Các khuyến cáo thực hành tốt của FIGO về khâu vòng cổ tử cung để phòng ngừa sinh non (9/2021)
Khâu vòng cổ tử cung là một can thiệp khi được thực hiện cho đúng thai phụ có thể ngăn ngừa sinh non và sẩy thai ở ba tháng giữa thai kỳ. Khâu vòng cổ tử cung được chỉ định bởi tiền sử nên được thực hiện cho thai phụ đã sinh non và / hoặc sẩy thai ở ba tháng giữa thai kỳ từ ba lần trở lên. Khâu vòng cổ tử cung được chỉ định bởi siêu âm nên được thực hiện cho thai phụ có chiều dài cổ tử cung < 25 mm nếu họ đã từng sinh non tự phát và / hoặc sẩy thai ở ba tháng giữa thai kỳ một hoặc nhiều lần. Ở thai phụ có nguy cơ cao chưa từng sinh non hoặc sẩy thai ở ba tháng giữa thai kỳ trước đó, khâu vòng cổ tử cung được chỉ định bởi siêu âm không mang lại lợi ích rõ ràng ở thai phụ có cổ tử cung ngắn. Tuy nhiên, đối với song thai, lợi ích dường như rõ ràng hơn khi cổ tử cung ngắn hơn (< 15 mm). Ở thai phụ có màng ối lộ ra ngoài qua lỗ cổ tử cung, khâu vòng cổ tử cung cứu nguy có thể được xem xét trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, có tính đến nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng đối với mẹ và con. Có thể tiến hành khâu vòng cổ tử cung qua ngả bụng ở thai phụ đã từng khâu vòng cổ tử cung không thành công (sinh trước 28 tuần sau khi khâu vòng cổ tử cung được chỉ định bởi tiền sử hoặc siêu âm [nhưng không phải khâu vòng cổ tử cung cứu nguy]). Nếu sinh non không xảy ra, có thể cân nhắc cắt vòng khâu ở 36–37 tuần tuổi ở thai phụ dự kiến sinh ngả âm đạo.
Trân trọng cảm ơn bài chia sẻ của BS Vũ Văn Tài trên Diễn đàn Y Khoa!
Nguồn: BS.Vũ Văn Tài
Nguồn: BS.Vũ Văn Tài