[Patient Education] Bệnh Covid-19 và trẻ em (thông tin cơ bản)

Rate this post

COVID–19 là gì?

COVID–19 xuất phát từ cụm “coronavirus disease 2019”. Tên gọi này bắt nguồn từ loại virus có tên là SARS-CoV-2. Loại virus lần đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 2019 và nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới.

 

Người nhiễm COVID-19 có thể có sốt, ho, khó thở và những triệu chứng khác. Những vấn đề liên quan đến hô hấp có thể xảy ra khi virus nhiễm bệnh ảnh hưởng đến phổi và gây ra viêm phổi. Hầu hết những bệnh nhân nhiễm Covid-19 thường không nặng. Tuy nhiên một số lại rơi vào nguy kịch.

Bài viết này sẽ nói về COVID-19 ở trẻ em. Những thông tin về COVID-19 ở người lớn được trình bày trong bài viết khác. (Xem “Patient education: COVID-19 overview (The Basics)”.)

 

Bệnh COVID-19 lây nhiễm như thế nào?

Chủng virus gây ra bệnh COVID-19 chủ yếu lây từ người sang người khi giao tiếp gần. Virus được mang đi nhờ những phần tử rất nhỏ từ phổi và đường thở người bệnh. Những phần tử này có thể dễ dàng di chuyển trong không khí và lây sang những người khác ở bênh cạnh. Trong một số trường hợp, như không gian bên trong nhà ở, phòng ốc nơi không khí được giữ và bay lơ lững xung quanh, virus trong các hạt nhỏ này có thể lây sang những người khác ở vị trí xa hơn.

Virus có thể lây lan dễ dàng giữa những người sống chung với nhau. Nhưng nó cũng có thể lây nhiễm trong những khu tập thể nơi có nhiều người giao tiếp gần, bắt tay, ôm và dùng chung thực phẩm, hoặc thậm chí hát cùng nhau. Ăn uống tại nhà hàng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh vì mọi người có xu hướng tiếp xúc gần nhau và không mang khẩu trang. Bác sĩ cũng cho rằng có khả năng lây nhiễm nếu bạn chạm vào bề mặt những vật dụng có virus bám trên đó và sau đó chạm vào môi, mũi hay mắt của bạn. Tuy nhiên, điều này không xảy ra phổ biến.

Một người có thể bị nhiễm bệnh và lây virus cho người khác, thậm chí khi họ không có triệu chứng. Một vài chủng hay biến thể của loại virus này lại có khả năng lây nhiễm cao hơn những chủng khác và khả năng lây nhiễm rất dễ dàng.

 

Trẻ em có thể mắc COVID-19 không?

Có. Trẻ em trong bất kỳ độ tuổi nào đều có thể nhiễm bệnh. Chúng có ít khả năng mắc bệnh nặng hơn so với người lớn, mặc dù điều này vẫn có thể xảy ra.

Bên cạnh, trẻ em có thể lây nhiễm virus cho người khác. Điều này có thể sẽ nguy hiểm, đặc biệt cho những đối tượng là người lớn tuổi hoặc những ai đang có các vấn đề sức khỏe đi kèm.

 

Triệu chứng COVID-19 ở trẻ em có khác gì so với người lớn?

Không hẳn. Ở người lớn, các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt và ho. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể tiến triển sang viêm phổi và khó thở. Trẻ em nhiễm COVID-19 có thể có những triệu chứng này, tuy nhiên ít khi nghiêm trọng. Một số trẻ lại không có triệu chứng gì.

Những triệu chứng khác có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Những triệu chứng này bảo gồm cảm giác mệt mỏi, lạnh run, đau đầu, đau mỏi cơ, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, tiêu chảy, nôn ói. Trẻ nhỏ mắc COVID-19 có thể bú khó. Đã có một vài báo cáo về những triệu chứng xuất hiện trên da như nổi ban và những dấu hiệu khác. Ví dụ, một số bệnh nhân COVID-19 nổi những đốm tím đỏ trên ngón tay và ngón chân. Nhưng người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân của triệu chứng này.

Những triệu chứng nặng có thể phổ biến hơn ở trẻ em có các vấn đề sức khỏe nhất định kèm theo. Những bệnh lý này bao gồm rối loạn di truyền hoặc thần kinh, bệnh lý bẩm sinh (từ khi sinh ra), bệnh tim, hồng cầu hình liềm, béo phì, đái tháo đường, bệnh thận mạn, hen, và những bệnh phổi khác hay suy giảm miễn dịch.

 

COVID-19 có khả năng gây ra biến chứng ở trẻ em không?

Điều này không phổ biến nhưng có thể xảy ra. Đã có số ít báo cáo các trường hợp COVID-19 ở trẻ em tiến triển thành nhiễm trùng toàn thân. Điều này có thể dẫn đến tổn thương các tạng nếu không được điều trị kịp thời. Các chuyên gia sử dụng nhiều tên gọi khác nhau cho tình trạng này, bao gồm “multisystem inflammatory syndrome in children” và “pediatric multisystem inflammatory syndrome.” hay  “hội chứng viêm đa hệ thống nhi khoa”. Những triệu chứng có thể xuất hiện tương tự trong một bệnh lý khác là bệnh Kawasaki. Các triệu chứng này bao gồm:

  • Sốt kéo dài hơn 24 giờ
  • Đau bụng, nôn ói, hoặc tiêu chảy
  • Phát ban
  • Mắt đỏ
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi nhiều hơn hoặc lú lẫn hay kích thích
  • Khó thở

Gọi ngay cho bác sĩ nhi khoa hoặc nhân viên y tế nếu con của bạn của bất kỳ dấu hiệu nào trong các triệu chứng trên.

 

Tôi nên làm gì nếu con có những triệu chứng trên?

Nếu con bạn có sốt, ho, hay những triệu chứng của COVID-19, hãy gọi cho bác sĩ của bạn hoặc nhân viên y tế. Họ sẽ cho bạn biết những việc cần làm và liệu con của bạn có cần gặp bác sĩ trực tiếp hay không.

Nếu bạn đang chăm sóc trẻ tại nhà, bác sĩ và nhân viên y tế sẽ cho bạn biết những triệu chứng nào cần được theo dõi. Một số trẻ mắc COVID-19 tiến triển nặng đột ngột sau khi nhiễm bệnh khoảng một tuần. Bác sĩ và nhân viên y tế sẽ cho bạn biết khi nào cần thiết để liên hệ phòng khám và trợ giúp khẩn cấp. Ví dụ, bạn nên gọi cho đơn vị trợ giúp khẩn cấp ngay lập tức nếu trẻ có những dấu hiệu sau:

  • Khó thở
  • Đau hoặc nặng ngực
  • Tím môi, mặt
  • Đau bụng nhiều
  • Có biểu hiện lú lẫn hoặc không giống tính cách của trẻ
  • Không thể đánh thức hoặc trẻ không tỉnh táo

Nếu bạn có con nhỏ và chúng có biểu hiện bú khó, bạn nên gọi cho bác sĩ và nhân viên y tế để được tư vấn.

 

Con tôi có cần làm xét nghiệm kiểm tra không?

Nếu bác sĩ hay nhân viên y tế nghi ngờ trẻ mắc COVID-19, họ có thể dùng que tăm bông đưa vào bên trong mũi và miệng trẻ để làm kiểm tra. Ở những nơi khác, các tổ chức, chính quyền có thể làm kiểm tra cho tất cả mọi người. Tùy thuộc vào điều kiện phòng xét nghiệm, kết quả có thể trả về trong vài ngày.

Nếu trẻ của bạn có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, việc cần làm tiếp theo tùy thuộc vào việc con bạn có bị nhiễm bệnh gần đây không.

  • Nếu trẻ không mắc COVID-19 trong 3 tháng trở lại đây – Trẻ sẽ được lấy mẫu kiểm tra nếu có thể, thậm chí khi chúng không có biểu hiện triệu chứng nào. Gọi cho bác sĩ của bạn hoặc nhân viên y tế nếu bạn không chắc chắn địa điểm tiến hành làm kiểm tra ở đâu. Điều an toàn nhất cần làm là tự cách ly trong 14 ngày. Một số đơn vị sức khỏe cộng đồng có thể chấp nhận ngừng cách ly sớm hơn, đặc biệt nếu những người này có kết quả kiểm tra âm tính. Nếu bạn không chắc chắn con mình cần được cách ly trong bao lâu, hãy liên hệ với văn phòng y tế cộng đồng hoặc hỏi bác sĩ của trẻ hay nhân viên y tế.
  • Nếu trẻ đã từng mắc COVID-19 trong 3 tháng trở lại đây – Trong trường hợp này, nếu con bạn không có triệu chứng nào, chúng có thể không cần làm kiểm tra hay tự cách ly. Hỏi ý kiến văn phòng sức khỏe cộng đồng nếu bạn không chắc chắn cần phải làm gì cho trẻ.

Nếu trẻ tự cách ly dưới 14 ngày, hoặc nếu chúng không cần phải tự cách ly, bạn vẫn nên theo dõi sát những triệu chứng COVID-19 đến khi đủ 14 ngày. Nếu chúng bắt đầu xuất hiện triệu chứng nào, gọi cho bác sĩ của bạn hoặc nhân viên y tế ngay lập tức. Trẻ cũng nên được bảo vệ nhiều hơn bằng cách đeo khẩu trang và giãn cách xã hội trong suốt thời gian này.

 

Trẻ em nhiễm COVID-19 được điều trị như thế nào?

Chưa có một điều trị cụ thể thống nhất nào đối với COVID-19. Hầu hết những trẻ khỏe mạnh khi nhiễm bệnh có thể phục hồi tại nhà, và thường tiến triển tốt trong vòng 1-2 tuần.

Điều quan trọng là cần giữ trẻ ở nhà, cách ly khỏi những người xung quanh, đến khi bác sĩ của bạn hoặc nhân viên y tế cho rằng trẻ đã an toàn và có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường. Quyết định này sẽ phụ thuộc vào thời gian bao lâu kể từ khi con bạn có triệu chứng, và trong một vài trường hợp, trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính hay chưa (chứng minh rằng virus không còn tồn tại trong cơ thể của trẻ nữa).

Các bác sĩ đang nghiên cứu một số phương pháp điều trị khác nhau nhằm tìm hiểu các phương pháp này có hiệu quả trong điều trị COVID-19 hay không. Một vài trường hợp nhất định, bác sĩ có thể đề xuất điều trị thử hoặc tham gia thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là một nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá các nhóm thuốc mới để xem mức độ hiệu quả của chúng.

 

Làm sao để tôi có thể bảo vệ con không bị nhiễm COVID-19?

Tại Mỹ, vắc xin là biện pháp phòng ngừa COVID-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Cho trẻ tiêm ngừa là cách tốt nhất để bảo vệ chúng. Điều này cũng cho phép trẻ tham gia nhiều hoạt động an toàn hơn như gặp mặt bạn bè. Cuối cùng là đối với những trẻ dưới 12 tuổi cũng có thể được tiêm vắc xin, một khi các chuyên gia nghiên cứu kỹ hơn về vấn đề này để đảm bảo sự an toàn.

Càng nhiều người được tiêm vắc xin, virus sẽ càng khó lây lan. Thông tin chi tiết hơn về vắc xin COVID-19 được trình bày trong một bài viết khác. (Xem “Patient education: COVID-19 vaccines (The Basics)”.)

Trong khi chúng ta đang chờ đợi vắc xin đến tay tất cả mọi người, chúng ta có thể làm một số việc khác để giảm khả năng lây nhiễm COVID-19. Những điều này sẽ giúp làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh.

Nếu con bạn đã đủ lớn, bạn có thể dạy cho chúng những việc sau đây:

  • Thực hành “giãn cách xã hội.” Điều này có nghĩa là giữ người, thậm chí họ là người khỏe mạnh, tránh xa khỏi những người khác. Thỉnh thoảng phương pháp này được gọi là cách ly vật lý. Mục tiêu là làm chậm tốc độ lây lan của virus gây bệnh COVID-19. Giữ trẻ trong nhà là biện pháp tốt nhất để bảo vệ con bạn và những người khác. (Xem ‘What else should my family know about social distancing?’).
  • Mang khẩu trang khi ra ngoài cộng đồng. Các chuyên gia tại nhiều quốc gia khuyến cáo điều này cho tất cả mọi người, bao gồm trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Điều chính yếu là nếu con bạn bị bệnh, thậm chí trẻ không biểu hiện triệu chứng gì, chúng sẽ ít có khả năng lây bệnh cho người khác. Điều này cũng có thể bảo vệ con bạn không bị lây bệnh từ người khác. Đảm bảo rằng khẩu trang ôm vừa mặt trẻ và che kín mũi, miệng.

  Bạn có thể mua khẩu trang vải và khẩu trang loại sử dụng một lần tại các của hàng hoặc mua trực tuyến.

  Bạn cũng có thể tự làm khẩu trang vải. Khẩu trang vải sẽ có hiệu quả tốt nhất nếu chúng có nhiều lớp.

  • Rửa tay trẻ với xà phòng và nước thường xuyên. Điều này đặc biệt quan trọng sau khi ra ngoài cộng đồng. Đảm bảo chà tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây, làm sạch cổ tay, móng tay và kẽ ngón tay. Sau đó rửa sạch tay và lau khô bằng khăn giấy và vứt đi. Rửa tay cũng giúp bảo vệ con bạn khỏi các bệnh khác, như cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Rửa bằng xà phòng và nước là cách tốt nhất. Nhưng nếu con bạn không ở gần bồn rửa tay, chúng có thể sử dụng gel khử  trùng tay để làm sạch tay. Gel có nồng độ cồn ít nhất 60% sẽ mang đến hiệu quả tốt nhất. Điều quan trọng là phải để chất khử trùng xa tầm tay trẻ nhỏ, vì cồn có thể gây hại nếu nuốt phải. Nếu con bạn dưới 6 tuổi, hãy giúp chúng khi có sử dụng chất khử trùng.

  • Tránh dùng tay chạm lên mặt, đặc biệt là môi, mũi hoặc mắt. Trẻ nhỏ hơn có thể cần được giúp đỡ hoặc nhắc nhở chúng làm những việc này.

Nếu bạn làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hay một công việc khác có nguy cơ cao nhiễm COVID-19, hãy cẩn trọng tuân theo những khuyến cáo phòng bệnh tại nơi làm việc. Những cách này có thể bao gồm các biện pháp như mặt đồ bảo hộ, rửa tay trước và sau khi làm một số công việc nhất định. Khi đi làm về, cần cân nhắc thay quần áo và đổi giày dép trước khi tiếp xúc với trẻ. Nếu con của bạn đang ở nhà có nhiều nguy cơ mắc bệnh nặng, bạn có thể lựa chọn ở cách xa 6 feet (2 mét) và mang khẩu trang tại nhà. Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, bạn cũng có thể mở cửa sổ hoặc cửa ra vào và sử dụng quạt máy để giữ thông thoáng khí.

 

Gia đình tôi cần biết thêm điều gì về giãn cách xã hội?

Giữ khoảng cách giữa người với người là một trong những biện pháp tốt nhất có thể kiểm soát lây lan virus gây ra COVID-19. Điều này là do virus có thể lây lan dễ dàng khi tiếp xúc gần, và không phải lúc nào cũng có thể biết được ai là người mang mầm bệnh.

Một bầu không khí trong lành và duy trì vận động là các biện pháp tốt để bảo vệ sức khỏe của con bạn. Trẻ có thể gặp mặt bạn bè và chơi với những trẻ khác. Tuy nhiên điều quan trọng là cần ý thức về những nguy cơ có thể xảy ra.

Khi có ra ngoài, cần lưu ý rằng:

  • Virus có thể lây lan cả ở trong nhà và ngoài trời. Nhưng khi ở bên ngoài nguy cơ sẽ thấp hơn.
  • Nếu bạn dẫn trẻ đến công viên công cộng hoặc các khu vui chơi giải trí, tốt nhất là ra ngoài khi không đông đúc.
  • Trẻ em nên cẩn thận để cách xa tối thiểu 6 feet (2 mét) với những người khác. Nếu con bạn chơi với bạn của chúng, chúng có thể cần được nhắc nhở giữ khoảng cách lẫn nhau.
  • Con bạn càng tiếp xúc với nhiều người và bạn làm điều này càng thường xuyên thì nguy cơ lây lan virus càng cao. Vì lý do này, tốt nhất bạn nên hạn chế thời gian để trẻ chơi trực tiếp với những đứa trẻ khác.
  • Rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang cũng sẽ giúp giảm nguy cơ cho con bạn và những người khác.

 

Con tôi có an toàn khi ở trường hoăc nhà trẻ hay không?
Các quyết định xoay quanh cách hoạt động của  trường học và nhà trẻ rất phức tạp. Các chuyên gia hiểu tầm quan trọng của việc học tập, sinh hoạt và chăm sóc trẻ trực tiếp. Nhưng họ cũng phải nghĩ đến những rủi ro đối với trẻ em, cũng như giáo viên và những người khác làm việc tại đây.

Nhìn chung, trường học và những chương trình khác có thể hoạt động khi có kế hoạch tại cơ sở nhằm bảo vệ sự an toàn của mọi người. Điều này bao gồm những hướng dẫn xung quanh các vấn đề sau:

  • Vắc xin – Càng nhiều người được chủng ngừa, virus càng khó lây lan. Một số trường học có chính sách yêu cầu nhân viên phải được tiêm chủng. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên cũng nên được chủng ngừa để bảo vệ bản thân chúng cũng như trẻ nhỏ hơn chưa được chủng ngừa.
  • Khẩu trang – Yêu cầu tất cả nhân viên và trẻ em mang khẩu trang làm giảm nguy cơ lây lan virus.
  • Giữ gìn sạch sẽ và không khí trong lành – Nhân viên phải đảm bảo rằng mọi người rửa tay thường xuyên và các khu vực chung cũng được vệ sinh thường xuyên. Điều quan trọng nữa là đảm bảo có hệ thống thông khí tốt (trao đổi khí) trong toàn bộ tòa nhà.
  • Khoảng cách – Các phòng học và khu vực sinh hoạt phải được thiết lập theo cách đảm bảo khoảng cách giữa mọi người. Một số nhóm chuyên gia cho rằng khoảng cách 3 feet giữa mọi người là đủ nếu tất cả mọi người đều mang khẩu trang và tuân theo các hướng dẫn an toàn khác. Giữ mọi người trong cùng một nhóm, hoặc trong một tập thể, cũng giúp giảm nguy cơ lây lan. Hoạt động ngoài trời bất cứ khi nào có thể cũng là một ý kiến ​​hay.
  • Bệnh tật hoặc phơi nhiễm – Trường học, nhà trẻ và các chương trình khác phải có quy định rõ ràng về việc học sinh và nhân viên cần được ở nhà nếu họ cảm thấy bị ốm. Cũng cần có một kế hoạch cụ thể về những việc cần làm nếu ai đó có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc tiếp xúc với virus gây COVID-19.
  • Advertisement

Một kế hoạch đúng cho mỗi chương trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng bao gồm kích cỡ của cơ sở, trường học và phương thức thông khí đang sử dụng, độ tuổi trẻ đến trường, và số lượng ca mắc COVID-19 hiện có trong cộng đồng.

 

Nếu có thành viên nào trong gia đình tôi bị nhiễm bệnh thì sao?

Nếu có một người trong gia đình bạn mắc COVID-19, họ nên ở cách biệt trong phòng nếu có thể. Họ cũng nên mang khẩu trang nếu cần tiếp xúc với người khác. Mỗi thành viên trong nhà nên rửa tay thường xuyên và vệ sinh bề mặt vật dụng mà họ tiếp xúc nhiều lần.

Nếu bạn đang bị bệnh và đang có con nhỏ, điều quan trọng là phải hết sức cẩn thận khi cho trẻ ăn hoặc bế. Mặc dù các chuyên gia không biết liệu virus có thể lây qua sữa mẹ hay không, nhưng nó có thể lây sang con bạn hoặc những đứa trẻ khác khi tiếp xúc gần. Bạn có thể bảo vệ trẻ bằng cách rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang trong khi cho trẻ bú. Nếu có thể, bạn nên nhờ một người lớn khỏe mạnh khác cho bé bú.

Tôi có thể làm gì để giúp con vượt qua stress và lo lắng?

Cảm giác lo sợ đối với COVID-19 là điều hoàn toàn bình thường. Và cũng không phải là bất ổn khi trẻ cả thấy áp lực hay cô đơn vì không thể tham gia sinh hoạt bình thường hay gặp mặt bạn bè và người thân. Việc quản lý công việc và chăm sóc cho trẻ có thể gặp khó khăn nếu gia đình bạn không thể ra ngoài.

Bạn có thể giúp đỡ trẻ bằng các cách sau:

  • Trò chuyện với trẻ một cách đơn giản khi nói về COVID-19 và trẻ có thể làm gì để tự bảo vệ bản thân và người khác
  • Làm hoặc mua khẩu trang có thể dùng thoải mái cho trẻ và khuyến khích chúng thực hành điều này.
  • Giới hạn những gì trẻ nhìn thấy từ tin tức hoặc internet
  • Tìm các hoạt động mà bạn và trẻ có thể làm cùng nhau
  • Tìm cách an toàn để dành thời gian cho bạn bè và người thân
  • Chăm sóc bản thân, bao gồm ăn thực phẩm lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
Bạn cũng có thể giúp bảo vệ trẻ bằng cách tự đi tiêm phòng. Nếu con bạn lo lắng, bạn có thể nhắc chúng rằng hầu hết mọi người không bị bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Và cũng có thể hữu ích nếu nhắc nhở các con rằng bằng cách ở nhà và đeo khẩu trang, gia đình bạn đang giúp bảo vệ những người khác trong cộng đồng của mình.
Nếu tôi có câu hỏi khác thì sao?
Bác sĩ hoặc nhân viên y tế của con bạn có thể giúp bạn với những câu hỏi như:
  • Tôi có nên sắp xếp lại cuộc hẹn khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm vắc xin cho con tôi không?
  • Làm thế nào tôi có thể đảm bảo rằng tôi có đủ thuốc hoặc các vật tư y tế khác cho con?
  • Tôi nên cho con ăn như thế nào nếu sữa công thức tôi thường mua không có sẵn trong cửa hàng?
  • Tôi có thể tìm sự trợ giúp ở đâu nếu tôi không có đủ thức ăn cho gia đình mình?

Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ phụ thuộc vào tình huống cụ thể của bạn. Để biết thông tin về COVID-19 trong khu vực của bạn, bạn có thể gọi cho văn phòng y tế cộng đồng tại địa phương. Ở Hoa Kỳ, điều này thường có nghĩa là Hội đồng Y tế thành phố hoặc thị trấn nơi bạn ở. Nhiều tiểu bang cũng có số điện thoại “đường dây nóng” mà bạn có thể liên hệ.

 

Tôi có thể đi đến đâu để tìm hiểu thêm thông tin?
Ngay khi chúng tôi biết thêm thông tin về loại virus này, các khuyến nghị của chuyên gia sẽ tiếp tục thay đổi. Liên hệ với bác sĩ hoặc chính quyền y tế tại cộng đồng của bạn để kiểm tra và có được thông tin cập nhật mới nhất về cách bảo vệ bản thân và gia đình.
Bạn có thể tìm thêm thông tin về COVID-19 tại các trang web sau:

 

Written by the doctors and editors at UpToDate.

Nguồn: https://www.uptodate.com/contents/covid-19-and-children-the-basics?search=mental%20health&topicRef=127928&source=related_link#H51969291

Bài viết được dịch thuật và biên tập bởi ykhoa.org – vui lòng không reup khi chưa được cho phép!

Người dịch: Ngọc Trâm

Giới thiệu Nguyen Le Ngoc Tram

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …