[Case lâm sàng 169] Sỏi tuyến nước bọt

Rate this post

Một người phụ nữ 36 tuổi phàn nàn về sưng và đau vùng dưới hàm bên trái, đặc biệt là sau khi ăn. Khi thăm khám, bệnh nhân có phù và ấn đau vùng dưới hàm bên trái. Phát hiện một khối cứng, khoảng 4mm, không đều, không di động trong niêm mạc miệng. Tiền sử không có chấn thương vào vùng này và không có bất kỳ rối loạn nào về ăn uống.
• Chẩn đoán có khả năng nhất?
• Đường đi của cấu trúc giải phẫu bị ảnh hưởng?

 

LỜI GIẢI ĐÁP: Sỏi tuyến nước bọt (Salivary Stone)

Tóm tắt: Một người phụ nữ 36 tuổi phàn nàn về sưng và đau vùng dưới hàm bên trái. Khi thăm khám, ấn đau vùng tuyến nước bọt dưới hàm trái và có một khối cứng, 4mm, không đều, dọc theo sàn miệng. Không có chấn thương vào vùng này và không có rối loạn ăn uống.
Chẩn đoán có khả năng nhất: sỏi trong ống tuyến dưới hàm(Bệnh sỏi tuyến nước bọt – sialolithiasis).
Đường đi của cấu trúc bị ảnh hưởng: ống tuyến nước bọt dưới hàm dẫn sản phẩm tiết từ thùy sâu của tuyến đi ra trước ngoài dọc theo nền lưỡi. Tắc ống tuyến do sỏi sẽ dẫn đến tích tụ nước bọt tiết ra, do đó sẽ gây ra căng và đau.

 

TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG

Người phụ nữ 36 tuổi này đột ngột khởi phát đau vùng dưới hàm trái. Đau nhiều nhất là sau bữa ăn. Bệnh nhân cũng phàn nàn về cảm giác “giống như có cát” hoặc “có sạn” trong miệng. Tuyến nước bọt dưới hàm trái sưng phồng. Các triệu chứng này phù hợp nhất với sỏi trong ống tuyến nước bọt. Đau sau ăn là do tăng tiết nước bọt đồng nghĩa với việc tăng tích tụ nước bọt phía gần của sỏi, làm giãn căng ống tuyến hoặc bao tuyến. Sưng lan tỏa có thể là do nhiễm trùng thứ phát. Sinh bệnh học của bệnh sỏi tuyến nước bọt thì không được biết rõ nhưng dường như là do sự có mặt của các hạt nhỏ trong ống tuyến, đóng vai trò như một nhân để lắng đọng các chất vô cơ và hữu cơ. Các hạt này có thể là thức ăn, vi khuẩn, hoặc thành phần vô cơ trong khói thuốc lá. Bước chẩn đoán tiếp theo là nội soi tuyến nước bọt (sialoendoscopy). Điều trị sẽ là loại bỏ sỏi thông qua nội soi và liệu pháp kháng sinh. Nếu cần thiết, có thể phẫu thuật cắt bỏ tuyến.

 

TIẾP CẬN: Các tuyến nước bọt

MỤC TIÊU

1. Mô tả được các tuyến nước bọt và đường đi của các ống tuyến của chúng tới khoang miệng
2. Xác định được các cấu trúc trong sàn miệng có liên quan tới tuyến nước bọt dưới hàm

 

ĐỊNH NGHĨA

NÚM (CARUNCLE): chỗ lồi nhỏ, hoặc nhú nhỏ
HÃM (FRENULUM): nếp niêm mạc kéo dài dọc theo đường giữa từ sàn miệng đến mặt dưới của lưỡi

 

BÀN LUẬN

Ba tuyến nước bọt tạo thành một vòng không đều lấp đầy các khoảng trống quanh khoang miệng (Hình 45-1). Tuyến mang tai nằm nông, ở phía sau cành lên xương hàm dưới và phía dưới tai. Tuyến dưới hàm nằm ở dưới góc hàm và thân xương hàm dưới, ở nông hơn cơ hàm móng. Tuyến dưỡi lưỡi nằm trong sàn miệng giữa xương hàm dưới và cơ cằm lưỡi. Tất cả các tuyến nước bọt đều tiết nước bọt đổ vào khoang miệng thông qua các ống tuyến đặc trưng. Ống tuyến mang tai lộ ra từ bờ trước của tuyến mang tai. Ống tuyến mang tai bắt chéo qua mặt nông cơ cắn, và xuyên qua cơ mút để mở vào khoang miệng, thường ngang mức răng hàm lớn thứ 2 hàm trên. Ống tuyến dưới hàm hình thành từ thùy sâu của tuyến, ở sâu hơn cơ hàm móng. Ống này chạy ở phía trước trên bề mặt của cơ móng lưỡi và mở vào khoang miệng qua núm dưới hàm, ngay ngoài hãm lưỡi. Tuyến dưới lưỡi cho ra rất nhiều ống nhỏ đổ vào nền lưỡi.

Ống tuyến dưới hàm có liên quan gần với một vài cấu trúc quan trọng của sàn miệng. Các nếp của tuyến dưới hàm bao quanh bờ tự do phía sau của cơ hàm móng, và ống tuyến thì phát sinh từ thùy sâu của tuyến. Nó đi ra trước giữa cơ hàm móng và cơ móng lưỡi ,và sau đó đi trên mặt sâu của tuyến dưới lưỡi.

Thần kinh hạ thiệt (thần kinh sọ XII) đi ở phía dưới ống tuyến dưới hàm để vào mặt dưới của cơ cằm lưỡi. Thần kinh lưỡi đi xuống trên bề mặt của cơ chân bướm trong và vòng dưới ống tuyến dưới hàm trước khi chi phối cho phần trước của lưỡi.

 

 

CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ

45.1 Một nam thanh niên 22 tuổi tham gia vào một trận đánh nhau bằng dao sau một trận bóng đá. Bệnh nhân được đưa đến khoa cấp cứu với một vết rách 8cm vùng má phải, đi từ tai phải đến gần góc miệng. Cấu trúc nào dưới đây nhiều khả năng đã bị tổn thương?
A. Ống tuyến mang tai
B. Ống tuyến dưới hàm
C. Động mạch thái dương nông
D. Động mạch lưỡi
E. Nhánh hàm dưới của thần kinh mặt

45.2 Một phụ nữ 45 tuổi đang trải qua một phẫu thuật cắt bỏ tuyến nước bọt vì nghi ngờ ung thư. Sau phẫu thuật, bệnh nhân không thể cử động lưỡi một cách bình thường. Phẫu thuật trên nhiều khả năng thực hiện trên tuyến nước bọt nào?
A. Tuyến mang tai
B. Tuyến dưới lưỡi
C. Tuyến dưới hàm
D. Tuyến hàm trên

45.3 Một thiếu nữ 16 tuổi được mẹ đưa tới gặp bạn vì mẹ bệnh nhân nghi ngờ có rối loạn về ăn uống. Bệnh nhân thể trạng bình thường, sưng hai bên má nhưng không đau và có nhiều răng sâu. Chẩn đoán có khả năng nhất?
A. Chứng biếng ăn thần kinh (anorexia nervosa)
B. Chứng cuồng ăn (bulimia)
C. Hội chứng ruột kích thích
D. Chứng cuồng ăn giả tạo (Facetious hyperphagia)

 

ĐÁP ÁN

45.1 A. Nhánh má của thần kinh mặt và ống tuyến mang tai đi trong vùng má và có thể được xác định bằng một đường kẻ từ bình tai (hoặc lỗ tai ngoài) đến góc miệng.

45.2 C.Thần kinh hạ thiệt đi ở sâu hơn tuyến dưới hàm, và tổn thương dây thần kinh này sẽ gây ra yếu hoặc liệt các cơ của lưỡi.

Advertisement

45.3 B. Tăng kích thước tuyến mang tai và sâu nhiều răng là các triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn (bulimia). Những bệnh nhân này có thể có cân nặng bình thường hoặc hơi thừa cân, với đặc trưng là hành vi ăn uống vô độ, và hậu quả là nôn mửa và sử dụng thuốc nhuận tràng.

 

 

CẦN GHI NHỚ

• Thần kinh mặt (thần kinh sọ VII) đi qua nhu mô của tuyến nước bọt mang tai và chi phối cho các cơ mặt. Tuyến nước bọt mang tai nhận chi phối vận tiết phó giao cảm từ thần kinh thiệt hầu (IX).
• Ống tuyến nước bọt mang tai xuyên qua cơ mút ở ngang mức răng hàm trên số 2, và phần tận cùng của nó thường quan sát thấy được trong khi thăm khám niêm mạc má.
• Trong suốt đường đi về phía trước trong trong sàn miệng, ống tuyến dưới hàm có liên quan mật thiết với thần kinh hạ thiệt và thần kinh lưỡi.
• Chi phối vận tiết phó giao cảm cho cả tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi là bởi các sợi của dây thần kinh mặt (VII).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
GilroyAM, MacPhersonBR, RossLM. Atlas of Anatomy, 2nded. NewYork, NY: ThiemeMedical Publishers; 2012:580−581.
MooreKL, DalleyAF, AgurAMR. Clinically Oriented Anatomy,7thed. Baltimore, MD: Lippincott Williams & Wilkins; 2014:914−915, 943−945,950.
NetterFH. Atlas of Human Anatomy, 6thed. Philadelphia, PA:Saunders;2014:plates46,58−59.

 

 

Giới thiệu Lê Minh Thư

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …