[Medlineplus] Cách chăm sóc vết thương tì đè

Rate this post

Vết loét do tỳ đè là tình trạng một vùng da bị tổn thương khi bị cọ xát hoặc đè vào liên tục.

 

Nguyên nhân

Loét do tỳ đè xảy ra khi có nhiều áp lực tì trên da trong thời gian dài dẫn đến làm giảm lưu lượng máu đến khu vực đó. Khi không có đủ máu để nuôi dưỡng da, da có thể chết và hình thành vết loét. 

Vết loét do tỳ đè dễ xuất hiện nếu bạn: 

  • Sử dụng xe lăn hoặc nằm trên giường trong một thời gian dài
  • Lớn tuổi 
  • Không thể di chuyển một phần cơ thể nào đó mà không có hỗ trợ 
  • Mắc bệnh ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, bao gồm bệnh đái tháo đường hoặc bệnh mạch máu 
  • Mắc bệnh Alzheimer hoặc một tình trạng khác ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của bạn 
  • Da mỏng
  • Đại tiểu tiện không tự chủ
  • Dinh dưỡng kém

Triệu chứng

Vết loét do tỳ đè được phân loại theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Giai đoạn I là giai đoạn nhẹ nhất. Giai đoạn IV là tệ nhất.

  • Giai đoạn I: Có vùng da đỏ, đau, không chuyển sang màu trắng khi ấn vào. Đây là dấu hiệu cho thấy vết loét do tỳ đè có thể đang hình thành. Da có thể ấm hoặc mát, cứng hoặc mềm. 
  • Giai đoạn II: Da phồng rộp hoặc hình thành vết loét hở. Khu vực xung quanh vết loét có thể đỏ và bị kích ứng. 
  • Giai đoạn III: vùng da xuất hiện một tổn thương trũng, hở được gọi là vết loét. Các mô bên dưới da bị tổn thương. Có thể nhìn thấy mô mỡ trong vết loét.
  • Giai đoạn IV: Vết loét tỳ đè đã trở nên sâu đến mức gây tổn thương cơ và xương, đôi khi là gân và khớp.

Có hai loại loét tỳ đè khác mà không nằm trong các giai đoạn kể trên.

Các vết loét bao phủ bởi lớp da chết có màu vàng, rám nắng, xanh lá cây hoặc nâu. Lớp da chết gây khó khăn trong xác định độ sâu của vết loét. Loại vết loét này là “không thể phân loại được.”

Loét tỳ đè phát triển trong mô sâu bên dưới da được gọi là tổn thương mô sâu. Khu vực này có thể có màu tím sẫm hoặc màu hạt dẻ. Có thể có một vết phồng rộp tụ máu dưới da. Loại tổn thương da này có thể nhanh chóng trở thành vết loét tỳ đè giai đoạn III hoặc IV.

Các vết loét do tì đè có xu hướng hình thành ở những vùng da bao phủ xương có ít mô dưới da để đệm đỡ. Các vùng đó là: 

  • Mông 
  • Khuỷu tay 
  • Hông 
  • Gót chân 
  • Mắt cá chân 
  • Vùng vai 
  • Lưng 
  • Phía sau đầu

Chăm sóc vết loét tỳ đè 

Các vết loét ở giai đoạn I hoặc II thường sẽ lành nếu được chăm sóc cẩn thận. Các vết loét ở giai đoạn III và IV khó điều trị hơn và có thể mất nhiều thời gian để khỏi. Sau đây là cách chăm sóc vết loét do tỳ đè tại nhà.

Giảm áp cho vùng da đó. 

Sử dụng gối, đệm xốp, ủng hoặc đệm để giảm áp lực. Một số miếng đệm chứa nước hoặc không khí để giúp hỗ trợ cho vùng da đó. Loại đệm bạn sử dụng tùy thuộc vào vết thương của bạn và việc bạn đang nằm trên giường hay ngồi trên xe lăn. Trao đổi với bác sĩ của bạn về những lựa chọn nào là tốt nhất, bao gồm cả hình dạng và loại vật liệu. 

Thay đổi vị trí thường xuyên.

Nếu bạn đang ngồi trên xe lăn, hãy cố gắng thay đổi vị trí sau mỗi 15 phút. Nếu bạn đang nằm trên giường, thì nên di chuyển hoặc được hỗ trợ di chuyển khoảng 2 giờ/lần.

Chăm sóc vết loét theo chỉ dẫn của bác sĩ. Giữ vết thương sạch sẽ để tránh nhiễm trùng. Làm sạch vết loét mỗi khi bạn thay băng. 

Đối với giai đoạn I, có thể rửa nhẹ khu vực đó bằng xà phòng dịu nhẹ và nước. Nếu cần, hãy tạo lớp màng ẩm để bảo vệ vùng da khỏi chất dịch cơ thể. Hỏi bác sĩ của bạn sản phẩm cấp ẩm nào để sử dụng. 

 

Các vết loét do tỳ đè ở giai đoạn II nên được làm sạch bằng nước muối (Saline) để loại bỏ các mô chết, lỏng lẻo. Hoặc là bác sĩ có thể đề xuất cho bạn một chất tẩy rửa cụ thể. 

Không sử dụng chất tẩy rửa hydro peroxide hoặc iốt do có thể làm tổn thương da. Che vết thương bằng băng đặc biệt. Điều này bảo vệ khỏi nhiễm trùng và giúp giữ ẩm để vết loét có thể lành lại. 

Nói chuyện với bác sĩ của bạn về loại băng có thể sử dụng. Tùy thuộc vào kích thước và giai đoạn của vết loét, bạn có thể sử dụng màng, gạc, gel, bọt hoặc loại băng khác. 

Hầu hết các vết loét ở giai đoạn III và IV sẽ được bác sĩ của bạn điều trị. Hỏi về bất kỳ hướng dẫn đặc biệt nào để chăm sóc tại nhà.

Tránh thêm tổn thương hoặc ma sát. 

  • Dùng khăn trải giường mềm mại để tránh cọ xát da lên giường
  • Tránh cọ xát khi thay đổi tư thế. Cố gắng tránh các tư thế gây áp lực lên vết loét. 
  • Chăm sóc cho làn da khỏe mạnh bằng cách giữ sạch sẽ và giữ ẩm. 
  • Mỗi ngày kiểm tra da để tìm vết loét do tỳ đè. Nhờ người chăm sóc của bạn hoặc người mà bạn tin tưởng kiểm tra những khu vực bạn không thể nhìn thấy. 
  • Nếu vết loét do tỳ đè thay đổi hoặc hình thành một vết loét mới, hãy báo cho bác sĩ của bạn.

Giữ gìn sức khoẻ. 

  • Bổ sung thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn hồi phục. 
  • Giảm cân. 
  • Ngủ nhiều. 
  • Hỏi bác sĩ xem bạn có thể thực hiện các động tác kéo giãn nhẹ nhàng hoặc các bài tập nhẹ. Điều này có thể giúp cải thiện lưu thông. 
    Advertisement

Không xoa bóp vùng da gần hoặc phủ lên vết loét. Điều này có thể gây ra nhiều thương tổn hơn. Không sử dụng đệm hình khuyên do làm giảm lưu lượng máu đến vùng da này, có thể gây lở loét.

Khi Nào Cần Gọi Bác Sĩ 

Gọi cho bác sĩ của bạn nếu bạn có mụn nước hoặc vết thương hở. 

Gọi ngay nếu có dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như: 

  • Mùi hôi từ vết loét 
  • Mủ chảy ra từ vết loét 
  • Đỏ và đau xung quanh vết loét 
  • Da gần vết loét nóng và/hoặc sưng lên 
  • Sốt

Tài liệu tham khảo:

References

James WD, Elston DM, Treat JR, Rosenbach MA, Neuhaus IM. Dermatoses resulting from physical factors. In: James WD, Elston DM, Treat JR, Rosenbach MA, Neuhaus IM, eds. Andrews’ Diseases of the Skin: Clinical Dermatology. 13th ed. Philadelphia, PA: Elsevier; 2020:chap 3.

Qaseem A, Humphrey LL, Forciea MA, Starkey M, Denberg TD; Clinical Guidelines Committee of the American College of Physicians. Treatment of pressure ulcers: a clinical practice guideline from the American College of Physicians. Ann Intern Med. 2015;162(5):370-379. PMID: 25732279 pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25732279/.

Woelfel SL, Armstrong DG, Shin L. Wound care. In: Sidawy AN, Perler BA, eds. Rutherford’s Vascular Surgery and Endovascular Therapy. 10th ed. Philadelphia, PA: Elsevier; 2023:chap 118.

Nguồn: How to care for pressure sores

Người dịch: Võ Thị Thảo Ngân, Nguyễn Trần Lý Anh

Hiệu đính: BS Đỗ Trung Kiên

Bài viết được biên tập và dịch thuật bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được sự cho phép!

Giới thiệu thaongan2509

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …