BS.Nguyễn V. Tuấn
Tại sao 6 feet hay 1.5 mét?
Ở Úc, qui định khoảng cách an toàn giữa 2 người (trong mùa dịch) là 1.5 mét; ở Anh người ta qui định là 2 mét; còn WHO thì 1 mét. Tại sao có con số này? Khoảng cách 1.0 đến 2.0 mét có đủ an toàn? Qui định đó có cơ sở khoa học không? Cái note này điểm qua vài ý kiến của các chuyên gia, và các bạn sẽ ngạc nhiên.
Con số 1.5 mét
Đa số chúng ta chắc đã quen với con số 1.5 mét. Đó là khoảng cách an toàn giữa 2 cá nhân trong mùa dịch, theo các giới chức y tế Úc. (Trước đây, tôi điểm báo thì thấy người ta nói 1.6 mét). Ở Úc con số này rất quan trọng, chớ không phải đùa. Tất cả các siêu thị, tiệm quán, nơi công cộng, người ta đều dán băng keo hay đánh dấu vị trị mà khách hàng nên đứng sao cho khoảng cách giữa 2 người là 1.5 mét. Đã có vài trường hợp người Việt bị phạt vì cảnh sát (chỉ ngẫu nhiên) thấy họ đang trả tiền cho chủ tiệm mà 2 người chỉ cách nhau 1 mét — vi phạm. Hình phạt là 400 đôla. Có hai bạn đi chung xe cũng bị phạt vì qui định này; tài xế xe thậm chí bị trừ 2 điểm (trên tổng số 12 điểm.) Nói tóm lại, ở Úc (và hình như ở Mĩ nữa), con số 1.5 mét đó gần như đã trở thành … luật!
Nhưng mỗi nước hình như có một qui định khác nhau. Ở Mĩ, qua báo chí, thì người ta cũng dùng con số 1.5 mét. Nhưng ở Anh thì nâng lên thành 2 mét. Riêng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì khuyến cáo nên giữ khoảng cách 1 mét giữa 2 người trong mùa dịch. Ai đúng, ai sai?
Bằng chứng khoa học?
Thật ra, câu hỏi là những có cơ sở khoa học không? Câu trả lời là chưa chắc. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng các giọt li ti (droplet) từ một cái hắt hơi hay ho có thể bay vào không gian trước khi chúng ‘định cư’ trên bề mặt của một vật dụng như tay cầm, bàn, ghế, v.v. Khoảng cách mà các giọt này bay trong không gian dao động trong khoảng 3 đến 6 feet (tức 0.91 mét đến 1.8 mét). Bằng chứng đâu? Tôi tìm ra một nghiên cứu công bố vào năm 2013 [1]. Nghiên cứu này thực hiện trên 94 bệnh nhân bị nhiễm virus cúm, và các nhà nghiên cứu kiểm định khoảng cách 0.3 mét, 0.9 mét, và 1.8 mét (1.8 mét tương đương với 6 ft). Họ kết luận rằng các nhân viên y tế cần giữ khoảng cách 1.829 mét với các bệnh nhân bị nhiễm virus cúm (không phải virus Vũ Hán).
Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc đại học tôi (UNSW) cho biết một số nghiên cứu vào niên 1930 – 1940 chỉ ra rằng 6t (1.8 mét) là khoảng cách mà các giọt droplet có thể bay xa. Nhưng bà cũng nói rằng các nghiên cứu đó sai. Nhiều nghiên cứu sau này chỉ ra rằng các giọt droplet có thể bay xa hơn 6 feet. Giáo sư McIntyre nói một cách mỉa mai: “Ấy vậy mà các bệnh viện, các giới chức y tế tiếp tục tin vào con số 6 feet! Nó chẳng khác gì tin rằng trái đất phẳng, và bất cứ ai cố gắng thảo luận về chứng cớ thì sẽ bị la hét bởi một dàn hợp xướng gồm các tín đồ” [2]. Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm học nói như vậy trên ‘The Conversation’ [3].
Một nghiên cứu công bố trên JAMA tuần qua [3] cho thấy tốc độ cao nhứt của các giọt droplet có thể bay đi trong không gian sau một cái hắt hơi là 33 đến 100 feet / giây (tức 10 đến 30.5 mét/giây)! Ngay cả các khẩu trang N95 cũng chưa kiểm nghiệm trong điều kiện này! Đây là nghiên cứu mới nhứt và có vẻ khả tín nhứt. Nếu vậy thì chúng ta phải đứng cách nhau (theo nhóm nghiên cứu) đến 27 mét! Chưa thấy các giới chức y tế bình luận gì về nghiên cứu này.
Nói tóm lại, qui định về khoảng cách an toàn giữa 2 người trong mùa dịch Vũ Hán mà các nước áp dụng không có cơ sở khoa vững vàng. Có lẽ vì tình trạng bất định đó các qui định về khoảng cách an toàn rất khác nhau giữa các nước/tổ chức: WHO thì đề nghị 1 mét, Úc thì 1.5 mét, còn Anh thì 2 mét. Việt Nam thì theo Anh (2 mét). Trong tình trạng thiếu chứng cớ khoa học, thì những qui định trở thành loạn chuẩn, nhưng chúng ta phải tuân theo!
Người ta vẽ hình minh họa để khách hàng trong siêu thị giữa khoảng cách 1.5 mét. Trong các siêu thị Úc, hình như thế này rất phổ biến, và nhân viên bảo vệ đi đến từng nơi để kiểm tra khoảng cách. Họ sợ bị phạt.
Một minh họa rất hay về khoảng cách an toàn trong mùa dịch: (1) trong siêu thị; (2) nói chuyện; (3) trên xe bus hay xe điện; (4) xe taxi; (5) khi chạy bộ, thể thao.
===
[1] Bischoff WE, Swett K, Leng I, Peters TR. Exposure to influenza virus aerosols during routine patient care. J Infect Dis. 2013 Apr; 207(7):1037-46.