Theo báo cáo của các nhà nghiên cứu từ Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) trẻ em và trẻ vị thành niên mắc hội chứng hậu COVID-19 có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nghiêm trọng tăng gấp đôi so với những trẻ không mắc COVID.
Nghiên cứu mới cho thấy những di chứng thường gặp nhất là :Viêm cơ tim, huyết khối ở phổi, vùng cẳng chân , vùng đùi và vùng chậu. Mặc dù nguy cơ mắc những di chứng kể trên và một số những di chứng khác là cao, nhưng tổng số ca bệnh gặp các rối loạn đó là thấp.
Một thông báo mới của CDC cho biết:
“Khi chạy dữ liệu phân tích cho thấy trong số những di chứng kể trên thì không phổ biến hoặc hiếm gặp ở trẻ em nhưng điều quan trọng là chỉ một sự gia tăng nhỏ cũng đáng chú ý.”
Các nhà điều tra cho biết, những phát hiện của họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng vaccine COVID-19 ở những người Mỹ dưới 18 tuổi.
Nghiên cứu được đăng tải trực tuyến vào Thứ năm trong Báo cáo Hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC (MMWR)
Vẫn còn ít hiểu biết về Hội chứng COVID kéo dài ở trẻ em
Tiến sĩ Lyudmyla Kompaniyets và các cộng sự đã lưu ý rằng hầu như những nghiên cứu về Hội chứng COVID kéo dài cho tới ngày nay đều chỉ trên đối tượng người trưởng thành, vì vậy những thông tin về nguy cơ ở những đối tượng người Mỹ từ 17 tuổi trở xuống còn rất hạn chế.
Để tìm hiểu nhiều hơn, họ đã so sánh các triệu chứng và tình trạng hậu COVID giữa 781.419 trẻ em và trẻ vị thành niên được xác định mắc COVID với 2.344.257 trẻ chưa mắc bệnh. Họ đã tìm hiểu từ các cơ sở dữ liệu các thông tin trong văn bản yêu cầu thanh toán bảo hiểm y tế và từ phòng phòng thí nghiệm của các đối tượng trên từ 01/03/2022 đến 31/01/2022, để tìm xem những trẻ nào có liên quan tới 15 biến chứng hậu COVID-19.
Hậu COVID-19 được định nghĩa là tình trạng các triệu chứng kéo dài ít nhất hoặc bắt đầu ít nhất 4 tuần sau khi được chẩn đoán mắc COVID.
So với những trẻ không có tiền sử mắc COVID-19, nhóm trẻ mắc COVID-19 kéo dài thể gặp các nguy cơ sau:
- Hơn 101% có khả năng bị thuyên tắc phổi (huyết khối trong phổi)
- Hơn 99% có khả năng mắc viêm cơ tim hoặc bệnh cơ tim (khi tim bị suy yếu và khó bơm máu)
- Hơn 87% có khả năng bị huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông trong tĩnh mạch)
- Hơn 32% có khả năng mắc suy thận cấp và suy thận không rõ nguyên nhân (khi thận không thể lọc chất thải khỏi máu)
- Hơn 23% có khả năng mắc đái thái đường type 1
Tiến sĩ Stuart Berger, chủ tịch Viện Tim mạch và Phẫu thuật tim trẻ em Mỹ cho biết: “Kết quả nghiên cứu chỉ ra một thực tế rằng các nguy cơ lây nhiễm COVID cả về ảnh hưởng cấp tính, Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) cũng như các ảnh hưởng lâu dài là có thật, đang được quan tâm và có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.
MIS-C là một hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, với biểu hiện rất nhiều cơ quan của cơ thể trẻ bị viêm, chúng có liên quan đến COVID-19.
Theo Berger, trưởng khoa tim mạch tại Khoa Nhi của Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern ở Chicago cho biết: “Một thông điệp mà chúng ta nên rút ra từ điều này đó là nên quan tâm đến tất cả các biện pháp phòng ngừa COVID, đặc biệt là sử dụng vaccine”.
Một “Hồi chuông cảnh tỉnh”
Những phát hiện của nghiên cứu là “nghiêm túc” và chúng như “lời cảnh tỉnh về mức độ nghiêm trọng của nhiễm COVID”, theo tiến sĩ Gregory Poland cho biết.
Ông nói: “Khi bạn xem xét một cách cụ thể hơn các biến chứng do COVID trong nhóm trẻ tuổi này, đó là những biến chứng có thể để lại những hậu quả và chi phối suốt cuộc đời của trẻ.”
Poland nói thêm: “Tôi phải xem đây như một lời cảnh tỉnh thực sự đến bậc cha mẹ, trong thời điểm khi mà tỉ lệ trẻ em được tiêm chủng còn ở mức thấp đáng lo ngại”.
Vẫn chỉ là những ngày khởi đầu
Tiến sĩ Peter Katona, một giáo sư y khoa chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại trường đại học Y tế công cộng Fielding UCLA cho biết: “Nghiên cứu này mang tính gợi ý chứ không phải để khẳng định hoàn toàn.”
Vẫn còn quá sớm để đưa đến một kết luận về hậu COVID-19, bao gồm cả trẻ em, vì đã có rất nhiều câu hỏi còn chưa thể giải đáp: hậu COVID-19 nên được định nghĩa là các triệu chứng ở thời điểm 1 tháng hay 3 tháng sau khi nhiễm bệnh? Phải định nghĩa não sương mù như thế nào?
Katona và cộng sự đang nghiên cứu biện pháp can thiệp đối với hậu COVID-19 giữa các sinh viên tại UCLA để có được câu trả lời cho những câu hỏi trên, bao gồm đánh giá tỷ lệ mắc và hiệu quả của biện pháp can thiệp sớm.
Nghiên cứu có “ít nhất 7 hạn chế”, những nhà nghiên cứu lưu ý. Trong số đó có dùng dữ liệu y tế đã được ghi nhận mắc các di chứng của hậu COVID-19 nhưng không rõ mức độ nghiêm trọng ra sao; một số người trong nhóm không mắc COVID có thể đã mắc bệnh nhưng không được phát hiện; và các nhà nghiên cứu cũng chưa xem xét đến tình trạng tiêm chủng.
Poland lưu ý rằng nghiên cứu này chỉ được thực hiện trong giai đoạn biến chủng Delta và Omicron phổ biến. Còn những ảnh hưởng của Hội chứng Hậu Covid do các biến thể gần đây như BA.5 và BA.2.75 vẫn còn chưa được biết rõ.
Sources
Morbidity and Mortality Weekly Report: “Post-COVID-19 Symptoms and Conditions Among Children and Adolescents – United States, March 1, 2020-January 31, 2022,” Aug. 5, 2022.
Stuart Berger, MD, chair, American Academy of Pediatrics Section on Cardiology and Cardiac Surgery; chief of cardiology, Department of Pediatrics, Northwestern University Feinberg School of Medicine, Chicago.
Gregory Poland, MD, infectious disease expert, Mayo Clinic, Rochester, MN.
Peter Katona, MD, professor of medicine and infectious diseases expert, UCLA Fielding School of Public Health.
Người dịch: Trần Gia Tân, Trần Thị Kim Luận.
Hiệu đính: Bác sĩ Huỳnh Lê Thái Bão.
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!