĩ có thể cắt vảy để giảm bớt áp lực này.
- Ghép da. Ghép da là một phẫu thuật trong đó các bạn lấy phần da khỏe mạnh của chính mình để thay thế các mô sẹo do bỏng sâu. Da từ người hiến đã mất hoặc từ lợn có thể được sử dụng như một giải pháp tạm thời.
- Phẫu thuật tạo hình. Phẫu thuật tạo hình (tái tạo) có thể cải thiện vẻ ngoài của sẹo bỏng và tăng tính linh hoạt của các khớp bị ảnh hưởng bởi sẹo.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Để điều trị vết bỏng nhẹ, hãy làm theo các bước sau:
- Làm mát vết bỏng. Để vùng bị bỏng dưới vòi nước mát (không lạnh) hoặc chườm gạc ướt, mát cho đến khi cơn đau giảm bớt. Không sử dụng nước đá. Đặt đá trực tiếp lên vết bỏng có thể gây tổn thương thêm cho mô.
- Tháo nhẫn hoặc các vật dụng bó sát khác. Cố gắng làm điều này một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng, trước khi vùng bị bỏng sưng lên.
- Đừng làm vỡ mụn nước. Mụn nước chứa đầy chất lỏng bảo vệ chống nhiễm trùng. Nếu mụn nước bị vỡ, hãy làm sạch khu vực đó bằng nước có thể dùng xà phòng nhẹ). Bôi thuốc mỡ kháng sinh. Nhưng nếu phát ban xuất hiện, hãy ngừng sử dụng ngay.
- Thoa kem dưỡng da. Khi vết bỏng đã nguội hoàn toàn, hãy thoa kem dưỡng da, chẳng hạn như kem dưỡng da có chứa lô hội hoặc kem dưỡng ẩm. Điều này giúp ngăn ngừa khô và hỗ trợ giảm đau.
- Băng vết bỏng. Che vết bỏng bằng băng gạc vô trùng (không phải bông mềm). Quấn lỏng để tránh gây áp lực lên vùng da bị bỏng. Băng bó giúp ngăn không khí lọt vào vùng bỏng, giảm đau và bảo vệ vùng da bị phồng rộp
- Uống thuốc giảm đau. Các loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin IB,…), natri naproxen (Aleve) hoặc acetaminophen (Tylenol,…), có thể giúp giảm đau.
- Cân nhắc tiêm phòng uốn ván. Hãy chắc chắn rằng liều uốn ván tăng cường được tiêm đúng hạn. Các bác sĩ khuyên mọi người nên tiêm phòng uốn ván ít nhất 10 năm một lần.
Cho dù vết bỏng của bạn nhẹ hay nghiêm trọng, hãy sử dụng kem chống nắng và kem dưỡng ẩm thường xuyên sau khi vết thương đã lành.
Đối phó và hỗ trợ
Sống chung với vết bỏng nghiêm trọng có thể là một thách thức, đặc biệt nếu vết bỏng bao phủ một vùng lớn trên cơ thể bạn hoặc ở những nơi mà người khác dễ dàng nhìn thấy, chẳng hạn như mặt hoặc tay của bạn. Khả năng để lại sẹo, giảm khả năng vận động và các ca phẫu thuật có thể làm tăng thêm gánh nặng về tinh thần.
Hãy cân nhắc tham gia nhóm hỗ trợ bao gồm những những người bị bỏng nặng và thấu hiểu những gì bạn đang phải trải qua. Bạn có thể cảm thấy thoải mái thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn của mình và gặp gỡ những người gặp phải những thách thức tương tự. Hỏi bác sĩ của bạn để biết thông tin về các nhóm hỗ trợ trong khu vực của bạn hoặc trực tuyến.
Chuẩn bị cho cuộc hẹn của bạn
Nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp đối với vết bỏng sâu hoặc liên quan đến bàn tay, bàn chân, mặt, háng, mông, khớp chính hoặc một vùng rộng lớn của cơ thể. Bác sĩ cấp cứu của bạn có thể đề nghị bác sĩ chuyên khoa da (bác sĩ da liễu), bác sĩ chuyên khoa bỏng, bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ chuyên khoa khác khám cho bạn.
Đối với các vết bỏng khác, bạn có thể cần hẹn gặp bác sĩ gia đình. Thông tin dưới đây có thể giúp bạn chuẩn bị.
Liệt kê các câu hỏi bạn muốn hỏi bác sĩ, chẳng hạn như:
- Tôi có cần điều trị vết bỏng này không?
- Lựa chọn điều trị của tôi là gì và những ưu và nhược điểm của mỗi loại?
- Các lựa chọn thay thế cho phương pháp chính mà bác sĩ đang đề xuất là gì?
- Tôi có thể đợi xem vết bỏng có tự lành không?
- Tôi có cần dùng thuốc kê đơn hay tôi có thể dùng thuốc không kê đơn để điều trị vết bỏng
- Kết quả mà tôi có thể mong đợi là gì?
- Những thói quen chăm sóc da nào mà bác sĩ đề nghị trong quá trình vết bỏng lành?
- Tôi cần tái khám như thế nào?
- Tôi có thể thấy những thay đổi nào trên da của mình khi vết bỏng nó lành lại?
Mong đợi gì từ bác sĩ của bạn
Bác sĩ của bạn có thể hỏi bạn một số câu hỏi, chẳng hạn như:
- Làm thế nào mà vết bỏng xảy ra?
- Bạn có các triệu chứng khác nào không?
- Bạn có bệnh lý nền nào không, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường?
- Nếu có thì bạn đã sử dụng phương pháp điều trị bỏng tại nhà nào?
- Bạn có nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về bề ngoài của vết bỏng không?
NGUỒN
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/burns/diagnosis-treatment/drc-20370545
Người dịch: Trần Thị Phương, Võ Thị Thảo Ngân
Hiệu đính: BS. Đỗ Trung Kiên
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – Vui lòng không reup khi chưa được cho phép!