Một phụ nữ 42 tuổi đến gặp bác sĩ chăm sóc ban đầu của mình phàn nàn về đau quặn bụng thành từng cơn. Bệnh nhân mô tả cơn đau bắt đầu ở phần tư bụng trên phải (RUQ), bắt đầu ngay sau khi ăn, và kéo dài khoảng 30 phút. Trong cơn đau, bệnh nhân cảm thấy bụng trướng và buồn nôn. Cũng trong 2 ngày vừa qua, phân của bệnh nhân trở nên trắng bạch trông như màu của cát, và da trở nên vàng.
- Chẩn đoán có khả năng nhất?
- Cơ sở giải phẫu của tình trạng lâm sàng này?
LỜI GIẢI ĐÁP:
Sỏi mật (Gallstones)
Tóm tắt: Một phụ nữ 42 tuổi đau quặn bụng thành cơn ở phần tư bụng trên phải xuất hiện ngay sau khi ăn, kéo dài khoảng 30 phút. Đau kèm theo trướng bụng, buồn nôn, và 2 ngày nay phân mất màu và da trở nên vàng.
- Chẩn đoán có khả năng nhất: sỏi mật
- Cơ sở giải phẫu: tắc ống mật, nhiều khả năng do sỏi
TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG
Người phụ nữ trung niên này có các triệu chứng điển hình của cơn đau quặn mật (biliary colic), tức là đau quặn bụng thành từng cơn ở vùng thượng vị của phần tư bụng trên phải, đôi khi lan lên vai phải. Những triệu chứng này thường xuất hiện sau bữa ăn, đặc biệt là các bữa ăn giàu chất béo. Các dấu hiệu có liên quan nhiều hơn là các phân bạc màu và vàng da (hoàng đản). Sỏi mật (sỏi túi mật=cholelithiasis) là kết quả của sự kết tủa muối mật trong túi mật, nó có thể là nguyên nhân gây ra viêm túi mật (cholecystitis). Sỏi túi mật có thể đi vào ống túi mật và vào ống mật chủ. Bởi vì ống mật chủ được tạo nên do sự kết hợp của ống gan chung và ống túi mật, nên tắc nghẽn ống mật chủ làm mật được sản xuất ở gan không thể xuống được ruột non. Do đó, phân sẽ không có sắc tố này. Tiếp theo, như là kết quả thứ phát của tắc nghẽn, bilirubin huyết thanh tăng lên, và lắng đọng trong da, dẫn đến vàng da. Siêu âm thường giúp các thầy thuốc đưa ra chẩn đoán ban đầu. Loại bỏ sỏi ống mật chủ có thể được thực hiện qua nội soi tiêu hóa trên đi qua bóng Vater để gắp sỏi hoặc phẫu thuật.
TIẾP CẬN:
Túi mật
MỤC TIÊU
- Mô tả được giải phẫu của túi mật và hệ thống đường mật trong và ngoài gan
- Mô tả được mối liên quan về giải phẫu có tầm quan trọng về lâm sàng giữa ống túi mật và ống mật chủ
ĐỊNH NGHĨA
VIÊM TÚI MẬT (CHOLECYSTITIS): tình trạng viêm của túi mật, thường kèm theo sỏi túi mật
BÀN LUẬN
Túi mật là một túi xơ cơ, dạng quả lê, nằm lộn ngược ở dưới gan, là nơi dự trữ tạm thời và giải phóng ngắt quãng mật, một loại dịch tiêu hóa được sản xuất trong gan. Vị trí bề mặt của túi mật có thể được ước lượng là nằm tại giao điểm của bờ phải bao cơ thẳng bụng (đường bán nguyệt) và bờ sườn phải. Mặt trước của nó dính vào gan ở giữa thùy phải và thùy vuông; đáy, mặt ngoài, và mặt sau được bao phủ bởi phúc mạc tạng. Túi mật theo giải phẫu được chia thành đáy, thân và cổ, cổ sẽ được nối với ống túi mật. Niêm mạc cổ và ống túi mật được gấp nếp xoắn ốc, đóng vai trò như một van để giữ lòng của cổ và ống túi mật luôn mở để nhận mật từ gan đi xuống. Túi mật và ống túi mật được cấp máu bởi động mạch túi mật, thường tách ra từ động mạch gan phải (xem Hình 19-1).
Hệ thống ống dẫn mật bắt đầu bằng vi quản mật giữa các tế bào gan trong gan. Các vi quản mật đổ mật vào các ống mật gian tiểu thùy, các ống dẫn mật lại kết hợp với nhau để tạo nên các ống dẫn ngày càng lớn hơn, cuối cùng tạo thành các ống mật phân thùy và thùy dẫn mật cho các phần chia nhỏ theo giải phẫu cùng tên của gan. Cuối cùng, các ống gan phải và trái lộ ra từ cửa gan và hợp nhất để tạo nên ống gan chung đi trong dây chằng gan tá tràng (một phần của mạc nối nhỏ). Ống túi mật từ bên phải đi sang trái để nối với ống gan chung tạo nên ống mật chủ. Ống mật chủ đi xuống dưới dưới sự bao bọc của dây chằng gan tá tràng và sau đó đi ở sau khúc đầu tá tràng. Tiếp theo, nó đi hơi chếch sang bên phải hoặc đi vào trong nhu mô mặt sau của tụy. Khi đến gần mặt sau của tá tràng, ống mật chủ thường kết hợp với ống tụy chính để tạo nên bóng gan tụy đổ vào nhú tá lớn ở khúc 2 tá tràng.
Tại cửa gan, các ống gan phải và trái là các cấu trúc nằm ở trước nhất. Các động mạch gan (phải và trái) nằm sau các ống gan, và các nhánh của tĩnh mạch cửa nằm ở sau cùng. Ống gan chung (ở bên trái), ống túi mật (ở bên phải), và bờ dưới của gan (ở trên) tạo nên tam giác gan mật (tam giác Calot), chứa động mạch gan phải và nhánh động mạch túi mật của nó.
Trong dây chằng gan tá tràng (là giới hạn trước của lỗ mạc nối Winslow), ống mật chủ nằm ở bên phải, động mạch gan chung nằm ở bên trái, tĩnh mạch cửa nằm ở phía sau và giữa ống mật và động mạch.
Tài liệu tham khảo:
Eugene C. Toy, MD
Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas
Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas
John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas
Lawrence M. Ross, MD, PhD
Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Han Zhang, MD
Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Cristo Papasakelariou, MD, FACOG
Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center Houston, Texas
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả case lâm sàng tại:
https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/