[Xét nghiệm 60] Hormon tăng trưởng (GH)

Rate this post

HORMON TĂNG TRƯỞNG (GH)

(Hormone de Croissance Plasmatique / Growth Hormone (GH), Human Growth Hormone (hGH), Somatotropin)

 

 

Nhắc lại sinh lý

Hormon tăng trưởng (Growth hormone (GH) là một polypeptid gồm 191 acid amin được thùy trước tuyến yên sản xuất. Chức năng chính của hormon này là kích thích sự phát triển (tăng trưởng của cơ thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp protein và khởi phát quá trình bảo tồn protein, làm tăng quá trình vận chuyển glucose, sử dụng acid béo, huy động insulin và tạo thuận cho quá trình xây dựng kho trữ glycogen trong cơ thể.

Quá trình tổng hợp và giải phóng GH được vùng dưới đồi điều hòa thông qua vai trò của yếu tố giải phóng hormon tăng trưởng (growth hormone-releasing factor [GHRF]) và yếu tố ức chế giải phóng hormon tăng trưởng (growth hormone to ease inhibiting factor [CHRIH]) hay somatostatin)

  Giảm tiết GH ở trẻ em sẽ gây nên chứng lùn (dwarfism), trái lại tăng tiết GH gây ra chứng người khổng lồ (giganism) ở trẻ đang tuổi phát triển và chứng to đầu chi (acromegaly) nếu tăng tiết GH xảy ra ở người lớn.

  XN định lượng nồng độ GH huyết tương làm ngẫu nhiên không đủ chắc chắn để chẩn đoán tình trạng thiếu hụt của hormon này. Để cung cấp thêm các thông tin, có thể tiến hành test kích thích tiết GH (GH stimulation test) và/hoặc test ức chế tiết GH (Suppression test).

  • Test kích thích tiết GH được tiến hành để chẩn đoán tình trạng thiếu hụt hormon tăng trưởng. Một loạt các phương pháp được sử dụng để kích thích bài tiết GH. Vd: dùng insulin gây tình trạng hạ glucose máu [insulin-induced hypoglycerial], gắng sức thể lực rất mạnh và dùng thuốc như arginin hydrochlorid, glucagon, levodopa và clonidin hydrochlorid).
  • Test ức chế tiết GH được tiến hành để chẩn đoán tình trạng tăng tiết hormon tăng trưởng. Có thể ức chế giải phóng GH ở một người có nồng độ GH bình thường bằng cách sử dụng nghiệm pháp gây tăng đường máu bằng đường uống, trái lại ở người bị tăng tiết GH, nghiệm pháp gây tăng đường máu bằng đường uống sẽ ít hoặc không gây được tình trạng giảm tiết GH.

 

Mục đích và chỉ định xét nghiệm

XN được sử dụng để chẩn đoán tình trạng rối loạn phát triển ở trẻ em: Chứng lùn tuyến yên (do giảm tiết GH ở trẻ em); Chứng người khổng lồ (do tăng tiết GH ở trẻ đang tuổi phát triển chiều cao) và chứng tỏ đầu chi (do tăng tiết GH ở người trưởng thành).

 

Cách lấy bệnh phẩm

– XN nồng độ GH huyết tương làm ngẫu nhiên:

  • XN được tiến hành trên huyết tương.
  • Yêu cầu BN phải nhịn ăn 8h trước khi lấy máu XN.
  • BN cần được nằm nghỉ ngơi trong một môi trường không gây stress ít nhất 30 phút trước khi lấy máu XN.

– Tiến hành test kích thích ức chế:

  • Cần ngừng dùng tất cả các thuốc nhóm streroid trước khi chỉ định làm test nếu có thể.
  • Yêu cầu BN nhịn ăn 8 – 10h trước khi làm test
  • BN cần được nằm nghỉ trong một môi trường không gây Stress trong vòng 90 phút trước khi làm test,
  • Tiến hành làm test theo quy trình.

Các mẫu bệnh phẩm sau khi lấy cần được chuyển ngay tới phòng XN do GH có thời gian bán huỷ ngắn (20 – 25 phút).

 

Giá trị bình thường 

– Nồng độ GH (Khi lấy bệnh phẩm ngẫu nhiên):

  • 0 – 7 tuổi: 1- 13,6 ng/mL hay 1 – 13,6 μg/L. 
  • 7- 11 tuổi: 1 – 16,4 ng/mL hay1 – 16,4 μg/L, 
  • 11 – 15 tuổi: 1 – 14,4 ng/mL hay 1 – 14,4 μg/L.
  • 15 – 19 tuổi: 1 – 13,4 ng/mL hay 1 – 13,4 μg/L.
  • Nam trưởng thành: 0 – 4 ng/mL hay 0 – 4μg/L.
  • Nữ trưởng thành: 0 – 18 ng/mL hay 0 – 18 μg/L.

– Test kích thích GH:> 10 ng/mL hay > 10 μg/L.

– Test ức chế GH:<2 ng/mL hay <2 μg/L

 

Tăng nồng độ GH

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

  • Chứng tỏ đầu chi (acromegaly).
  • Chứng khổng lồ nguồn gốc tuyến yên (pituitary gigantism).
  • Chứng lùn Laron (Laron dwarfism) do khiếm khuyết thụ thể GH.
  • Chán ăn tinh thần (Anorexia nervosa),
  • Hạ glucose máu,
  • Khối u vùng dưới đồi.
  • Khối u tuyến yên gây cường chức năng tuyến yên.
  • Bài xuất GH lạc chỗ (Vd: gặp trong u tận sinh dạ dày và phổi).
  • Trong giấc ngủ (2h sau khi ngủ).
  • Tình trạng đói ăn dài ngày, suy dinh dưỡng.
  • Phẫu thuật, stress, gắng sức.
  • Suy thận.
  • Xơ gan.
  • ĐTĐ không được kiểm soát tốt.

 

Giảm nồng độ GH

Các nguyên nhân chính thường gặp là:

  • Chứng lùn nguồn gốc tuyển yên (pituitary dwarfism).
  • Chậm phát triển, 
  • Tăng glucose máu.
  • Suy chức năng tuyến yên.
  • Cường chức năng vô thượng thận (adrenocortical hyperfunction).

 

Các yếu tố góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm

  • Nồng độ hormon tăng trưởng có thể thay đổi trong các giai đoạn ngủ-thức, khi gắng sức, tình trạng dinh dưỡng, tình trạng stress, hạ đường huyết, dùng estrogen, corticosteroid, L-dopa.
  • Không nên lên kế hoạch XN định lượng nồng độ GH trước 48h kể từ khi BN được làm một thăm dò chẩn đoán có sử dụng chất đồng vị phóng xạ.
  • Do có nhiều điểm tương tự với prolactin và lactogen rau thai, các thử nghiệm miễn dịch định lượng GH thường được làm trước đây thường cho các kết quả cao giả tạo ở các phụ nữ có thai và đang cho con bú.
  • Các thuốc có thể làm tăng nồng độ hornon tăng trưởng là: Amphetamin, arginin, clonidin, dopamin, estrogen, glucagon, indomethacin, insulin, interferon, levodopa, niacin, thuốc ngừa thai uống, phenytoin.
  • Các thuốc có thể làm giảm nồng độ hormon tăng trưởng là: Thuốc điều trị tâm thần, bromocriptin, corticosteroid, dexamethason, octreotid, progestin, valproic acid.

 

Các cảnh báo lâm sàng

– Nồng độ GH làm ngẫu nhiên cung cấp ít thông tin cho chẩn đoán: 

  • Một kết quả XN tăng nồng độ GH chưa đủ để khẳng định chẩn đoán to đầu chi hay không đạt được tình trạng lui bệnh đối với một BN to đầu chỉ đã được điều trị.
  • Một kết quả XN nồng độ GH thấp (thậm chí không định lượng được) chưa đủ để khẳng định BN có tình trạng thiếu hụt GH do ở một số người bình thường có thể có hàm lượng GH rất thấp (≤ 1μg/L).

– Nồng độ GH thay đổi qua từng ngày, khiến khó xác định giới hạn tham chiếu hoặc để nhận định kết quả của từng cá thể khi chỉ tiến hành xét nghiệm 1 lần duy nhất.

– Khi tiến hành test kích thích ức chế tiết GH, nên sử dụng thiết bị truyền ngắt quãng để có thể dùng thuốc và lấy mẫu máu mà không cần phải chọc tĩnh mạch BN nhiều lần.

– Đáp ứng của GH khi làm test kích thích được coi là bình thường khi nồng độ GH tối đa > 10μg/L.

  • Nếu nồng độ GH tối đa < 7 μg/L, có thể kết luận là có tình trạng thiếu hụt GH hoàn toàn.
  • Nếu nồng độ GH tối đa trong khoảng 7 – 10 μg/L, có thể kết luận là có tình trạng thiếu hụt GH một phần.

 

Chống chỉ định làm test kích thích hay ức chế tiết GH

– Chống chỉ định tiến hành test ức chế GH đối với:

  • Bệnh nhân bị tai biến mạch não. 
  • Bệnh nhân có cơn co giật.
  • BN có nồng độ cortisol huyết tương cơ sở thấp.
  • BN có tiền sử bị nhồi máu cơ tim.

– Chống chỉ định tiến hành test kích thích tiết GH đối với:

  • Trẻ < 1 tuổi (do insulin bị chống chỉ định).
  • Người có bệnh thận (do bị chống chỉ định dùng arginin).

 

Nguồn: “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng” – do PGS.TS Nguyễn Đạt Anh và Dược sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hương biên soạn.

Xem tất cả xét nghiệm tại:http://ykhoa.org/category/khoa-hoc/khoa-hoc-can-lam-sang/xet-nghiem/

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Case lâm sàng 229] Bỏng lạnh ở trẻ em

Question Một trẻ trong độ tuổi mới biết đi, không có tiền sử y khoa …