Quan sát từ một nghiên cứu thực nghiệm trong 14 ngày cho thấy: Đi ngủ trễ hơn bình thường hay ngủ không ngon giấc đều làm giảm hấp thu đường huyết ở bữa ăn sáng hôm sau trên những người lớn khỏe mạnh.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy thời lượng, hiệu quả của giấc ngủ là những yếu tố quan trọng quyết định đến việc kiểm soát đường huyết sau ăn ở một số nhóm người”, theo bác sĩ Neil Tsereteli -Trung tâm Đái tháo đường – Đại học Lund, Malmo, Thụy Điển, và các cộng sự nhận xét trong bài báo của họ. (Xuất bản online ngày 30/11, tạp chí Diabetologia).
Theo họ “ Kết quả cho thấy khuyến cáo về thời gian ngủ đủ giấc cho tất cả đối tượng là không tối ưu, đặc biệt khi tác động của giấc ngủ đến việc kiểm soát đường huyết còn phụ thuộc vào chất lượng bữa ăn”
Nghiên cứu tiền cứu về chất lượng giấc ngủ và kiểm soát tình trạng thiếu đường huyết
Chế độ ăn, tập thể dục và giấc ngủ là những thành phần cơ bản của lối sống lành mạnh, tuy nhiên có rất ít nghiên cứu về vai trò của giấc ngủ trong kiểm soát đường huyết ở những người khỏe mạnh cho đến nay.
Rối loạn giấc ngủ có thể xem như là thước đo sức khỏe vì chúng thường xảy ra cùng với các vấn đề sức khỏe khác. Chất lượng giấc ngủ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh tim mạch, béo phì và đái tháo đường típ 2. Và giấc ngủ bị xáo trộn do chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường típ 2 và nguy cơ biến chứng kèm theo.
Điều này và các bằng chứng khác cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa nồng độ glucose với chất lượng, thời gian của giấc ngủ.
Tsereteli và các đồng nghiệp đã bắt đầu nghiên cứu thêm vấn đề này trong Thử nghiệm đáp ứng từng cá nhân với Chế độ ăn uống 1 (PREDICT 1). Thử nghiệm gồm 953 người trưởng thành, khỏe mạnh đã tiêu thụ các bữa ăn theo tiêu chuẩn trong 2 tuần tại phòng khám và tại nhà.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng các bữa ăn được dùng cho bữa sáng hoặc bữa trưa được chọn ngẫu nhiên từ 8 bữa ăn tiêu chuẩn.
Hoạt động và giấc ngủ được theo dõi bằng thiết bị có gia tốc kế. Mức đường huyết sau ăn được đo bằng máy theo dõi đường huyết liên tục.
Các biến số về giấc ngủ bao gồm chất lượng, thời lượng mỗi giấc ngủ, thời gian thử nghiệm và tác động của chúng lên đường huyết sau bữa ăn sáng hôm sau, các kết quả được so sánh giữa những người tham gia và đối chiếu từng cá nhân.
Giấc ngủ hiệu quả hơn, kiểm soát đường huyết tốt hơn .
Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thời gian ngủ và mức đường huyết sau mỗi bữa ăn không nhiều, tuy nhiên nếu so sánh với khẩu phần ăn nhiều thành phần dinh dưỡng hơn thì cho thấy mối tương quan khác biệt. Ví dụ thời gian ngủ lâu hơn của tối hôm trước giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn được quan sát rõ hơn sau khi ăn bữa sáng giàu carbohydrate và chất béo.
Mặt khác, các nhà nghiên cứu đã quan sát những thay đổi bên trong cơ thể ,trong đó một người tham gia nghiên cứu ngủ lâu hơn bình thường sẽ có khả năng giảm lượng đường huyết sau bữa ăn sáng giàu carbohydrate, chất béo vào sáng hôm sau.
Các tác giả cũng tìm thấy mối liên quan giữa chất lượng giấc ngủ và khả năng kiểm soát đường huyết. Khi một người tham gia nghiên cứu có giấc ngủ hiệu quả hơn bình thường thì lượng đường trong máu sau ăn cũng có xu hướng thấp hơn.
Tsereteli và cộng sự lưu ý “ Tác động này phần lớn do đi ngủ và thức dậy muộn hơn”
Giấc ngủ là “trụ cột” của sức khỏe
Khi được hỏi liệu những ảnh hưởng cụ thể của giấc ngủ có làm bệnh đái tháo đường nặng thêm không, bác sĩ Paul Franks tại Trung tâm đái tháo đường Đại học Lund cho biết chúng ta không thể suy đoán chính xác ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường do họ dùng thuốc hạ đường huyết. Tuy nhiên những người tiền đái tháo đường chịu ảnh hưởng nhiều từ giấc ngủ vì mức độ dao động glucose ở những người này thường lớn hơn bệnh nhân đái tháo đường.
Theo ông “ giấc ngủ là vấn đề then chốt của sức khỏe, thay đổi thói quen ăn uống và giấc ngủ sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn”
Franks nhấn mạnh “Ăn bù sau một đêm khó ngủ với bữa sáng nhiều đường hoặc nước tăng lực có thể làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết”.
Nguồn: Diabetologia. Published online November 30, 2021.
Link gốc: https://www.medscape.com/viewarticle/963936
Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!
Người dịch: Phương Thảo