“KHI NÀO DỊCH COVID-19 SẼ ĐẠT ĐỈNH ĐIỂM ???”
GS. NGUYỄN VĂN TUẤN
==============
Qui luật Farr và Covid-19
Quay lại câu hỏi ‘khi nào thì dịch Covid-19’ sẽ đạt đỉnh điểm (vì khi đến đỉnh điểm thì dịch sẽ suy tàn sau đó). Dự báo lạc quan cho rằng dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 2 hay tháng 3; dự báo bi quan thì tháng 5. Tôi thì thấy dự báo lạc quan phù hợp với Qui luật Farr hơn.
Trong dịch tễ học, có một qui luật mà ít ai nhắc đến: đó là Qui luật Farr hay Farr’s Law. Năm 1840, Nhà dịch tễ học và cũng là thống kê học William Farr phát biểu rằng các trận dịch bệnh có xu hướng tăng và giảm tuân theo luật phân bố chuẩn (Normal distribution). Nói cách khác, sau khi đạt đỉnh điểm thì dịch sẽ suy giảm đến khi chấm dứt. Qui luật Farr được ứng dụng trong nhiều trận dịch và dự báo qui mô quá liều thuốc trong cộng đồng, và kết quả dự báo khá tốt. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đúng, nhưng xu hướng chung thì rất tốt.
Liên quan đến dịch Covid-19, câu hỏi đặt ra là khi nào thì dịch sẽ đạt đỉnh điểm. Có 2 dự báo:
Dự báo lạc quan: Theo Bác sĩ Zhong Nanshan (1), người đang điều phối một nhóm chuyên gia để chống dịch, dự báo rằng dịch sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối tháng này (2/2020). Dự báo này chỉ là định tính, chớ không có tính toán. Tuy nhiên, một phân tích định lượng của một nhóm nghiên cứu bên Anh cũng có vẻ nhất quán với dự báo của Zhong.
Nhà thống kê học Sebastian Funk (2) dùng mô hình thống kê (với giả định R0 = 1.5 – 4.5) dự báo rằng khoảng 10% dân số Vũ Hán (1 triệu người) sẽ bị nhiễm SARS-Cov-2. Số liệu mới nhứt (số ca nhiễm giảm trong vài ngày gần đây) thì quả thật dự báo lạc quan là có cơ sở.
Dự báo bi quan: Một nhà dịch tễ học khác thuộc Đại học Hokkaido (Hiroshi Nishiura) thì dự báo bi quan hơn (1). Nishiura cũng dùng mô hình thống kê, và dự báo rằng dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng cuối tháng 3 hay cuối tháng 5. Sẽ có 550 đến 650 triệu người Tàu bị nhiễm, tức gần 40% dân số. Mô hình này dựa trên giả định R0 = 1.5 đến 2.0.
Qui luật Farr còn được dùng để dự báo hành vi con người trong dịch bệnh như là một tiên lượng: trong khi hành vi con người thay đổi giữa lúc dịch bệnh hoành hành và các nhà chức trách y tế bận rộn đối phó, thì mức độ lây nhiễm đạt đỉnh điểm và sẽ giảm thiểu sau đó. Nếu xem những gì người ta phản ứng (chủ yếu ở Tàu và Việt Nam, kể cả trên mạng) thì có lẽ dự báo lạc quan là phù hợp với Qui luật Farr.
===
(1) https://www.nature.com/articles/d41586-020-00361-5
(2) https://cmmid.github.io/ncov/wuhan_early_dynamics/index.html