BS Hà Văn Quốc.
Xuất phát từ câu hỏi: khi truyền dịch chung với đường truyền vận mạch, hoặc các thuốc bơm tiêm điện khác, thì có vấn đề gì xảy ra không?
Về mặt lý luận, ta có:
– Tốc độ bơm tiêm điện (sau khi chỉnh liều đạt HA mục tiêu) là cố định. Giả sử là 3ml/h (giả sử nồng độ thuốc là 1mg/ml –> cũng là 3mg/h cho dễ hình dung), liều dịch truyền là 100g/p = 300ml/h. Ta biết rằng tổng lượng thuốc ra khỏi bơm tiêm điện trong một đơn vị thời gian là không đổi. Vậy lưu lượng thuốc sử dụng của bơm tiêm điện vào cơ thể bệnh nhân cũng không đổi. Dù nồng độ trong ống dây từ vị trí chạc ba đến tĩnh mạch có giảm do pha loãng với dịch truyền. Ở đây nồng độ chỉ còn 1/303 mg/ml (tức chỉ còn 1/100 ban đầu) nhưng tốc độ vào là 303ml/h (bằng tốc độ dịch truyền cộng với tốc bơm điện, nếu chỉnh tốc độ dây dịch truyền theo thực tế sau khi cắm vào chạc 3). Có thể thấy rằng, với tốc độ dịch truyền ổn định, thì lượng thuốc vào cơ thể bệnh nhân luôn không đổi, chảy nhanh thì lưu lượng tăng, nhưng lại loãng hơn.
Tình huống nguy hiểm gặp khi nào?
1. Thay đổi tốc độ dịch truyền
– Vấn đề xảy ra khi số chai dịch truyền >1. Bản chất là gì? Đó là khoảng thời gian trống giữa 2 lần thay chai dịch truyền. Nếu khoảng thời gian này đủ lớn, khi đó lượng dịch nằm từ vị trí chạc ba đến tĩnh mạch sẽ chỉ có đơn thuần thuốc, tức nồng độ 1mg/ml đúng bằng nồng độ trong bơm tiêm điện. Khi thực hiện lắp chai dịch truyền mới vào trên đường truyền vận mạch đang có sẵn, có nguy cơ ta bolus một lượng thuốc vận mạch nằm sẵn trong đoạn sau chạc ba này. Với tốc độ là 300ml/h, tức lượng thuốc gấp 100 lần so với cài đặt. Có thể làm huyết áp tăng vọt lên trong thời gian ngắn đến khi thuốc hết tác dụng (điều này mình đã gặp nhiều). Lý luận cũng tương tự trường hợp ta tăng đột ngột tốc độ truyền dịch.
Tình huống thứ 2 đó là giống như bài trên, tức chỉ cho 1 chai dịch truyền thôi. Lý luận cũng tương tự, sau khi hết dịch truyền, do tốc độ đẩy thuốc của bơm điện không đổi, nên khi đó, lượng thuốc từ đoạn sau chạc 3 vào cũng nồng độ thấp như trước 1/303 mg/ml (chỉ còn 1% ban đầu do đã bị pha loãng) nhưng tốc độ theo cài đặt bơm điện, nên lượng thuốc vào cơ thể sẽ thấp hơn, cho đến khi chảy hết dịch trong đoạn sau chạc 3. Giả sử đoạn dây này có thể tích là 1ml, vậy ta mất 20 phút để thiết lập lại nồng độ thuốc. Giai đoạn này có thể khiến huyết áp tụt nếu không kịp thời phát hiện. Lý luận tương tự cho trường hợp ta giảm tốc độ truyền dịch.
2. Thay đổi tốc độ bơm điện.
Cùng một cơ sở lý luận trên, với đường truyền dịch tốc độ không đổi 300ml/h, nồng độ đoạn sau chạc 3 là 1/303 mg/ml. Do đó ta tăng tốc độ bơm điện lên 300ml/h đi nữa (gấp 100 lần ban đầu), giả sử đoạn sau chạc 3 đến tĩnh mạch là 1ml, thì cũng mất khoảng gần 10 phút để đẩy hết lượng thuốc có nồng độ 1% này vào. Như vậy, thực tế, trong 10 phút đầu, hiệu quả thuốc vận mạch ta đưa vào chỉ tăng lên gấp 2 lần (tốc độ tăng gấp đôi, nồng độ không đổi).
Thực tế tính toán này có phần không hoàn toàn đúng do thuốc bị pha loãng liên tục, cần tính theo phương trình liên tục. Nhưng cho chúng ta hình dung được rằng khi chỉnh tốc độ thuốc vận mạch hoặc dịch truyền trên đường truyền chung sẽ không an toàn, đặc biệt là khi thể tích đoạn dây sau chạc 3 càng lớn. Lý luận tương tự cũng dùng cho việc truyền nhiều loại thuốc khác dù không dùng bơm điện, trên cùng một đường truyền.
Bài viết dựa trên lý luận toán học đơn thuần, bỏ qua tương thay đổi thể tích khi trộn lẫn 2 loại dung dịch với nhau, và giả sử công thức cộng tốc độ dịch truyền quy ước theo số ml thực tế ra khỏi chai dịch sau khi đã gắn vào chạc ba + với tốc độ bơm điện, có thể bỏ qua tương tác về dòng chảy.
Vậy lý tưởng nhất là 2 đường truyền khác nhau, còn nếu không, thì hạn chế việc thay đổi tốc độ của 1 thuốc nào đó, và khi đó cần theo dõi sát.