[ScienceDaily] Điểm sức khỏe tim mạch tốt hơn ở tuổi trung niên có liên quan đến việc giảm nguy cơ sa sút trí tuệ cuối đời

Rate this post

Các phát hiện ủng hộ quan điểm rằng duy trì các hành vi sức khỏe tim mạch suốt đời có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ.

Một nghiên cứu dài hạn trên 1.449 người ở Phần Lan cho thấy những người có điểm số tốt hơn trên các chỉ số tiêu chuẩn sức khỏe tim mạch ở tuổi trung niên, đặc biệt đối với các yếu tố hành vi như hút thuốc, có nguy cơ sa sút trí tuệ sau này thấp hơn. Yajun Liang thuộc Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển và các cộng sự trình bày những phát hiện này trên tạp chí truy cập mở PLOS Medicine.

Nghiên cứu trước đây cho rằng những nỗ lực nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ có thể sửa đổi, chẳng hạn như các hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, có thể làm giảm tới một phần ba số người mắc chứng sa sút trí tuệ trên toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng về mối liên hệ tiềm ẩn giữa nguy cơ sa sút trí tuệ cuối đời và điểm số về các chỉ số sức khỏe tim mạch tiêu chuẩn ở tuổi trung niên và cuối đời.

Để làm rõ hơn về nguy cơ sa sút trí tuệ trong giai đoạn cuối đời, Liang và các cộng sự đã phân tích dữ liệu trên 1.449 người tham gia nghiên cứu Các yếu tố nguy cơ tim mạch, lão hóa và sa sút trí tuệ của Phần Lan, được đăng kí vào năm 1972 – 1987 và được đánh giá vào năm 1998, 744 người còn sống không bị sa sút trí tuệ được theo dõi lâu hơn đến cuối đời (2005¬-2008). Sức khỏe tim mạch của những người tham gia được đánh giá từ giữa đời đến cuối đời theo sáu yếu tố được phân thành ba yếu tố hành vi (tình trạng hút thuốc, hoạt động thể chất và chỉ số khối cơ thể) và ba yếu tố sinh học (đường huyết lúc đói, cholesterol toàn phần và huyết áp). Sa sút trí tuệ được chẩn đoán ở 61 người trong lần theo dõi đầu tiên, và 47 người khác trong lần thứ hai.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia có điểm số sức khỏe tim mạch trung bình hoặc lý tưởng từ tuổi trung niên trở đi, đặc biệt đối với các yếu tố hành vi, có nguy cơ sa sút trí tuệ sau này thấp hơn những người tham gia có điểm số kém.

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ tổng thể rõ ràng nào giữa điểm số sức khỏe tim được đo ở giai đoạn cuối đời và nguy cơ sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, khi xem xét cụ thể các yếu tố sinh học, điểm số lý tưởng trong giai đoạn cuối đời thực sự có liên quan đến nguy cơ sa sút trí tuệ cao hơn. Các tác giả lưu ý rằng điều này có thể là do một số dấu hiệu sinh học của chứng sa sút trí tuệ có thể trùng lặp với điểm “lý tưởng” về các yếu tố này, chẳng hạn như huyết áp thấp hơn và sự giảm cholesterol. Họ cũng lưu ý rằng những hạn chế chính của nghiên cứu này bao gồm việc thiếu dữ liệu về chế độ ăn uống và lượng đường huyết ở tuổi trung niên, và tỷ lệ tiêu hao cao.

Những phát hiện này cho thấy rằng duy trì sức khỏe tim mạch suốt đời, đặc biệt quản lí việc hút thuốc, tập thể dục và chỉ số khối cơ thể, có thể làm giảm nguy cơ sa sút trí tuệ sau này trong cuộc sống.

Nguồn thông tin:

Tư liệu được cung cấp bởi PLOSGhi chú: Nội dung có thể đã được sửa đổi trình bày và độ dài.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cardiovascular health metrics from mid- to late-life and risk of dementia: A population-based cohort study in Finland.

Yajun Liang, Tiia Ngandu, Tiina Laatikainen, Hilkka Soininen, Jaakko Tuomilehto, Miia Kivipelto, Chengxuan Qiu.  PLOS Medicine, 2020; 17 (12): e1003474 DOI: 10.1371/journal.pmed.1003474

Bài tự dịch, vui lòng không reup.

Nguồn : ScienceDaily

Link: https://www.sciencedaily.com/releases/2020/12/201215140840.htm

Tác giả: Roxie Dương

Hiệu đính: Dương Ngọc

Advertisement

Giới thiệu roxieduong

Check Also

[Medscape] Việc hòa ca nhạc đồng quê đã giúp bác sĩ tìm thấy sự cân bằng

Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi thường được hỏi làm thế nào để cân …