(CHUYỆN Y KHOA ) SARS – COVI – 2: ĐÔI ĐIỀU TẢN MẠN

Rate this post

Với những người sống ở Hà Nội, bia hơi chắc chắn được coi là một nét văn hóa, là nhu cầu tất yếu toàn dân. Mọi quán bia đều trở nên nổi tiếng, nổi tiếng đến nỗi buổi chiều sau giờ làm việc chỉ cần ngồi lên chiếc taxi hoặc xe ôm, người lái xe hiểu ngay khách cần đi uống bia ở đâu và sẽ chẳng bao giờ bị sai địa chỉ.

Chiều nay, có người bạn rủ tôi đến một địa điểm tuyệt vời, nơi luôn có bia mới lấy từ nhà máy, cùng với món ăn ngon, lại có những em gái rót bia xinh đẹp xếp thành hàng dài.

Nhưng hôm nay quán bia không có khách.

Người phục vụ cũng chẳng thấy ai. Tôi tìm mãi, tìm mãi mới phát hiện ra phía sau cây hoa mùa xuân đang nở rộ, một em gái bia cười trong bụi rậm.

Em rót ra 2 cốc bia.

Chúng tôi nhìn mặt trời và uống.

Gọi món ăn, món nào em gái bia cũng trả lời không có, hoặc phải chờ rất rất lâu. Anh bạn đứng dậy ra xe. Một lúc sau quay vào với túi tôm càng lớn, anh giải thích đó là tôm hùm, loại tôm được kêu gọi giải cứu nhiều nhất trên Facebook.

Tôm hùm bọc dầu Bali.

Loại dầu đỏ ngon nhất trên trái đất, trộn với nhiều loại gia vị khác nhau, đốt trên than hồng tạo ra một thứ nước cốt neo vào vỏ tôm. Đặt cốc bia xuống, tôi vặt đầu tôm đi, thịt tôm hùm đầy và chắc, cắn xuống, hương thơm tươi mát mang theo vị cay, nó làm dịu răng, hương vị là vô tận.

Bia hơi làm cho tôi cảm thấy được xoa dịu khắp cơ thể.

Anh bạn than phiền, rằng mọi năm các bệnh viện giờ này phải mua rất nhiều thiết bị và vật tư tiêu hao, cuối mỗi ngày anh chỉ việc ngồi cộng sổ đếm tiền, nhưng năm nay chẳng hiểu sao dịch giã nhiều là vậy, mà hàng của anh ế ẩm, bán không bằng 1/3 so với năm ngoái.

Tôi quên chưa giới thiệu anh bạn buôn thiết bị vật tư y tế.

Hôm nay anh rủ tôi đi uống bia, để hỏi xem tại sao hàng của anh lại ế, có cách nào giải cứu. Tôi trả lời rằng vật tư và thiết bị y tế, đó là thứ rất khác với tôm hùm, nên không thể giải cứu.

Tôi giải thích thêm rằng, từ tết đến nay có đại dịch COVID-19, dân được hướng dẫn rửa tay đúng cách, lại biết đeo khẩu trang cũng đúng cách, ăn uống điều độ và giữ gìn sức khỏe, nên rất ít người bị ốm. Bệnh viện trừ tuyến cuối, còn lại nơi nào cũng vắng từ một nửa đến hai phần ba, bệnh nhân mắc bệnh hô hấp rất hiếm, cúm mùa từ tết đến giờ cũng chỉ lác đác chứ không nhiều như mọi năm.

Tai nạn giao thông, có lẽ thấy sự khác biệt rõ nhất, số lượng bệnh nhân giảm đi trông thấy, vì hội hè và các sự kiện tụ tập đông người đã bị giải tán, người ta ít ra đường hơn, phố xá quy củ hơn.

Tôi thực sự ái ngại cho hệ thống y tế tư nhân, rất có thể dịch sẽ kéo dài đến một năm rưỡi thậm chí hơn, chia làm 3 đợt giống như SARS-CoV-1 năm 2003, thì nhiều phòng khám sẽ phải đóng cửa vì không có bệnh nhân.

Anh bạn hỏi tôi: vậy các nước trên thế giới thì như thế nào?

Các nước khác cũng vậy. Tôi chưa cập nhật con số chính xác, nhưng Nhật Bản năm trước cỡ 150 ngàn người bị cúm năm nay giảm xuống còn 70 ngàn, Mỹ dự tính 26 triệu mà đến giờ mới chỉ mắc hơn chục triệu, Hàn Quốc cũng giảm đi trông thấy.

Vừa nghe nói đến Hàn Quốc, anh bạn vội cắt lời, rằng anh tưởng bên đó sắp chết đến nơi.

Tôi kể cho anh nghe, về cuộc sống ở thành phố Deagu, giờ này, nếu người dân được một bát mì lạnh và một cốc bia lạnh, là đủ để hạnh phúc cả đêm.

Deagu, một thành phố nhộn nhịp đứng thứ 4 của Hàn Quốc, bỗng chốc trở nên trống rỗng, như một thành phố ma. Các hoạt động ở Deagu, ban ngày cũng giống ban đêm, chỉ nhấp nháy hiếm hoi, nó xảy ra ở vài cửa hàng bán khẩu trang, mặc dù mặt hàng này đặc biệt trở nên quý hiếm, nhưng đã không còn.

Cảnh im lặng kì lạ ở Deagu, bởi đây là ổ dịch COVID-19 bùng phát, đưa con số người nhiễm lên 833 trường hợp, gấp 27 lần chỉ trong 6 ngày, đặc biệt với cái chết thứ 8 liên quan đến vi rút đã được thông báo.

Hơn một nửa số ca nhiễm ở Hàn Quốc, được xác định có liên quan đến một giáo phái bí mật ở Deagu, những người lây nhiễm nhưng lại không trung thực và trốn tránh cách li, trong đó có một phụ nữ 61 tuổi được coi là “bệnh nhân số 31 – siêu lây nhiễm” đã 4 lần bỏ trốn và gây bệnh cho hơn 80 người.

Nhà thờ Shincheonji, nơi giáo phái bí ẩn tụ tập cầu nguyện 8.000 – 9.000 người mỗi ngày cuối tuần, họ ngồi sát lên đùi nhau, người ốm cũng bắt buộc phải đến nhà thờ cầu nguyện và không được phép đeo khẩu trang. Khi dịch bùng phát trở nên công khai, thành viên của giáo phái đã phát tán một tin nhắn kêu gọi tất cả giữ im lặng khi chính quyền hỏi thăm, họ còn tuyên bố dịch COVID-19 là công việc của quỷ Satan.

Giáo phái “Thiên đường & Địa ngục Mới” đã biến thành phố Deagu trở nên ma quái.

Anh bạn ngắt lời tôi, giáo phái là “Tân Thiên Địa”, tại sao tôi lại gọi là “Thiên đường & Địa ngục Mới”?

Tôi phải giải thích rằng, chữ “Tân Thiên Địa” hao hao giống với cái tên vi rút là “Tân Vương miện”, nên tôi dịch nôm na tiếng Việt để tránh nói nhịu. Qua báo chí tôi biết, nhiều người Hàn nổi giận với giáo phái này khi để xảy ra lây nhiễm SARS-CoV-2. Tôi không đả phá bất cứ giáo phái nào, kể cả chùa Ba Vàng ở Việt Nam định phát tâm bồ đề khống chế dịch COVID-19, sư Minh kêu gọi Phật tử 4 phương tụ tập đông người để giải hạn.

Tôi không đả phá các giáo phái, bởi lẽ tôn giáo không có sự đúng sai, chỉ có tin hay không tin.

Thực hành tôn giáo, theo tôi, phải bằng cả trái tim và tâm trí, bởi mục đích cuối cùng của tôn giáo là hướng thiện, cứu rỗi và giải thoát, thông qua những việc làm tốt đẹp.

Nếu không có trái tim, thì tôn giáo trở nên độc ác; nếu không có tâm trí, thì tôn giáo thở thành ngu muội.

Rõ ràng việc giáo phái “Thiên đường & Địa ngục Mới” tụ tập hàng ngàn người để cầu nguyện, bắt người ốm cũng phải cầu nguyện và không được đeo khẩu trang, việc làm đó giữa lúc dịch giã bùng phát, ngược lại với khuyến cáo của khoa học; như vậy là thiếu đi tâm trí.

Rất may sư Minh không tụ tập được số đông Phật tử để bắt vi rút SARS-CoV-2!

Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia, người cũng là bác sĩ Xquang và cũng là một quân nhân, ông khẳng định chắc như đinh đóng cột, là nhờ có cầu nguyện mà người dân Indonesia không bị nhiễm SARS-CoV-2. Tôi không quan tâm điều ông bộ trưởng nói đúng hay sai, mà tôi nghĩ nếu giáo chủ “Thiên đường & Địa ngục Mới” cũng kêu gọi tín đồ ngồi ở nhà cầu nguyện, thì có lẽ Hàn Quốc không xảy ra thảm họa. Và sư Minh nếu cũng kêu gọi các Phật tử – khi dịch giã đang ở cao trào, hãy ngồi ở nhà phát tâm cầu nguyện, thì tôi tin người dân sẽ không nổi giận và chính quyền cũng không cấm.

Deagu một chiều mưa lạnh…

Anh bạn tự dưng thở dài, ngửa cổ uống hết cốc bia, thở thêm một lần nữa, rồi anh thì thầm, tôi cảm tưởng đó là những câu thơ buồn bã.

Deagu chiều này chẳng có mùa xuân
Cánh bướm nhỏ cũng chẳng thèm về đậu…

Kể từ khi dịch bùng phát bắt nguồn từ giáo phái lạ, hơn 2,4 triệu dân thành phố Deagu đã đóng cửa ở trong nhà và tránh tham gia các cuộc tụ tập đông người, ngay cả những lính Mỹ ở căn cứ quân sự cũng không dám tự do đi lại, binh lính Hàn Quốc đã có 11 người nhiễm bệnh.

Đang kể đến đoạn 11 binh lính Hàn Quốc bị nhiễm SARS-CoV-2, tôi bỗng nghe thấy tiếng sụt sịt, rồi tiếng khóc to dần. Tôi hướng sự chú ý ra phía sau cây hoa mùa xuân đang nở rộ, nơi có em gái bia khóc trong bụi rậm.

Tôi hỏi tại sao em khóc, thì em nghẹn ngào nói không biết giờ này anh Ri có bị làm sao không. Tôi hỏi anh bạn xem Ri là ai? Thì được biết đó là nhân vật lấy đi hàng lít nước mắt của chị em trong bộ phim truyền hình Hàn Quốc có nhan đề “Hạ cánh nơi anh” đang chiếu trên VTV.

Bỏ qua câu chuyện anh Ri hao hao giống lãnh tụ Bắc Korea, tôi nói tiếp về những tòa nhà cao tầng ở Hàn Quốc, nơi diễn ra các sự kiện lớn đều đóng cửa, khu chợ lớn nhất Deagu chứa đầy cá tươi và quần áo cũng được lệnh tạm dừng hoạt động, đường phố không bóng người, chỉ có quan chức chính phủ mặc áo vàng đi phun thuốc khử trùng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in đã ấn ngón tay của mình vào nút báo động đỏ, nâng hệ thống cảnh báo quốc gia lên mức cao nhất trong cấp 4 độ, đặt Hàn Quốc vào tình huống bị đe dọa nghiêm trọng, yêu cầu phải có các biện pháp phản ứng mạnh mẽ chưa từng thấy.

Quốc lệnh đầu tiên, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện các biện pháp ngăn chặn đi lại trong nước, chặn toàn bộ các hoạt động công cộng, hủy bỏ lễ khai giảng và đóng cửa tất cả trường học cho đến hết ngày 9 tháng 3, riêng cư dân thành phố Deagu đã có lệnh hạn chế bước ra khỏi cửa nhà.

Sức nóng của Hàn Quốc đang phả vào mặt Hà Nội và Sài Gòn!

Theo nguồn tin từ các báo, hiện Hà Nội có hơn 21.000 người Hàn Quốc, hơn 8.400 người Nhật Bản, hơn 2.700 người Trung Quốc, hơn 2.200 người Pháp,…

Cũng như vậy, có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang ở Hàn Quốc, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người, tại tỉnh Gyeongsangbuk là 18.502 người (trong đó có 333 người tại quận Cheongdo nơi bùng phát dịch).

Trước đây, có 3 đường bay từ Daegu về Hà Nội, Đà Nẵng và Cam Ranh, nhưng từ ngày 17/2 đã dừng bay về Hà Nội và Đà Nẵng, tuyến bay đến Cam Ranh đã không nhận khách mới và bắt đầu ngừng bay từ ngày mai 25/2.

Ngày 23 tháng 2, Hà Nội và Sài Gòn đều họp khẩn, chính quyền bày tỏ mối lo ngại thực sự dịch COVID-19 đe dọa an toàn cộng đồng, đề nghị tất cả các ban ngành vào cuộc quyết liệt, có biện pháp cách li và kiểm soát hiệu quả những người đến từ vùng dịch, triển khai các kịch bản ứng phó khi dịch xảy ra ở các cấp độ quy mô.

Cũng trong ngày 23/2, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan như Giao thông, Công an, Ngoại giao, Bộ Văn hoá Thể thao – Du lịch và Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan; sau khi thống nhất các ý kiến, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng triển khai việc thực hiện tờ khai y tế bắt buộc đối với tất cả các hành khách nhập cảnh từ Hàn Quốc vào Việt Nam từ 15h chiều ngày 23/2 tại tất cả các cửa khẩu. Đối với những trường hợp có một trong các triệu chứng như sốt, ho, khó thở… sẽ được cách ly theo quy định.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 đã quy định cách li bắt buộc với tất cả những người từ 2 tỉnh Daegu và Gyeongbuk, thời gian cách li 14 ngày, với hình thức giống như đã áp dụng đối với những người đến từ các tỉnh có dịch ở Trung Quốc.

Công lệnh vừa phát ra, thì buổi chiều có chuyến bay chở 22 người Hàn Quốc đến từ Jeagu bị Israel từ chối, đã cập cảng Đà Nẵng. Theo quy định thì phải cách li ở bệnh viện Phổi, nhưng cả 22 người đều từ chối, đòi cách li ở khách sạn 5 sao.

Anh bạn tôi thắc mắc, là tại sao không bố trí những khách sạn 5 sao để cách li những người nước ngoài có nhiều tiền, họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua dịch vụ cơ mà mà, sao cứ phải bắt họ đến bệnh viện.

Tôi thấy có một điều kì lạ, SARS-CoV-1 năm 2003 chỉ xảy ra ở những thành phố đông đúc, trong những căn nhà kín như bưng với máy lạnh, càng sang trọng càng dễ bị SARS. Ngược lại, SARS-CoV-1 dường như không thích nông thông, đặc biệt những nơi có nhiều nắng và gió, những căn nhà tềnh toàng không điều hòa nhiệt độ.

SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 cũng có vẻ như vậy.

Hãy nhìn con tàu du lịch sang trong mệnh danh ‘Công chúa Kim cương – Diamond Princess’ được chính phủ Nhật Bản sử dụng làm phương tiện cách li gần 3700 người. Lúc đầu chưa ai có dấu hiệu mắc bệnh, vậy mà 14 ngày sau thảm họa đã xảy ra, 634 người đã bị mắc SARS-CoV-2, trong đó có 2 hành khách tử vong, chưa kể 23 người rời đi chưa được xét nghiệm.

Việt Nam năm 2003 là quốc gia đầu tiên khống chế thành công dịch SARS. Cách của Việt Nam là mở hết các cửa, đón nắng và gió, tắt hết điều hòa, bật quạt bất kể khi nào có thể.

Việc cách li COVID-19 năm nay, chủ yếu sử dụng những doanh trại quân đội, tôi cho rằng đây là một sáng kiến tuyệt vời. Tháng 3 năm 2009 tôi đi sĩ quan dự bị, đóng ở Trường Quân khu Thủ đô, nơi đang được dùng để cách li những người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.

Tháng 3 Sơn Tây mùa hoa cúc
Nở vàng buồn khắp lối tôi đi

Doanh trại chúng tôi ở, giữa đồng và giữa núi, không một bóng dáng nhà dân. Tháng 3, sáng sớm mưa bụi trắng đồng, chiều nắng vàng mênh mông, đêm nằm nghe gió núi ù òa, anh em lấy đủ thứ chèn cửa nhưng vẫn không ngăn được gió. Trong cái điều kiện như thế, tôi tin con vi rút SARS-CoV-2 rất khó để sống nổi, chưa kể những trận gió núi cuốn bay tất cả, vi rút sẽ rất khó để đạt mật độ cao và bám vào chỗ nọ chỗ kia.

Advertisement

Tiền chúng ta cũng cần, nhưng rõ ràng nếu cách li những người Hàn Quốc giàu có ở trong những khách sạn sang trọng, sẽ chẳng khác gì con tàu du lịch mệnh danh ‘Công chúa Kim cương – Diamond Princess’, thảm họa như Nhật Bản đang trải qua là điều chắc chắn không thể tránh khỏi.

Anh bạn hỏi tôi về năng lực phòng chống dịch của Việt Nam.

Tôi biết thế nào anh cũng hỏi điều đó, bởi khi dịch COVID-19 xảy ra, rất nhiều người nghi ngờ năng lực của Việt Nam; không tin rằng số lượng bệnh nhân chỉ dừng ở con số 16.

Có người dè bỉu, rằng Hàn Quốc và Nhật Bản như vậy, mà con số lên tới hàng trăm. Láng giềng chúng ta như Singapore và Thái cũng mắc với con số vượt trội, hay xa xôi như Mỹ và Ý cũng vậy trong khi họ là những cường quốc.

Vậy tại sao một nước kém phát triển như Việt Nam mà số lượng bệnh nhân chỉ có 16?

Xin thưa, ở Việt Nam chỉ một trường hợp nghi ngờ, cả hệ thống phòng chống dịch được kích hoạt, hệ thống ấy đã chạy bất kể ngày đêm, bất kể lễ tết. Từ đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tổ dân phố, cho đến cán bộ phường xã, công an, rồi đến nhân viên y tế cơ sở cùng cán bộ phòng chống dịch tiếp cận, điều tra kĩ càng, yêu cầu khai báo và thực hiện cách li.

Những cán bộ phòng dịch mà tôi biết, có người đến hôm nay chưa được một bữa cơm đúng nghĩa, chưa được một giấc ngủ yên ổn, họ phải chiến đấu và chiến đấu, chiến đấu ngay cả khi đã hết bệnh nhân. Hết bệnh nhân không có nghĩa là hết việc, thậm chí công việc còn nặng nề hơn; họ phải suy nghĩ, phải hành động, phải làm mọi thứ sao cho không có thêm bệnh nhân, nếu có thì đừng để lây thêm, phải cố gắng chặn dịch ngay từ biên giới.

Hãy nghe Đại sứ Mỹ tại Việt Nam – Daniel J. Kritenbrink phát biểu với báo chỉ ở Little Siagon: “Chúng tôi rất hài lòng và ấn tượng về hành động của Chính phủ Việt Nam đối với tình hình dịch bệnh coronavirus. Trong 16 ca bệnh đã xác định ở Việt Nam, có một người đàn ông Mỹ gốc Việt, đã tới Việt Nam sau khi quá cảnh ở Vũ Hán, tôi rất vui để nói rằng chúng tôi đã liên lạc rất sát sao với ông ấy trong suốt thời gian nằm điều trị tại bệnh viện ở Sài Gòn, chúng tôi nghĩ rằng ông ấy đã nhận được sự chữa trị tuyệt vời.”

Tôi biết Bộ Y tế và CDC Hoa Kỳ, hay của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều nhận xét về Việt Nam như Đại sứ Mỹ, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là những lời động viên khích lệ; chúng ta không thể coi đó là thành tích đạt được, để cho phép mình tự mãn, lơi lỏng và chủ quan.

Cuối cùng, anh bạn muốn biết dự báo của tôi về diễn biến dịch tiếp theo. Tôi trả lời rằng, dịch COVID-19 lần này thực sự khó lường, mùng 1 tết tôi dự báo ở Việt Nam dịch sẽ hết vào cuối tháng 3 đầu tháng 4, số người mắc chỉ dừng ở con số 20.

Bây giờ tôi xin điều chỉnh lại: Dịch COVID-19 sẽ kéo dài 1,5 – 2 năm, chia làm 3 đợt.

Đợt 1 chính lần này sẽ kết thúc vào tháng cuối tháng 5, số người nhiễm ở Việt Nam khoảng 30, biên độ dao động tôi cộng trừ 10, tức là số người Việt nhiễm bệnh từ 20 – 40.

Đợt 2 diễn ra vào dịp Đông – Xuân sang năm, quy mô sẽ giảm hơn, tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn, Việt Nam cũng sẽ khống chế được dịch nhưng vất vả.

Đợt 3 là quãng thời gian cuối hè sang thu, vi rút SARS-CoV-2 thoi thóp và yếu dần, sẽ chuyển sang lây bệnh thường quy giống như cúm mùa.

Điều quan trọng là ngay từ bây giờ SARS-CoV-2 đã lây lan với tốc độ rất nhanh, các quốc gia không có bệnh nhân số 0, nghĩa là vi rút lây trong cộng đồng nên rất khó kiểm soát. Mọi sự chủ quan và lơi lỏng sẽ phải trả giá rất đắt.

Giới thiệu Nguyễn Quang Nhật

Tên: Nguyễn Quang Nhật Ngày sinh:27/07/2000 Quê quán: Tp.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Check Also

[Uptodate] Sách “TIẾP CẬN TÂM LÝ BAN ĐẦU CHO NVYT TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ AN YÊN”

Sách “TIẾP CẬN TÂM LÝ BAN ĐẦU CHO NVYT TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19: CON ĐƯỜNG …