Tăng cân ít hơn, HbA1c thấp hơn, cần ít insulin hơn khi sử dụng với metformin.
Feig báo cáo rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm về tỷ lệ phụ nữ có kết cục thai kỳ chính là sẩy thai, sinh non, chấn thương khi sinh, suy hô hấp, hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh hoặc nhập khoa chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh kéo dài trên 24 giờ (P = 0,86).
Tuy nhiên, các sản phụ trong nhóm dùng metformin có tổng cân nặng tăng khi mang thai ít hơn đáng kể so nhóm dùng giả dược, ở mức –1,8 kg (P <.0001).
Họ cũng có mức HbA1c trong thai kỳ thấp hơn đáng kể, ở mức 41 mmol /mol (5,9%) so với 43,2 mmol/mol (6,1%) ở những người được cho dùng giả dược (P = 0,015) và cần liều insulin ít hơn, ở mức 1,1 so với 1,5 đơn vị/ kg /ngày (P <.0001), tức giảm gần 44 đơn vị/ngày.
Các sản phụ được cho dùng metformin có tỉ lệ sinh mổ thấp hơn, ở mức 53,4% so với 62,7% ở nhóm dùng giả dược (P = 0,03), mặc dù không có sự khác biệt về tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật giữa các nhóm.
Tác dụng phụ thường gặp nhất là các biến chứng đường tiêu hóa, xảy ra ở 27,3% phụ nữ trong nhóm dùng metformin và 22,3% ở những người dùng giả dược.
Không có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm dùng metformin và dùng giả dược về tỷ lệ sẩy thai (P = 0,81), sinh non (P = 0,16), chấn thương khi sinh (P = 0,37), suy hô hấp (P = 0,49), và dị tật bẩm sinh (P = .16).
Cân nặng trung bình khi sinh thấp hơn ở nhóm dung metformin.
Tuy nhiên, Feig cho thấy cân nặng mới sinh trung bình của trẻ thấp hơn ở nhóm sản phụ dùng metformin, 3,2 kg (7,05 lb) so với 3,4 kg (7,4 lb) (P = 0,002) ở nhóm dùng giả dược.
Nhóm sản phụ sử dụng metformin cũng có tỉ lệ sinh con nặng trên 4kg (8,8 lb) thấp hơn, ở mức 12,1% so với 19,2%, hay nguy cơ tương đối là 0,65 (P = 0,046), và sinh trẻ có cân nặng lớn hơn so với tuổi thai, ở mức 8,6% so với 14,8%, hay nguy cơ tương đối là 0,58 (P = 0,046).
Nhưng cần quan tâm là metformin có liên quan đến việc tăng nguy cơ trẻ sinh ra nhỏ hơn tuổi thai, ở mức 12,9% so với 6,6% ở nhóm dùng giả dược,hay nguy cơ tương đối là 1,96 (P = 0,03).
Feig cho rằng điều này có thể là do tác động trực tiếp của metformin “vì như chúng ta đã biết metformin ức chế con đường mTOR,” là một “cảm biến dinh dưỡng chính trong nhau thai” và có thể “làm giảm lượng dinh dưỡng và sự phát triển của thai nhi.”
Cô ấy nói rằng không rõ liệu đứa trẻ nhỏ hơn so với tuổi thai là “khỏe mạnh hay không khỏe mạnh.”
Để khám phá sâu hơn, nhóm đã khởi động nghiên cứu MiTy Kids, nghiên cứu sẽ theo dõi các trẻ sinh ra trong cuộc thử nghiệm MiTy để xác định liệu dùng metformin trong thai kỳ có liên quan đến việc giảm mỡ và cải thiện tình trạng kháng insulin ở trẻ 2 tuổi hay không.
Ai Nên Dùng Metformin?
Trong cuộc thảo luận, tiến sĩ bác sĩ Helen R. Murphy, trường Y Norwich, Đại học East Anglia, vương quốc Anh, đã hỏi Feig có khuyến cáo nên tiếp tục dùng metformin trong thai kỳ hay không nếu hiện bắt đầu có các định kiến về vấn đề sinh sản hơn là bệnh đái tháo đường.
Cô ấy trả lời: “Với những phụ nữ không bị đái tháo đường và chỉ đơn giản là do PCOS (hội chứng buồng trứng đa nang), thì tôi đã ngừng ngay khi họ có thai hoặc đôi khi tiếp tục nó cho đến hết tam cá nguyệt đầu tiên, rồi sau đó dừng lại.”
“Tuy nhiên, nếu người đó bị đái tháo đường, tôi nghĩ rằng tôi sẽ tiếp tục cho họ sử dụng metformin trong thai kỳ ”.
Nghiên cứu được tài trợ bởi viện Nghiên cứu Y tế Canada, viện Nghiên cứu Lunenfeld-Tanenbaum và Đại học Toronto. Các tác giả đã báo cáo không có mối quan hệ tài chính liên quan.
Lancet Diabetes Endocrinol. 2020;8:834-844. Abstract
Nguồn : Medscape
Link : https://www.medscape.com/viewarticle/941337#vp_2
Người dịch : Tuyết Dương
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép !