Một thợ sửa chữa thiết bị gia đình 48 tuổi phàn nàn rằng công việc của anh ta đang trở nên khó khăn vì cánh tay và bàn tay phải tê, yếu và đau. Dị cảm và yếu cánh tay tăng lên khi bệnh nhân nâng cánh tay lên qua đầu như khi vẽ hay gõ búa. Thỉnh thoảng, tê bì làm bệnh nhân thức giấc vào ban đêm, và tê nhất ở mặt gan của ngón 4, 5. Bệnh nhân cũng nhận thấy rằng bàn tay và các ngón tay phải đôi khi trở nên nhợt nhạt và lạnh hơn bên trái. Tiền sử khỏe mạnh và không có bất kỳ chấn thương nào. Khi thăm khám, một số cơ teo rõ ở bàn tay phải. Dấu hiệu Phalen và Tinel âm tính. Bệnh nhân không thể hoàn thành test gắng sức nâng cánh tay (elevated arm stress test- EAST hay Roos test ) (test “giơ tay” hay test kiếm tra sự dẻo dai của cơ xương vùng vai) do cảm giác nặng nề và mỏi tay phải. (Trong bài kiểm tra này, bệnh nhân nắm và mở bàn tay trong 3 phút trong khi cánh tay xoay ngoài và giạng một góc 90 ° với khuỷu tay gấp 90°)
- Chẩn đoán có khả năng nhất?
- Cấu trúc giải phẫu nào nhiều khả năng đã bị ảnh hưởng?
- Các nguyên nhân thường gặp là gì?
LỜI GIẢI ĐÁP:
Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome)
Tóm tắt: Một người đàn ông 48 tuổi xuất hiện đau, dị cảm và yếu cánh tay và bàn tay phải, tình trạng này nặng lên khi giạng cánh tay và vào ban đêm. Bệnh nhân cũng có dấu hiệu giảm tưới máu đến bàn tay phải (nhợt nhạt và lạnh). Khi thăm khám, EAST dương tính và teo cơ bàn tay phải.
- Chẩn đoán có khả năng nhất: hội chứng lối thoát ngực
- Cấu trúc bị tổn thương: thần kinh (các nhánh của đám rối cánh tay), động mạch (động mạch dưới đòn), tĩnh mạch (tĩnh mạch dưới đòn)
- Nguyên nhân thường gặp: thường liên quan đến một xương sườn cổ, nhưng cũng có thể do bất thường về dây chằng, phì đại cơ bậc thang trước hoặc chấn thương vùng cổ
TƯƠNG QUAN LÂM SÀNG
Người đàn ông này phàn nàn về các triệu chứng thần kinh (tê và đau) cũng như các triệu chứng giảm tưới máu ngoại biên (nhợt nhạt và lạnh) ở cánh tay và bàn tay phải gợi ý tổn thương các cấu trúc động mạch và thần kinh – nhánh của đám rối cánh tay và động mạch dưới đòn. (Tĩnh mạch dưới đòn cũng có thể liên quan, gây ra các dấu hiệu tĩnh mạch như sưng và phù). Các triệu chứng và dấu hiệu trở nên tồi tệ hơn khi tăng vận động các cấu trúc này; hoặc với tư thế làm chèn ép thêm các cấu trúc này. Các cấu trúc trên đi qua “lối thoát ngực”, giữa xương đòn và xương sườn đầu tiên. Đám rối cánh tay và động mạch dưới đòn cũng chạy giữa cơ bậc thang trước và cơ bậc thang giữa. (Tĩnh mạch dưới đòn đi ở trước cơ bậc thang trước, điều này giải thích tại sao nó ít khi bị chèn ép). EAST, test Adson hay nghiệm pháp sườn đòn (costoclavicular maneuver) có thể giúp phát hiện hội chứng lối thoát ngực nhưng không giúp cho việc chẩn đoán xác định. X-quang, MRI, và EMG cũng có thể hữu ích trong việc chứng minh sự chèn ép. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, điều trị có thể thay đổi từ việc kéo giãn và vật lý trị liệu đến phẫu thuật.
TIẾP CẬN:
Lối thoát ngực (Thoracic Outlet)
MỤC TIÊU
- Mô tả được giải phẫu của lối thoát ngực và các cấu trúc thoát ra qua lỗ này
- Mô tả được các cấu trúc liền kề có nguy cơ bị ảnh hưởng do bất kỳ quá trình bệnh lý hay cấu trúc bệnh lý nào ở tại hoặc gần lối thoát ngực
ĐỊNH NGHĨA
XƯƠNG SƯỜN CỔ (CERVICAL RIB): một xương sườn thừa bất thường (thường cả 2 bên) tạo khớp với đốt sống C7, gây căng kéo các cấu trúc thoát ra từ lối thoát ngực hoặc ở gần đó
BÀN LUẬN
Trong khi các nhà lâm sàng gọi lỗ mở phía trên của khoang ngực là lối thoát ngực (thoracic outlet) thì các nhà giải phẫu học gọi lỗ này là lỗ ngực trên (superior thoracic aperture). Lỗ ngực trên được giới hạn ở phía trước bởi bờ trên cán xương ức, ở phía ngoài bởi xương sườn thứ nhất và sụn sườn của nó, và ở phía sau bởi thân đốt sống T1.
Lỗ ngực trên như một tuyến đường cho các cấu trúc đi vào và đi ra khỏi lồng ngực. Các cấu trúc từ cổ đi xuống để vào ngực gồm thực quản, khí quản, động mạch ngực trong, tĩnh mạch dưới đòn và tĩnh mạch cảnh trong, thần kinh phế vị, thần kinh tim, thần kinh hoành và thân giao cảm. Các cấu trúc đi ra khỏi lồng ngực qua lỗ ngực trên gồm đỉnh của phổi và màng phổi, động mạch dưới đòn và thần kinh thanh quản quặt ngược (xem hình 58-1).
Các cấu trúc giải phẫu và lâm sàng quan trọng gần lỗ ngực trên là các cơ bậc thang trước, chúng bám tận vào xương sườn đầu tiên; và động tĩnh mạch dưới đòn, lần lượt liên quan ở phía sau và phía trước với vị trí bám tận của cơ bậc thang trước. Ngay phía trên động mạch dưới đòn là phần thấp của đám rối cánh tay, nguồn gốc của các thần kinh chính của chi trên. Đám rồi này lộ ra từ giữa cơ bậc thang trước và cơ bậc thang giữa. Do đó, cả cấp máu và chi phối thần kinh cho chi trên nằm trong hoặc liên quan về giải phẫu rất gần với lỗ ngực trên.
Tài liệu tham khảo:
Eugene C. Toy, MD
Vice Chair of Academic Affairs and Program Director Houston Methodist Hospital Obstetrics and Gynecology Residency Program Houston, Texas
Clinical Professor and Clerkship Director Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical School at Houston Houston, Texas
John S. Dunn Senior Academic Chair St. Joseph Medical Center Houston, Texas
Lawrence M. Ross, MD, PhD
Adjunct Professor Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Han Zhang, MD
Associate Professor, Research Department of Neurobiology and Anatomy University of Texas Medical School at Houston, Texas
Cristo Papasakelariou, MD, FACOG
Clinical Professor, Department of Obstetrics and Gynecology University of Texas Medical Branch Galveston, Texas Clinical Director of Gynecologic Surgery St.Joseph Medical Center Houston, Texas
Tham khảo bản dịch của nhóm “Chia sẻ ca lâm sàng”
Xem tất cả case lâm sàng tại:
https://ykhoa.org/category/khoa-hoc/ca-lam-sang/