[Case lâm sàng 167] Tụ máu dưới da đầu

Rate this post

Một sơ sinh nam 2 ngày tuổi nặng 3,5kg xuất hiện vàng da. Ngày hôm trớc, sơ sinh này được sinh đường âm đạo bằng phương pháp hút hỗ trợ chân không (giác hút) do giảm tần số tim thai trầm trọng (biểu hiện của suy thai). Da đầu của sơ sinh có một khối sưng, mềm, đổi màu, kích thước khoảng 5cm, dường như được chặn lại bởi và không vượt qua đường khớp dọc giữa và đường khớp chẩm thái dương (đường khớp lambda). Sản phụ tiền sử khỏe mạnh và không gặp bất kỳ vấn đề gì trong giai đoạn tiền sản. Gia đình không có tiền sử rối loạn đông máu.
• Chẩn đoán có khả năng nhất?
• Cơ chế giải phẫu?

 

LỜI GIẢI ĐÁP: Tụ máu dưới da đầu (Cephalohematoma)

Tóm tắt: Vào ngày hôm trước, một sơ sinh nam nặng 3,5kg được sinh đường âm đạo với sự hỗ trợ của giác hút. Hiện tại, sơ sinh này xuất hiện vàng da và một khối tụ máu 5cm ở da đầu được chặn lại bởi và không vượt qua đường khớp dọc giữa và đường khớp chẩm thái dương.
Chẩn đoán có khả năng nhất: tụ máu dưới da đầu
Cơ chế giải phẫu: tổn thương các nhánh động mạch cấp máu cho phần sọ ngoài

 

TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG

Sơ sinh 1 ngày tuổi này được sinh đường dưới với sự hỗ trợ của giác hút và hiện tại, xuất hiện vàng da và một khối mềm đổi màu được chứa trong các đường khớp. Các biểu hiện này gần như chắc chắn là tụ máu dưới da đầu. Một tình trạng thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh là bướu huyết thanh (caput succedaneum), là sự sưng lên của mô mềm ở da đầu, là phản ứng bình thường của đầu thai nhi trong quá trình sinh. Trong trường hợp này, máu sẽ vượt qua các đường khớp. Khi một khối mô mềm có vẻ như được chặn lại bởi các đường khớp, cần nghi ngờ tụ máu dưới cân Galea (subgaleal). Hemoglobin tích tụ trong khối máu tụ sẽ trở thành bilirubin, và là nguyên nhân của vàng da sơ sinh. Chụp X-quang hoặc CLVT sọ não thường được chỉ định để đánh giá gãy xương sọ. Hầu hết các khối máu tụ này sẽ tự tiêu đi trong quá trình theo dõi.

 

TIẾP CẬN: Da đầu và xương sọ

MỤC TIÊU

1. Xác định được các lớp của da đầu
2. Mô tả được cấu trúc của các đường khớp sọ

 

ĐỊNH NGHĨA

CÁC ĐƯỜNG KHỚP CHÍNH CỦA HỘP SỌ: Đường khớp dọc giữa chạy dọc theo đường giữa giữa hai xương đỉnh. Đường khớp chẩm thái dương (lamda) chạy ở phía sau từ trái sang phải và tách hai xương đỉnh ra khỏi xương chẩm. Đường khớp vành có đường đi tương tự ở phía trước và tách xương trán ra khỏi hai xương đỉnh.
TỤ MÁU (HEMATOMA): khối máu tích tụ trong mô hoặc một khoang, thường là máu đông.
BILIRUBIN: muối mật (bile salt) được tạo nên từ sự phá hủy hemoglobin tại gan. Nó thường được tích trữ trong túi mật và được bài tiết vào ruột non để giúp cho quá trình tiêu hóa được dễ dàng. Nồng độ bilirubin cao trong máu làm cho da và củng mạc mắt có màu hơi vàng (vàng da).
HOÀNG ĐẢN (ICTERIC): xuất hiện màu hơi vàng ở da và niêm mạc, trong trường hợp này là do sự phá hủy tại chỗ của bilirubin tích tụ trong khối máu tụ.
BƯỚU HUYẾT THANH (CAPUT SUCCEDANEUM): sưng phù của lớp nông da dầu do các chấn thương bình thường trong quá trình sinh và sẽ tự mất trong vòng 2-3 ngày.

 

BÀN LUẬN

Da đầu là một đơn vị mô che phủ vòm sọ. Mô này được tạo nên từ 5 lớp và có thể được nhớ là SCALP (Hình 43-1). Nông nhất là da (Skin), bao gồm cả hạ bì và mạc nông. Sâu hơn là lớp mô liên kết đặc (Connective tissue) gắn chặt với da. Lớp tiếp theo là cân (Aponeurosis) của cơ chẩm trán (cân Galea). Ba lớp này dính chặt với nhau và di chuyển cùng nhau như là một đơn vị. Lớp thứ tư là mô liên kết lỏng lẻo (Loose connective tissue). Lớp thứ năm là màng xương (Periosteum), che phủ trên chính xương của nó. Màng xương dính chặt với xương, đặc biệt là trong vùng các đường khớp sọ.

Sự linh hoạt của lớp mô liên kết lỏng lẻo cho phép các lớp nông hơn di chuyển dễ dàng trên màng xương. Ở trẻ sơ sinh, màng xương dính chặt với các đường khớp.

Các mạch cấp máu cho da đầu tách ra từ các nhánh của động mạch cảnh ngoài và động mạch cảnh trong. Ở phía trước, có động mạch trên ổ mắt và động mạch trên ròng rọc, tách ra từ động mạch cảnh trong. Ở ngoài và sau hơn, da đầu được cấp máu bởi các nhánh của động mạch cảnh ngoài, gồm động mạch thái dương nông, đi lên ở phía trước tai; và động mạch tai sau và động mạch chẩm, đi lên ở phía sau tai. Các động mạch của da đầu có vòng nối rất phong phú. Vì vậy, sau một vết rách của động mạch, máu có thể chảy ra từ cả 2 đầu của vết rách.

Thần kinh của phần trước da đầu bắt nguồn từ nhánh thứ nhất và thứ ba của thần kinh sinh ba. Ở phía trong, cảm giác được chi phối bởi thần kinh trên ổ mắt và thần kinh trên ròng rọc. Ở phía ngoài, cảm giác được chi phối bởi thần kinh tai thái dương. Phần sau của da đầu được chi phối ở phía trong bởi nhánh chính sau của các thần kinh sống cổ (C2, như thần kinh chẩm lớn, và C3); trong khi phía ngoài được chi phối bởi các nhánh chính trước tạo nên đám rối cổ, đặc biệt thần kinh chẩm nhỏ và thần kinh tai sau.

Chấn thương da đầu có thể làm tổn thương các mạch máu và do đó gây ra tụ máu. Khối máu tụ có thể lan rộng trong lớp đó. Máu trong mạc nông sẽ di chuyển chậm hơn một chút do các vách bên trong mạc dưới da. Ở trẻ sơ sinh, tụ máu trong lớp này thường là do chấn thương trong khi di chuyển qua ống đẻ (birth canal). Tương tự như vậy, chấn thương da đầu chẳng hạn gây ra bởi sự hỗ trợ của lực hút trong khi sinh đôi khi có thể làm tổn thương các động mạch trong màng xương, dẫn đến tích tụ máu giữa màng xương và xương. Bởi vì màng xương ở trẻ sơ sinh dính chặt với các đường khớp, nên sự lan rộng của khối máu tụ sẽ bị cản trở. Một khối tụ máu dưới da sẽ vượt qua đường khớp, nhưng một khối máu tụ dưới màng xương thì không. Ở người lớn, lớp mô liên kết lỏng lẻo được gọi là “khoang nguy hiểm” bởi vì nhiễm trùng có thể dễ dàng di chuyển tới khoang quanh hốc mắt. Gọi là khoang nguy hiểm bởi vì nhiễm trùng có khả năng lan tràn vào trong hộp sọ thông qua xoang hang.

 

CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ

43.1 Câu nào dưới đây mô tả đúng nhất các lớp của da đầu?
A. Da, cân, mô liên kết đặc, màng xương
B. Da, mô liên kết lỏng lẻo, cân, màng xương
C. Da, mô liên kết đặc, cân, mô liên kết lỏng lẻo, màng xương
D. Da, cân, mô liên kết lỏng, cơ, màng xương

43.2 Một người phụ nữ 65 tuổi vào viện vì đau dữ dội nửa đầu bên phải. Một phẫu thuật viên mạch máu đã lấy một mảnh sinh thiết mạch máu ở sâu hơn cơ thái dương. Động mạch nào dưới đây đã được lấy mẫu?
A. Động mạch màng não giữa
B. Động mạch cảnh ngoài
C. Động mạch mắt
D. Động mạch thái dương sâu

Advertisement

43.3 Một nhà thần kinh học sử dụng một chiếc kim nhỏ để khám cảm giác phía trước da đầu ở gần đường chân tóc cho một nam thanh niên 26 tuổi. Dây
thần kinh nào dưới đây chi phối cho vùng da đó?
A. Thần kinh V
B. Thần kinh VII
C. Thần kinh X
D. Thần kinh sống cổ 2 (C2)

 

ĐÁP ÁN

43.1 C. Các lớp của da đầu có thể được nhớ là SCALP: Skin- Da, Connective tissue- Mô liên kết, Aponeurosis- Cân, Loose connective tissue- Mô liên kết lỏng lẻo, Periosteum- Màng xương.
43.2 D.Động mạch thái dương sâu nằm ở sâu hơn cơ thái dương và đôi khi có liên quan đến tình trạng viêm (viêm động mạch thái dương). Viêm động mạch thái dương hay viêm động mạch tế bào khổng lồ đặc trưng bởi đau đầu và đau nhiều khớp.
43.3 A.Phần trước của da đầu được chi phối bởi thần kinh V, trong khi phần sau da đầu được chi phối bởi thần kinh sống C2.

 

CẦN GHI NHỚ
• Các mạch cấp máu cho da đầu tách ra từ các nhánh của động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài.
• Chi phối cảm giác cho da đầu đến từ thần kinh sinh ba: phía trước bởi thần kinh trên ổ mắt và trên ròng rọc, phía ngoài bởi thần kinh tai thái dương. Phần sau được chi phối bởi thần kinh sống cổ C2 và C3. Thần kinh sống C1 không có thành phần cảm giác.
• Sau một chấn thương đầu ở trẻ sơ sinh, chẳng hạn như trong sinh đường dưới có sử dụng giác hút, các động mạch trong màng xương có thể bị tổn thương và tạo nên khối máu tụ dưới màng xương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
GilroyAM, MacPhersonBR, RossLM. Atlas of Anatomy, 2nded. NewYork, NY: ThiemeMedical Publishers; 2012: 488−489, 516−517, 528−529.
MooreKL, DalleyAF, AgurAMR. Clinically Oriented Anatomy, 7thed. Baltimore, MD: Lippincott Williams & Wilkins; 2014:843−844, 856,860−861.
Netter FH. Atlas of Human Anatomy, 6th ed. Philadelphia, PA: Saunders; 2014: plates 3, 14.

 

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …