[Case lâm sàng 171] Tràn dịch tai giữa (Middle Ear Effusion)

Rate this post

Một cậu bé 12 tuổi phàn nàn rằng nghe khó ở tai trái khoảng 2 tuần nay. Bệnh nhi mô tả rằng âm nhạc và tiếng nói dường như “xa xăm” (far away). Tiền sử có viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Khi thăm khám, bệnh nhi không sốt, màng nhĩ trái chuyển màu vàng và di chuyển rất ít khi bơm không khí vào. Màng nhĩ phải bình thường.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất?
  • Giải phẫu lâm sàng cho tình trạng này?

LỜI GIẢI ĐÁP:

Tràn dịch tai giữa (Middle Ear Effusion)

Tóm tắt: Một cậu bé 12 tiền sử viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis) và hen (asthma) 2 tuần nay xuất hiện nghe khó bên tai trái. Bệnh nhi không sốt nhưng màng nhĩ trái chuyển sang màu vàng, và giảm khả năng di động khi bơm không khí vào.

  • Chẩn đoán có khả năng nhất: tràn dịch tai giữa
  • Giải phẫu lâm sàng: dịch ở tai giữa sẽ cản trở truyền âm thanh bởi hệ thống xương con của tai

TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG

Sóng âm được thu thập bởi loa tai và ống tai ngoài sẽ tạo ra rung động của màng nhĩ. Những rung động này được truyền đi, sang hệ thống xương con gồm xương búa, xương đe, xương bàn đạp. Sự dao động của xương bàn đạp tạo ra sự chuyển động của nội dịch trong ốc tai, để sau đó được chuyển thành các xung thần kinh chịu trách nhiệm cho cảm giác thính giác. Dịch trong tai giữa (tràn dịch) cản trở sự chuyển động của màng nhĩ và hệ thống xương con. Tích tụ dịch ở tai giữa là thứ phát sau tắc nghẽn vòi nhĩ, viêm đường hô hấp trên hoặc phản ứng dị ứng. Thổi khí qua ống soi tai (otoscope) vào trong tai bệnh nhân mà không tạo ra rung động bình thường của màng nhĩ, sẽ nghi ngờ hơn nữa đến tràn dịch tai giữa. Nhiễm trùng là không phù hợp trong case này vì bệnh nhi không sốt, màng nhĩ không đỏ. Điều trị bao gồm kháng histamin, thuốc giảm sung huyết (decongestant), và trong những trường hợp nặng, có thể phải phẫu thuật rạch màng nhĩ (myringotomy) để dẫn lưu dịch và đặt ống dẫn lưu.

TIẾP CẬN:

Tai

MỤC TIÊU

  • Mô tả đươc cấu tạo giải phẫu của ống tai ngoài
  • Mô tả được cấu tạo giải phẫu của màng nhĩ và 3 xương con
  • Nắm được cấu trúc của tai giữa và các cấu trúc thông với nó

ĐỊNH NGHĨA

THỔI (INSUFFLATION): thổi bột hoặc khí vào trong một khoang của cơ thể, trong trường hợp này thổi qua ống soi tai, để đánh giá có dịch ở tai giữa hay không.

NGOẠI DỊCH/NỘI DỊCH (PERILYMPH/ENDOLYMPH): các mê đạo xương của tai trong có chứa mê đạo màng. Chứa trong ống ốc tai của mê đạo màng là nội dịch, một chất dịch có thành phần tương tự dịch nội bào (natri thấp và kali cao). Các khoang chứa nội dịch và ngoại dịch không thông với nhau.

TRÀN DỊCH (EFFUSION): sự lan tràn của dịch vào trong một khoang. Trong trường hợp này, nguồn gốc của dịch là từ phản ứng viêm do tình trạng dị ứng.

RẠCH MÀNG NHĨ (MYRINGOTOMY): màng nhĩ được rạch và đặt qua vết rạch một ống dẫn lưu để dẫn lưu dịch ra ngoài.

BÀN LUẬN

Tai ngoài bao gồm loa tai ống tai ngoài. Loa tai là một cấu trúc sụn đàn hồi được phủ bởi da và có một vài phần với tên khác nhau, một trong số đó là loa có tác dụng tập hợp các sóng âm đưa xuống ống tai ngoài (Hình 47-1). Ống tai ngoài được lót bởi da, 1/3 ngoài cấu tạo bởi sụn, 2/3 trong là xương. Ống tai ngoài đi theo hướng trước trong hình chữ S, vì vậy có thể được làm thẳng bằng cách kéo loa tai lên trên và ra sau.

Đầu tận phía trong của ống tai ngoài được đóng kín bởi màng nhĩ, một màng hình nón, đường kính khoảng 1 cm, được tạo nên bởi các sợi collagen và sợi đàn hồi, được che phủ phía ngoài bởi một lớp da mỏng và phía trong bởi một màng niêm mạc của tai giữa. Phần chóp của nón màng nhĩ được gọi là rốn màng nhĩ. Phần sáng khi được chiếu đèn soi tai gọi là nón sáng, nón sáng bắt đầu từ rốn màng nhĩ và đi trực tiếp về phía trước dưới. Một mỏm của xương búa (còn gọi là cán búa) áp vào mặt trong màng nhĩ và đỉnh của nó cũng gắn vào rốn màng nhĩ. Xương búa có một mỏm ngoài, mỏm này phình ra ở phía ngoài phần trên của màng nhĩ. Phần màng nhĩ ở trên mỏm ngoài xương búa được gọi là phần chùng (pars flaccida), phần còn lại được gọi là phần căng (pars tensa). 3 ba xương con đi trong khoang tai giữa hay hòm nhĩ từ ngoài vào trong gồm xương búa, xương đexương bàn đạp. Mỗi xương có các cấu tạo đặc biệt riêng. Với một màng nhĩ bình thường, có thể nhìn thấy rõ cán xương búa, và ngành dài xương đe thường thấy nằm sau xương búa. Xương bàn đạp trông giống một chiếc bàn đạp với phần nền bàn đạp gắn vừa vặn với cửa sổ bầu dục trên thành trong của hòm nhĩ. Các chuyển động vào trong – ra ngoài (lắc qua lắc lại) của bàn đạp truyền các sóng áp lực qua nội dịch trong ốc tai, nơi mà các xung thần kinh cho cảm giác thính giác được tạo ra. Chuyển động quá mức của chuỗi xương con với những tiếng ồn (âm lớn) được hạn chế bởi cơ căng màng nhĩ (bám vào xương búa) và cơ bàn đạp (bám vào xương bàn đạp). Những

Advertisement
cơ này lần lượt được chi phối bởi thần kinh sọ V và VII.

Hòm nhĩ được chứa trong phần đá của xương thái dương. Hòm nhĩ như được chứa trong một cái hộp với 1 trần, 4 thành, và 1 sàn. Bảng 47-1 liệt kê các đặc điểm, cấu trúc liên quan, và lỗ mở cho mỗi thành. Hòm nhĩ được lót bằng một màng niêm mạc. Hòm nhĩ chứa thừng nhĩ (một nhánh của thần kinh VII) và đám rối nhĩ (thần kinh IX) bên cạnh các xương nhỏ của tai và các cơ liên quan của chúng. Áp suất khí trong hòm nhĩ được cân bằng với tỵ hầu qua ống nhĩ hầu hay vòi tai (vòi eustachio).

Tài liệu tham khảo:

Eugene C. Toy, MD

Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas

Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas

John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas

Lawrence M. Ross, MD, PhD

Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Han Zhang, MD

Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas

Cristo Papasakelariou, MD, FACOG

Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center  Houston, Texas

Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”

Xem tất cả case lâm sàng tại:

https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/

Giới thiệu nguyentrungtin7

Check Also

[Xét nghiệm 59] Hormon tạo hoàng thể (LH)

HORMON TẠO HOÀNG THỂ (LH) (Hormone lutéinisante / Luteinizing Hormone) Nhắc lại sinh lý Hormon …