[COVID-19]Không có thuốc đặc hiệu nhưng vẫn điều trị thành công

Rate this post

KHÔNG CÓ THUỐC ĐẶC HIỆU DIỆT VI RÚT

(bác sĩ tuyến huyện vẫn điều trị khỏi COVID-19)

BS.TRẦN VĂN PHÚC

————————————–

– Chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị vi rút gây ra bệnh COVID-19.

– Tính đến hôm nay, cả thế giới có 13.818 bệnh nhân bị nhiễm vi rút vương miện mới đã được chữa khỏi.

– Việt Nam có 14/16 người đã được chữa khỏi, dự kiến số còn lại 2/16 trường hợp sẽ cùng xuất viện trong tuần này hoặc đầu tuần sau, phòng khám đa khoa huyện cũng đủ sức điều trị cho người nhiễm vi rút vương miện mới.

Đó là 3 thông điệp làm cho nhiều người thắc mắc, rằng tại sao COVID-19 không có thuốc đặc trị, nhưng bệnh nhân vẫn được chữa khỏi? Không có thuốc đặc trị cũng là lí do để mọi người hoảng sợ khi nhắc đến tên con vi rút vương miện mới này.

Cuộc chiến giữa người và vi rút chưa bao giờ chấm dứt kể từ khi con người mới được sinh ra.

Vi rút, có lẽ đó là sinh vật nhỏ bé nhất, khôn ngoan nhất, nhưng cũng có số lượng nhiều nhất trên khắp hành tinh. Có hàng trăm triệu phage trong mỗi gram đất. Ngay cả trong tảng băng buốt lạnh hàng tỉ năm ở Bắc Cực, hay Biển Chết giữa bờ Tây biên giới giữa Israel và Jordan có nồng độ muối cực cao, hoặc những con suối nước nóng gần 60˚C chảy quanh năm suốt tháng qua ngôi làng của nhà tiên tri mù lòa Vanga, tất cả đều có ức tỉ triệu những con vi rút.

Ngay cả trong lớp trầm tích dưới đáy đại dương sâu tới 4 ngàn mét, nơi tưởng chừng sự sống rất khó tồn tại, thì vẫn có một tỉ con vi rút trong mỗi cc bùn. Các loài sinh vật khác nhau, từ con vi khuẩn cho đến con người, đều bị vi rút xâm nhập để kí sinh và lây nhiễm để gây bệnh.

Chúng ta cùng nhớ lại, khoảng 1500 năm trước Công nguyên, triều đại Ai Cập thứ 18 đã tìm thấy những bằng chứng về bệnh bại liệt. Triết gia Hi Lạp cổ đại Aristotle đã miêu tả các triệu chứng của bệnh dại. Thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên y học Trung Quốc và Ấn Độ đã biết đến bệnh đậu mùa. Đó đều là những căn bệnh do vi rút gây ra.

Năm 1886, nhà khoa học trẻ người Đức là Adolf Mayer lần đầu tiên phát hiện ra bệnh khảm thuốc lá có thể lây truyền do một chủng sinh vật quá bé nhỏ. Nhưng phải đến năm 1898, nhà vi sinh vật học người Hà Lan M.W Beijerinek mới sử dụng thuật ngữ virus, tiếng Latin có nghĩa là “mầm độc”. Cũng trong năm 1898, F. Loeffler và P. Frosch đã phát hiện ra vi rút gây bệnh lở mồm long móng ở bò. Vi rút gây bệnh sốt vàng ở người được phát hiện vào năm 1902. Vi rút gây bệnh dại được phát hiện vào năm 1908.

Năm 1915, nhà khoa học Anh F.W Twort đã phát hiện ra vi rút gây bệnh cho vi khuẩn lị. Năm 1917, nhà khoa học Pháp F.H d’Herelle cũng phát hiện ra điều kì lạ này, ông đặt tên cho loài vi rút ấy là Bacteriophage, xuất phát từ gốc Latin chữ Bacteria là vi khuẩn và chữ Phagein là ăn, sau này rút ngắn lại là Phage. Tiếng Việt dịch Phage là “thể thực khuẩn” nhưng rồi chữ Phage cũng được dùng thành quen cho đến tận hôm nay.

Năm 1935, nhà khoa học Mỹ W.M Stanley lần đầu tiên phân lập được vi rút gây bệnh khảm thuốc lá. Đây thực sự là cuộc cách mạng làm xoay chuyển ngành vi rút học. Tiếp đến, Bawden chứng minh bản chất hóa học của vi rút không phải là Protein đơn thuần, mà nó là phức hợp Nucleoprotein. Năm 1940, nhà khoa học Đức Kausche đã nhìn thấy hình dạng con vi rút dưới kính hiển vi điện tử, kể từ đây khoa học về vi rút phát triển như vũ bão.

Năm 1952, nhà khoa học Mỹ đã giành giải Nobel khi ông dùng chất đồng vị phóng xạ chứng minh được bản chất di truyền của Phage là AND, đây được coi là viên gạch đầu tiên cho lĩnh vực sinh học phân tử về vi rút. Năm 1955, nhà khoa học Mỹ H.L Fraenkel Conrat lắp ráp thành công vỏ protein và lõi Acid Nucleic của vi rút. Năm 1960 Anderer đã định được trật tự Acid Amin trong Capsome của vỏ Protein. Năm 1965, nhà khoa học Mỹ Spiegelman láp ráp nhân tạo thành công chuỗi vật liệu di truyền ARN của thể thực khuẩn của vi khuẩn E.Coli và AND của thể thực khuẩn ϕX174.

Năm 1970, D. Baltimore và H.M Temin đã phát hiện ra enzym sao chép ngược của vi rút, từ đây mở ra chương mới cho ngành kĩ thuật phân tử, vi rút học và ung thư học. Hàng loạt những thành tựu về vi rút đã được khám phá với tốc độ chóng mặt, giúp cho chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả các bệnh do vi rút gây ra, đặc biệt là khoa học về vắc xin đã không chỉ cứu sống hàng tỉ người, mà còn đẩy lùi các dịch bệnh thảm khốc có quy mô toàn cầu.

Vậy vi rút là gì?

Chúng ta, hầu hết mọi người không lạ lẫm với vi rút, từ cúm mùa, cúm gia cầm, sởi, quai bị, rubella, chân tay miêng, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, viêm gan A, B hoặc C, HIV…, cho đến gần đây là SARS-CoV, MERS-CoV, rồi COVID-19 mà chắc chắn ai cũng từng nghe thấy.

Nhưng vi rút trông cụ thể nó như thế nào?

Đầu tiên tôi muốn nói về kích thước, tuyệt đại đa số vi rút có kích thước rất nhỏ, nhỏ đến nỗi không thể nhìn thấy nó bằng kính hiển vi quang học, mà phải sử dụng kính hiển vi điện tử phóng đại gấp 30.000 lần kèm theo rất nhiều kĩ thuật phụ trợ khác mới thấy được vi rút.

Nếu ai đã xem hình ảnh vi rút gây bệnh COVID-1, do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phân lập được, sẽ thấy kích thước vi rút vào khoảng 101nm. Việc phân lập được vi rút là thành tựu rất đáng tự hào, nó giúp cho việc nghiên cứu tìm ra các sinh phẩm xét nghiệm, đánh giá độc lực, chế tạo vắc xin dự phòng; từ đó đề ra những biện pháp điều trị hữu hiệu.

Nhìn chung, vi rút có kích thước từ 10-300nm, đó là kích thước quá nhỏ bé. Cũng có vi rút dạng sợi dài đến 1400nm, nhưng đường kính ngang lại chỉ 80nm, nghĩa là kích thước vẫn vô cùng nhỏ. Riêng họ vi rút corona kích thước dao động từ 80-100nm.

Vi khuẩn có kích thước gấp khoảng 1000 lần vi rút.

Về hình dạng, vi rút luôn khác nhau, những vi rút có hình dạng đặc biệt thường gắn với tên gọi. Ví dụ coronavirus gợi lên hình dạng đẹp đẽ nhưng cũng gây cảm giác kinh sợ. Chữ corona có nghĩa là ‘crown – vương miện’ trong tiếng Latin, nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp cổ ‘korōnè’ với ý nghĩa là vòng hoa, vòng hoa tang, vầng hào quang. Corona theo nghĩa Hán Việt là ‘冠 狀 – quan trạng’. Chữ quan thuộc bộ ‘mịch – 冖’ là chiếc khăn trùm đầu, bên dưới là chữ ‘nguyên – 元’ thuộc bộ nhân đứng và chữ ‘thốn – 寸’ đều có nghĩa là rất cao. Vì thế mà chữ quan có nghĩa là mũ, là vương miện, nhưng cũng mang ý nghĩa cao nhất, quan trọng nhất. Chữ trạng là trạng nguyên thuộc bộ ‘khuyển – 犬’ là chó má đối lập với bộ ‘tường -爿’ là tinh hoa ở bên cạnh. Như vậy, COVID-19 theo nghĩa Hán Việt là ‘冠状病 – quan trạng bệnh’ hoặc có thể là ‘新冠病 – tân trạng bệnh’ với nghĩa tiếng Việt là ‘bệnh vương miện mới’.

Về cấu trúc, vi rút không có tế bào và không có nhân, vì thế mà nó không được coi là một thực thể sống. Nếu độc lập bên ngoài môi trường, vi rút không thể tự sinh sản, không thể tự phát triển, dễ bị bất hoạt. Muốn tồn tại, phát triển, nhân lên thì vi rút phải chui vào trong tế bào sống. Nói cách khác, vi rút là thực thể hữu cơ rất đơn giản giữa các sinh vật sống và không sống, chỉ có 1 đoạn vật liệu di truyền ARN hoặc ADN được bọc bởi lớp vỏ Protein.

Khác với vi rút, vi khuẩn là một thực thể sống, bởi vi khuẩn có tế bào với vách đầy đủ, nhưng cấu trúc nhân không điển hình còn gọi là nhân nguyên thủy (prokaryote), có bào quan tạo ra các enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp và chuyển hóa, vì thế mà vi khuẩn có thể tự tồn tại, tự phát triển, tự sinh sôi nảy nở. Hình dạng vi khuẩn cũng ổn định hơn vi rút, vi khuẩn thường có hình cầu, hình que, hoặc hình xoắn ốc; nên khi đặt tên cho vi khuẩn người ta thường gắn thêm hình dạng, ví dụ như tụ cầu vàng, phẩy khuẩn tả, xoắn khuẩn giang mai.

Vậy cách thức lây nhiễm và gây bệnh của vi rút khác gì vi khuẩn?

Bởi hầu hết vi khuẩn có hệ thống trao đổi chất riêng, nên khi xâm nhập cơ thể, vi khuẩn thu giữ các chất dinh dưỡng, thải ra các độc tố gây rối loạn cân bằng sinh lí cơ thể người, cản trở hoạt động của tế bào, tấn công tế bào; từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Tùy từng loài, vi rút xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp từ các giọt bắn, qua đường ăn uống, hoặc qua tiếp xúc vật lí gây xước sát như quan hệ tình dục, vết thương, chích choác. Khi vào cơ thể, vi rút bắt buộc phải xâm nhập tế bào để tồn tại, phát triển và sinh sản.

Toàn bộ quá trình vi rút gây tổn thương cho tế bào gồm 6 bước: hấp phụ lên bề mặt tế bào -> xâm nhập vào bên trong tế bào -> phá vỡ vỏ vi rút để giải phóng ARN hoặc ADN -> sinh tổng hợp ARN hoặc ADN của vi rút -> lắp ráp lại thành nhiều vi rút mới -> giải phóng vi rút mới ra khỏi tế bào.

Mỗi loại vi rút có ái tính với một loại Protein nhất định trên bề mặt tế bào. Ví dụ vi rút corona gây bệnh COVID-19 mà chúng ta đang quan tâm, rất yêu thích những tế bào có Protein loại angiotensin 2-ACE2 trên bề mặt, đó chính là tế bào đường hô hấp. Vi rút vương miện mới đi vào đường hô hấp, phát hiện ra tế bào này, ngay lập tức nó dính vào màng tế bào, gọi là hấp phụ. Sau đó, vi rút vương miện chui vào bên trong tế bào, quá trình chui được gọi bằng thuật ngữ khoa học là ‘sinh tổng hợp màng’, hoặc vi rút cũng có thể tiêm thẳng trực tiếp vào bên trong. Bước tiếp theo, vi rút vương miện mới loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài còn gọi là vỏ capsid, để lại những đoạn ARN trần truồng. Tiếp theo nữa, ARN thực hiện quá trình sinh tổng hợp, nó lấy vật liệu di truyền thô trong nhân tế bào để tổng hợp lên các ARN mới giống hệt như cũ. Sau đó, ARN mới lại thực hiện lắp ráp với vỏ capsid, để tạo nên hàng loạt vi rút mới. Cuối cùng, những vi rút mới này chui ra khỏi tế bào, để tiếp tục hành trình xâm chiếm tế bào khác.

Cơ thể phòng thủ và phản công vi rút như thế nào?

Để chống lại sự xâm nhập của vi rút, cơ thể con người xây dựng 3 tuyến phòng thủ, nếu không có 3 tuyến này thì chắc chắn con người đã bị tuyệt chủng.

Tuyến phòng thủ đầu tiên = Da và niêm mạc: Da và niêm mạc tạo thành hàng rào vật lí, ngăn chặn không cho vi rút xâm nhập vào bên trong, vì thế mà cần phải rửa tay thường xuyên, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày để loại bỏ các tác nhân gây bệnh bám trên bề mặt.

Tuyến phòng thủ thứ hai = Các chất diệt khuẩn và các tế bào thực bào: Cùng với hệ thống cảnh báo sớm, cơ thể luôn có các enzyme và các thực bào tuần tra liên tục, nhằm tiêu diệt vi rút và các tác nhân gây bệnh khác ngay từ lúc mới xâm nhập qua niêm mạc.

Tuyến phòng thủ thứ ba = Hệ miễn dịch: Có thể khẳng định rằng, hệ miễn dịch là tuyến phòng thủ mạnh nhất, nó gồm có các tế bào đặc biệt giống như lính đặc nhiệm đã được đào tạo rất kĩ lưỡng. Bản thân mỗi tế bào ấy có bộ nhớ và khả năng xử lí “siêu máy tính”. Khi vi rút xâm nhập tế bào, ngay lập tức hệ miễn dịch xử lí thông tin theo cách hoàn hảo nhất, xác định những tế bào bị nhiễm vi rút, rồi gửi đến những chiến binh đặc biệt để tiêu diệt tế bào bị tổn thương. Đa số cuộc chiến, hệ miễn dịch sẽ chiến thắng, nhưng khi hệ miễn dịch trục trặc gặp tổn hại do nhiều tác nhân, thì bệnh sẽ bùng phát.

Tại sao không có thuốc đặc trị diệt vi rút?

Cho đến nay, con người đã có khả năng tiêu diệt hầu hết các loại vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể, phương pháp hiệu quả nhất vẫn là kháng sinh.

Nhưng vi rút thì không có thuốc đặc trị: điều này trở thành chân lí trước đây, bây giờ, cũng như trong tương lai; không có thuốc tiêu diệt vi rút đã xâm nhập cơ thể!

Bởi lẽ, vi rút chỉ có vật liệu di truyền ARN hoặc ADN được bao bọc bởi vỏ Protein, nên tiêu diệt vi rút là phá hủy Protein vỏ; làm như vậy thì tế bào cơ thể cũng bị thiệt hại tương tự, nghĩa là vi rút chưa gây chết người nhưng thuốc diệt vi rút đã gây chết trước.

Vi khuẩn lại khác hẳn, là thực thể sống độc lập ngoài tế bào cơ thể, vi khuẩn có thành tế bào, có máy móc tự sao chép, có ribosome của riêng chúng để tổng hợp Protein và chuyển hóa; vì thế mà chỉ cần tạo ra thuốc kháng sinh đánh vào một trong số những mục tiêu trọng yếu ấy, thì vi khuẩn sẽ chết.

Thuốc điều trị vi rút, hầu hết chỉ tác động vào 1 trong 6 bước mà vi rút gây tổn thương cho tế bào, nhằm ức chế sự sinh sản của vi rút trong tế bào. Ví dụ, thuốc Ribavirin sẽ cung cấp các chất giống với Nucleotid, khi vi rút thực hiện sao chép nhân lên ARN hoặc ADN, sẽ sử dụng các chất giả này thay vì dùng Nucleotid thật, từ đó không tạo ra được vi rút mới. Thuốc Oseltamivir cũng vậy, nó ngăn cản không cho vi rút mới thoát được ra khỏi tế bào. Vì thế mà chúng ta không lạ, khi các nhà khoa học ở Viện Virus học Vũ Hán đã sử dụng các thuốc ức chế vi rút như Remidiv và Remdesivir, hay Cloroquine điều trị sốt rét, hoặc Ritonavir là thuốc điều trị HIV để điều sử dụng cho bệnh nhân COVID-19.

Advertisement

Việc sử dụng những thuốc như vậy, truyền thông có thể rất ngạc nhiên, nhưng với các bác sĩ chúng tôi không có gì lạ lẫm. Điều đáng nói là, y học luôn đòi hỏi sự nghiêm ngặt, để một loại thuốc được sử dụng thường quy đòi hỏi phải có một quá trình nghiên cứu thử nghiệm rất dài, mà tỉ lệ thất bại cao hơn rất rất nhiều so với thành công.

Đến đây, có lẽ là đỉnh cao của sự lo lắng, rằng vi rút vương miện mới không có thuốc đặc trị, thì làm sao các bác sĩ có thể điều trị cho bệnh nhân COVID-19?

Xin thưa, COVID-19 thì cũng giống như hàng trăm vi rút gây bệnh khác, con người chưa bao giờ tìm thấy các loại thuốc đặc trị; nhưng các bác sĩ vẫn giúp bệnh nhân chiến thắng cúm, sốt xuất huyết, sởi, rubella,… Nhớ lại năm 2003, SARS tấn công thế giới và những vi rút nhỏ đã gây thảm họa lớn, thời điểm đó không khí chết chóc bao trùm, nhưng ở chính quốc gia có tiềm lực y tế khó khăn nhất là Việt Nam đã giúp loài người chiến thắng.

Các bác sĩ thực sự biết cách để chiến thắng những kẻ thù nhỏ bé nhưng khủng khiếp này.

Đầu tiên là phòng bệnh để không nhiễm, thông qua vệ sinh cá nhân, ngăn ngừa lây nhiễm, các biện pháp phòng tránh cộng đồng, biện pháp phòng dịch; thì vắc xin là một phương cách phòng bệnh vô cùng hiệu quả. Chúng ta có thể hiểu đơn giản, vắc xin là một thành phần nào đó của vi rút, hoặc một lượng nhỏ vi rút đã bị cảm hóa không gây hại, được tiêm vào cơ thể, để hệ thống miễn dịch thực hiện cuộc “tập trận”, đến khi có sự xâm nhập vi rút thì hệ thống miễn dịch chủ động chống lại.

Muộn hơn: là khi vi rút gây bệnh thì phải điều trị theo phác đồ chuyên môn!

Điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ; đó là những thuật ngữ đơn giản để nói về các biện pháp điều trị tích cực mà mục tiêu cuối cùng là huy động tối đa khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại vi rút, bởi chỉ có chính cơ thể sinh vật mới biết cách chống lại sinh vật một cách hiệu quả nhất.

Đã có 13.818 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi trên toàn thế giới, Việt Nam đã chữa khỏi cho 14/16 bệnh nhân đảm bảo nguyên tắc 2 lần xét nghiệm âm tính; đó chính là bằng chứng cho thấy y học hiện đại đủ sức khuất phục COVID-19.

Vi rút luôn là kẻ thù “tuyệt vời” và chúng ta không chủ quan.
===========

P/s: Bức ảnh 1 trong 2 bệnh nhân được điều trị khỏi tại Phòng khám ĐK khu vực Quảng Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều người thắc mắc bệnh nhân âm tính xuất viện ở Thanh Hoá hôm 3/2 với bệnh nhân Vĩnh Phúc âm tính xuất viện hôm 18/2, tại sao nhìn giống nhau quá. Tôi xin trả lời: Để nhận dạng 1 khuôn mặt ít nhát phải dựa vào đường viền mắt, mũi, cằm; dái tai và nốt ruồi; Che khẩu trang rồi, lại nhìn qua ảnh không phải chân dung, thì ai chẳng giống ai, dù có là nhà nhân chủng học xuất sắc cho đến công án siêu đẳng, hay máy tính đời mới nhất thì cũng chịu không phân biệt được, nên sự nghi ngờ của các bạn hơi “buồn cười”. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng thời tiết Campuchia đang nắng nóng tới 35˚C, độ ẩm cao trên 80% nên hi vọng không xảy ra dịch bệnh COVID-19 sau khi con tàu Westerdam cập bến.

 

 

 

 

 

 

 

 

Giới thiệu Tina

Tên thật: Đinh Thị Thúy Quỳnh Sinh viên Y Khoa Trường Đại Học Duy Tân

Check Also

Tirzepatide hàng tuần cải thiện đáng kể cân nặng và kiểm soát đái tháo đường ở bệnh nhân béo phì và đái tháo đường loại 2.

Một nghiên cứu ngẫu nhiên đã chứng minh rằng tirzepatide giúp giảm cân và cải …