[Nghiên cứu] Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học

Rate this post
Cảm ơn bài chia sẻ của GS.Nguyễn Văn Tuấn.
————————————————————
Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học
Nhân bàn về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học làm tôi nhớ đến một bài báo cùng chủ đề do anh Út, Phương Thảo và tôi viết vào năm 2016. Bài báo có tựa đề là “International collaboration in scientific research in Vietnam: an analysis of patterns and impact” công bố trên Scientometrics [1], và nhận được khá nhiều trích dẫn.
Trong bài báo đó, chúng tôi muốn trả lời câu hỏi: (a) bao nhiêu bài báo khoa học từ Việt Nam là có hợp tác quốc tế; (b) bao nhiêu bài hợp tác quốc tế do người nước ngoài chủ trì; và (c) tác động của hợp tác quốc tế đến phẩm chất nghiên cứu ra sao. Chúng tôi dùng dữ liệu của ISI để làm cơ sở cho phân tích. Kết quả chánh có thể tóm tắt như sau:
Gần 78% các bài báo khoa học từ VN trên các tập san ISI là có hợp tác quốc tế. Tỉ lệ hợp tác quốc tế cao được ghi nhận trong lãnh vực y học và y tế công cộng (82%), vật lí và hoá học (75 – 77%), và kĩ thuật (khoảng 70%). Riêng ngành toán thì tỉ lệ hợp tác quốc tế là thấp nhứt (46%) trong thời gian 2011-2015.
Hợp tác với nước nào? “Biểu đồ Trống Đồng” phản ảnh các nước có nhiều hợp tác nghiên cứu khoa học với Việt Nam: Mĩ, Nam Hàn, Nhựt, Pháp, Anh, Úc, và China.

Biểu đồ 1: So sánh tần số trích dẫn (trục tung) phân chia theo chuyên ngành và vị trí của tác giả:

IC.IA = hợp tác quốc tế, tác giả chủ trì là người nước ngoài;

IC.VN: hợp tác quốc tế, tác giả chủ trì là người Việt;

No.IC: không có hợp tác quốc tế

https://link.springer.com/article/10.1007/s11192-016-2201-1 

Ai là tác giả chánh trong các công trình có hợp tác quốc tế? Phân tích chi tiết cho thấy trong tổng bài báo trên các tập san ISI thì tác giả người nước ngoài chủ trì chiếm 60%, tác giả người Việt Nam chiếm 18% (trong công trình có hợp tác quốc tế), và chỉ có 22% là hoàn toàn do tác giả người Việt ở Việt Nam chủ trì.
Điều thú vị là các công trình có hợp tác quốc tế đều có chỉ số trích dẫn và impact factor cao hơn hẳn các công trình “nội địa”. Ngay cả trong các công trình có hợp tác quốc tế, bài báo do người nước ngoài chủ trì có trích dẫn và impact factor cao hơn bài báo do người Việt chủ trì (Biểu đồ 2). Như vậy, hợp tác quốc tế có hiệu quả nâng cao phẩm chất khoa học.

Biểu đồ 2: “Biểu đồ Trống Đồng” phản ảnh các nước có nhiều hợp tác nghiên cứu khoa học với Việt Nam: Mĩ, Nam Hàn, Nhựt, Pháp, Anh, Úc, và China.

https://link.springer.com/article/10.1007/s11192-016-2201-1

Những kết quả phân tích trên cho thấy tính chung năng lực khoa học của VN vẫn còn tương đối thấp và đa số các công trình hợp tác quốc tế là do người nước ngoài làm chủ. Do đó, chúng tôi kêu gọi nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học ở trong nước qua các chương trình huấn luyện về phương pháp nghiên cứu. Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà khoa học khi hợp tác với đồng nghiệp quốc tế thì nên chú ý đến vị trí tác giả để tránh mô hình “khoa học theo kiểu nhảy dù”. Nói cách khác, chúng ta rất cần hợp tác quốc tế, nhưng tác giả người Việt phải có vị trí xứng đáng trong hợp tác, chớ không phải chỉ là ‘lính đánh thuê’.
Advertisement
Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có chánh sách rõ ràng trong hợp tác quốc tế. Chánh sách đó bao gồm vị trí của tác giả Việt Nam và địa chỉ affiliation phải là của Việt Nam.
Tôi không rõ các đại học khác có chánh sách này hay không, nhưng nhìn chung trong thời gian qua thì đa số hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam không thuộc ‘chủ quyền’ của Việt Nam. Báo chí bàn đến vấn đề công bố khoa học mà không đề cập đến những trường nào có đóng góp làm tăng ‘visibility’ của Việt Nam trên trường quốc tế là một thiếu sót.
___

Giới thiệu Lac Thu

Check Also

[Chia sẻ] DINH DƯỠNG HỢP LÝ TẾT SUM VẦY – XUÂN BÌNH AN

DINH DƯỠNG HỢP LÝ TẾT SUM VẦY – XUÂN BÌNH AN Tết là thời điểm …